Làm sao để không bị dắt mũi trên mạng xã hội?
Thời buổi nào rồi mà còn để bị lừa bởi tin giả trên mạng xã hội? Ấy thế mà đầy người vẫn dính phải những "cú lừa" to đùng đấy!
Ngày nay, mọi người có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin qua những trang báo điện tử, blog, mạng xã hội hay các app đọc báo... chỉ cần một thiết bị “smart phone” hoặc thậm chí “stupid phone”, miễn là có kết nối 3G và có trình duyệt web là được.
Tiện ích là thế nhưng sự phát triển nào cũng ẩn chứa mặt trái của nó, khi mà nhà nước cùng xã hội đang đau đầu với nạn tin giả tràn lan trên mạng, đặc biệt là trên các mạng xã hội - nơi mà người ta thoải mái, tư do đăng những tin tức cập nhật cuộc sống hay quan điểm cá nhân với tốc độ lan truyền khủng khiếp.
Những tin giả, tin xấu đó làm ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia, và ngay cả tâm lý của người đọc, thậm chí khiến xã hội biến động.
Vậy làm sao để phân biệt tin giả hay thật? Làm sao để không bị dắt mũi bởi những chiêu trò trên facebook?
Dưới đây là một số tips dành cho bạn!
Kiểm tra website đưa tin
Điều đầu tiên bạn cần làm khi thấy một thông tin “giật gân” được chia sẻ dưới dạng link website đừng vội vào xem ngay, mà hãy để ý tên của website và tên miền của nó. Nếu nó là một website lạ bạn chưa bao giờ nghe tới kèm theo một cái tên miền dạng .xyz, .us, thì tốt nhất bạn không nên vào đọc làm gì để đỡ tốn vài phút cuộc đời, chúng khả năng cao là tin giả.
Ngược lại, nếu đó là một website tin tức chính thức như .gov, .vn, .edu thì bạn có thể vào xem một cách an toàn.
Hiện nay, không ít website cố gắng giả mạo địa chỉ của các trang tin uy tín bằng những URL giống đến 90%, chỉ sai khác chút ít.
Kiểm tra thông tin ngày giờ
Các tin tức giả mạo hoặc thiếu tin cậy thường có 2 dạng sai lệch thông tin ngày giờ dễ nhận biết.
Dạng thứ nhất là thời gian đăng của bài viết đó trên website, họ đẩy tin tức cũ lên facebook để nhằm câu view.
Dạng thứ hai là đưa thông tin sai lệch trong các sự kiện nêu ở nội dung hoặc viết những mốc thời gian rất mập mờ. Những thông tin này thường lấy lại tin trong quá khứ hoặc nội dung tương tự như những tin cũ, sửa thời gian, địa điểm và chèn những hình ảnh giả mạo như bên trên để đánh lừa người xem.
Để ý đến chính tả
Một số các tin giả, tin câu view có chất lượng khá thấp, chúng không được biên tập chỉn chu nên mắc lỗi chính tả, câu cú, ngữ pháp rất nhiều. Đây cũng là dấu hiệu để bạn xem lại độ đáng tin cậy của bài viết.
Ngày nay, việc đăng tin giả cũng đã tinh vi hơn rất nhiều, chúng được chỉnh sửa chỉn chu, soát lỗi chính tả, câu chữ và chèn ảnh như một tin thật để đánh lừa người xem.
Vì vậy bạn hãy kiểm tra thêm một số thông tin phía dưới đây nữa nhé!
Kiểm tra hình ảnh minh họa trong bài
Nếu đã là một tin tức giả về một nhân vật, sự kiện thì tất nhiên hình ảnh đi kèm cũng là giả, có khi nó chẳng dính dáng gì đến tin tức đó hoặc đã được chỉnh sửa bằng Photoshop làm sao để gần giống nhất với những gì họ muốn đưa tin.
Vì vậy bạn cần kiểm tra nguồn hình ảnh để xem chúng đến từ đâu, có đúng với nội dung bài hay không, có đáng tin cậy không. Thường những hình ảnh trong tin giả sẽ được lấy trên internet, nếu online bằng laptop thì bạn chỉ cần click chuột phải vào hình ảnh, chọn “tìm kiếm hình ảnh trên Google” hoặc vào Google hình ảnh chọn hình ảnh cần kiểm chứng. Còn online trên điện thoại thì có vẻ khó khăn hơn, hãy thử tìm cách dùng google hình ảnh trên thiết bị của bạn nhé!
Kiểm tra tài khoản giả mạo nếu tài khoản đó là người nổi tiếng
Đây là một trong những chiêu mà bọn xấu hay dùng nhất, mục đích chính là câu view để lấy tương tác, sau đó sẽ dùng những tài khoản này đổi tên đi để bán.
Chúng tạo ra các tài khoản giả mạo người nổi tiếng rồi chia sẻ một câu chuyện hay thông tin lừa bịp nào đó. Nhờ những cư dân mạng “gà mờ” với những cú share trong vô thức thì tin đó được lan truyền một cách chóng mặt.
Chú Lại Văn Sâm là một người rất nổi tiếng và cũng là một trong những người bị giả danh nhiều nhất trong mạng xã hội Facebook ở nước ta, đến nỗi chú phải quay lại sử dụng để tiêu diệt hết những tài khoản giả mạo kia.
Để nhận biết tài khoản giả mạo thì có một số cách cơ bản để kiểm tra như: Tài khoản có dấu tích xanh hay không, thời gian tạo tài khoản mới gần đây hay đã lâu, tài khoản có đăng bài mới thường xuyên, có tương tác, bình luận nhiều với bạn bè trong list friend không?vv..Nếu là người nổi tiếng thật thì họ sẽ thường xuyên cập nhật tin tức, hoạt động của họ có nhiều tương tác. Còn với tài khoản giả mạo thì lượt tương tác của các bài thường khá ít, chỉ có bài lừa đảo mà được nhiều người tin và share mới có tương tác cao.
Dấu tích xanh phải ở cuối tên của tài khoản, chứ không phải dấu tích xanh có trên ảnh đại diện nhé! Một số tài khoản giả mạo đã chèn vào để lừa những người không để ý. Ngoài ra, đọc lướt qua phần bình luận cũng là một cách để xác minh. Nếu có nhiều người chỉ ra những thông tin sai lệch của bài viết thì khả năng cao là bài viết đó không đáng tin cậy.
Kiểm tra bằng nguồn đáng tin cậy
Nếu trang tin tức bạn đọc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, bạn có thể truy cập FactCheck, International Fact-Checking Network (IFCN), hoặc Snopes để xác minh nguồn tin. Đối với nội dung bằng tiếng Việt, bạn có thể tham khảo mục Giả – Thật của báo Tuổi Trẻ để kiểm tra tính xác thực của một hiện tượng hoặc sự kiện nổi trội nào đó.
Thông tin giả mạo được chia sẻ trên mạng có ảnh hường rất lớn đến nhận thức, quan điểm và cảm xúc của mỗi người cũng như đến nền chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia. Bởi vậy, bạn hãy tỉnh táo chắt lọc thông tin và nhận thức được cái nào tốt cái nào là xấu và trên hết hãy có trách nhiệm với nút “share” của mình, để mình không trở thành công cụ truyền tin bất đắc dĩ cho những kẻ lừa đảo, có mục đích xấu.