Bùng nổ mạng xã hội “Made in Việt Nam”: Cuộc đua liệu có hồi kết?

Cuộc chạy đua của các mạng xã hội quốc nội nhằm tiếp cận thị trường người dùng tiềm năng tại Việt Nam đang ngày càng trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết.

Qua thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong top 10 nước có số lượng người dùng Facebook lớn nhất toàn cầu. Nhu cầu sử dụng và mức độ quan tâm cực lớn đó kéo theo những vấn đề về bảo mật data. Đặc biệt là khi Bộ Thông tin và Truyền thông gần đây liên tục đưa ra các cảnh báo về vấn đề bảo mật thông tin cũng như hạn chế tuân thủ pháp luật sở tại của Facebook, nhiều người cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phát triển một mạng xã hội riêng của Việt Nam.

Theo ICTNews: “Thực tế cho thấy không phải quốc gia nào cũng chỉ sử dụng 100% Facebook. Rất nhiều nước đã có mạng xã hội của riêng mình, có thể kể đến QQ, WeChat của Trung Quốc, Kakaotalk của Hàn Quốc, VK (VKontakte) của Nga. Như vậy, việc Việt Nam muốn xây dựng mạng xã hội cho riêng mình là điều dễ hiểu”.

Xuất phát từ bối cảnh này, có nhiều doanh nghiệp đã rục rịch ý tưởng xây dựng một mạng xã hội dành riêng cho người Việt, không ít trong số đó đã bước đầu được ra mắt công chúng.

1. Zalo 

Tại Việt Nam, Zalo là mạng xã hội nội địa có độ phổ biến cao bên cạnh Facebook và YouTube, với khoảng 40 triệu người sử dụng. Con số này phản ánh một kết quả khả quan, đến một nửa người dân Việt Nam sử dụng Zalo và bằng gần 70% số tài khoản Facebook. Những số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ rằng, trung bình mỗi ngày một người Việt Nam dành 3,55 giờ cho Facebook, còn với Zalo là 2,21 giờ - một thời lượng không quá chênh lệch. 

Nguồn ảnh: Internet

Rõ ràng các tính năng của Facebook đa dạng hơn, nên xét về xu hướng sử dụng, Facebook Messenger cũng có tính phổ biến hơn trong cộng đồng người dùng, đặc biệt là nhóm bạn bè bởi độ phủ của mình. Trong khi đó, Zalo được coi là chiếm ưu thế trong việc trao đổi cá nhân, hẹn hò. Bên cạnh đó, ứng dụng “made in Vietnam” này còn khá được yêu thích trong mục đích công việc nhờ tính năng gửi hình ảnh hiệu quả, giữ nguyên chất lượng và tốc độ truyền tải nhanh.

Có thể nói rằng, sự ra mắt và các bước tiến nhanh chóng của Zalo là minh chứng để chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan vào khả năng cạnh tranh khai thác thị trường mạng xã hội trong nước với các tên tuổi lớn quốc tế. 

2. Hahalolo

Đầu năm 2018, chúng ta bắt gặp một cái tên khá bắt tai “Hahalolo” - với danh xưng là mạng xã hội du lịch đầu tiên do người Việt phát triển. Dễ dàng nhận thấy giống như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube,... Hahalolo có chức năng kết nối bạn bè, trò chuyện, chia sẻ thông tin... Nhưng ở ứng dụng này lại có một ưu thế nhằm trở thành tiền đề để hướng đến mục tiêu thay thế các Mạng xã hội khác tại thị trường Việt Nam. Trên Website chính thức Hahalolo tuyên bố như sau: “Chỉ trên cùng một không gian của mạng xã hội Hahalolo người dùng đồng thời có thể đặt khách sạn, đặt tour, mua vé máy bay, mua sắm, chia sẻ những trải nghiệm du lịch và kết nối với bạn bè”.

Nguồn ảnh: Internet

Tất cả câu hỏi của người dùng về các vấn đề xoay quanh du lịch sẽ được app giải quyết. Dự án do một startup trẻ tại Việt Nam thực hiện. Hiện tại, Hahalolo.com đã ra mắt người dùng ứng dụng thử nghiệm và nhận được những phản hồi tích cực. Tuy nhiên sau hơn một năm vận hành, cái tên này đã dần giảm nhiệt, hãy cùng chờ đợi các bước đi tiếp theo của Hahalolo trong tương lai.

3. Biztime

Được quảng bá rầm rộ là “đối thủ có khả năng cạnh tranh cao đối với Facebook” – mạng xã hội Biztime lần đầu xuất hiện vào 8/2018 và đang trong giai đoạn hoàn thiện dần. Do các tính năng, hình thức khá tương tự Facebook, Biztime từng bị nhận xét là bản sao của “mạng xã hội quốc dân”này.

Nguồn ảnh: Internet

Nhìn vào giao diện, nhiều người dùng cho rằng ứng dụng này “nhái” lại Facebook đến trên 90%. Tuy nhiên CEO của Biztime cho rằng: “Với giao diện này, người dùng sẽ không bị bỡ ngỡ khi chuyển từ Facebook sang Biztime”.

Vị CEO trẻ cũng hào hứng chia sẻ về mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái có đầy đủ các tính năng chia sẻ thông tin, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến... kèm theo đó là ứng dụng gửi tin nhắn, ví điện tử...hoạt động với cả phiên bản web và app di động. Không gói gọn trong thị trường nội địa, nhằm vươn tầm quốc tế mà trước mắt là khu vực Đông Nam Á, BizTime đang cập nhật thêm các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên hiện tại hệ thống cũng như tốc độ chạy của ứng dụng này còn chưa tối ưu nên việc vận hành không thật sự mượt như kì vọng.

4. Gapo

Ngày 23/7, mạng xã hội Gapo do công ty cổ phần công nghệ Gapo (thuộc Tập đoàn G (G-Group) do ông Phùng Anh Tuấn làm chủ tịch) chính thức ra mắt với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng đến năm 2021. 

Được xây dựng từ tháng 4/2019, ứng dụng này được đội ngũ phát triển kì vọng sẽ là cái tên nổi bật trong số các mạng xã hội nội địa.

Nguồn ảnh: Internet

Đáp ứng đầy đủ các tính năng cơ bản như đăng bài viết, hình ảnh, video, kết bạn, trò chuyện trực tuyến… Gapo còn tham vọng đánh mạnh vào livestream và viết blog. 

Khắc phục yếu tố bảo mật và xác minh chưa tối ưu của Facebook, ứng dụng của G-Group yêu cầu người dùng định danh tài khoản thông qua giấy tờ tuỳ thân. Nhằm thúc đẩy việc đăng kí tham gia một cách nghiêm túc, Gapo đưa ra thông tin về việc chia sẻ doanh thu với những người dùng định danh trong tương lai. 

Ngay sau khi chào sân, mạng xã hội này nhận được nhiều phản ánh bất ngờ khi không thể đăng nhập, đăng ký tài khoản mới, đăng bài viết... Sau quá trình xem xét và điều chỉnh, tối 24/7, Gapo đã tạm ngưng hoạt động để nâng cấp và sửa lỗi. Hiện tại ứng dụng vẫn chưa đưa ra thông báo về ngày tái hoạt động.

5. Lotus

Đầu tháng 8/2019 dự án Mạng xã hội “made in Vietnam” được thành lập, đầu tư và triển khai bởi VCCorp gây xôn xao giới truyền thông. Ra mắt với tên gọi quốc hoa của Việt Nam - Lotus là mạng xã hội mới nhận được kì vọng lớn từ cộng đồng.

Lotus định hướng tạo nên sự khác biệt khi lấy nội dung làm trọng tâm như chia sẻ từ công ty chủ quản: “Lotus tạo nên một nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng. Lotus cũng sử dụng AI để chọn lọc, “truy tìm” những nội dung vi phạm như: bán hàng giả, đa cấp, lừa đảo, tin giả… hoặc khi người dùng post lên một bản đồ sai, Lotus cũng có thuật toán để phát hiện và xử lý kịp thời.”

Nguồn ảnh: Internet

Đặc biệt, khai thác tính hấp dẫn của hình thức chia sẻ nội dung hữu ích nhận về tiền ảo, Lotus thu hút giới trẻ khi đưa vào token - tạo ra thu nhập thật trên thế giới ảo. Người dùng không chỉ được chia sẻ các thông tin, trải nghiệm mới mẻ mà còn có cơ hội tham gia các thử thách, nhiệm vụ, nhận quà. Đây là một hướng khá mới để lan tỏa những giá trị tốt đẹp và hữu ích.

Với đội ngũ hùng hậu - hơn 200 kĩ sư trong các lĩnh vực ứng dụng di động như AI, Big Data, Cloud Computing,...VCCorp bày tỏ sự tự tin vào việc ứng dụng này sẽ trở thành ngôi sao mới trong số các mạng xã hội nội địa sau khi chính thức ra mắt bản beta vào giữa tháng 9 tới đây. Tham vọng này thể hiện rõ qua phát biểu:“VCCorp kỳ vọng Lotus sẽ đạt mốc 4 triệu người dùng/ngày, con số này rất có ý nghĩa bởi khi đạt được 4 triệu người dùng, các nhược điểm kỹ thuật sẽ được bộc lộ, từ đó sẽ có những hướng phát triển mới.”

Huy động được số vốn hùng hậu với hơn 700 tỷ tự thân và các nhà đầu tư nội địa, VCCorp dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ trong giai đoạn đầu để sẵn sàng cho việc phát triển lâu dài.

Tạm kết

Trong bối cảnh thời đại số hóa phát triển không ngừng tại Việt Nam, nơi mà thị trường người dùng ngày càng thể hiện những tiềm năng khổng lồ thì sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội nội địa có lẽ sẽ còn là một cuộc đua không có hồi kết. 

Gác qua một bên những bất cập về tính năng chưa thể hoàn thiện trong ngày một ngày hai, rõ ràng việc các tên tuổi “made in Vietnam” không ngừng sáng tạo nhằm xây dựng các mạng xã hội mang dấu ấn riêng của trí tuệ nước nhà là vô cùng đáng khích lệ. 

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực trong việc tăng cường bảo mật data người Việt trước sự tự ý khai thác của các thương hiệu quốc tế. Mặt khác, cuộc đua mang tính cạnh tranh cao nói trên buộc các hãng phải không ngừng phát triển, hoàn thiện các tiện ích tối ưu nhất, đẩy cao lợi ích của người dùng.

Trên thực tế, nhiều người vẫn còn dành cho các mạng xã hội nội địa của Việt Nam cái nhìn khá khắt khe, kèm theo đó là các e ngại về chất lượng dịch vụ, tốc độ hệ thống, tính thân thiện của giao diện… Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể tự hào và lạc quan vào một tương lai tươi sáng với sự nở rộ của mạng xã hội “made in Vietnam”, bởi dù thất bại hay thành công, đây cũng là những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển xã hội và khẳng định vị thế của trí tuệ Việt trên bản đồ công nghệ toàn cầu.