[#Làm Nghề] Truy tìm sự thật bấy lâu nay chúng ta vẫn ngộ nhận về BrSE

Nếu Dev cần sự tỉ mỉ với từng dòng code, QA cần kỹ tính cầu toàn, Technical Lead phải cực giỏi về công nghệ, Front End cần tính sáng tạo.... thì BrSE cần sự tinh nhạy, thấu hiểu, quyết đoán trong mọi vấn đề, đảm bảo cả "chất" lẫn "lượng" cho dự án. Không ít người, kể cả người trong ngành IT chúng ta vẫn còn một số hiểu nhầm về nghề BrSE. Chính vì vậy, hãy cùng đến với Series #Làm nghề của Sun* News và lắng nghe lời giải đáp của các kĩ sư cầu nối nhà Sun* nhé!

BrSE là Br = Bridge + SE = System Engineer. Nói một cách đơn giản, BrSE (kỹ sư cầu nối) là người đóng vai trò kết nối giữa khách hàng và project team, họ sử dụng tốt kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ về kỹ thuật của mình để đảm bảo việc hợp tác diễn ra suôn sẻ.

Để trở thành BrSE đòi hỏi nhiều kỹ năng, hội tụ nhiều yếu tố được rèn luyện một thời gian dài. Có khá nhiều những suy nghĩ sai lầm về nghề BrSE nhưng tổng quan chung sẽ có 4 ngộ nhận thường gặp nhất, đó là: BrSE không cần giỏi công nghệ, BrSE chỉ làm việc Communication, cứ qua Nhật onsite là thành BrSE và BrSE là việc dành cho con trai. Thực tế là gì? "Một phút nói hết" cùng BrSE nhà Sun* để được giải đáp chính xác!

BrSE không cần giỏi công nghệ

"Không giỏi code, code không cứng có làm được BrSE không?", có lẽ là câu hỏi thắc mắc của nhiều người. Câu trả lời là có thể không cần giỏi, nhưng giỏi thì xử lý công việc nhanh hơn, chính xác hơn. 

Theo mình, BrSE không cần giỏi công nghệ là một ý kiến nửa đúng và nửa sai. Ý kiến đó có thể đúng với các bạn ở start line, khi mới làm quen với những công việc đầu tiên của BrSE. Bản thân mình là một người xuất thân từ chuyên ngành cơ khí với hiểu biết công nghệ thông tin khá hạn chế. Lúc bắt đầu công việc BrSE mình cũng đã từng ở vào hoàn cảnh này nên phải nhờ vào sự support của mọi người rất nhiều. Nhưng thực tế thì như vậy không thể gọi là 1 BrSE đúng nghĩa được! 

Sau khi làm việc trong dự án và học hỏi thêm các kinh nghiệm từ mọi người, cũng như tự tìm tòi để nâng cao kiến thức công nghệ, mình cảm thấy công việc của mình trơn tru hơn rất nhiều. Mình không cần đến sự support của mọi người nhiều như trước nữa và thay vào đó còn có thể đưa ra các ý kiến và lời khuyên cho member cũng như khách hàng. Mình nghĩ đó mới là những nhiệm vụ của 1 BrSE trong dự án. Vậy nên kết luận lại: để bắt đầu công việc BrSE thì đúng là không cần giỏi công nghệ, nhưng nếu đã có ý định gắn bó và phát triển với nghề này thì kiến thức công nghệ là bắt buộc, còn nếu giỏi được thì quá tốt. 

Để trở thành BrSE giỏi, ngoài sự những tố chất cần thiết cho mọi vị trí khác như sự kiên nhẫn, cẩn thận và chăm học hỏi trong công việc thì một tố chất rất quan trọng và đặc thù là khả năng thấu hiểu mọi người, thấu hiểu khách hàng cũng như các member trong team. Ví dụ làm cách nào để motivate member khi gặp khó khăn, hiểu được tâm lý và hoàn cảnh của khách hàng để đưa ra các ý kiến phù hợp nhất. Nếu làm tốt được những việc nhỏ nhặt như thế thì công việc và dự án sẽ được cải thiện rất nhiều. 

Nhật Hoàng - CEV04 

Không thể phủ nhận hiện tại rất nhiều BrSE không quá giỏi về công nghệ nhưng vẫn đang làm được công việc kĩ sư cầu nối. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn giữa không giỏi và không cần giỏi, hiểu công nghệ là một trong những tiêu chí quan trọng của 1 kĩ sư cầu nối. Nếu không cải thiện và làm mới liên tục song song với các kĩ năng khác, "gót chân Asin" đến một lúc nào đó cũng sẽ lộ ra thôi! 

Khách hàng là nhà vợ nhưng mà team dự án lại là nhà mình, vì thế BrSE phải luôn bình tĩnh trong lúc phân tích xử lý vấn đề, sự trầm ổn và lạc quan là một tố chất cần thiết của BrSE. 

Đức Công - CEV11

BrSE làm việc kết nối là chính

Làm cầu nối liên lạc, kết nối thông tin chỉ là một phần trong hàng loạt công việc cần làm của BrSE. Ngoài việc truyền đạt yêu cầu khách hàng cho team dự án và chia sẻ những vấn đề về dự án đến với khách hàng, BrSE còn "abcxyz" các công việc khác mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

BrSE theo như công ty mình đề xuất thì có 5 thiên hướng: Business & System Analytics, Language, Communication, Technical và Process Management. Do đó, Communication chỉ là một trong số những thiên hướng chính của công việc BrSE. Thực tế đúng là như vậy, giao tiếp là một phần cực kỳ quan trọng của nghề BrSE, nhưng sẽ là thiếu sót khi không có ngôn ngữ hay kiến thức nền tảng về công nghệ hoặc kỹ năng. 

BrSE là công việc đòi hỏi nhiều tố chất. Đầu tiên phải là linh hoạt, khéo léo. Nghề BrSE là nghề phải tiếp cận và xử lý những vấn đề không bao giờ lặp lại. Chính vì thế, việc linh hoạt và khéo léo trong cả giao tiếp lẫn hành xử là một tố chất cực kỳ cần thiết của một BrSE. 

Ngoài ra, học tập không ngừng cũng là một kỹ năng cần phải trau dồi và phát huy liên tục. Công nghệ ngày càng phát triển, yêu cầu của khách hàng cũng ngày càng một nâng cao hơn. Nếu không tự học, chúng ta sẽ bị thụt lùi và không phát triển được trong nghề BrSE. 

Hoàng Hiệp - CEV11

Communication là 1 công cụ để BrSE thực hiện công việc của mình, còn công việc chính vẫn là quản lí tiến độ, trao đổi giữa các bên để giải quyết các vấn đề (process, nhân sự, spec, ..). Tóm lại, BrSE luôn phải tìm mọi cách để giữ cho công việc được thông suốt, các bên nắm được đầy đủ thông tin và liên tục. 

BrSE cần có tinh thần trách nhiệm cao vì BrSE là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành sản phẩm tốt nhất nên chỉ cần một phút sơ sảy, thiếu trách nhiệm thì sẽ gây ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Bên cạnh đó, BrSE cần ngoại ngữ, khả năng communicate và problem solving tốt để xử lý các vấn đề phát sinh nhanh gọn, chuẩn xác. 

Hữu Đức - CEV09

Cứ qua Nhật onsite là thành BrSE 

Ngộ nhận này không hề đúng, đó chỉ đơn thuần là SE (System Engineer). Cụ thể như thế nào thì hãy để các BrSE dưới đây "lên tiếng" giải đáp nhé! 

Mình đồng tình rằng có thể khi được đưa vào môi trường Onsite - được sang công ty đối tác làm việc trực tiếp ở đó sẽ là một chất xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta làm công việc BrSE tốt hơn. Ví dụ: trao đổi trực tiếp với khách hàng thay vì qua Meet, Zoom thì cuộc giao tiếp sẽ sinh động, truyền tải được nhiều hơn; được lao động trong môi trường cùng với các người Nhật khác, được quan sát, được học hỏi cách làm việc từ họ, được "ăn nhậu" với họ để tạo mối quan hệ tốt hơn... hoặc có khi mình sẽ có thêm một vài động lực nào đó khác chẳng hạn! 

Tuy nhiên, điều quan trọng để trở thành một BrSE, hay bất kì một vai trò nào khác đó là ta cần phải có tư duy, kiến thức, kĩ năng của vai trò đó. Là cầu nối giữa Khách hàng và đội dự án, nhiệm vụ lớn nhất của BrSE chắc có thể nói là đảm bảo giao tiếp giữa 2 bên được thông suốt, chính xác, và kịp thời. 

Một trong những thử thách của nhiệm vụ trên mình nghĩ là đảm bảo thông tin chính xác. Các nội dung trao đổi giữa 2 bên có khi về kĩ thuật, có khi về business, để diễn tả chúng chính xác đòi hỏi ta phải am hiểu càng nhiều, càng sâu thì càng tốt. Kiến thức nhiều như vậy thì "Ham học hỏi" có thể là phẩm chất chìa khóa để chúng ta duy trì thái độ tò mò, muốn tìm hiểu, trau dồi kiến thức về các chủ đề (kĩ thuật, business...) mà chúng ta gặp phải, từ đó nâng cao chất lượng nội dung mà chúng ta biên/phiên dịch, trao đổi giữa 2 bên. 

Nguyễn Tâm - CEV13

Cá nhân mình nghĩ thì việc qua Nhật onsite và việc thành BrSE cũng không có nhiều liên quan tới nhau đến thế! Mình thấy có rất nhiều BrSE mà chưa hề onsite bên Nhật và có những người đi onsite nhưng cũng không phải với vị trí BrSE. Đối với mình, BrSE là một kỹ sư có thể đảm nhiệm công việc làm cầu nối giữa phía khách hàng (phía Nhật) và team Việt Nam dựa trên kiến thức chuyên môn và khả năng ngôn ngữ. Người đảm nhận vai trò này đã là một BrSE thực thụ rồi! 

BrSE có nhiều tố chất cần thiết nhưng theo mình thì khả năng chịu được áp lực và bình tĩnh giải quyết vấn đề là quan trọng nhất! Trong dự án nào cũng chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề và áp lực giải quyết những vấn đề đó thường nằm ở vị trí BrSE. Đặc biệt trong những trường hợp Khách hàng đưa ra những yêu cầu mà đội Việt Nam khó xử lý được hoặc gặp phải những trường hợp cần xử lý vấn đề gấp. Vào những lúc như vậy thì BrSE cần có trách nhiệm giải quyết những khó khăn này, do vậy tố chất chịu được áp lực và giải quyết vấn đề luôn được đề cao.

Tuấn Linh - CEV07 

BrSE là việc thích hợp hơn với nam giới 

Tuy rằng tỷ lệ BrSE nam cao nhưng BrSE nữ lại không phải hiếm, đôi khi còn lợi thế hơn trong việc thuyết phục khách hàng nữa chứ! Sự thật cho thấy, các BrSE nữ, đặc biệt là BrSE nữ của Sun* vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang lại vừa thành công trong công việc. 

Mình nghĩ có thể do trong từ BrSE có chữ Engineer - Kĩ sư nên mới có nhận định đó chăng? Nhưng nhìn vào thực tế có rất nhiều BrSE nữ ở Sun* đã chứng minh nhận định đó có chính xác hay không rồi! Công việc của BrSE tuy gặp nhiều khó khăn, "hao tâm tổn lực", có lúc lại làm "tổn hại nhan sắc" do áp lực ngày đêm của công việc nhưng điều đó không hề khiến chị em BrSE sụt giảm phong độ. 
Dù BrSE nữ hay nam thì cũng cần rất nhiều tố chất và theo mình, những tố chất quan trọng phải kể đến là Get risky không ngại thử thách những cái mới, kĩ năng Vommunication để thực hiện công việc cầu nối giữa team VN và khách hàng cùng vô vàn yêu cầu khác. Tuy nhiên, chỉ cần nỗ lực thì mọi thứ đều sẽ đạt được kết quả xứng đáng! 

Quế Ngân - CEV12
 

Mình nghĩ công việc (trừ khi việc nặng nhọc đòi hỏi thể lực) thì không phân biệt giới tính mà chỉ cần tính cách phù hợp là làm được. Con gái nếu thích học hỏi điều mới, thích làm việc teamwork, thích tổ chức sắp xếp công việc để đạt được mục tiêu đề ra.....thì làm BrSE rất hợp đó chứ!

Dựa trên kinh nghiệm thực tế khi làm BrSE thì mình thấy tố chất quan trọng nhất của một BrSE chính là lạc quan, thoải mái trước áp lực công việc, bình tĩnh phân tích việc gì là quan trọng mấu chốt cần làm, việc gì độ ưu tiên thấp hơn. Và dù công việc nhiều dồn dập cũng không bị bấn loạn hay lo âu. Ngoài ra, BrSE còn cần yêu thích việc lên kế hoạch, theo dõi tiến độ, phân tích nghiên cứu specs. Luôn lắng nghe, gắn kết mọi người cũng là việc không thể thiếu.

Kim Anh - CEV10

Đúng là trước đây lúc mới chập chững vào ngành này ấy, mình hầu hết làm việc chung với các anh Brse nên vô hình chung đâu đó cũng tự đóng khung BrSE hợp với các anh nam hơn. Nhưng làm việc lâu hơn thì mình nhận ra là "ủa, alo, làm gì có nghề nào được gọi là của nam, của nữ đâu ta? Ví dụ như đầu bếp nổi tiếng hay các thợ cắt tóc chuyên nghiệp toàn là nam. Hay các dev xịn nhà mình cũng đâu thiếu các bạn nữ xinh đẹp?" 

Chưa kể đến mình còn được tiếp xúc với các chị BrSE giỏi giang ở công ty mình, các chị, các bạn đã từng là Comtor như mình đã thành công chuyển ngạch thành BrSE nên suy nghĩ của mình đã dần dần thay đổi như thế đó! 

Ngoài những kĩ năng gọi là MUST mà 1 BrSE cần có là language, communication, business analytics, process management và technical thì mình nghĩ , điều mà1 BrSE rất cần là sự điềm tĩnh, tính trách nhiệm cao, tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi và quan trọng là nhẫn nại khéo léo dịu dàng. Như thế thì chẳng phải nữ có lợi hơn sao?

Diệu Trinh - CEV13

Mình thấy nghề này còn phù hợp với con gái hơn ý vì BrSE là nghề làm dâu trăm họ mà! BrSE là cầu nối giữa team Việt Nam với khách hàng, có khi giữa team-SunJP- khách hàng, thậm chí làm cầu nối giữa dev-QA trong team nên các bạn nữ với tính cách khéo léo trong giao tiếp có 1 lợi thế rất lớn.

BrSE cần kỹ năng giao tiếp tốt , lập kế hoạch tốt, giải quyết vấn đề tốt và đặc biệt là khả năng thích nghi tốt. Ngành IT thay đổi từng ngày, từng giờ, chưa kể IT có rất nhiều mảng nên kết thúc dự án về ngân hàng có thể sẽ được assign đảm nhận dự án về y tế nên đòi hỏi BrSE phải nhập cuộc nhanh, tìm tòi - học hỏi - bổ sung kiến thức lĩnh vực mới ngay để nhanh chóng nắm bắt yêu cầu, bắt sóng style khách hàng hay guide team tìm hiếu, phát triển.

Phương Thảo - CEV02

Người ta thường ngưỡng mộ công việc của BrSE vì sự toàn năng của họ. Thực chất là để có được sự "toàn năng" ấy, các kĩ sư cầu nối đã phải trau dồi và học hỏi không ngừng nghỉ, cũng như giữ vững được tinh thần thép trước các biến động không hề báo trước của đời sống dự án. Hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ và thấu hiểu hơn về nghề BrSE. Tin chắc rằng với năng lực và kỹ năng của mình, các BrSE của Sun* sẽ ngày càng vươn cao, vươn xa hơn nữa trong tương lai. 

[#Làm nghề] - Series mới, ra mắt vào tháng 4/2022, với nhiệm vụ đem đến cho độc giả những câu chuyện, những kinh nghiệm làm nghề thú vị của người Sun*, bao quát ở tất cả các lĩnh vực công việc trong Công ty, giúp Sunner có thể thấu hiểu hơn về nghề nghiệp của mọi người quanh mình, học hỏi được những kiến thức thú vị và đồng hành cùng nhau phát triển. 

#Làm Nghề