Cập nhật: Tình hình Covid-19 phức tạp, Sunner 3 miền cần cảnh giác cao độ

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh đó, Ban Giám đốc Sun* đã đưa ra thông báo mới nhất về một số biện pháp chống dịch cụ thể cho từng văn phòng.

Sáng 16/2, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca dương tính nCoV trong nước, trong đó Hải Dương 2 ca. Hiện tỉnh Hải Dương đã thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ 0 giờ ngày 16/2/2021.

Như vậy, tính từ 28/1 đến 16/2, Bộ Y tế ghi nhận 679 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở 13 tỉnh, thành, gồm: Hải Dương (501), Quảng Ninh (59), TP HCM (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3). Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca. Hải Phòng, Hà Giang mỗi nơi một ca. 

Tổng số ca nhiễm của cả nước đến nay là 2.271. Trong đó có 1.541 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và 35 ca tử vong. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 15/2 (mùng 4 Tết), Thủ tướng nhất trí TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao; cần chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra. 

Hà Nội: Đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê từ ngày 16/2

Theo CDC Hà Nội, nguy cơ BN người Nhật có thể phát bệnh từ ngày 2-2, cho nên nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng rất cao. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có những bệnh nhân Covid-19 mới, nhưng chưa rõ nguồn gốc lây lan, có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn. Chính vì thế, Hà Nội triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn, bắt đầu từ việc yêu cầu đóng cửa quán ăn đường phố, quán cà phê, trà đá; tạm thời dừng mở cửa các di tích từ 0h ngày 16/2.

Ngoài ra, từ ngày 16-2, người dân các tỉnh trở về Thủ đô làm việc, trong đó có người về từ vùng dịch cần khai báo y tế, đặc biệt là những người trở về từ vùng có dịch. Riêng đối với những người đi từ vùng dịch Hải Dương đến Hà Nội phải chủ động khai báo y tế bắt buộc với tổ y tế cộng đồng tại nơi cư trú, khuyến cáo người dân tự cách ly tại nhà, không di chuyển ra ngoài cộng đồng khi không cần thiết.

Riêng đối với người dân từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) khi đến Hà Nội phải chủ động khai báo và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cách ly y tế bắt buộc, không được đi ra ngoài cộng đồng.

(Nguồn ảnh: https://vinalive.vn/)

Hồ Chí Minh: Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt cho biết, tính đến thời điểm sáng 15-2, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tương đối ổn định, cơ bản đã được kiểm soát với 36 ca bệnh được ghi nhận, trong đó cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là từ ổ dịch trong nhóm công nhân bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh lấy mẫu tầm soát COVID-19 hành khách đến từ 3 sân bay phía Bắc. Theo đó, mỗi ngày Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố sẽ lấy 200 mẫu, được lựa chọn ngẫu nhiên trong số các hành khách của các chuyến bay đến từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng) để tầm soát COVID-19.

TP Hồ Chí Minh sẽ lấy mẫu tầm soát COVID-19 ngẫu nhiên hành khách đến từ 3 sân bay phía Bắc. Ảnh: CTV https://baotintuc.vn/

Đà Nẵng: Không chủ quan trước tình hình phức tạp

Hiện tại, ở đợt bùng dịch này, Đà Nẵng chưa ghi nhận ca nhiễm mới. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan trước tình hình dịch bệnh phức tạp cũng như thực trạng người dân các tỉnh thành khác trở lại Đà Nẵng sau Tết.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng đã đưa ra thông báo các biện pháp giám sát, cách ly đối với trường hợp công dân trở về thành phố Đà Nẵng từ các địa phương khác. Cụ thể, sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày (tính từ ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây hoặc ngày rời khỏi địa phương) đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1); người từng đi đến, trở về từ TP.Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh); người từng đi đến, về từ các khu vực đang bị phong tỏa trên cả nước (áp dụng đến khi khu vực hết phong tỏa).

Hướng dẫn chi tiết tại đây.

Tin vui: 5 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam sớm nhất vào cuối tháng 2 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Bộ Y tế cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin theo chương trình COVAX. Cuối tháng này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vắc xin theo 2 nguồn là nguồn từ chương trình COVAX là 4,8 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều, như vậy, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất. Như vậy, đợt đầu có thể tiêm cho 5 triệu người

Người tiêm tình nguyện vắc xin COVID-19 "made in Việt Nam" giai đoạn 1 tại Học viện Quân Y (Nguồn: Internet)

Lưu ý

Để thuận tiện cho việc trở lại sau Tết Nguyên Đán, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, các Sunner nên chú ý những điểm sau:

- Thường xuyên cập nhật các thông báo mới nhất từ Công ty: https://www.chatwork.com/#!rid161640582-1413370155655757825 

- Các trường hợp từ F0-F4 làm việc remote 14 ngày theo chỉ đạo của các cấp quản lý

- Thực hiện nghiêm ngặt quy tắc 5K của Bộ Y tế

- Tránh các hoạt động tập trung đông người như Teambuilding, event, lễ hội, ...

- Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn/; ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ.

- Tham khảo các thông tin chính thống về dịch bệnh bằng cách Cài đặt ngay 5 ứng dụng này để chủ động phòng chống COVID-19

Như vậy, hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp dù đã có một số nơi cơ bản kiểm soát được. Tuy nhiên, để chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh, các Sunner vẫn cần theo dõi tin tức và thực hiện theo đúng chỉ thị, hướng dẫn từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền, cũng như từ Công ty. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có những ngày làm việc đầu năm an toàn, khởi đầu một năm mới khởi sắc rực rỡ giữa nhiều khó khăn. 

Nguồn tổng hợp: 

https://vietnamnet.vn/
https://ncov.moh.gov.vn/
https://nhandan.com.vn/
https://thanhnien.vn/
https://danang.gov.vn/viruscorona/

#Sun* phòng Covid-19