Chúng ta muốn - quá - nhiều, nhưng làm lại chẳng được bao nhiêu!

Có bao giờ bạn tự hỏi, mình đang chạy theo điều gì? Có khi nào bạn thắc mắc, liệu bạn sẽ gánh vác những mệt mỏi này đến bao giờ? Tại sao chất lượng công việc cứ mãi "dậm chân tại chỗ" trong khi bận rộn đến mức không có thời gian để thở? Nguyên do là vì chúng ta muốn - quá - nhiều, nhưng làm lại chẳng được bao nhiêu. Hãy thử nguyên tắc của vị tỷ phú bận rộn nhất hành tinh - Warren Buffett để đơn giản hóa cuộc sống và tối đa hóa hiệu quả công việc xem sao nhé!

Nhắc đến một trong những người giàu nhất thế giới với tổng tài sản lên đến hàng tỷ đô la, không thể không nhắc đến tỷ phú Warren Buffett - người được mệnh danh là nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử hiện đại. Ông hiện là Chủ tịch, CEO, cổ đông lớn nhất của Berkshire Hathaway - Công ty cổ phần đa quốc gia có trụ sở chính tại Omaha. 

Tỷ phú Warren Buffett được mệnh danh là “Huyền thoại đến từ Omaha” hay “hiền tài xứ Omaha” nhờ những triết lý kinh doanh đúng đắn cùng lối sống giản dị đến bất ngờ. Trong đó, "nguyên tắc 20 ngăn tủ" của ông là một trong những triết lý nổi tiếng và được áp dụng rộng rãi vì tính thực tế và hiệu quả mang lại.

Tỷ phú Warren Buffett và nguyên tắc "20 ngăn tủ" (Nguồn ảnh: Internet)

Khi Warren giảng dạy tại các trường kinh doanh, ông nói: 

“Tôi có thể cải thiện phúc lợi tài chính cuối cùng của bạn bằng cách đưa cho bạn một "chiếc thẻ" có thể mở được 20 ngăn tủ – tượng trưng cho tất cả các mục tiêu mà bạn “có thể” muốn thực hiện trong cuộc đời. Khi dùng "chiếc thẻ" để mở một ngăn tủ, bạn sẽ không thể có thêm cơ hội khác”. 

Câu nói trên của ông có ý rằng, chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ càng để quyết định sẽ làm gì và buộc phải tập trung vào những điều mình thực sự nghĩ tới. Vì chỉ khi thực sự dồn hết sức lực thì chúng ta mới có thể thực hiện điều đó tốt hơn nhiều lần, vượt xa giới hạn của bản thân. 

Ai trong chúng ta đều mong muốn công việc và cuộc sống của mình dễ dàng, tạm hiểu là “bạn sẽ có ít công việc hơn và có nhiều thời gian lẫn tâm sức để giải quyết những công việc thật sự quan trọng hơn”. Nhưng làm sao để đạt được nó? Vấn đề sẽ nằm ở việc bạn đã tập trung có chọn lọc, tập trung tuyệt đối và đơn giản hóa mọi việc chưa! 

"Liệu cơm gắp mắm" và tập trung có chọn lọc 

Tại sao việc tập trung có chọn lọc lại quan trọng? 

Tập trung có chọn lọc cụ thể như thế nào? 

Sự thật chứng minh, tỷ lệ thành công của bạn phụ thuộc vào khả năng tập trung tâm trí và năng lượng vào một nhiệm vụ nhất định. Nếu muốn nắm vững một kỹ năng thực sự thì chúng ta phải học cách lựa chọn điều gì quan trọng và xứng đáng để đầu tư thời gian. Nói một cách khác, hãy dành một ngăn tủ để thực hiện nó. 

Mọi sự rối não đều xuất phát từ việc không tập trung có chọn lọc (Nguồn ảnh: Internet)

Con người ai cũng muốn mọi việc diễn ra suôn sẻ theo đúng dự tính của mình. Nhưng đôi khi, để đạt được điều đó, chúng ta phải chấp nhận loại bỏ vài thứ “tốt” để dành chỗ cho những thứ “tuyệt vời”, tập trung vào số ít nhiệm vụ quan trọng và không được xao lãng. 

Thay vì cố gắng làm tất cả mọi thứ cùng lúc hay “lăn xả” quá mức những công việc vượt quá năng lực thì chúng ta có thể tập trung hoàn thành tốt một số việc trong một khoảng thời gian nhất định, “Stay focused” vào công việc hiện tại cần được ưu tiên giải quyết trước khi nhảy sang một mục tiêu mới, nhiệm vụ mới. 

Làm việc trong ngành IT, chúng ta lại càng cần tập trung có chọn lọc. Dù ở vị trí nào, dù Sunner là Dev hay QA, BrSE, Comtor hoặc thậm chí ở các bộ phận Non-CEV khác thì đây luôn là yếu tố tiên quyết để quyết định sự thành công. Khi bắt đầu một dự án, chúng ta luôn cần ưu tiên các công việc cần thiết, xác định rõ các nhiệm vụ quan trọng cần tập trung hoàn thành nhất lúc ấy, tránh lan man hoặc “ôm việc” vào người một cách không chọn lọc. Hãy buộc bản thân phải dùng tất cả sức lực khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó! Đây cũng chính là điều Warren Buffett muốn nhấn mạnh trong nguyên tắc 20 ngăn tủ của ông. 

Nguyên tắc này không chỉ hữu ích đối với các khoản đầu tư tài chính mà còn là một cách tiếp cận hợp lý đối với việc đầu tư thời gian. Sau khi thực sự hiểu được ý nghĩa của việc tâp trung có chọn lọc, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn về những gì mình làm, thả lỏng bản thân và hơn hết là có thể dành được nhiều thời gian và năng lượng cho những thứ ngoài công việc. Cứ như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn, chất lượng hơn. 

#Ngưng phức tạp và tập trung tuyệt đối vào mục đích của mình

Có một vấn đề mà bất kỳ ai trong chúng ta đều dễ dàng gặp phải, đó là ít người thực sự “tập trung tuyệt đối” cho một kỹ năng hoặc một mục tiêu duy nhất trong thời gian dài. Chúng ta hay gặp tình trạng mất kiên nhẫn, bị thu hút bởi những ý tưởng mới, con đường mới, thách thức mới…. để rồi không nghiên cứu cẩn thận cũng như không tập trung toàn bộ tâm trí vào một mục tiêu trong thời gian dài. Chúng ta cứ mãi "phức tạp hóa" mọi thứ và cứ như thế, chúng ta dễ bỏ cuộc khi đang ở rất gần mục tiêu.  

Đơn giản hóa mọi thứ và tập trung tuyệt đối, chìa khóa để chúng ta thoải mái tinh thần hơn mỗi ngày (Nguồn ảnh: Internet)

Nói đâu xa, đơn cử như trong công việc thường ngày của Dev chẳng hạn. Điều cần nhất ở Dev là sự cẩn trọng, tỉ mỉ, tập trung trí lực và dành toàn bộ tiềm lực để hoàn thành tốt công việc, mục tiêu đặt ra. Nếu như một anh chàng Dev phải chạy song song 2 dự án cùng lúc, thậm chí là 3-4 dự án cùng giai đoạn thì chắc chắn tỷ lệ hoàn thành tất cả các task mà anh ấy đảm nhiệm sẽ không cao như kỳ vọng. Vậy nên biết cân đối công việc phù hợp với năng lực là điều rất quan trọng. 

Trong nguyên tắc 20 ngăn tủ có nhắc đến: 

“Nếu bạn xem cuộc sống của mình như một chiếc tủ 20 ngăn, mỗi ngăn là một khoảng thời gian làm việc tập trung trong 2 năm, bạn có thể dễ dàng tưởng tượng lợi ích bạn có được bằng cách tập trung tuyệt đối vào một nhiệm vụ quan trọng. Càng tập trung, bạn càng có thể đạt được nhiều mục tiêu như mình mong muốn”.

Dù rằng để kiên trì với mục tiêu trong thời gian đủ dài cũng không hề đơn giản, thậm chí rất nhiều người đã chấp nhận bỏ cuộc giữa chừng trước khi đạt được kết quả nhưng tin chắc rằng, chỉ cần chúng ta dồn mọi nguồn lực và tập trung trí lực tuyệt đối thì “ông trời sẽ không phụ người có lòng”.

Mỗi chúng ta đều nắm giữ một chiếc “thẻ cuộc sống” và chiếc thẻ ấy đều có giá trị như nhau. Nếu chúng ta cứ mãi cân nhắc xem bản thân có thể làm chủ được bao nhiêu thứ trong cuộc đời và chạy theo những việc làm ấy một cách không chọn lọc, không tập trung tuyệt đối thì chiếc thẻ sẽ không mở được nhiều ngăn tủ như mình mong muốn. Đừng lãng phí những ngăn tủ của mình cho những việc ít quan trong và không cấp thiết. Hãy suy nghĩ cẩn thận, đưa ra quyết định và tập trung toàn bộ năng lượng để đơn giản hóa cuộc sống và tối đa hóa hiệu quả công việc, Sunner nhé!