Hình thành hệ sinh thái (Ecosystem/Platform): Xu hướng hay cuộc đua trong làng công nghệ?

Hiểu một cách đơn giản, Ecosystem - hệ sinh thái công nghệ là khái niệm chỉ một mạng lưới rộng khắp các thiết bị và dịch vụ có khả năng liên kết chặt chẽ với nhau, trải dài từ phần cứng đến phần mềm. Khả năng đồng bộ dễ dàng mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng trong cả giải trí lẫn công việc, thay đổi hoàn toàn trải nghiệm thường thấy trong đời sống công nghệ của con người.

Hệ sinh thái công nghệ và bài toán giữ chân người dùng

Ngày nay với sự phát triển của điện toán đám mây, cũng như nhờ sự phổ cập và phát triển của cơ sở hạ tầng internet, lượng dữ liệu chúng ta sinh ra hàng ngày trên internet đang ngày một tăng cao (xem thống kê chi tiết tại đây). 

Nguồn dữ liệu khổng lồ cùng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các ngành khoa học khai phá data, nhân loại đang có những bước tiến lớn trong việc biến dữ liệu thô sơ đó thành các dịch vụ, ý tưởng kinh doanh. Không quá khi nói rằng, data người dùng đang ngày càng trở nên quan trọng. Nắm được một lượng lớn thông tin người dùng, đồng nghĩa với việc bạn sẽ có hàng tá "business chances" được sinh ra. Không sớm thì muộn, công ty của bạn cũng có cơ hội kiếm được những khoản lợi nhuận lớn, thậm chí là cực lớn. 

Facebook là một công ty mà trước đây có thể coi là "chỉ" sở hữu một "trang web" duy nhất, nhưng mạng xã hội này đã trở thành một trong những thế lực đáng sợ nhất trong thế giới công nghệ hiện tại, bởi đơn giản cái "trang web duy nhất" đó đang nắm trong tay dữ liệu của hàng tỉ người dùng. 

Vài năm gần đây, Facebook đã có những thương vụ M&A (Mergers and acquisitions) đình đám, từ Instagram, cho đến WhatsApp, để thực hiện tham vọng mở rộng hệ sinh thái (ecosystem) của mình, nhằm có thêm nhiều người dùng hơn nữa. 

Câu chuyện hình thành hệ sinh thái công nghệ nhằm giữ chân và phát triển mạng lưới người dùng cũng tương tự với Google. Giờ đây bạn gần như không thể sống một ngày mà thiếu Google. Bạn rất khó để thoát khỏi hệ sinh thái (ecosystem) mà Google đã tạo ra. Bạn cần tìm kiếm - có Google Search, bạn cần gửi mail - đã có Gmail, bạn cần duyệt Web - đã có Chrome, hay bạn cần dùng ... điện thoại, đã có Android. Google dường như làm tất cả mọi thứ, cung cấp miễn phí phần lớn những dịch vụ mình có, để có thể hướng đến mục đích là thu thập nhiều hơn nữa dữ liệu của người dùng, từ đó, có thể "hiểu" người dùng hơn, và cuối cùng, để quảng cáo tốt hơn.

Chính việc nắm trong tay một lượng user lớn đồng nghĩa với việc nắm trong tay quyền lực lớn, và những cơ hội kinh doanh lớn. Các công ty công nghệ hiện tại đều đang cố gắng xây dựng những hệ sinh thái của riêng mình, với chiến lược chính là đa dạng hoá sản phẩm, để cố gắng phủ sóng ở nhiều dịch vụ khác nhau, với mục đích không chỉ để lôi kéo người dùng mới, mà còn để "giữ chân" người dùng cũ. Không ai muốn người dùng của mình, lại tự dưng chuyển sang sử dụng hệ sinh thái của đối thủ cạnh tranh khác chỉ vì mình chưa có một dịch vụ mà họ đang mong muốn cả.

Đôi bên cùng có lợi

Đứng về phía đơn vị cung cấp các hệ sinh thái, như đã trình bày ở trên, họ được lợi rất nhiều trong việc thu hút và giữ chân người dùng. Việc mở rộng và làm lớn mạnh ecosystem sẽ khiến người dùng đang sử dụng nhiều dịch vụ, thậm chí bị phụ thuộc, và khó từ bỏ hệ sinh thái đó hơn. Bên cạnh đó, một ecosystem mạnh với hàng tá dịch vụ xoay quanh nó, thì việc triển khai những ý tưởng business, cũng như nâng cao doanh thu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chính vì thế mọi ông lớn hiện nay đều rất tích cực trong việc xây dựng và mở rộng hệ sinh thái của mình. 

Một trong những cách đơn giản nhất trong công cuộc mở rộng này là "miễn phí sử dụng", Open Source hay Public API. Tức họ có thể "mở" một phần các tính năng của hệ sinh thái, để những người dùng/công ty khác có thể phát triển thêm các ứng dụng xung quanh, vô hình chung ecosystem sẽ được cùng mở rộng. Có những hệ sinh thái thậm chí được mở hoàn toàn, đơn giản bởi đơn vị khởi tạo không cần kiếm tiền trực tiếp từ nó, mà thu lợi nhuận từ những business khác xoay quanh nó, hay business được xây dựng trên hệ sinh thái đó.

Với các nhà phát triển thì đương nhiên với việc nhiều hệ sinh thái công nghệ ra đời, sẽ kéo theo nhiều cơ hội, nhiều thử thách mới về mặt công nghệ hơn. Đồng thời những cơ hội kinh doanh trên những hệ sinh thái mở cũng sẽ được chia đều cho tất cả mọi người tham gia. Bạn không cần xây dựng mọi thứ từ con số 0, bạn có thể lựa chọn cách "đứng trên vai những người khổng lồ", tận dụng lượng người dùng sẵn có của hệ sinh thái, và phát triển những dịch vụ mới trên đó. 

Một ví dụ dễ hình dung nhất là kể từ thời điểm bùng nổ của Smartphone với hệ sinh thái iOs hay Android ra đời, đã có hàng triệu lập trình viên cùng tham gia phát triển ứng dụng cho 2 hệ sinh thái này, nó không chỉ giúp cho 2 tên tuổi này ngày càng lớn mạnh hơn, bóp nghẹt những đối thủ ra đời sau đã và đang nhăm nhe cạnh tranh như Tizen, webOS, Windows Phone ..., mà còn giúp rất nhiều lập trình viên/công ty khởi nghiệp, kiếm được những khoản doanh thu rất lớn.

Còn về phía người dùng cuối, đương nhiên càng nhiều dịch vụ hữu ích ra đời sẽ giúp chúng ta có càng nhiều lựa chọn hơn. Các dịch vụ, hay các hệ sinh thái ngày càng phải cạnh tranh nhau để đem đến cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất. Và hàng loạt những ý tưởng mới được hiện thực hoá, tạo ra những điều mới giúp chúng ta giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, cũng như công việc.

R&D Lab và định hướng phát triển hệ sinh thái công nghệ của mình

Thực tế việc định nghĩa như thế nào mới được coi là một "hệ sinh thái" (ecosystem) thì cũng khá khó khăn. Khi nhìn vào những "ông lớn" trong ngành IT trên thế giới, ta thường hiểu rằng đó là một hệ thống các thiết bị và dịch vụ có khả năng liên kết chặt chẽ với nhau, trải dài từ phần cứng đến cả phần mềm. 

Về phía Sun*, trong tương lai gần công ty chưa có định hướng về việc làm phần cứng, bản thân việc xây dựng một hệ sinh thái đa dạng người dùng ở thời điểm hiện tại là cũng cực kỳ khó khăn. Vì vậy nếu có dự định phát triển một hệ sinh thái, R&D Lab sẽ hướng đến một ecosystem hẹp hơn (cho một nhóm đối tượng cụ thể hơn), và tập trung vào các dịch vụ phần mềm nhiều hơn.

Hiện tại, Sun* R&D Lab cũng đang tập trung phát triển các dịch vụ hướng đến các lập trình viên, nhằm giúp công việc của các lập trình viên ngày càng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Đó chính là các dịch vụ ngày càng được mở rộng trong Viblo Platform, hay CI/CD Platform. 

Mặc dù bây giờ chúng vẫn còn đang là những dịch vụ rất nhỏ, số lượng dịch vụ chưa quá nhiều, và chưa thật sự có nhiều liên kết, nhưng hy vọng trong thời gian tới, Sun* có thể đưa chúng đến với nhiều người dùng hơn, biến chúng trở thành những dịch vụ lớn mạnh. Và biết đâu đấy, một ngày nào đó mọi lập trình viên ở Việt Nam đều sẽ biết đến một "hệ sinh thái dành cho lập trình viên" được phát triển bởi Sun*.

Hãy cập nhật những thông tin mới và hấp dẫn nhất từ Sun* News vào 8h00 và 13h00 hàng ngày!

Thang Tran Duc

Wataridori


9 Bài đăng

#platform

#ecosytem

#R&D

#hệ sinh thái