Đức Phong: “Tôi còn nhiều thứ phải học ở Framgia”

Khi thi vào Framgia, Đức Phong chỉ làm được 2/3 bài thi test code trên giấy và không trả lời được bất cứ câu hỏi vấn đáp về lý thuyết. Hơn 3 năm sau, Phong trở thành team leader có nhiều cống hiến cho Division 2 nói riêng và Framgia nói chung. Năm 2017, Phong là một trong 5 cá nhân được đề cử giải triển vọng tại FAA. Mới nhất, anh chàng được lựa chọn là cá nhân xuất sắc nhất của Quý III năm 2018 của Division 2. Thế nhưng, anh chàng có dáng người nhỏ bé, nói như máy và cực kỳ tận tụy này có nhiều câu chuyện để kể hơn những giải thưởng đã đạt được.

Framgia dạy tôi biết code

Tính đến thời điểm này, Đức Phong đã có hơn 3 năm làm việc ở Framgia. Khoảng thời gian ấy, có người thấy dài, có người thấy ngắn. “Vì khi cảm thấy hạnh phúc với những gì đang trải qua, người ta sẽ thấy nó nhanh lắm.” – Phong nhấn nhá rồi cười tủm tỉm.

Yêu thích công nghệ thông tin và trường Đại học Bách khoa từ khi xem các chương trình robotcon trên tivi, nên khi đi thi đại học, Đức Phong chỉ nộp hồ sơ một trường với một nguyện vọng. Trong 2 năm đầu đại học vì mải chơi game, yêu đương và làm tình nguyện, anh chàng trượt tới 20/140 tín chỉ và ra trường muộn nửa năm so với bạn bè. Thậm chí, có lần bố Phong đã đi từ Bắc Ninh lên tận trường đòi xem bảng điểm. Để qua mắt bố, Phong mượn bảng điểm của đứa bạn đưa đưa cho bố xem. Anh chàng thổ lộ: “Nghĩ lại thấy mình thật “bát nháo”. Lên năm thứ 3, tôi nghĩ mình không thể trượt mãi được, người yêu cũng chia tay rồi, quyết tâm học hành nghiêm túc thôi”.

Đức Phong nhận giải cá nhân xuất sắc của Divsion 2 quý III năm 2018.

Với bí kíp đi học đủ và lên thư viện ôn trước khi thi, anh chàng thành công trong việc chống trượt. Dù đã chăm chỉ học hành hơn nhưng suốt 4 năm mài đũng quần ở giảng đường Bách Khoa, Phong vẫn chưa thật sự chuyên tâm “luyện code cho thành tài”. Bởi vậy, anh mới quả quyết, “chỉ đến khi bước chân tới Framgia làm intern, tôi mới chuyên tâm học hành để trở thành một lập trình viên có thể kiếm tiền nuôi thân”.

Hóa ra hồi ấy, khi đang theo học tại lớp liên kết Việt – Nhật, nơi mà Framgia là công ty đỡ đầu, trong khi nửa lớp xác định đi Nhật thì Phong nhất định chỉ muốn ở Việt Nam, vì không thích đi xa.

Năm thứ 4, nhận được lời rủ rê của một anh người Nhật làm ở bộ phận Talent của Framgia, Phong hồ hởi vác bút đi làm bài test. Tự nhận mình lười học và chẳng có kiến thức gì, Phong ngậm ngùi nhớ lại thành tích “gần như không trả lời được các câu hỏi trong vòng phỏng vấn, ngoài việc làm được 2/3 câu hỏi trong bài test code trên giấy”.

“Sau này tôi mới biết, đề thi được ra khá “khoai” nên tôi là 1 trong những người có bài test tốt nhất trên giấy. Nhiều bạn thi cùng tôi đợt đó cũng chỉ làm được 1/3, có người không làm được, và tôi may mắn đỗ vào kỳ thi tuyển Intern của Framgia bởi là một trong những thí sinh có điểm bài test code trên giấy cao nhất” – Phong tiết lộ.

Từ một cậu sinh viên mới ra trường, ở Framgia, Phong được dạy trở thành lập trình viên ngôn ngữ Ruby thực thụ. So với PHP hay Java đã học, kiến thức này hoàn toàn mới nên anh chàng rất hào hứng. Thêm nữa, do học chậm một kỳ, không phải làm đồ án giống bạn bè, mỗi tuần Phong lên công ty tới 4 buổi, trong khi bạn bè chỉ chỉ lên 1-2 buổi. Nhiều khi, anh chàng mang cả việc về nhà để làm. Trong 7 tháng làm intern, trong khi các bạn chỉ làm được 2 project thì Phong làm được 3. Thậm chí, người hướng dẫn còn giao cho Phong nhiệm vụ review code cho bạn bè vào cùng đợt và các em đợt sau. Công việc này giúp Phong củng cố kiến thức đã học được cũng như kỹ năng quản lý nhóm và công việc. Sau khi kết thúc intern trở thành nhân viên chính thức, Phong chính thức gia nhập Division 2.

Học cách làm leader

Trong suốt buổi nói chuyện, Đức Phong luôn tỏ ra khiêm tốn và tự nhận mình đã gặp một chuỗi may mắn từ khi bước chân vào Framgia. Đó là không cần trải qua phỏng vấn cũng được lên Div hay “bất ngờ” được lựa chọn trở thành teamleader sau nhiều biến động về nhân sự. Theo Phong, điều may mắn nhất và cũng là dấu mốc cho nhiều bước ngoặt sau này đến từ việc từng bị team leader đầu tiên review khả năng làm việc không quá xuất sắc khiến anh chàng có được động lực để hoàn thiện bản thân.

“Sau khi hoàn thành project đầu tiên, team leader cũ nhắn với team leader mới rằng tôi làm việc cũng bình thường thôi. Có lẽ vì hơi ‘cay mũi’ nên một lần nữa tôi quyết tâm làm ăn cho ra ngô ra khoai. Sếp đã nói vậy, người yêu thì cùng công ty, cũng cần phải thể hiện chứ. Cuối cùng, tôi cũng được team leader nhìn nhận và đánh giá lại”  – Phong cười.

Cứ đà ấy đi lên, đến khi leader trực tiếp của Phong nghỉ phép dài hạn, leader khác lại nghỉ việc, Phong trở thành người có nhiều kinh nghiệm nhất và được đề cử vào vị trí mà anh nói rằng “muôn kiếp không nghĩ tới”. Anh chàng tưng tửng thừa nhận, “nhưng kể từ đó tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn”.

Trở thành leader, ngoài các kiến thức về code, Phong bắt đầu học thêm hàng loạt kiến thức khác như cách quản lý tiến độ, quản lý ticket, nắm tổng quan chức năng, estimate cho các member trong team, học về server, điều tra bug, export thông tin cho khách hàng…

“Khi là member, tôi chủ yếu đọc ticket của mình và không cần quan tâm quá nhiều đến các ticket của người khác nhưng khi làm leader tôi phải bao quát mọi việc. Mới đầu, tôi chưa biết nhìn vào ticket để nhìn ra tiến độ, khối lượng dẫn đến phân bố công việc cho mọi người chưa chuẩn, member lúc thừa, lúc thiếu việc. Sau đó, khi được group leader và một đồng nghiệp BrSE hướng dẫn cách quản lý và cập nhật ticket, tôi đã tự rút ra kinh nghiệm trong quản lý team cho mình” – Phong chia sẻ.

Có gì đó không biết thì lại mày mò tìm hiểu đọc sách, học hỏi từ người khác. Phong cũng chẳng ngần ngại việc ở lại khuya OT hay nửa đêm vẫn lên công ty hỗ trợ anh em. Hơn 3 năm qua, Phong không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu task khó, cũng chẳng phân biệt được task nào khó nhất. “Mình là leader, việc gì cũng phải làm, việc gì cũng phải giải quyết, mình không làm thì ai làm” – Phong quả quyết.

Trước khi nhận đề cử MIP (Most Impotant Person) của Division 2 quý III, Phong từng là 1 trong 5 người nhận đề cử cho giải triển vọng của FAA 2017 và 2 lần nhận đề cử cho giải thưởng MIP của Div 2.  Đối với Phong, thật ra, việc đạt giải không quan trọng, được đề cử đã là rất vui. Bởi đó là lúc “sự nỗ lực của mình được mọi người ghi nhận”.

Trầm ngâm phút chốc rồi Phong lập tức trở lại giọng tưng tửng vốn có khi nói về tâm trạng vừa mừng vừa lo lúc nhận giải. Mừng thì rõ rồi nhưng lo là “sẽ hụt ngân sách nặng nề”. Vì thế, dù có nhiều lựa chọn nhưng anh chàng quyết mang đi khao hết anh em. Thế là một người khỏe cả team vui.

Nói về hiện tại, về công việc đang làm, người đang yêu và những thứ đang có, anh chàng tủm tỉm bảo, đang ở trạng thái hạnh phúc và hài lòng với những gì có ở Framgia.

“Tôi đã được nhiều điều quý báu ở đây, cả về kỹ năng và kiến thức. Ngoài rank và lương, chế độ đãi ngộ, tôi thấy điều đáng quý nhất là cách mọi người đối đãi với nhau, rồi bạn bè, người yêu đều ở cả đây. Tôi hạnh phúc với công việc đang làm. Tất nhiên là bug vẫn xảy ra, như vừa mới tháng trước thôi, một bug nhỏ có thể khiến cả team mất nhiều thời gian để xử lý. Những sự cố đơn giản hoặc nghiêm trọng thể xảy ra mỗi ngày. Và điều đó cho thấy, tôi vẫn còn nhiều thứ phải học và làm ở Framgia”  – Đức Phong nói.

Đức Phong

Sinh năm 1992

Vị trí làm việc: Division 2 – Framgia Hà Nội

 

Hoàng Long – Group Leader – Division 2

Trong công việc, Phong luôn hoàn thành tốt công việc được giao, chủ động trao đổi với BrSE, QA và các thành viên Dev khác, sẵn hỗ trợ, đào tạo các member khác trong team để anh em cùng tiến bộ. Đặc biệt, Phong là người không ngại khó, ngại khổ, ngay cả khi được giao task khó, Phong chưa bao giờ phàn nàn, luôn nhiệt tình. Phong cũng là người nhiệt tình, dù bận công việc cá nhân, Phong vẫn tình nguyện quay lại công ty vào buổi tối hỗ trợ QA.

Nói về Phong có lần tôi nhớ về giai đoạn dự án Disco đang căng thẳng, lúc đó Phong chưa lên leader chính thức. Trong khi leader cũ đang phải giải quyết nhiều việc khác, mọi người đã đề bạt Phong lên thay. Thời điểm này, Phong đã hoàn thành rất tốt công việc được giao và trở thành team leader chính thức sau đó.