4 chàng trai thú vị nhà Sun* lần đầu chia sẻ 'bí thuật' trong giao tiếp

Không thể bàn cãi, giao tiếp chính là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21, Sunners nhỉ? Bằng chứng cho thấy, trong cuộc sống, hơn 70% những người có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ rất thành công trong tất cả các mối quan hệ của mình. Các Sunners dưới đây với những tuyệt chiêu giao tiếp của riêng mình là một minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

Hãy cùng Sun* News gặp gỡ các "Thánh giao tiếp" nhà Sun* và tìm hiểu về những bí quyết giao tiếp của họ để xem điều gì tạo nên sức hút của các Sunner này nhé!

Bí quyết số 1: Luôn luôn lắng nghe và đặt câu hỏi đúng

Lúc mới vào công ty, mọi người đã đặt cho mình biệt danh là "Chủ tịch hội nhà văn" vì cách nói chuyện của mình có một chút văn vở, triết lý nhân sinh và đi được vào lòng người. 

Thế mạnh khi giao tiếp của mình là biết lắng nghe và mình nghĩ đây là skill cực kỳ cần thiết đối với một người giao tiếp tốt, vì khi lắng nghe, mình có thể nắm bắt được suy nghĩ, cảm xúc của đối phương. 

Đối với khách hàng, lắng nghe giúp mình hiểu được yêu cầu của khách cặn kẽ hơn, từ đó, có thể đưa ra những đóng góp cải thiện cho chất lượng sản phẩm của khách hàng. Đối với anh em members, việc lắng nghe anh em giúp mình hiểu được nguyên nhân và cách xử lý những issue phát sinh trong quá trình execution dự án.  

Ngoài lắng nghe ra, việc đặt câu hỏi đúng cũng là một phần quan trọng trong giao tiếp. Đặt câu hỏi đúng giúp đối phương hiểu được rằng mình có theo dõi câu chuyện của họ và giúp thúc đẩy câu chuyện của hai bên đi cùng một hướng. 

Đối với khách hàng, việc đặt câu hỏi đúng sẽ giúp khách hàng yên tâm rằng business của khách đang được mình hiểu một cách chính xác và sâu sắc. Điều này giúp tạo niềm tin và độ hài lòng của khách hàng đối với bản thân mình và công ty. Lấy một ví dụ cụ thể; trong các đợt CSS đo độ hài lòng của khách hàng thì dự án mình làm BrSE và PSM đều được đánh giá trên 90 điểm CSS. 

Tóm lại, tầm quan trọng của lắng nghe trong giao tiếp là để biết mình sai hay đúng, để học tập và tích luỹ kinh nghiệm, rèn tính kiên nhẫn, thu nhận ý kiến, để thực hiện tốt sự hướng dẫn của người nói, giúp chúng ta hiểu được nhu cầu, tâm trạng, khó khăn của đối tượng giao tiếp, từ đó xây dựng mối quan hệ, dễ dàng kết bạn và giải quyết các xung đột khi có sự cố phát sinh. 

Hoàng Hiệp - CEV11


 

Bí quyết 2: Giao tiếp phi ngôn từ

Ở công ty, mọi người thường gọi mình là "Tuấn B" hoặc "A Tún". Tuấn B là do tên mình trùng tên với anh Ngọc Tuấn Manager, nhưng không biết có phải do có thêm chữ B vào hay không mà trông mình béo hơn anh ý một tẹo thật! (Cười) A Tún thì nghe vui tai, giống kiểu tên Tàu khựa hoặc mấy cái tên dân tộc ở vùng cao biên giới Tây Bắc như A Phủ A Sử A Phì ấy. (Với cả ở bên Tây Ban Nha có 1 con vịt tên là Atún đó!)  

Phong cách giao tiếp của mình có đôi chút giống giao tiếp phi ngôn từ. Đây là cách giao tiếp thay vì biểu đạt bằng ngôn từ sẽ sử dụng toàn bộ các yếu tố phi ngôn từ như giọng nói (Ngữ điệu, chất giọng, độ cao…) và hình ảnh (Nét mặt, dáng vẻ, trang phục, di chuyển…). Điều này góp phần tạo sự gần gũi, thân thiện, tạo cảm giác nhẹ nhàng khi giao tiếp với mọi người xung quanh.  

Luôn luôn lắng nghe "tâm tư tình cảm" của người khác, thay vì tập trung vào những điều hoa mỹ thì từ giọng nói, ngữ điệu, phát âm, biến điệu, cường độ nói, phân nhịp, tốc độ nói, âm lượng, độ cao của giọng nói đến dáng điệu cử chỉ, ánh mắt, tay chân.... mình sẽ bộc lộ sự chân thành một cách rất tự nhiên và khiến người bên cạnh cảm thấy thoải mái nhất có thể. 

Cá nhân mình mong muốn mang lại một chút niềm vui nho nhỏ và tạo cảm giác dễ chịu, cho nên mình thường gặp mọi người với tâm trạng vui vẻ tích cực. Đối với mình, việc giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp nhiệt tình trong khả năng của mình là một điều hạnh phúc! 

Ngọc Tuấn - DEU
 

Bí quyết 3: Chủ động bắt chuyện

Mình có 2 biệt danh là "Gấu" và "Meme chúa". "Gấu" là biệt danh gắn liền với mình từ thời Đại học. Với mình thì hình ảnh chú gấu mang ý nghĩa: sự tò mò, ấm áp, mạnh mẽ,... nhưng cũng rất ấm áp, thân thiện, dễ thương. Còn "Meme chúa" là do trên Facebook cá nhân mình share rất nhiều meme. Nhiều người nói rằng: khi không biết làm gì, họ sẽ vào trang cá nhân của mình để xem meme, họ không cần tìm gì nhiều vì các meme mình share khá chất lượng rồi! (Cười) 
 

Mình nghĩ thế mạnh trong giao tiếp của mình là bắt chuyện, đó từng là kỹ năng yếu nhất của mình. Trước đây thì mình rất ngại giao tiếp, vì khi nói chuyện ngoài đời hay nhắn tin trên mạng, mình đều không biết làm sao để bắt chuyện được với mọi người. Sau thời gian dài "khổ luyện" thì giờ mình có thể tự tin giao tiếp thoải mái và kỹ năng "bắt chuyện" cũng trở thành tuyệt chiêu của mình. 

Để bắt chuyện tốt hơn thì bí quyết của mình là "hãy thoải mái tư tưởng, mọi người đều mờ mịt". Mình nghĩ lí do 1 số người ngại, không dám bắt chuyện là vì chúng ta sợ bị người khác đánh giá. Mình khuyên mọi người hãy luôn nhớ rằng: trước khi quen nhau, thân thiết ở mức độ nhất định thì bạn trong mắt người khác đều là một màn sương mờ. Họ không biết gì về bạn, nên việc gì phải lo sợ ngại ngùng khi bạn có thể là bất cứ ai mà bạn muốn. 

Khi không còn vấn đề về tâm lý nữa, thì vấn đề còn lại là "bắt chuyện thế nào?". Với vấn đề này thì lời khuyên của mình là hãy chú ý quan sát, tìm ra đặc điểm của người/tập thể bạn muốn làm quen. Đặc điểm này có thể là quần áo, trang sức, chủ đề chung, sở thích,... Sau đó chọn ra 1 số điểm mà mình có hiểu biết hoặc có hứng thú. Tiếp đến chỉ cần tiến tới bắt chuyện bằng cách đặt câu hỏi là được! 

Minh Nhật - R&D
 

Bí quyết 4: Nghệ thuật giao tiếp cao nhất là sự chân thành

Những người thân thiết thì thường hay gọi mình với biệt danh "Tiến Tài". Biệt danh mà mình muốn là Tiền Tiền Tỉ với hi vọng sau này có thật nhiều tiền nhưng mà mình nghĩ có Tiền mà thiếu đi tài năng cũng không tốt nên đã đổi thành Tiến Tiền Tài.=)) Và từ đó mọi người hay gọi ngắn là Tiến Tài. Biệt danh này nhiều lúc cũng khiến đối phương hiểu lầm và gọi mình là anh Tài. Nghe hơi trẻ trâu nhưng dù sao nó cũng mang dấu ấn thời gian và dấu ấn cá nhân của bản thân mình nên không sao. 

Mình nghĩ điểm đặc biệt nhất trong giao tiếp của mình là giao tiếp một cách chân thành với đối phương. Mình luôn bắt đầu mỗi buổi nói chuyện bằng nụ cười thiện chí và những lời nói chân thành. Khi trò chuyện, mình thường suy nghĩ cảm nhận, quan điểm của đối phương trước, và từ sự "Chân thành" đó sẽ khiến đối phương có sự tin tưởng để trao đổi giao tiếp với mình.  

Khi chia sẻ quan điểm chủ quan, sẽ không khỏi gặp những ý kiến trái chiều, không đồng tình. Tất nhiên là với tâm lý tôn trọng người nói (chúng ta), thì người nghe có thể sẽ không bày tỏ trực tiếp mà sẽ đề cập thông qua các bản khảo sát, hoặc đề cập qua Sếp. Ta nên giữ vững quan điểm rằng "luôn luôn có sự phản bác với ý kiến bản thân mình" trong suốt quá trình giao tiếp. 

Vì thế, trước khi bày tỏ ý kiến cá nhân, nên có những câu mào đầu như "Theo quan điểm của tôi...", "tôi nghĩ là ....", "chắc mọi người có nhiều suy nghĩa khác nhau nhưng theo tôi ....". Chúng ta giao tiếp thành công khi mà người nghe thấy cuộc trò chuyện đó có giá trị với họ, và họ sẽ thực hiện hành động nào đó do tác động giao tiếp của chúng ta. 

Ví dụ: Tôi giới thiệu về Sun* với người bạn. Và người bạn tham gia ứng tuyển vào Sun* chẳng hạn! 

Mạnh Tiến - CEV06
 

Giao tiếp thành công là một nghệ thuật, mà người giao tiếp tốt là một nghệ sĩ, họ phải linh hoạt biến một bản nhạc bình thường trở nên có tiết tấu thú vị và thu hút người nghe. Giao tiếp là một kỹ năng mềm thực sự cần thiết sẽ giúp chúng ta kết nối được nhiều hơn, xác suất thành công trong cuộc sống cũng cao hơn. 

Hi vọng rằng với những bí quyết của 4 anh chàng thú vị trên, Sunner nhà ta đã tìm cho riêng mình những phương thức giao tiếp hiệu quả và phù hợp.