Miệt mài chạy dự án, liệu bạn có thực sự hiểu những gì mình đang làm?
"Chúng ta là dân kỹ thuật nhưng không phải chỉ là những người code ra những dòng code chạy trên máy tính. Chúng ta phải tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Và Sun* Busitech 2021 sẽ giúp các bạn cảm nhận và hiểu rõ điều này, để nó không còn là khẩu hiệu mà trở thành một yếu tố tiên quyết nếu bạn muốn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp của chính mình." - Anh Ngọc Tuấn (Manager - Sun* Startups Studio)
Không khí của Sun* Busitech 2021 đang dần nóng lên từng ngày, đây là một sự kiện công nghệ mới mẻ, chưa từng được tổ chức tại Sun*.
Chiều qua, 07/04 tại Free Space đã diễn ra buổi Coaching đầu tiên với sự góp mặt của 2 diễn giả, đồng thời cũng là 2 giám khảo trực tiếp của Sun* Busitech 2021: Mr. Ngọc Tuấn và Mr. Minh Thanh.
Busitech 2021 không đơn thuần là cuộc thi mà thông qua những buổi coaching, các Sunner sẽ được tiếp cận với rất nhiều kiến thức, mở mang góc nhìn để nâng cao chất lượng công việc và chuyên môn của mỗi cá nhân. Nội dung chia sẻ đi sâu vào bản chất vấn đề, khúc mắc mà các đội đang gặp phải chứ không nặng lý thuyết, để các đội thi có câu trả lời thích hợp, ngay lập tức có thể áp dụng vào đề án.
Hiện trạng các Developer nói chung đang tập trung nhiều vào phần lập trình, còn mô hình kinh doanh, ý tưởng kinh doanh như thế nào chưa thực sự chú ý. Cần tìm hiểu sâu bên trong các đối tượng, các nền tảng... để làm thật tốt sản phẩm thay vì chỉ làm như yêu cầu.
Dưới đây là những kiến thức cơ bản cần biết khi bạn làm Business Analytics.
Phân tích các giá trị để cạnh tranh với đối thủ
Bạn phải thực sự quan tâm và tìm hiểu về thị trường, đối thủ là những ai. Từ đó chúng ta hiểu khách hàng của chúng ta đang nhận được những giải pháp gì và tại sao có những giải pháp đó mà vẫn chưa được xử lý được triệt để. Sau đó chúng ta sẽ biết chúng ta cần phải làm gì.
Hãy thử thay đổi thói quen, tập phân tích BA, điều này sẽ giúp sản phẩm của bạn trở nên Awesome hơn đấy!
Hãy quan tâm đến Customer Journey
“Phân tích customer journey giúp hiểu được hành vi và cảm xúc của khách hàng tiềm năng trước khi họ đi đến quyết định mua hàng. Qua đó, lựa chọn những phương thức tác động phù hợp, đẩy nhanh quá trình mua hàng cũng như gây ấn tượng sâu về thương hiệu và sản phẩm.”
Khi ta phân tích Customer Journey, ta cần làm rõ toàn bộ các step để tìm được các điểm khiến cho khách hàng không thoải mái, bực bội,… Khi ta tập trung vào các "điểm" đó và tìm được cách giải quyết thì ngay lập tức có thể kiếm được tiền.
Mỗi mô hình kinh doanh đều cần tập khách hàng riêng của mình, cần hiểu sâu hành trình khách hàng, hiểu rõ "nỗi đau" khách hàng (pain point). Hãy đặt mình vào lộ trình của khách hàng, trò chuyện và phân tích với họ. Bằng không sản phẩm của chúng ta không thể đưa ra được trải nghiệm tốt nhất.
Khi có tệp khách hàng hãy đi phỏng vấn họ, họ sẽ trao đổi với chúng ta “họ đang làm gì, họ trải qua những gì, khó khăn/nỗi đau và vấn đề của họ là gì?” thì đó chính là Customer Journey mà chúng ta cần xác định. Nên phỏng vấn từng nhóm khách hàng nhỏ, ví dụ nhóm 3 người rồi tìm những điểm chung nhất. Nếu chưa tìm ra được những điểm chung nhất thì tệp khách hàng đó chưa đúng và cần phân tích lại.
Quá nhiều ideas có thực sự tốt?
Yếu tố sáng tạo luôn được đề cao ở bất cứ ngành nghề nào hiện nay và đặc biệt là đối với công nghệ. Nhưng nếu trong một đề án/sản phẩm mà bạn nhồi nhét quá nhiều ideas vào đó, tức là bạn chưa thực sự hiểu, cảm nhận được customer pain point - "nỗi đau" của khách hàng. Mọi thứ sẽ trở nên hỗn độn hơn, không chuyên sâu, mọi trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm về sau lại dàn trải và họ tiếp tục chưa được “điều trị nỗi đau”. Hãy ngồi lại, phân tích kỹ và phỏng vấn sâu hơn với họ để hiểu và tìm ra những ideas thực sự phù hợp. Đừng lạm dụng và tham lam quá nhiều ideas.
Những chia sẻ này là điều mà các diễn giải mong muốn các nhà lập trình tại Sun* có thể hiểu và cải thiện trong cách tư duy làm việc của mình, đó cũng là những tiêu chí để quyết định mức điểm đánh giá cho các đề án sắp tới của các đội.
Qua cuộc thi, điều mà BTC mong muốn là trang bị thêm cho các bạn những kiến thức về thị trường, kinh doanh,… chứ không chỉ là kiến thức lập trình để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, có chiều sâu.
Hy vọng thông qua buổi coaching số 1, các đội thi đã có thể giải đáp hết những thắc mắc của mình, mang về những kiến thức cần thiết, hoàn thiện sản phẩm của mình thật tốt và đạt thứ hạng cao.
Đừng quên gửi đề án/sản phẩm về cho BTC đến hết ngày 12/04 nhé!