Nghe "cô Tấm" Thanh Trà chỉ cách, Tết này chẳng lo rau sạch lên giá Sunner ơi!

Hóa ra bấy lâu nay, ở Sun* chúng mình cũng có một “cô Tấm”, khéo tay, hay làm, sở hữu một “vườn” rau sạch nhỏ xinh, thơm ngon trên chính sân thượng nhà mình. Cùng nghe “cô Tấm” Thanh Trà của EUV2 kể chuyện về những luống rau tự trồng, và những kinh nghiệm không-phải-ai cũng biết xung quanh chuyện trồng rau sạch tại gia nhé! Biết đâu Tết này mỗi Sunner đều sẽ sở hữu một vườn rau xanh, sạch, đẹp cho chính gia đình mình, khỏi lo rau lên giá nữa thì sao!

Ăn rau sạch là chính nhưng vui là chủ yếu!

Nếu như ai theo dõi facebook chị Thanh Trà, chắc hẳn sẽ không khỏi “ghen tị” với vườn rau sạch lúc nào cũng tươi tốt trên sân thượng trong những bức ảnh mà chị chia sẻ. Rất nhiều bình luận xuýt xoa khen ngợi tài khéo tay hay làm của chủ nhân vườn rau, thế nhưng, lúc nào chị cũng khiêm tốn nhận đó là “mấy chậu rau còi còi lắm sâu”, bởi chị chỉ trồng cho vui cửa vui nhà mà thôi. 

Trò chuyện cùng Sun* News, chị Trà cho biết, trồng rau không phải là thú vui bộc phát theo trào lưu gần đây của nhiều người sống ở thành phố, mà với chị, đó là thói quen, là niềm vui mỗi ngày từ cách đây 5 năm rồi. Thời đó, chị còn ở nhà trọ có chiếc ban công nhỏ chỉ dài 2.5 mét, rộng chưa đầy 40 xăng-ti nhưng chị vẫn thích trồng một giàn mồng tơi, một giàn đậu leo vì thích cây cối và đặc biệt yêu màu xanh của chúng. Chính màu xanh mát của cây cũng làm cho không gian đầy bê tông của thành thị trở nên dễ thở hơn. Tưới và chăm sóc cây giúp chị giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc tại công ty.

Chị cũng thú nhận rằng “Cái chị thích nhất là trồng rau có thể giúp bản thân vui vẻ, giảm căng thẳng chứ không hoàn toàn là tiết kiệm tiền mua rau. Đôi khi mình cũng phải bỏ tiền triệu để mua chậu, hạt giống, phân bón nhưng lại không được thu hoạch. Chính vì thế, niềm vui chính là lợi ích lớn nhất mà việc tự trồng rau sạch đem lại cho mình”.

Hơn thế nữa, cũng nhờ những luống rau này, mà tình cảm hàng xóm láng giềng cũng gắn bó thêm nhiều phần. Chị Trà có thể biếu hàng xóm xung quanh mà chẳng lo về vấn đề an toàn thực phẩm, bởi chị hoàn toàn không sử dụng chất hóa học khi trồng. Khi được lên thăm vườn của chị, mọi người đều rất ngạc nhiên với độ xanh tốt bất ngờ của những thùng rau “con con”. Thế là, từ thú vui nho nhỏ của cá nhân chị, những bó rau xanh lại có thể đem đến niềm vui cho cả gia đình chị Trà, lẫn những người hàng xóm lân cận.

Thử tưởng tượng sáng thức dậy, có thể ngắm nghía những luống rau xanh mướt lấp lánh trong nắng mai, thật tuyệt vời đúng không nào (Ảnh: Thanh Trà)

Vui là vậy, nhưng không đơn giản cứ thích là trồng nha!

Việc trồng rau trên sân thượng của chị luôn được mọi người trong gia đình ủng hộ, đặc biệt là con gái nhỏ rất thích tưới rau giúp mẹ. Tuy nhiên, lúc quyết định trồng như vậy, chị cũng được cảnh báo là “sẽ võng trần nhà nếu để quá nhiều đất nặng”, vì vậy chị cũng không làm được nhiều như dự kiến. Điều quan trọng khi trồng rau trên sân thượng (nóc nhà) là phải cẩn thận việc chống thấm cho trần, nếu không trần sẽ bị “rột” ngay. 

“Nếu không cẩn thận việc chống thấm, mình trồng được mấy chậu rau mà phải sửa nhà thì dở quá!” - Chị Trà nhấn mạnh. 

Mặc dù việc tự trồng rau trong hộp xốp có rất nhiều lợi ích, nhất là có thể thưởng thức những món rau sạch ngọt thơm, nhưng cũng có nhiều hạn chế. Theo chị Trà, hạn chế đầu tiên chính là thùng xốp đa số có kích thước nhỏ, lòng không được sâu lắm nên phải chọn loại cây trồng, chứ không thể thích gì trồng đó. Cây trồng trong chậu thường giới hạn là những cây cây rễ chùm, rễ nông, và trồng ngắn ngày.

Bên cạnh đó, với những người đi làm văn phòng, thì thời gian chăm sóc, tưới nước cho cây cũng cần được sắp xếp cẩn thận, vì chỉ cần quên, hoặc sai thời điểm thì chất lượng rau thu hoạch cũng đều bị ảnh hưởng.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý, đó chính là nếu các bạn sợ sâu, thì không nên đam mê thú vui tao nhã này. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm của chị Trà, cứ hôm nào thấy mấy chú bươm bướm dập dìu bên mấy chậu rau là hôm sau sẽ có chi chít sâu ngay.

 “Chị trồng rau quen tay như vậy, nhưng bắt sâu to thì vẫn run lắm đấy” *cười*

Rau mặc dù có vài lỗ nhỏ do sâu cắn lá, nhưng chất lượng không hề bị ảnh hưởng nhen! (Ảnh: Thanh Trà)

Muốn trồng là phải có bí kíp! 

Cuối cùng, Sun* News cũng mạnh dạn xin một ít bí kíp chính hiệu chị Trà nhà ta để cho các độc giả kịp trồng mấy luống ăn Tết rồi đây! Dân kỹ thuật nổi tiếng tỉ mỉ chắc chắn sẽ không bị làm khó, nhưng điều quan trọng là bên cạnh “công thức” thì cũng phải sáng tạo một chút, áp dụng công nghệ sẽ bớt sức người nha!

Chuẩn bị

a. Đất trồng: Nếu bạn nào ở giáp ngoại thành, bạn có thể đi xin đất ngoài cánh đồng, hoặc nhà dân nào đó có vườn vì đất tơi xốp, nhiều mùn là tốt nhất. Nếu không xin được đất, bạn có thể mua đất phù hợp ở các cửa hàng bán cây cảnh với giá từ 18-35k/kg.

b. Vỏ trấu (hoặc trấu hun) để tạo độ xốp cho đất: Vỏ trấu hun có thể mua được ở cửa hàng hoa, hoặc trên shopee, còn vỏ trấu bạn nên xin ở các cửa hàng xát gạo hoặc mua online.

c. Vôi bột, phân hữu cơ để tạo chất dinh dưỡng trong đất: bạn có thể mua ở cửa hàng bán đồ sành sứ, chậu nhựa trồng cây, cửa hàng bán cây cảnh, hoặc của hàng phân bón.

Làm đất

Để đất xốp, màu mỡ khi trồng rau, chúng ta cần làm đất cẩn thận

Bước 1: Trộn đất với vôi bột (khoảng 50kg đất - 0,5kg vôi để khử trùng

Bước 2: Để vài ngày, sau đó trộn đất đã khử trùng, vỏ trấu (trấu hun hoặc trấu thường), phân hữu cơ (tùy theo mình trồng cái gì) để làm đất trồng rau.

Trồng cây con (Gieo hạt)

Làm đất xong, bạn có thể trồng rồi! Hãy chú ý rằng khi gieo hạt hoặc trồng cây con xong thì phủ một lớp vỏ trấu lên trên (để tưới nước không làm đất bị dị xuống làm cây khó phá triền).

Chăm cây

Đây là một bước quan trọng không kém, quyết định sự thành bại của một quy trình. Một cần lưu ý:

- Khi hạt giống chưa lên, tầm 2-3 ngày tưới nước 1 lần, chỉ tưới sao cho đất ẩm, không tưới quá nhiều (tuy nhiên chú ý thời tiết để điều chỉnh)

- Khi cây con đã lên thì lượng nước tưới cũng cần hạn chế, cây lớn dần thì lượng nước tưới ngày càng tăng. Hãy nhìn chậu đất, nếu thấy bị nứt là thiếu nước, phải tưới bổ sung nhiều.

- Thường xuyên kiểm tra xem có sâu không, nếu có thì một ngày bạn cần bắt sâu 2 lần, sáng và tối.

- Có thể tự làm thuốc diệt sâu bằng cách ngâm tỏi, ớt, gừng trong nước là xịt lên rau.

- Có thể ủ phân hữu cơ (từ rau củ quả thừa) để tưới cho rau, giúp rau ngon hơn vì hấp thụ đủ chất dinh dưỡng.

Thu hoạch thôi nào! (Ảnh: Thanh Trà)

Việc trồng rau sạch tại nhà đang là một xu hướng của rất nhiều gia đình ở thành phố. Không chỉ có được những bó rau thơm ngon, sạch, không chất hóa học,... mà việc tự trồng rau còn đem lại nhiều niềm vui trong cuộc sống, chẳng hạn như có thể giúp con nhỏ tránh xa các thiết bị điện tử, làm quen với thiên nhiên. 

Với những chia sẻ trên của chị Thanh Trà, hy vọng các Sunner nhà mình có thể bắt tay vào tự trồng những cây rau sạch thơm ngon ngay chính tại ngôi nhà thân yêu của mình nhé. 

#kinh nghiệm hay

#Trồng rau tại nhà