Cảnh báo: Test nhanh COVID-19 cho kết quả “âm tính” KHÔNG có nghĩa là bạn AN TOÀN!
Nhận kết quả test nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2, nhiều người thở phào nhẹ nhõm cho rằng mình đã "thoát nạn", nhưng trên thực tế, kết quả này chưa thể khẳng định bạn có nhiễm virus hay không. Hãy tìm hiểu kỹ các thông tin dưới đây để có biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh cho chính mình và những người xung quanh nhé!
Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm với tổng số ca dương tính lên đến 750 người, trong đó 10 bệnh nhân đã tử vong do mắc các bệnh lý nền đặc biệt nghiêm trọng kèm mắc COVID-19.
Trong tuần qua, lực lượng y tế đã gấp rút tổ chức cách ly khoanh vùng cũng như xét nghiệm nhanh tất cả những người liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng. Nhiều Sunners của chúng ta sau khi công tác và du lịch tại Đà Nẵng cũng đã phải thực hiện tự cách ly tại nhà và xét nghiệm nhanh theo chỉ đạo của các cơ quan y tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Đức Chung trong cuộc phỏng vấn với VNExpress cho biết, xét nghiệm nhanh chỉ có tác dụng sàng lọc với tỷ lệ chính xác từ 60% đến 75%, trong số 72.000 người được test nhanh và âm tính "vẫn còn xác suất tồn tại người nhiễm bệnh chưa được phát hiện”.
Chính vì thế, các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu đúng về kết quả xét nghiệm, từ đó có biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh cho chính mình và những người xung quanh.
Các phương pháp xét nghiệm COVID-19 hiện nay
Tại Việt Nam, chúng ta đang áp dụng 2 phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 gồm:
- Phương pháp phát hiện sự hiện diện của virus rRT-PCR,
- Phương pháp phát hiện các kháng thể do cơ thể sinh ra để đáp ứng với nhiễm virus.
1. Phương pháp phát hiện sự hiện diện của virus bằng rRT-PCR
Phương pháp xét nghiệm phân tử (molecular tests), thường sử dụng là phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực rRT-PCR (real-time reverse transcription polymerase chain reaction), giúp phát hiện virus ở người bị nhiễm được dựa trên việc phát hiện RNA của SARS-CoV-2 lấy từ dịch tiết mũi họng.
Xét nghiệm phân tử có khả năng giúp phát hiện những người bị nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó: kết quả dương tính được xem là bị nhiễm virus này và có khả năng truyền bệnh, nếu kết quả âm tính là không bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc có thể đã khỏi bệnh.
Xét nghiệm phân tử là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán SARS-CoV-2. Tuy nhiên, xét nghiệm này không cho biết một người có miễn dịch với nhiễm virus trong quá khứ không, hoặc một người chưa bị phơi nhiễm và vẫn còn nguy hiểm.
Hiện nay, xét nghiệm này được thực hiện từ khi một người được xác định là F1.
2. Phương pháp phát hiện các kháng thể (Test nhanh COVID-19)
Một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm virus là sự tổng hợp các kháng thể IgM và IgG. Các kháng thể IgM đối với SARS-CoV-2 thường có thể phát hiện được trong máu vài ngày sau khi bị nhiễm lần đầu. Kháng thể IgG đối với SARS-CoV-2 có thể được phát hiện muộn hơn sau nhiễm virus. Như vậy có nghĩa là, nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, tức là bạn có thể đã nhiễm virus và cơ thể đang sinh ra kháng thể, còn kết quả âm tính là lúc này cơ thể chưa sinh ra kháng thể, bạn có thể nhiễm hoặc không nhiễm virus và cần theo dõi thêm.
Xét nghiệm kháng thể cho biết có bao nhiêu người đã mắc bệnh, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Xét nghiệm kháng thể (huyết thanh học) có thể được sử dụng cả cho chẩn đoán và giám sát cộng đồng dân cư, phục vụ công tác điều tra dịch tễ.
Hiểu đúng về kết quả của test nhanh COVID-19
Test nhanh COVID-19 bằng phương pháp xét nghiệm kháng thể là xét nghiệm để phát hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể người đối với SARS-CoV-2, không phải xét nghiệm phát hiện bản thân virus. Trong 5 ngày đầu nhiễm virus, đáp ứng miễn dịch mới bắt đầu, thường không phát hiện được IgM; quá 28 ngày, kháng thể IgM có thể biến mất, kháng thể IgG vẫn còn lâu dài sau khi đã khỏi bệnh. Vì vậy, không nên sử dụng xét nghiệm huyết thanh một mình để chẩn đoán COVID-19. Ở thời điểm hiện tại, loại xét nghiệm này không được khuyến nghị dùng để chẩn đoán xác định, và đặc biệt hơn, chúng cũng không được khuyến cáo là công cụ để loại trừ các trường hợp nhiễm COVID-19 cấp tính.
Loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện các kháng thể chỉ xác nhận đã có tiếp xúc với virus trước đó. Vì vậy nên lưu ý rằng:
- Xét nghiệm dương tính thì không thể xác nhận hoặc loại trừ virus có mặt ở thời điểm khi lấy mẫu làm xét nghiệm hay không; do đó, cần đặc biệt thận trọng trong việc diễn giải kết quả, xem xét giai đoạn nhiễm trùng.
- Sự hiện diện của kháng thể không đồng nghĩa với sự vắng mặt của virus (thời điểm lấy mẫu), và cũng không chỉ ra “đã có sự bảo vệ chống lại virus của cơ thể”.
- Các xét nghiệm này, nếu có sẵn, có thể hữu ích cho nghiên cứu dịch tễ học để đánh giá trị số huyết thanh (seroprevalence) ở một khu vực nào đó giúp điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng.
Như vậy, "Test nhanh đối với chúng tôi thực ra chỉ có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai chứ không có giá trị ngăn chặn nguồn dịch. Vì test nhanh làm sớm quá thì chưa đủ kháng thể, làm đúng lúc cũng chưa thể khẳng định được là có virus hay không, làm muộn sau đấy có thể dương tính nhưng khả năng lây nó cũng qua mất rồi" - Chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.
3. Điều Sunner nên làm để phòng chống COVID-19
Lời kết
Với những thông tin trên, ta đã hiểu rõ rằng: Test nhanh “âm tính” không khẳng định bạn không nhiễm COVID-19. Chúng ta vẫn cần thực hiện cách ly 14 ngày cũng như các biện pháp phòng dịch đầy đủ nếu đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm.
Các Sunners hoàn toàn có thể cài đặt 5 ứng dụng giúp bạn chủ động phòng chống COVID-19 cũng như chủ động cập nhật thông tin Sun* phòng Covid-19 thường xuyên để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp cho bản thân và những người xung quanh.
Tham khảo:
1. vtv.vn, Test nhanh COVID-19 chỉ có giá trị điều tra dịch tễ, chưa thể ngăn chặn nguồn dịch, đăng ngày Thứ năm, ngày 06/08/2020.
2. PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Giá trị chẩn đoán của các xét nghiệm phân tử và kháng thể ở bệnh nhân bị COVID-19, đăng ngày 15/04/2020.