[Review] 'Bến xe' - Thương Thái Vi: Sau nước mắt là sự hy sinh cùng tấm lòng vị tha của những tâm hồn đồng điệu

Đây là review được viết ra từ trái tim Phương Linh - QA EUV 2.

Vượt xa những định kiến ban đầu của bản thân về truyện ngôn tình, tôi đã được Thương Thái Vi (nhà văn Trung Quốc), từ khai sáng đến khắc cốt ghi tâm những bài học về tình yêu thương, đức hy sinh cao thượng và lòng vị tha cho thứ mà người đời vẫn hay gọi là 'miệng lưỡi thế gian' thông qua tiểu thuyết ngôn tình mang tên "Bến xe".

Chấp nhận sự cô độc, buông tay ánh sáng của cuộc đời mình chỉ vì tương lai của người mình yêu, đếm trên đời này mấy ai có thể làm được? Thấy người đó bị sỉ nhục, bị bôi nhọ liền hy sinh chính bản thân chỉ để bảo vệ danh dự một đời cho người ấy, liệu còn tình yêu nào cao đẹp hơn thế! Đó là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng bi thương mà tôi đã đọc được từ cuốn sách "Bến xe" của Thương Thái Vi.

Với giọng văn nhẹ nhàng và sâu lắng, "Bến xe" kể về câu chuyện tình yêu thuần khiết và trong sáng của cặp thầy trò Liễu Địch - Chương Ngọc. 

Liễu Địch là cô học trò trung học tài năng và xinh đẹp, được bạn bè cùng trang lứa gắn cho cái mác thiên tài bởi khiếu thơ văn từ bé của mình. Trong khi đó, Chương Ngọc - người thầy mang trong mình sự khiếm khuyết về thị giác nhưng lại có tài năng thiên bẩm về thơ ca và hội họa, cũng chính là thầy giáo dạy ngữ văn của Liễu Địch.

Chẳng ai biết tự bao giờ mà thứ tình cảm thanh thuần được nuôi dưỡng từ lòng ngưỡng mộ người thầy tuấn tú xuất chúng của cô học trò nhỏ Liễu Địch biến thành tình yêu. Có thể chính cô cũng không biết nhưng tôi chắc chắn dù nó bắt đầu từ đâu, từ khi nào, nó chính là thứ tình cảm thuần túy và đẹp đẽ nhất, khi hai người cùng bù trừ, lặng lẽ bên cạnh giúp đỡ đối phương, để từ một trái tim vốn lạnh lùng, luôn tự cô lập bản thân như thầy Chương rốt cuộc cũng để cho sự trong sáng của mặt trời nhỏ Liễu Địch sưởi ấm.

Từ một người đang đứng trong ánh hào quang, dẫn đầu trong một ngôi trường danh tiếng, hội tụ đủ tài hoa bỗng nhiên mất tất cả mọi thứ, phải sống suốt đời trong bóng tối, mấy ai có thể chịu được cú sốc như vậy nhưng Chương Ngọc lại có thể, hay như Liễu Địch nói:" Thầy ấy thà làm một người thất bại oanh liệt, cũng không muốn làm kẻ hèn nhát nằm phủ phục dưới chân vận mệnh tỏ vẻ đáng thương. Thầy ấy là một dũng sỹ, là một người anh hùng, dù theo kiểu bi kịch đi chăng nữa." 

Tôi thật sự thấm thía những điều ấy, cái tôn nghiêm của thầy Chương không cho phép nhận lấy cái nhìn thương hại của kẻ khác, con người ấy từng bước đứng lên từ trong bóng tối, thầy ấy vẫn đấu tranh dù biết không thể thắng đêm tối, chịu gièm pha về một người khiếm thị để cuối cùng đứng trên bục giảng truyền đạt những tinh hoa trong văn học mà mình đã cảm nhận. Người thầy ấy, kiên cường hơn bất cứ ai nhưng cũng cô độc hơn bất cứ ai trên đời!

Chương Ngọc tạo cho mình một vỏ bọc lạnh lùng, khó gần để vây chặt chính mình khỏi những ánh mắt săm soi, thương hại thậm chí là cười nhạo từ người đời và trên hết là nỗi sợ trở thành ký sinh trùng hay trở thành gánh nặng cho bất cứ ai.

Ấy vậy mà, chỉ có Liễu Địch thốt ra hai từ đau khổ khi nghe về cuộc đời anh và cũng chỉ có Liễu Địch khiến anh tình nguyện thoát khỏi vỏ bọc lạnh lẽo ấy, mở cửa trái tim để tìm được đón nhận tình yêu. Và câu chuyện tình nhẹ nhàng của Liễu Địch và Chương Ngọc cứ thế nở rộ như đóa hoa mỗi sớm mai, ngày qua ngày gặp nhau, chờ đợi nhau và chào tạm biệt nhau tại nơi bến xe quen thuộc.

Nhưng điều gì đến cũng đến. Thông báo trúng tuyển Bắc Đại, ước mơ của Liễu Địch cũng là tương lai từng dang dở của Chương Ngọc, có lẽ chính là vết dao chí mạng cho tình cảm hai người. Càng đến ngày Liễu Địch rời đi, cách hành văn của Thương Thái Vi càng khiến tôi xúc động và thương xót cho tình yêu của đôi uyên ương này.

Có lẽ cái ngày Liễu Địch đến nhà thầy Chương, người ấy đã rũ bỏ hình tượng một người thầy nghiêm cẩn thường ngày, chỉ còn lại một người đàn ông với tình yêu mãnh liệt dành cho người đã sưởi ấm trái tim mình, cùng với tất cả tâm tư kìm nén muốn dâng trào song lại khóa chặt mọi thứ vì tương lai của đối phương. Tôi thấy được sự đau khổ dằn vặt đó, muốn giữ chặt người kia nhưng không nỡ, Liễu Địch có lẽ cùng nhìn được, chỉ là chưa rõ ràng. Lúc ở bến xe, người ấy xin Liễu Địch cho phép mình được "ngắm" cô, câu nói của Chương Ngọc khiến tôi bật khóc: "Tôi thật sự hy vọng... lúc này... đôi mắt tôi có thể bừng sáng, cho dù chỉ một phút. Một phút thôi cũng được, tôi nguyện dùng cả sinh mạng mình để đánh đổi." Một nụ cười rực rỡ của thầy, nụ cười trong sáng như bầu trời thu lại rạng rỡ như mùa xuân đã in sâu vào sinh mệnh của Liễu Địch mãi mãi.

Việc Liễu Địch rời xa, đối với Chương Ngọc chẳng khác nào tra tấn nhưng với Liễu Địch, cô ấy còn trẻ còn rất nhiều điều chưa khám phá bị cuốn hút với nhiều thứ ở thế giới bên ngoài là điều hiển nhiên như một chú chim non được che chở giờ đã giang rộng được đôi cánh muốn tìm hiểu bầu trời. Cô ấy bị cuốn hút trước lời văn tràn đầy sức sống và quan điểm rõ rãng của 'Hải Thiên' tạm quên một người thầy cô đã khác sâu trong tâm trí rồi vô thức nhận ra thì ra từng hình ảnh đều khiến mình nghĩ đến người ấy, rất nhớ thầy. Quay đầu lại tất cả đều là Chương Ngọc, dù là một Chương Ngọc tài hoa xuất chúng, trẻ trung sáng chói hay một Chương Ngọc âm u, lạng lẽo trong nhân sinh của Liễu Địch cũng chỉ có người ấy. Nhưng tất cả mọi chuyện chẳng như ta mong đợi.

Đến đây tôi thật sự rất hiểu và tức giận cái gọi là miệng thế gian. Một tình cảm vốn dĩ trong sáng, tốt đẹp và cao thượng đến vậy nhưng lại trở thành chuyện đàm tiếu như một đôi tiện nam tiện nữ không phẩm giá, một người giả mù lòa dụ dỗ nữ sinh. Là người đọc, tôi cảm thấy vừa giận dữ vừa bất lực, vốn dĩ cuộc sống luôn có những người cố tình bóp méo sự thật dù nó có tốt đẹp đến đâu chỉ vì sự ích kỉ và ganh ghét của lòng người. Chính lời vô căn cứ đó lại cướp đi sinh mạng một người, Chương Ngọc chết vì tai nạn giao thông nhưng tôi, Liễu Địch và mọi người đều biết không phải như vậy.

Là một người dù rơi xuống tận cùng vực sâu đen tối nhưng vẫn chưa từng mở lời than trách số phận hay khóc lóc tại sao lại lựa chọn ra đi. Câu trả lời là tương lai của Liễu Địch nhưng tôi nghĩ cũng một phần là cái xã hội này.

Đầu tiên là đố kỵ trước tài hoa của Chương Ngọc sau là sự thương hại và âm thầm chế nhạo đôi mắt đã mù của anh, cuối cùng là bôi bác nhân phẩm của Chương Ngọc. Có lẽ, ở tuổi 28 trước những lời đó, thầy Chương vẫn sẽ đấu tranh và ngẩng cao đầu nhưng nó còn liên quan đến một Liễu Địch vừa vào đời với cả tương lai phái trước. Chính Chương Ngọc cũng thừa nhận rằng anh đang cố gắng để Liễu Địch đừng thích mình dù bản thân đã đắm chìm trong lưới tình không thể dứt ra. Anh không muốn vì sự khiếm khuyết của mình liên lụy đến cô khi biết rằng anh chẳng thể bảo vệ cô như những người đàn ông khác:"Cô ấy thuần khiết như chậu hoa nhài này. Nếu nhốt cô ấy ở trong bóng tối, liệu cô ấy có thể sinh trưởng và nở hoa?". Vậy nên lựa chọn tốt nhất, đó chính là ra đi.

Vẫn là hình ảnh bến xe nhưng cảnh còn người mất, bức thư cháy dở của Chương Ngọc đã viết: "Liễu Địch, thứ tôi có thể cho em trong cuộc đời này, chỉ là danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp mà thôi. Thế nhưng, nếu có kiếp sau tôi có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này... đợi em." Tất cả yên bình dịu dàng với hình ảnh bến xe nay chỉ còn sự tĩnh lặng nhuốm màu tang thương khiến người đọc bật khóc.

Sau cùng chỉ còn Liễu Địch và tình yêu cao đẹp đầy bi ai của hai người tồn tại. Sự ra đi của thầy Chương mang đến sự hối hận của những người đã từng đặt điều về họ, khiến ai nấy đều phải rung động trước tình cảm đẹp đẽ của hai người nhưng thời gian cũng chẳng thể quay lại, nỗi đau có thể đã hết nhưng vết sẹo sẽ còn mãi chẳng lành. Liễu Địch lựa chọn tha thứ cho tất cả, như cách mà người thầy của cô đã làm, mang theo tình cảm mà sống tiếp: "Bây giờ con chính là thầy, thầy chính là con. Tác phẩm thầy chưa thực hiện, con sẽ viết thay thầy; con đường thầy chưa đi hết, con sẽ tiến bước thay thầy; huy hoàng thầy chưa kịp tạo, con sẽ tạo giúp thầy. Con sẽ vì thầy bước ra khỏi bóng tối, đi tới ánh sáng!"

Chưa bao giờ trái tim tôi lại thổn thức đến thế, "Bến xe" không đơn thuần là một cuốn tiếu thuyết ngôn tình về ý nghĩa cuộc sống hay những lời triết lí suông bởi nó bao gồm cả sự kiên cường, tình yêu cao thượng giữa người với người cùng nhau chiến đấu lại những định kiến xấu và cổ hủ của xã hội.

Kết chuyện Liễu Địch có câu thế này:" Cảm ơn ông trời đã cho con một tình yêu lâu bền nhất, cao thượng nhất, sâu sắc nhất trên cõi đời này. Bao nhiêu người sống trên cõi đời này có được tình yêu như vậy?" Có lẽ không phải tôi cũng không phải bạn, nhưng chúng ta biết rằng đâu đó trên thế giới này vẫn người như vậy, chấp nhận hy sinh vì cuộc đời người kia. Chương Ngọc ra đi nhưng nơi bến xe vẫn luôn có Liễu Địch chờ đó, dù kiếp này, kiếp sau, mãi mãi...

Tác phẩm gây được tiếng vang lớn trong lòng độc giả, kể cả những ai từng có định kiến không tốt về truyện ngôn tình - thứ truyện "mị dân" vào đầu người những thứ tình yêu bay bổng, phù phiếm và không có thật. Kết thúc tác phẩm là nốt nhạc trầm buồn gây sự tiếc nuối lớn trong lòng độc giả nhưng nếu cảm nhận được sâu xa hơn, đó là bài học đáng suy ngẫm về tình yêu và cuộc đời. 

Hai tâm hồn, hai tính cách đã tìm thấy nhau ở những thanh âm đồng điệu. Hình ảnh "Bến xe" xuyên suốt tác phẩm là ẩn dụ về điểm dừng trong cuộc đời mỗi người, ở đó họ nhìn lại những điều đã qua, nuối tiếc có, đau khổ có nhưng hơn tất cả là sự lạc quan và tích cực hướng về tương lai tốt đẹp phía trước.

#review sách

#Bến xe Thái Vi Thương

#toàn Sun* đọc sách