Đừng chỉ về thăm mẹ vào mỗi dịp Vu Lan!
Ngày kia là Tết độc lập nhưng cũng là lễ Vu Lan… Mong rằng mọi ngày đều sẽ là Vu Lan.
Đã bao lâu rồi bạn chưa về thăm mẹ? Đã bao lâu bạn chưa nói cảm ơn mẹ của mình? Có bao giờ bạn nhìn ngắm mẹ lâu hơn một chút, để rồi bất chợt nhận ra mái tóc mẹ đã bạc thêm nhiều phần, đôi mắt mẹ cũng điểm thêm nhiều vết chân chim, và đôi tay mẹ cũng chẳng còn nhanh nhẹn như trước,... Đọc xong những dòng cuối cùng của “Mẹ ơi, con sẽ lại về” (Hong Yeong Nyeo - Hwang An Na), tôi chắc chắn bạn sẽ ước có thể xà ngay vào cái ôm âu yếm của mẹ, và nói cảm ơn mẹ thật nhiều.
Cũng bởi muốn nhắc nhớ mọi người rằng ngày kia là Tết độc lập nhưng cũng là lễ Vu Lan, nên tôi muốn chia sẻ cuốn sách này. Mong rằng mọi ngày đều sẽ là Vu Lan.
Từ cụ Hong của “Mẹ ơi, con sẽ lại về” đến “Mẹ” của rất nhiều người con
Cuốn sách là nhật ký của cụ bà Hong Young-nyeo, được sắp xếp lại và xen lẫn những câu chuyện cùng lời kể của con gái đầu Hwang Anna. Trước khi bị thất lạc bản gốc, cuốn nhật ký đã được sáu người con của cụ cùng sắp xếp và xuất bản dưới cái tên “Những câu chuyện trái tim hằng muốn nói”, trong dịp mừng thọ 80 tuổi của cụ và trở thành tựa sách bán chạy nhất năm 1995.
Tôi chắc chắn, ngay khi bạn đọc tên tác phẩm - “Mẹ ơi, con sẽ lại về” (ở bản dịch tiếng Việt), bạn sẽ cảm thấy trong lòng mình dấy lên một niềm đồng cảm sâu sắc, nhất là với những ai đã lâu rồi chưa gặp mẹ hoặc vì một lý do nào đó không thể gặp mẹ của mình thêm nữa.
Với tất cả những cảm xúc nghẹn ngào của mình sau khi đọc tới dòng cuối cùng của tập sách, tôi xin phép gọi cụ Hong với cái tên “Mẹ” - cách gọi vô cùng thân thương mà hầu hết độc giả yêu mến những trang viết của cụ trong “Mẹ ơi, con sẽ lại về”. Bỗng chốc, từ một người mẹ với sáu đứa con, mẹ Hong trở thành người mẹ của biết bao nhiêu người con khác, ở khắp mọi nơi. Thời điểm đó, mỗi ngày đều có ai đó chúc mẹ khỏe mạnh, để tiếp tục là nguồn cảm hứng, là sự hiện diện của một người mẹ đáng khâm phục trong lòng rất nhiều người.
Nghị lực của mẹ
Trong tập sách, chúng ta có thể biết được mẹ Hong không hề được đi học nhưng đã mày mò tự học chữ khi đã 70 tuổi,và bắt đầu viết nhật ký để rồi xuất bản thành sách sau 8 năm. Nhiều người đọc sách của mẹ đã viết thư về, nhiều người ở cái tuổi của mẹ cũng gắng học để được viết thư cho mẹ. Chẳng cần to lớn vĩ đại, với nhiều người khi đó, mẹ Hong với dáng người nhỏ bé đã trở thành một “siêu nhân”, chở che vỗ về tâm hồn họ, truyền cho họ niềm cảm hứng về nghị lực phi thường, vượt lên tất cả để đạt được ước mơ của mình.
Đọc đến đây, tôi chợt nhớ đến mẹ của mình. Mẹ tôi không giống mẹ Hong, bà được đi học và học rất giỏi, chỉ tiếc là nhà mẹ tôi không đủ điều kiện để bà có thể tiếp tục con đường học vấn sau khi hết cấp 3. Bà phải gác lại giấc mơ trở thành nhà văn của mình cho đến tận năm đứa em gái kém tôi 7 tuổi bước vào Đại học. Lúc này mắt mẹ cũng đã kém đi nhiều, sức khỏe cũng không còn tốt như trước, không thể ngồi lâu vì chiếc lưng nhức mỏi, nhưng mẹ đã bắt đầu viết những trang nhật ký đầu tiên. Tôi vô tình đọc được những trang viết này khi chúng rơi ra từ hộc tủ, và đã khóc rất nhiều. Tôi không chỉ vì xúc động với những dòng văn của mẹ, mà còn thương mẹ nhiều vì ước mơ dang dở năm mẹ đôi mươi nay vẫn chưa thể thực hiện, khóc khi nhìn thấy nét chữ run run vì lâu không cầm bút, và đôi tay đã cứng vì vất vả làm lụng.
Tôi có bày tỏ với mẹ về việc gửi những trang viết này cho một tòa soạn báo để nhiều người có thể đọc hơn, giống như sự khởi đầu của nhiều cây viết trẻ lúc đó. Nhưng mẹ từ chối. Mẹ bảo “Đâu phải lúc nào ước mơ cũng thành hiện thực, chỉ cần con không bao giờ quên nó thôi. Với mẹ, được cầm bút và viết ra những suy nghĩ của mình đã là một điều tuyệt vời rồi”. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho gia đình, từ ngày còn trẻ cho đến khi lập gia đình riêng. Chỉ đến khi chị em tôi đã lớn, đã có thể tự lo cho bản thân mình, mẹ mới dành một chút thời gian riêng cho niềm yêu thích viết lách năm xưa.
Niềm day dứt của con
Bên cạnh phần nhật ký của mẹ Hong là những phần kể chuyện của Anna giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ, gần như cả đời đều là vì các con và nghĩ cho các con. Mỗi lần các con mua đồ dùng mới, mẹ đều tiếc rẻ cất đi để dành sau này cho lại con, vẫn tiếp tục dùng đồ cũ dù đã hỏng khá nặng, không muốn các con tiếp tục tốn tiền vì mẹ. Mẹ cũng buồn khi phải phiền các con lúc ốm đau. Mẹ cũng hay tự xin lỗi vì đã không thể cho các con cuộc sống tốt hơn... Mỗi người con đều có những lúc đi đi về về để trông nom và chăm sóc mẹ với lời hứa “Mẹ ơi, con sẽ lại về.”
Đọc những dòng tâm sự của người con, tôi mới chợt nhận ra mình cũng thật thiếu sót và vô tâm với người mẹ của mình. Mặc dù thời gian tôi ở xa mẹ không nhiều, nhưng ngay chính những ngày còn chung một mái nhà với mẹ, tôi dường như đã không trân trọng chúng. Tôi, cũng giống như rất nhiều người trẻ hiện nay, luôn bị những xô bồ, nhộn nhịp ngoài kia cuốn đi, để rồi chẳng thể có một khoảng “thở” dành cho gia đình của mình, đặc biệt là mẹ.
Mỗi ngày tôi đều xách túi đồ ăn mẹ chuẩn bị sẵn rồi phi ra khỏi nhà cũng một lời chào mẹ với gọi, chẳng đủ tử tế. Để rồi mỗi tối, khi trở về nhà với khuôn mặt mệt mỏi, tôi hay bỏ bữa ăn duy nhất cùng gia đình, hoặc là lải nhải kể lể về những điều thật không vui. Tôi đột nhiên tự hỏi, từ bao giờ và tại sao cha mẹ mình lại phải nghe về những điều tồi tệ đó? Tại sao mình không thể ăn bữa tối cùng gia đình nhưng lại không muốn bỏ quên những bữa nhậu nhẹt, cà phê cà pháo cùng bạn bè? Rồi tôi thử đếm lại xem trong suốt những năm qua mình đã bao lần mời mẹ những bữa ăn thật ngon, bao lần tự tay nấu cơm cho mẹ, bao lần ôm mẹ và nói cảm ơn mẹ thật nhiều? Câu trả lời khiến tôi cảm thấy xấu hổ, và chỉ mong rằng, nếu được, ngay lúc này có thể chạy về với mẹ, và nói thật nhiều lời yêu mẹ.
Đời người sáu mươi, bảy mươi năm cũng chỉ là một thoáng. Khi còn trẻ, hãy biết quý thời gian mà sống cho tốt. Nếu không biết coi trọng thời gian mà sống hoài sống phí, đến khi già đi sẽ phải hối hận rất nhiều. Đừng để đến bảy mươi tuổi phải tiếc nuối vô vọng, khi còn trẻ hãy luôn cố gắng nỗ lực thật nhiều. Đừng bao giờ hối hận
(Mẹ ơi, con sẽ lại về - Hong Yeong Nyeo - Hwang An Na)
Nếu còn có thể, hãy để mỗi ngày đều là Vu Lan
Nhật ký của mẹ Hong, những dòng chữ tuy không nhiều và cũng không được trau chuốt nhưng chứa chan những tình cảm và nỗi buồn, với sự day dứt và ân hận. Mỗi trang sách, ta đều có thể tìm thấy được bài học trong đó. Những điều nhỏ và vụn vặt trong cuộc sống, những suy nghĩ và nét chữ vụng về của một cụ bà ngoài tám mươi mới tập viết khiến ta cảm thấy thân thương và gần gũi. Cùng với đó là tình yêu thương của những người con dành cho mẹ của mình. Tất cả đã tạo nên những trang sách chứa chan cảm xúc.
Đọc cuốn sách, từng con chữ đều nhắc tôi nhớ về mẹ của mình, về những gì tôi còn thiếu xót. Chính vì vậy, nếu còn có thể, hy vọng tôi và bạn, sẽ luôn cảm ơn mẹ, và biến mỗi ngày đều trở thành một ngày Vu Lan.