Có thể bạn chưa biết: Chúng ta có một khoản thu nhập khác ngoài lương!
Chỉ cần nắm được những kiến thức cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ là bạn có thể biết mình sở hữu những gì rồi!
Trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay có lẽ cụm từ “Quyền sở hữu trí tuệ” hay “Tài sản trí tuệ” đã không còn xa lạ với mọi người. Trong vòng 0.51 giây "anh Gúc" cho ra tới 22,7 triệu kết quả có liên quan. Thông tin thì quá nhiều mà thông tin chính thống lại vô cùng hàn lâm.
Luật sở hữu trí tuệ quy định nào là quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp rồi quyền đối với giống cây trồng... Và rồi mỗi quyền ấy lại được định nghĩa bởi một tá thuật ngữ khác mà thỉnh thoảng lại “xoắn” vào nhau, bảo sao dân ngoại đạo khi tìm hiểu muốn đọc mà mở tab ra rồi lại đóng tab vào. Tuy nhiên, biết thì vẫn hơn, chân lý ấy chưa khi nào lại đúng đến thế, nhất là với dân IT trong thời đại 4.0, việc hiểu về tài sản trí tuệ đôi khi sẽ giúp chúng ta tránh được nhiều tình huống khóc dở mếu dở: Ô, thế mà em tưởng….
Tài sản trí tuệ là thứ vô cùng rộng lớn, bởi bất kể sản phẩm nào do con người tạo ra trong quá trình lao động, sáng tạo như một đoạn code, một bức tranh, một bài thơ hoặc kể cả những ý tưởng còn đang nằm trên giấy hay cái tên Sun* thân thuộc đều là tài sản trí tuệ và đều có những giá trị nhất định cần được bảo hộ. Tác giả của những sản phẩm này và những người sở hữu chúng luôn được pháp luật dành cho những quyền riêng biệt mà không một ai khác có được như quyền đặt tên, quyền công bố ra công chúng, quyền sửa chữa hay quyền sao chép, phân phối,v.v. Tất nhiên đối với từng loại tài sản nhất định, có quyền được đương nhiên bảo hộ, có quyền lại cần phải đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ thì mới được công nhận.
Chúng ta không khó để tìm những câu chuyện công ty này phải trả tiền để mua lại chính nhãn hiệu của mình hay chuyện anh kia bị kiện do sử dụng hình ảnh chưa xin phép hay chuyện lấy cắp ý tưởng. Gần gũi hơn, giả sử một ngày đẹp trời, vô tình thấy bức ảnh chụp đầy tâm huyết của mình ngày nào được dùng làm trang bìa cho một tạp chí nọ, ngày xưa chắc sẽ đi khoe “Các mày ơi, ảnh tau chụp được đăng báo này”, còn nay khi hiểu về quyền sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ thì chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ có một khoản thu nhập khác ngoài lương.
Tại Sun*, các chàng thơ/nàng thơ không chỉ cùng nhau viết nên những khúc tình ca của riêng đôi mình, mà ngày ngày họ còn cùng nhau tạo ra các sản phẩm phần mềm, các chương trình máy tính. Chính họ là tác giả và các sản phẩm kia là những tài sản trí tuệ vô cùng lớn của Sun*, của khách hàng. Để bảo vệ được những tài sản này và tránh những rắc rối, thiệt hại không đáng có, việc quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ của những sản phẩm do Sun* tự phát triển là điều vô cùng quan trọng. Không những thế, với đặc thù là một Creative Studio bởi mỗi con người Sun* là một kho ý tưởng thì không chỉ những tài sản hiện hữu mà ngay cả những ý tưởng dù khả thi hay “chưa khả thi lắm” cũng cần được chú ý đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, để một ngày nào đó chúng ta không phải chạy theo giải quyết việc ai đó đang kiếm bạc triệu từ những ý tưởng của chúng ta.
Có thể nói việc hiểu về quyền sở hữu trí tuệ không chỉ giúp chúng ta tránh được rắc rối gặp phải khi lỡ dùng một tài sản trí tuệ của ai khác do tưởng “cứ thế mà dùng” mà còn giúp chúng ta không bị mất đi những khoản thu lớn và quan trọng hơn là danh tiếng, uy tín của cá nhân nói riêng và của toàn Sun*.
Rất nhiều tình huống dở khóc dở cười mà dân IT gặp phải liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ và cách xử lý sẽ được bật mí trong những số tiếp theo. Sunners cùng đón đọc nhé!