Đừng để nỗi sợ xâm chiếm bạn! Tất tần tật thông tin về vaccine COVID-19 dành cho Sunner đây!
Nếu bạn còn băn khoăn, lo lắng về việc tiêm vaccine phòng Covid-19? Đừng bỏ qua bài viết này!
Tổ chức y tế Thế giới (WHO) khẳng định, tiêm chủng toàn dân cần nhanh chóng được thực hiện để tạo ra miễn dịch cộng đồng trước khi virus SARS-COV 2 có thêm những biến chủng mới nguy hiểm hơn…
Đợt dịch thứ 4 bùng phát đầu tiên tại Bắc Giang, sau đó liên tục lan rộng đến nhiều địa phương trên cả nước. Khi bắt đầu đợt dịch này, chúng ta vẫn nghĩ rằng rồi sẽ ổn cả thôi, hơn một năm qua Việt Nam đã đi qua bao nhiêu lần bùng dịch mà vẫn ổn, lần này rồi cũng vậy. Nhưng dường như mọi chuyện đã khác đi rất nhiều.
Ngày 12/06, số ca nhiễm tại Việt Nam vượt mốc 10.000, trong một tháng tiếp theo, số ca nhiễm đã vượt gấp 3 lần với hơn 34.000 ca (số liệu ngày 16/07), có nghĩa là số ca dương tính trong hơn một tháng qua đã nhiều hơn gấp đôi tổng số ca dương tính trong hơn 16 tháng kể từ khi ghi nhận bệnh nhân đầu tiên cho đến ngày 12/06, nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm và những nguy cơ cận kề đến từ loại virus này..
...và vaccine đang là giải pháp duy nhất
Mặc dù có rất nhiều trường hợp sau khi tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh, tuy nhiên theo quan sát của các nhà khoa học, những người đã tiêm chủng đều có tải lượng virus thấp hơn, có diễn biến bệnh ít nguy hiểm hơn và thời gian điều trị ngắn hơn so với người không tiêm chủng. Vì vậy, cho đến hiện nay, vaccine đang được cho là giải pháp duy nhất để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-COV 2, đó là lý do chính phủ đang phát động một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử với mục đích tạo ra miễn dịch cộng đồng nhằm sớm đem mọi hoạt động trở lại quỹ đạo bình thường.
Những vaccine đang được sử dụng hoạt động ra sao?
Mặc dù tiêm vaccine quan trọng như vậy, nhưng vẫn còn rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ về sự an toàn của chế phẩm này. Nhằm giải toả những băn khoăn để các Sunner tự tin hơn khi đăng ký tiêm chủng, SHC xin được chuyển đến các các độc giả những thông tin về các loại vaccine phòng Covid đang được sử dụng.
Nhóm 1: Vaccine VeroCell và CoronaVac
2 loại vaccine đến từ Trung Quốc sử dụng công nghệ cổ điển là bất hoạt virus bất hoạt. Công nghệ này sẽ nuôi cấy số lượng lớn virus COVID-19 rồi bất hoạt chúng bằng hóa chất để virus không thể tiếp tục phát triển hoặc gây bệnh. Vaccine chứa virus bất hoạt sau giúp cơ thể nhận diện loại virus này và tiêu diệt ngay khi có virus xâm nhập. Tỉ lệ tạo miễn dịch thấp của 2 loại vaccine này không cao, chỉ 50% - 78% người tiêm có phát sinh miễn dịch. Tại Việt Nam, đã có 500.000 liều vaccine Vero Cell được tiếp nhận để triển khai tiêm chủng ưu tiên cho 3 nhóm đối tượng:
Những người Trung Quốc đang cư trú và làm việc tại Việt Nam;
Người Việt Nam đang có nhu cầu học tập và làm việc tại Trung Quốc;
Người dân tại khu vực sát biên giới Trung Quốc.
Nhóm 2: Vaccine Johnson & Johnson (J&J - Mỹ), AstraZeneca (Anh) và Sputnik-V (Nga)
3 loại vaccine nêu trên được sản xuất bằng cách sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên. Đối với vắc xin phòng virus Sars-Cov-2, mã di truyền là các protein gai trên bề mặt của virus. Khi vaccine được tiêm vào trong cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn kháng nguyên. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch để sinh ra kháng thể chống lại virus. Những loại vaccine này có ưu điểm là tỉ lệ tạo miễn dịch tốt, dễ bảo quản (chỉ cần bảo quản bằng tủ lạnh thông thường) và chi phí thấp. Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca là vaccine đang được sử dụng rộng rãi nhất trong quá chương trình tiêm chủng, dự kiến sẽ có 30 triệu liều AstraZeneca được sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia phòng ngừa COVID.
Nhóm 3: Vaccine Pfizer và Moderna
Là 2 loại vaccine phòng Covid sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay - công nghệ mRNA. Công nghệ này cho phép đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể. Khi đã vào trong tế bào, mRNA tổng hợp của vaccine hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường protein này do virus tổng hợp). Sau đó, protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể (adaptive immune response) chống lại protein của virus. Như vậy cơ thể được nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên (protein của virus), vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này (kháng thể + đáp ứng tế bào). Công nghệ mRNA là công nghệ an toàn nhất hiện nay ít tác dụng phụ, tỉ lệ tạo miễn dịch rất cao, lên đến 95%, tuy nhiên khá khó để tiếp cận rộng rãi do trở ngại về giá cả (cao gấp 5-6 lần so với các loại vaccine sử dụng công nghệ vector) và việc bảo quản khó khăn (Pfizer cần bảo quản ở âm 70 độ C, Moderna cần bảo quản ở âm 20 độ C). Dự kiến 31 triệu liều Pfizer và 20 triệu liều Moderna sẽ được nhập khẩu về Việt Nam trong năm nay để triển khai tiêm chủng cho người dân.
Vậy làm sao để đăng ký tiêm chủng?
Việc tiếp cận với các nguồn cung cấp vaccine đang được chính phủ gấp rút thực hiện với mục tiêu tạo ra miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người dân. Trong lúc đó, nhiệm vụ của chúng ta chính là phối hợp bằng cách tuân thủ các hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, và đăng ký tiêm chủng, cũng như tự giác thực hiện việc tiêm chủng khi tới lượt. Hiện nay, đang có rất nhiều cách thức được cung cấp để đăng ký tiêm chủng, bao gồm:
- Đăng ký tiêm chủng thông qua “SỔ SỨC KHOẺ ĐIỆN TỬ"
- Đăng ký tiêm chủng bằng tờ khai và nộp cho nhà chức trách địa phương/cơ quan/tổ chức đang làm việc.
Sẽ còn có bao nhiêu người nhiễm bệnh, còn phải giãn cách xã hội bao lâu, bao giờ chúng ta mới quay trở lại với trạng thái bình thường cũ là những vấn đề mà chúng ta không thể kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề trong tầm tay mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện, đó là nâng cao ý thức phòng dịch, cũng như thực hiện tiêm vaccine ngay khi có thể, bởi dù bất kể đó là loại vaccine nào, việc tiêm chủng vẫn giúp chúng ta có được sự bảo vệ, làm giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
Hiện nay, bộ phận Quản trị doanh nghiệp (BAV) kết hợp với Uỷ ban chăm sóc sức khoẻ (SHC) đã, đang và sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc thông tin với mong muốn toàn thể Sunner có thể tiếp cận được những nguồn tin chính xác, kịp thời nhất để đưa ra quyết định đúng đắn khi đăng ký và thực hiện tiêm chủng. Hãy chờ đón những cập nhật tiếp theo từ chúng tôi trên Sun* News hoặc các box thông báo của công ty. Stay safe!
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn:AON, VNVC và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19