Từ chuyện của cô Comtor, đến hành động của Lý Tiểu Long và cách gặt hái thành quả đời mình

Hầu hết chúng ta đều ít, thậm chí là không có thói quen lên kế hoạch cho cuộc đời mình, luôn cảm thấy việc này rất mất thời gian và không thực tế. Nếu có thì đó cũng chỉ là kế hoạch cho những hoài bão lớn, còn các việc làm nhỏ thường có xu hướng "auto skip". Tuy nhiên, chúng ta lại quên mất một điều rằng: ngay cả một việc nhỏ cũng không có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng thì chúng ta sẽ dựa vào đâu để gặt hái được những thành quả lớn?

Có một cô nàng Comtor nhà Sun* đã từng kể tôi nghe câu chuyện cứ mỗi tối, cô ấy sẽ suy nghĩ trước việc ngày mai sẽ mặc đồ gì, phối đồ ra sao, còn chu đáo chuẩn bị sẵn mọi thứ, ủi đồ phẳng phiu để sẵn sàng hôm sau đi làm với một diện mạo "lộng lẫy", chỉn chu nhất. Chắc các bác nghe xong sẽ nghĩ con gái thật "lắm chuyện", sao có thể mê làm đẹp đến thế, đúng không?

Thật ra, đây chính là cách cô nàng ấy yêu bản thân mình, là một việc làm nhỏ nhưng thể hiện rõ mục tiêu cũng như kế hoạch làm đẹp, chăm chút ngoại hình rất cụ thể. Không để bản thân xuất hiện với một diện mạo lôi thôi, lên sẵn set đồ ưng ý và đưa ra deadline hoàn thành khâu chuẩn bị trang phục ngay trong đêm.... Mục tiêu, định hướng rõ ràng và được hành động dứt khoát. 

Minh họa (Nguồn ảnh: iStock)

Khách quan mà nói, việc lập mục tiêu, kế hoạch cho bản thân không hề rắc rối như chúng ta thường nghĩ. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một bản tóm tắt, một vài dòng nhật ký về những gì chúng ta quan tâm, muốn cải thiện và cuộc sống mà chúng ta "vẽ" ra trong tương lai sau này thôi.

Đã bao giờ Sunners nghe đến cụm từ "nhật ký thời gian" chưa nhỉ? Tôi có một ông anh thân thiết, mỗi ngày anh đều dành ra 30 phút để viết nhật ký thời gian của mình. Trong nhật ký ấy ghi lại hàng loạt những công việc anh dự định sẽ làm đi kèm cách thức thực hiện chi tiết. Cuối ngày, anh ghi chú lại những gì mình đã và chưa làm được, đương nhiên sẽ không quên viết tiếp kế hoạch cho ngày hôm sau. 

Ban đầu, tôi cảm thấy việc làm này khá phiền phức và "hình thức" nhưng sau khi nhìn thấy anh của ngày hôm nay - một người đàn ông trưởng thành, thành đạt và giỏi giang thì tôi đã hoàn toàn có một cái nhìn mới về việc đặt mục tiêu, lập kế hoạch cuộc đời.

Minh họa (Nguồn ảnh: @Hitthatbulletjournal)

Nhật ký thời gian chi tiết là cách để chúng ta tối ưu hóa dòng công việc của mình. Không đâu xa vời, ngay trong chính một ngày làm việc thông thường, chúng ta xác định rõ bản thân cần hoàn thành các công việc gì, ăn trưa món nào, order cùng đồng nghiệp các loại nước uống gì, nên dành bao nhiêu thời gian để tập luyện thể dục.... Việc tổ chức đến từng chi tiết nhỏ của lịch trình trong ngày sẽ giúp làm dịu mệt mỏi của việc quyết định.  

Việc viết nhật ký thời gian cũng giống như cách chúng ta làm daily report đầy đủ hàng ngày. Khi chúng ta update tiến độ liên tục, nêu rõ vấn đề, đưa ra mục tiêu rõ ràng, có con số, có thể đo lường được, đặt deadline hoàn thành, nỗ lực và quyết tâm cao độ để đạt được mục tiêu đề ra, khi chậm tiến độ sẽ có phương án xử lý kịp thời... thì mọi thứ sẽ phát triển thuận lợi hơn rất nhiều.

Viết nhật ký thời gian bằng sổ tay Planner rất hữu ích (Nguồn ảnh: Internet)

Chúng ta thường có tư tưởng sợ thất bại khi đặt những mục tiêu lớn và lười biếng thực hiện với những việc làm nhỏ. Tuy nhiên, dù việc lớn hay nhỏ, nếu muốn thay đổi cuộc sống và đạt nhiều hơn những gì đang có thì chúng ta phải là người thực hiện những mục tiêu đề ra, lập kế hoạch cụ thể cho tất cả.

Siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long đã từng nói: "Biết không chưa đủ, mà phải áp dụng. Sẵn sàng là chưa đủ, bạn phải bắt tay vào làm. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về một điều gì đó, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành nó”. Có rất nhiều người trên thế giới biết những gì họ phải làm để có được những gì họ muốn, nhưng chỉ số ít thành công. Đơn giản bởi không phải ai cũng có đủ nghị lực và quyết tâm để bắt tay vào hành động.

Năm 29 tuổi, Lý Tiểu Long đã viết ra mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình và suốt những năm tháng sau đó, ông kiên trì theo đuổi mục tiêu này. Ông gọi đó là “mục tiêu quan trọng xác định của cuộc đời”. 

Ông nói: “Tôi, Lý Tiểu Long, sẽ trở thành ngôi sao võ thuật phương Đông được trả lương cao nhất tại Mỹ. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để mang đến những bài trình diễn tuyệt vời nhất. Từ những năm 1970 trở đi, tôi sẽ phải trở nên nổi tiếng khắp thế giới và cho đến năm 1980, tài sản của tôi sẽ phải đạt ít nhất 10 triệu USD. Tôi sẽ sống theo cách mà tôi muốn để đạt được thành công và hạnh phúc”. Đối với ông, không có mục tiêu tức là đã bỏ phí cả cuộc đời.

Chính nhờ những nỗ lực vượt lên mọi nghịch cảnh và xác định rõ mục tiêu đời mình đã tạo nên một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng danh tiếng lẫy lừng của Lý Tiểu Long. Ông đã dùng cả cuộc đời của mình để chứng minh một chân lý: Hành động mới là thứ quyết định cuộc đời, không phải suy nghĩ!

Siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long và cuộc đời huy hoàng (Nguồn ảnh: Internet)

Có đôi lúc, những việc tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống lại là cơ hội để chúng ta thay đổi bản thân và tiến dần đến điểm đích. Chính vì vậy, dù việc lớn hay nhỏ, dù đã xác định được mục tiêu của mình hay là chưa thì điều quan trọng nhất là xây dựng cho bản thân những kế hoạch rõ ràng để "hiện thực hóa" mong muốn của mình.

Nếu Sunners còn đang hoang mang, không biết nên đặt mục tiêu, lên kế hoạch cuộc đời như thế nào thì có thể tham khảo ngay 7 cách sau để dễ dàng đặt mục tiêu, lên kế hoạch cuộc đời dưới đây nhé!

1. Hãy là chính mình! Sống đúng bản chất mới là sống ý nghĩa, trải nghiệm cuộc sống sẽ khiến ý nghĩa đó trở thành lớn nhất. 

2. Lập kế hoạch trúng đích: 

-  Bước 1: Chọn ra những mục tiêu khả thi nhất 

- Bước 2: Viết ra từng bước để hoàn thành mỗi mục tiêu 

- Bước 3: Phân bổ việc cần làm 

- Bước 4: Đưa ra các chỉ số đánh giá hoặc các tham chiếu để biết mình đang đi đến đâu, có đạt đúng tiến độ hay không, hoặc để nhận ra mình đang thiếu sót chỗ nào. 

- Bước 5: Quyết tâm thực hiện kế hoạch đến cùng, không được chùn bước. 

3. Tập trung vào quá trình, đừng để ý kết quả. Khi theo đuổi mục tiêu, hãy làm mỗi ngày. 

4. Học cách buông bỏ những việc mà mình biết trước nó sẽ thất bại đúng lúc, đúng chỗ để bản thân tìm ra được đúng con đường cần đi. 

5. Xác định rõ đâu là công việc quan trọng cần xử lý trước và những công việc "bận rộn không quan trọng". 

6. Tận dụng tốt giai đoạn 30-40 tuổi để lũy kinh nghiệm và kiến thức 

7. Phải sống thật nhanh và biết quyết định nhanh chóng khi còn nhiều việc phải làm.