#Làm nghề: IT Comtor to BrSE và câu chuyện nghề nghiệp thú vị của những con người thích trải nghiệm

Để trở thành một BrSE chuyên nghiệp không phải là điều đơn giản. Những nhân vật trong bài viết dưới đây sẽ cho bạn thấy nhiều góc độ mới mẻ khi trải nghiệm học tập và rèn luyện cùng nghề nghiệp này.

Năm 2018, năm của khẩu hiệu We are platform for start up, Sun* Inc. chuyển mình mạnh mẽ cùng những chiến lược và kế hoạch hấp dẫn. Đồng hành với định hướng mới mẻ ấy của Công ty, không ít vị trí, bộ phận của Sun* cũng tích cực đổi mới mình để phù hợp hơn với thời cuộc và tạo ra thật nhiều những giá trị “Awesome”.

Ở số báo lần này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những gương mặt BrSE xuất sắc vượt qua khóa học IT Comtor to BrSE, để hiểu rõ hơn những trải nghiệm và cảm xúc của họ, khi chấp nhận dấn thân vào một thử thách nghề nghiệp mới.

IT Comtor  – nghề dịch thuật tài liệu IT tiếng Nhật, BrSE – kĩ sư cầu nối, không chỉ có nhiệm vụ kết nối “team nhà” với khách hàng mà còn là người nắm chắc chuyên môn kĩ thuật và có kĩ năng quản lý dự án tốt. IT Comtor to BrSE là tên gọi của một khóa học tại Sun*, giúp các IT Comtor trở thành BrSE trong thời gian ngắn nhất.

Trần Thìn: “Sở thích của mình là chinh phục những cái mới và BrSE là một trong những mục tiêu đã hoàn thành!”

Được biết đến là một trong những BrSE đầu tiên bước ra từ khóa học Comtor to BrSE của anh Hiroaki Ishida, cô gái “bé nhỏ nhưng có võ” Trần Thìn luôn thể hiện mình là một người chuyên nghiệp, hết mình, và cầu toàn trong công việc.

Hẹn gặp chị Thìn trong một buổi chiều cuối tháng 5, ấn tượng đầu tiên của phóng viên Sun* News là bước chân nhanh nhẹn cùng nụ cười tươi rói của chị, tuy rằng công việc dự án vẫn đang vô cùng bộn bề nhưng khi chúng tôi đề cập đến chủ đề Comtor to BrSE, chị Thìn rất nhiệt tình tham gia. 

Đối với chị, công việc BrSE là một trải nghiệm mới vô cùng thú vị và mới mẻ so với những công việc chị từng làm trước đó. Xuất phát điểm là một người học chuyên ngành hóa học, từng làm việc tại Nhật nhiều năm, rồi trở về Việt Nam tìm kiếm những cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp mới, chị Thìn quyết định dừng chân tại Sun* và xin vào khóa học Comtor to BrSE của anh Hiroaki Ishida.

Chia sẻ với chúng tôi về lựa chọn của mình, chị Thìn vẫn không giấu được sự hồ hởi: “Bản tính của chị là thích chinh phục những cái mới, công việc nào có cơ hội được trải nghiệm chị đều cố gắng làm nó tốt nhất có thể. Bước chân vào thế giới IT đối với chị là một quyết định liều lĩnh, bởi nó sẽ khiến chị mất rất nhiều thời gian và công sức để học tập và làm quen với môi trường mới, không chỉ có vậy, chị còn cần sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn từ gia đình nếu muốn theo nghề này.”

Chị Trần Thìn đã làm tốt vai trò BrSE của mình được gần 1 năm nay

Chị Thìn tham gia vào khóa học IT Comtor to BrSE ngay từ khi bước chân vào Sun*. Vừa học, vừa làm dự án, đối với chị, khoảng thời gian đầu rất đáng nhớ.

“Mình ấn tượng nhất với quãng thời gian đầu khi học lên BrSE, làm quen với các khái niệm lập trình thực sự khiến mình đau đầu. Việc “input” những thuật toán (những biến, hàm) của dân IT vào đầu rất khổ sở. Đầu tiên nó chỉ là những con số thôi, nhưng khi họ định nghĩa ra thì nó là những cái hộp, sau đó người ta bỏ dữ liệu vào để xử lý thì mình hoàn toàn bị hoang mang, khó hiểu. May mắn là trong quá trình học và làm mình cũng dần hiểu ra vấn đề. Nó chỉ là những cái luật, mà nếu hiểu luật thì có thể hiểu vấn đề và xử lý nó rất nhanh. Và cũng bởi bản thân từng là dân kĩ thuật nên có thừa hưởng một chút logic từ những công việc trước đó, vì vậy việc tiếp nhận về IT cũng dần tìm ra lối đi dễ dàng.”

Nói đến đây, chị nhanh nhẹn bổ sung: “Hồi ấy chị chọn PHP. Sau đó anh Ishida có gợi ý cho một số website tự học về ngôn ngữ này thì việc học cũng gói gọn và dễ theo dõi hơn. Để nói rằng  BrSE có thể tự code như các bạn Dev thì không làm được, mình chỉ hiểu cơ bản về nó, đủ để trao đổi với đồng nghiệp và khách hàng, cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến dự án thôi.”

Bên cạnh quá trình học tập và rèn luyện cùng kiến thức lập trình, chị Thìn nhận ra, BrSE còn mở ra những kĩ năng mới khiến chị vô cùng hứng thú.  

“Công việc của BrSE ngoài việc hiểu rõ kĩ thuật còn cần các kĩ năng giao tiếp với khách hàng và các Dev, thêm vào đó là kĩ năng quản lý dự án, phân bổ thời gian, phân bổ đầu việc hợp lý. Học rồi mới thấy kĩ thuật không phải là thứ đáng lo ngại mà quan trọng hơn cả là kĩ năng quản lý dự án, đây là kĩ năng mà mình hứng thú trau dồi nhất. BrSE sẽ bận hơn Comtor nhưng giúp bạn hiểu sâu và bao quát được hết dự án, bên cạnh đó, bạn còn phải estimate thời gian cho dự án sao cho chuẩn xác nhất để đến khi release, anh em không phải OT. Khi nhận mỗi dự án mình đều cố gắng ước lượng thời gian cho từng đầu việc để làm sao hoàn thành đúng tiến độ. Mình luôn muốn có thời gian để nếu dự án có lỗi hoặc vấn đề phát sinh thì còn có thời gian sửa đổi.”

Đối với chị Thìn, BrSE là một nghề bận rộn nhưng không kém phần thú vị. Nếu bạn là một Comtor chuyên nghiệp, tại sao không thử một lần học lên BrSE?

“Tính mình thích chinh phục những cái mới, càng trải nghiệm nhiều, càng thấy cuộc sống thú vị.”

Nhật Anh: “Học kĩ thuật không khó như mình nghĩ!”

Nhật Anh, một cô gái vui vẻ, thông minh, dễ gây thiện cảm với người đối diện ngay lần đầu gặp mặt. Phong thái nhanh nhẹn, giao tiếp cởi mở, đúng chuẩn một BrSE, Nhật Anh đem đến cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi một không khí rất vui vẻ.

Khi được hỏi lý do lựa chọn học Comtor lên BrSE, Nhật Anh trả lời: “Mình nghĩ, tiếng Nhật của mình chỉ có tính thời điểm, đến một thời gian nào đó sẽ bị bão hòa, nên mình quyết định phát triển vốn tiếng của mình sang một kiểu khác, và mình lựa chọn BrSE như một thử thách nghề nghiệp mà nếu vượt qua, mình nghĩ nó sẽ rất tốt và là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình.”

Nhật Anh hiện đang là một BrSE nhiều tiềm năng của Sun*

Giống với tâm lý của nhiều IT Comtor trước khi bước vào quá trình đào tạo lên BrSE, Nhật Anh cũng có một khoảng thời gian bối rối với việc học kĩ thuật.

“Lúc đầu vào học hoang mang lắm! Các bạn Bách Khoa mất 5-6 năm để học kĩ thuật thì làm sao mà mình vừa biên dịch, vừa học kĩ thuật nổi, trong khi xuất phát điểm của mình là học từ trường dạy ngoại ngữ ra, bản thân mình học toán cũng không giỏi. Mình bắt đầu hoảng sợ khi động đến các thuật toán (các biến, các hàm..vv..), những kiến thức mà thậm chí hồi cấp 3 mình cũng không học đến. Thời gian đó rất vất vả, mình phải vượt qua kì thi kiểm tra kĩ thuật mới có khả năng học làm BrSE. Kì thi này do anh Hiroaki Ishida soạn một đề riêng, phù hợp với tầng kiến thức và sự tiếp nhận của Comtor chúng mình. Ở lần thi đầu tiên, mình bị trượt, trong khi tất cả mọi người trong khóa học thì đỗ. Ở lần hai, mình quyết tâm in ra các đề thi tương tự từ các năm trước, ôn luyện theo các bài tập trong đó thì cuối cùng cũng qua. Sau này mình nhận ra, chỉ cần học nghiêm túc và  ôn luyện theo các tài liệu mà thầy đưa cho là mình có thể vượt qua kì thi dễ dàng.”

Nhật Anh may mắn vì có chồng là một Developer làm việc ngay tại Công ty nên có bất cứ băn khoăn hay thắc mắc gì về kĩ thuật, cô gái này có thể tìm đến chồng để giải đáp. Đối với những vấn đề kĩ thuật hóc búa hơn, Nhật Anh thường chủ động liên hệ với Trần Đức Thắng – Technical Leader của Công ty để nhờ giải đáp.

“Sau này mình nhận ra, học kĩ thuật không phải là vấn đề to tát và khiến mình e sợ đến vậy. Sau một thời gian học tập và trải nghiệm, với mình, điều khó khăn nhất trong quá trình học từ Comtor lên BrsE có lẽ là kĩ năng kết nối với khách hàng. Hiểu được mong muốn của họ cũng như trao đổi các vấn đề sao cho phù hợp với tình hình dự án không dễ dàng chút nào. Nhiều khi mình gặp phải những khách hàng không am hiểu nhiều về kĩ thuật nên việc trao đổi với họ gặp rất nhiều khó khăn. Có những lúc mình nóng giận nhưng vẫn phải sử dụng những kĩ năng thuyết phục nhẹ nhàng, mềm mỏng để vấn đề giữa đôi bên được giải quyết nhanh chóng. Đây là yếu tố cực kì quan trọng trong quá trình làm BrSE.” – Nhật Anh bộc bạch. 

Việc nhanh nhạy phán đoán tình hình dự án cũng là điều khiến Nhật Anh bị bỡ ngỡ thời gian đầu khi tham gia vào một dự án chạy thử. “Hồi đầu mình còn rất nhiều thiếu sót, mình từng khiến cho 1 dự án chạy thử phải lao đao. Sau này nhờ mọi người động viên nên mình nhanh chóng lấy lại tinh thần, quyết tâm làm tốt hơn ở các dự án tiếp theo.” 

Trong quá trình học lên BrSE, anh Hiroaki Ishida còn có nhiều hình thức giúp các học viên rèn luyện về tiếng Nhật, điều này khiến cô gái xinh xắn của chúng ta rất tâm đắc: “Mỗi ngày mọi người phải đọc một bài báo về công nghệ rồi tóm tắt với số lượng kí tự nhất định, sau đó nêu cảm nhận của mình và đưa ra ý kiến phát triển thêm cho bài báo đó. Từ những việc đơn giản, tưởng chừng như rất nhàm chán như vậy nhưng đã hỗ trợ cho trình tiếng Nhật của mình lên rất nhiều.” – Nhật Anh vui vẻ kể lại. 

Điều mà Nhật Anh thích nhất khi làm BrSE là được vận động giao tiếp nhiều. 

“Sẽ có những khi mình nản lòng trước những thất bại liên tiếp, có những lúc mình không muốn đến công ty và “ngọt nhạt” với khách hàng, mình ghét các task phát sinh và những vấn đề trao đổi khó khăn với các Dev, những lúc như thế mình buộc phải nhìn lại lý do mình bắt đầu với công việc này, từ đó suy nghĩ  tích cực và quyết tâm hơn.” – Lời nhắn nhủ của Nhật Anh dành cho các bạn đang có ý định hoặc đang trong quá trình học để trở thành một BrSE thực thụ. 

Trung Đức: “Kĩ năng đàm phán với khách hàng là quan trọng nhất!”

Chắc hẳn nhiều Sunners chi nhánh Hà Nội không còn xa lạ gì với cái tên Nguyễn Trung Đức phải không? Là một BrSE trẻ tuổi nhưng Đức luôn thể hiện mình với một tinh thần và trách nhiệm cao đối với công việc, được đồng nghiệp yêu mến, được khách hàng và các sếp tin tưởng.

Trung Đức từng được đề cử giải Gương mặt triển vọng trong chương trình FAA năm 2017.

Cũng giống như Nhật Anh, khi bước chân vào Sun*, Đức chỉ nghĩ đơn thuần rằng mình sẽ làm dịch thuật. Thế nhưng, trải qua quá trình biết và tìm hiểu về BrSE, Đức quyết định chuyển hướng nghề nghiệp lên một vị trí mới – đó là vị trí kĩ sư cầu nối.

Thời gian đầu, giống như nhiều Comtor khác, Đức gặp khó khăn trong quá trình học các kiến thức kĩ thuật, nhưng anh chàng cũng rất nhanh nhạy trong việc xử lý vấn đề này. Thay vì đau đầu trong mớ kiến thức toán khó hiểu thì anh chàng đã nhờ cậy sự cứu trợ từ các Dev và QA giỏi trong dự án. “May mắn là mình được làm với các bạn, các anh chị Dev và QA rất nhiệt tình và giỏi, có nhiều cách để giải thích một vấn đề dễ hiểu và đơn giản hơn bằng sơ đồ và hình ảnh, nên vấn đề về kĩ thuật có thể phần nào được giải quyết ổn thỏa.” – Trung Đức chia sẻ.

Đối với Đức, kĩ năng làm việc và kết nối với khách hàng là điều không phải ai cũng có thể làm tốt được, nhưng biết cách khéo léo trước mọi tình huống, giữ một thái độ vui vẻ, lạc quan với khách hàng, chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Trong quá trình học và rèn luyện để trở thành BrSE, anh chàng cảm thấy hứng thú nhất là việc được gặp gỡ những người cùng chí hướng: “Nhờ có các bạn ấy mình có thêm động lực để cố gắng. Các kiến thức mới về kĩ thuật cũng như phần mềm cũng là một kích thích để mình tìm hiểu thêm.” – Đức bộc bạch.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho lứa Comtor hiện tại của Sun*, Đức chân thành chia sẻ: “Mình nghĩ là những kinh nghiệm và kiến thức các bạn đang có hiện tại với tư cách là Comtor sẽ giúp ích các bạn rất nhiều nếu có mong muốn trở thành BrSE. Không chỉ đơn giản là dịch, hãy cố gắng hiểu nghiệp vụ và flow của dự án đó, xem nó đang được vận hành như thế nào. Comtor có một lợi thế là dịch dự án từ đầu, từ các tài liệu giới thiệu đến các tài liệu spec và chức năng cụ thể, vì thế hãy tận dụng điều đó. Các kỹ năng mềm và kỹ thuật thì có thể trau dồi và tích lũy dần dần theo dự án, và nên có thói quen tìm hiểu bản chất của những cái mình đang dịch, qua đó có thể nắm được rất nhiều khái niệm cơ bản về kỹ thuật.”

Với những trải nghiệm thú vị đến từ ba gương mặt BrSE, hi vọng các bạn đã có cho mình cái nhìn cụ thể và rõ nét hơn về nghề nghiệp này. Chúng tôi cũng mong rằng, họ sẽ là những người truyền cảm hứng cho bạn trên con đường tìm kiếm những trải nghiệm mới.

Ở Sun*, điều không bao giờ thay đổi và có lẽ mãi mãi sau này cũng không bao giờ thay đổi là bạn sẽ không được ở trong comfort zone hay trạng thái mà mọi người cảm thấy yên bình. Điều này tôi muốn các bạn tự chiêm nghiệm và hãy tự đánh giá xem “Hiện tại mình đang ở đâu? Mình sống yên bình quá hay không? Mình cần thử thách gì? Cần chứng minh điều gì? Mình đã làm được điều gì mới trong công việc?”. Bạn hãy tự hỏi chính mình những câu hỏi đó. Chúng là những động lực thúc đẩy, là đòn bẩy để các bạn phát triển, nâng cao kỹ năng và khả năng của bản thân.

Vì vậy, bạn đừng lùi bước, đừng bao giờ e ngại trước những khó khăn. Hãy để cho cả thế giới được thấy, bạn không sợ hãi và ngại ngần bất kỳ thử thách nào, đó cũng chính là một phẩm chất ghi dấu ấn của người Sun*.

– CEO Kobayashi Taihei –

 

#IT Comtor

#Làm Nghề