Thờ ơ với thông báo: Tâm lý “chắc nó chừa mình ra” hay thái độ ích kỷ chỉ biết mình?

Em, người Nhật vốn nổi tiếng với những cú gập lưng và cúi người. Hôm trước anh đã gặp 1 cái cúi đầu như thế, nhưng không phải là động tác chào hỏi, không phải là cái cúi người khiêm nhường mà là một cái cúi người trong nhà vệ sinh. Đó là một bác khách hàng người Nhật, cúi gập cả người để sắp xếp lại đống dép lộn xộn dù bác ấy chỉ sử dụng một đôi.

Em hiểu không? Tức là bác ấy cúi gập người xếp lại đống dép cho nó đúng với hình vẽ, khi mà cùng lúc đó em và anh và chúng ta cứ thản nhiên đi qua mặc kệ lũ dép nằm xô lệch không theo một thể thống nào. Trên tường ở góc thẳng đứng, ngang tầm mắt em, có một thông báo ngắn gọn “Để dép đúng quy định”. Rõ ràng là bác người Nhật ấy không biết tiếng Việt, nên anh chắc chắn rằng bác ấy sắp xếp lại chỉ vì trên mặt sàn có hình vẽ mấy đôi dép theo hàng lối rõ ràng.

Đấy là việc đi vệ sinh, giờ anh sẽ nói tiếp em nghe tiếp về việc ăn uống. Hôm trước, anh bận nhiều ticket nên đầu giờ chiều mới ra khu lò vi sóng để quay cơm ăn trưa. Một cảnh tượng kinh dị trước mắt anh. Chiếc lò vi sóng trong cùng vàng khè vì trứng nổ. Một cảm giác không Yo!Most chút nào đâu.

“Không quay trứng trong lò vi sóng” như người bạn của anh nói “là kiến thức thường thức, ai cũng phải biết” nhưng nếu em lỡ không biết thì “một thông báo ngắn gọn liệt kê những thứ không được cho vào lò vi sóng đã được đặt ngay trên bàn, chỗ em thường để thức ăn xếp hàng trước khi cho vào lò”, là em cố tình không đọc hay nghĩ rằng “lò vi sóng nó cũng chừa trứng của mình ra”?

Từ khi nào mà chúng ta thản nhiên với những điều sai trái ấy? Điều anh muốn nói, công ty bằng cách này hay cách khác, đều tìm cách nhắc nhở mọi người. Như đặt thông báo ngay ở quầy bar, gần tủ lạnh, nơi mọi người vẫn đặt cơm chờ cho vào lò. Hay ở ngay vị trí em rút chân ra khỏi dép, ngẩng đầu ở góc 45 độ, tờ giấy A4 cỡ chữ size 50 ngắn gọn “Để dép đúng quy định”. Là do chúng ta không thấy, đọc không hiểu, hay vì lý do nào khác? Anh thật sự không biết!

Tại sao chúng ta lại như vậy?

Anh nghĩ nó bắt đầu từ tâm lý ích kỷ sợ bị thiệt thòi. Tại sao tôi phải làm trong khi người khác thì bày bừa ra, tại sao không phải là người khác, cái này là việc chung mà? Anh tin, có đôi lần em đã nghĩ như thế.

Thứ 2 là suy nghĩ “nó chẳng đáng là bao”, mình không làm người khác sẽ làm. Đúng thế, vài đôi dép bừa bộn thì ảnh hưởng gì, rồi các cô lao công cũng xếp gọn lại thôi. Hay quay trứng trong lò cũng có làm sao đâu. Nhưng em ơi, “hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”, chẳng phải thi thoảng em vẫn đạo lý như thế ư? Em còn nhớ hay em đã quên?

Thứ 3 là tâm lý “e ngại”, sợ “bị” trở nên khác biệt. Cái này có lẽ là tâm lý chung. Khi mà mọi người đều bừa bãi, thì tự nhiên em đi sắp xếp, em lại thấy mình giống… thằng điên. Giống như cả một xã hội không mặc quần áo thì thằng mặc sẽ giống thằng dở người. Nhưng em ơi, chẳng phải có “những thằng điên” vẫn kiên nhẫn chờ thang máy đi xuống mà không thèm cắm đầu cắm cổ vào thang đi lên vào giờ cao điểm đấy thôi!

Nói về sự vô cảm thì hơi xa xôi và quan trọng hóa vấn đề, nhưng anh nghĩ chúng ta đang coi thường với những thông báo. Chẳng phải việc thờ ơ này là một trong những nguyên nhân dẫn đến khá nhiều sự cố của chúng ta trước đây hay sao? Mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều nếu chúng ta chịu khó và tinh tế hơn một chút

Gần đây nhất, công đoàn có đưa ra thông báo về việc bầu cử Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra và thủ quỹ của công đoàn công ty. Tin vui là chúng ta có 370 người tham gia bình chọn. Tin không vui lắm là con số này chỉ chiếm 1/3 tổng số nhân viên được chia sẻ thông báo này tại box Sun* Hà Nội ALL. Tại sao không phải 2/3 hay 4/5? Vì công đoàn là đại diện cho quyền lợi của tất cả công đoàn viên trong công ty. Chúng ta đang bình chọn cho những người đại diện cho quyền lợi của mình, vì sao lại thờ ơ đến thế?  Có lẽ vì em nghĩ rằng, ai làm chẳng được, mình chọn hay không rồi cũng có kết quả cả thôi?

Em nghĩ mình bận chết đi được, mấy cái thông báo ấy, đọc cũng được, không đọc cũng không sao? Chuyện gì cần kíp rồi Manager hay Group Leader sẽ nhắc nhở, đến ngày cuối cùng làm cũng có sao đâu? Chúng ta có hàng trăm, hàng nghìn lý do viện cớ cho việc lướt qua mọi thông báo.

Em biết không, để viết một cái thông báo, người viết có khi phải trăn trở hàng ngày hàng đêm, để làm sao cho vừa ngắn gọn, xúc tích vừa đủ ý lại vừa đủ thu hút người đọc. Có tâm vậy sao em nỡ lòng bỏ qua?

Anh thấy, vô tâm, thờ ơ là một thái độ tâm lý hay biểu hiện cảm xúc không yêu, không ghét với một hay một số vấn đề, công việc. Nói đơn giản, vô tâm, thờ ơ có thể được gói gọn trong câu “tôi không quan tâm”.

Giống như cách em nghĩ, nếu dép lộn xộn sẽ có một khách hàng nào đó cúi người xếp lại hay lò vi sóng bẩn sẽ có chị lao công lau sạch, bầu chọn công đoàn, mình không bầu, thì người khác sẽ bầu, không có “mợ thì chợ vẫn đông”. Thử hỏi, nếu ai cũng nghĩ vậy, thì cuối cùng mọi chuyện sẽ đi về đâu?

Tâm lý ích kỷ, thờ ơ và vô tâm ấy có thể sẽ dần mòn giết chết sự nhiệt thành một cách vô hình. Em biết đấy, đôi khi cô lao công cũng mệt trước một tập thể hàng nghìn người lộn xộn, bừa bãi, ban lãnh đạo công đoàn nếu ai cũng thờ ơ, thì ai sẽ nhiệt tình đại diện quyền lợi cho số đông. Và người viết thông báo liệu có còn muốn vắt óc mỗi đêm vì những thông báo.

Cuộc sống không phải chỉ là của một người. Sống là “cho” và “nhận”. Mỗi thông báo được TO ALL chúng ta dành ra dăm ba phút giải lao, đọc một chút, hưởng ứng một chút, mọi việc sẽ sôi động và vui vẻ đến nhường nào khi tất cả cùng quan tâm.

Vinh Nguyen The

Ve.


26 Bài đăng