Bí quyết thi FE và cơ hội đi Nhật miễn phí đến 12 ngày!
Bạn là một Comtor muốn nâng cao kiến thức IT để thông dịch tốt hơn, hay để thử sức bản thân ở những vị trí công việc như BrSE? Bạn là một Developer muốn đánh giá kiến thức tổng quan của mình về IT (bao gồm cả kiến thức về quản lý, chiến lược)? Bạn đã từng nghe qua một số chuẩn kĩ năng của Nhật Bản như FE exam (Fundamentals of Engineering Examination) hay AP exam (Applied Information Technology Engineer Examination), nhưng chưa đủ động lực để đăng ký dự thi? Vậy thì mình sẽ tiếp cho bạn thêm một chút động lực để dự thi ngay lập tức kỳ thi này vào tháng 11 năm nay nhé!
Đó chính là một chuyến đi Tokyo 12 ngày “hoàn toàn miễn phí”, học hỏi về ngành Công nghệ thông tin tại Nhật Bản, qua chương trình mang tên TOP GUN.
Top Gun là chương trình mới của Cục xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA) nhằm đào tạo và nuôi dưỡng những người có khả năng lãnh đạo cùng với ITPEC, tổ chức sát hạch CNTT và các công ty Nhật Bản thúc đẩy kì sát hạch CNTT theo chuẩn Nhật Bản.
Top Gun tuy là một chương trình ngắn hạn kéo dài vỏn vẹn chưa đến 2 tuần, nhưng thật sự cô đọng và gói gọn được cả 2 mục đích: tìm hiểu ngành IT của Nhật Bản, đồng thời mang đến cơ hội trải nghiệm nền văn hoá đặc sắc của xứ sở hoa anh đào. Chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên không cần bạn phải nói được tiếng Nhật đâu nhé!
Dưới đây là những cảm nhận của mình khi may mắn được tham dự chương trình năm 2019.
Được tham gia khóa học Project Management
Trong vòng 2 ngày, mình đã được tham gia khóa học Project Management dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư đầu ngành, giàu kinh nghiệm chinh chiến ở Silicon Valley, và nhiều năm giảng dạy cho các doanh nghiệp, trường đại học. Chúng mình dành trọn 2 ngày để làm việc teamwork, giải quyết 1 dự án của mình, từ khâu lên ý tưởng, đến phân chia công việc (work breakdown), điều chỉnh tiến độ qua critical-path, giải quyết sự cố v.v… Điều mình thấy rất tâm đắc và muốn học hỏi, đó là phong thái điềm đạm, uyên bác của thầy giáo, thể hiện qua cách dẫn dắt một lớp học. Mọi ý kiến đều được lắng nghe, không phán xét, mọi người đều được khuyến khích phát triển như nhau. Bài giảng được thiết kế thật lý thú, học thông qua hành, qua teamwork, qua trò chơi, nhưng cũng khéo léo gắn vào đó những phút thư giãn với trò đố chữ (oxymoron), hay lồng ghép một vài điều thú vị về văn hóa Nhật Bản.
Thăm các ông lớn hàng đầu trong ngành IT của Nhật Bản
Mình đã có cơ hội “mở rộng tầm mắt”, không ngừng thốt lên “á, ố”, trầm trồ khi được thăm các ông lớn trong ngành IT ở Nhật như NTT, Fujitsu, Hitachi, Nadia studio, và được giới thiệu các công nghệ tiên tiến AI, ML, robotic…
Trong phần này mình thích nhất hai điểm, một là lúc đi thăm phòng nghiên cứu của Fujitsu, được các kỹ sư trực tiếp giải thích rất cặn kẽ về các phát minh và ứng dụng của họ, cảm giác như lạc vào tương lai với bao hiện đại.
Phần thứ 2, đó là được trải nghiệm trực tiếp làm “diễn viên” cho kỹ thuật motion capturing trong ngành sản xuất animation, tại Nadia studio. Bao ngầu luôn!
Ngoài ra, khi tham dự chuyến đi lần này, mình còn có cơ hội tiếp xúc với những cơ quan “xịn sò” như Bộ Công thương, Hiệp hội phần mềm máy tính Nhật Bản (CSAJ) cùng với những màn chất vấn, đề nghị về chính sách thu hút nhân sự trong ngành IT từ các nước. Phần này, ở một khía cạnh nào đó, mình thấy mình như một vị chính khách, mang trong mình một sứ mệnh thúc đẩy việc hợp tác giữa chính phủ Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vậy. Dù thực chất, đó là một buổi trao đổi, lắng nghe rất thân mật từ phía các cơ quan, điều mà khiến mình thấy rất cảm động.
Trải nghiệm văn hóa xứ sở hoa anh đào
Bên cạnh lịch trình học tập về IT, là xen kẽ những buổi trải nghiệm văn hóa độc đáo của Nhật Bản. Mình được thả mình vào dòng chảy lịch sử 400 năm từ thời Edo đến Tokyo hiện đại tại Bảo tàng lịch sử Edo Tokyo. Và không dừng tại đó, mình cũng như lạc vào tương lai ở một “bảo tàng” khác có tên Miraikan, nơi trình diễn, giải thích, trải nghiệm những công nghệ tiên tiến. Nhìn những ánh mắt của đoàn học sinh tiểu học tới đây, mình nhìn thấy sự háo hức của những nhà phát minh trong tương lai. Và ước gì, ở Việt Nam cũng có nhiều nơi như vậy dành cho trẻ em.
Một điều nữa, mình còn có 2 ngày cuối tuần xen giữa, nên tha hồ mà tự do trải nghiệm những địa điểm nổi tiếng như: Akihabara, Odaiba, chùa Sensoji, Sky tree, tháp Tokyo, Kabukicho, công viên Ueno … (Mặc dù hôm đó thì mình đi mãi ra vùng ngoại ô để tìm hiểu cuộc sống ở đó, và cũng có vài cuộc gặp gỡ khá hay ho.)
Giao lưu bạn bè quốc tế
Bên cạnh những công nghệ đáng trầm trồ, thì một điều mà mình thấy ấn tượng nhất đó là sự đa dạng của các thí sinh tham dự. Thí sinh đến từ 6 nước châu Á (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Philippin, Mông Cổ, Bangladesh), với tuổi đời khác nhau, từ những em sinh viên tuổi đôi mươi, cho đến những vị ngoài ngũ tuần, và từ những công việc khác nhau: lập trình viên, giảng viên, manager, sinh viên… Và lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn khác nhau làm cho mình thấy hào hứng vô cùng. Thời đại của chúng ta, đó là làm việc đa quốc gia, đa văn hoá. Và trải nghiệm lần này quả thực là một điều rất quý báu.
Hành trình chinh phục Top Gun?
Điều kiện tiên quyết để được ứng tuyển Top Gun là bạn phải thi đỗ chứng chỉ FE hoặc AP.
Theo đánh giá của cá nhân mình, bài thi FE có phông nền kiến thức khá rộng, tuy nhiên không hề quá đánh đố nếu như bạn có kế hoạch ôn tập chỉn chu, tỉ mỉ từ khoảng vài tháng trước đó.
Bài thi gồm hai phần: buổi sáng và buổi chiều. Nếu như bài thi buổi sáng tập trung vào các kiến thức rộng, bao trùm trong cả 3 lĩnh vực Technology, Management, và Strategy; thì buổi chiều lại đi sâu hơn vào phần thực hành thuật toán, coding nhiều hơn. Phần thi lập trình ở Nhật bao gồm các ngôn ngữ: Assembly, C, Java, Cobol (từ năm 2020 sẽ được thay thế bằng Python), và Bảng tính. Còn ở Việt Nam, theo mình biết thì chỉ có 2 ngôn ngữ là: C và Java thôi, nên bạn tập trung ôn 2 ngôn ngữ này nhé.
Tuy kiến thức có vẻ nhiều, nhưng có một điều an ủi đó là: Cả hai bài thi đều ở dạng trắc nghiệm, đôi khi gợi ý giải nằm ngay ở trong đề bài, nên nếu suy ngẫm kĩ thì bạn sẽ tìm được hướng đi rất dễ dàng.
Đối với những bạn có khả năng tiếng Nhật, các bạn có thể theo dõi đề thi các năm cùng lời giải, cũng như ôn tập, làm thử ở trang này nhé: https://www.fe-siken.com/