Một ngày nào đó, bạn cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa, hãy tìm đọc cuốn sách này!
Nếu bạn từng băn khoăn bản thân khác biệt với số đông, hay trăn trở vì mình không cùng suy nghĩ và cách sống với mọi người xung quanh, hoặc đơn giản chưa tìm thấy ý nghĩa, niềm vui của cuộc sống, xin hãy tìm đến cuốn sách nhỏ mang tên“Tottochan bên cửa sổ”. Tưởng như chỉ là một cuốn sách dành cho thiếu nhi, nhưng “Tottochan bên cửa sổ” còn là món quả dành cả cho người lớn luôn băn khoăn về cuộc sống, hay các bậc phụ huynh còn nhiều nỗi lo trong việc giáo dục con nhỏ. Tuy mang màu sắc vui tươi nhưng đây lại là cuốn sách chứa đựng nhiều bài học nhân sinh nhất mà tôi từng đọc. Và tôi sẽ luôn dành tặng “Totto chan bên cửa sổ” cho những người mà mình yêu thương.
***Cuốn sách được review bởi Sunner N.T. Nga (GEU)
Bối cảnh ra đời tác phẩm.
“Tottochan bên cửa sổ” là cuốn tự truyện của nữ tác giả Kuroyanagi Tetsuko, được xuất bản lần đầu năm 1981- là cuốn sách bán chạy nhất sau chiến tranh thế giới thứ 2 và được dịch ra hơn 35 thứ tiếng trên thế giới.
Câu chuyện là hồi ức của chính tác giả- cô bé Tottochan (“chan” trong tiếng Nhật là “cô bé”, Tottochan là “cô bé Totto”), lấy bối cảnh ở ngôi trường có cái tên hết sức dễ thương là “Tomoe”, được thành lập 1937. Ngôi trường “ngộ” hết sức khi sử dụng toa tàu cũ làm lớp học, cả trường chỉ có 50 học sinh và mỗi lớp chỉ khoảng 9 học sinh. Ngôi trường càng trở nên thú vị hơn khi thầy cô giáo và nhất là thầy hiệu trưởng đều rất biết lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của các em. Môi trường học tưởng như mơí mẻ và có phần tự do thái quá, nhưng chính tại nơi ấy, cô bé Totto lại cùng các bạn lớn lên và học tập vui vẻ và nhận được rất nhiều tình yêu thương. Cái hay của tác phẩm là ngay từ những năm 1940 xa lắc, ở thời đại còn chưa có mạng hay những thứ như smart phone, vậy mà đã có những con người mang trong mình tư tưởng mới, lấy việc tôn trọng sở thích cá nhân, tâm tư nguyện vọng của các em nhỏ làm phương châm giáo dục. Đây cũng là mấu chốt khiến tác phẩm dù trải qua hơn 40 năm vẫn còn nguyên giá trị và được độc giả ở mọi nơi trên thế giới đón nhận
Tóm tắt câu chuyện
Tottochan đang theo học ở một ngôi trường, nhưng em thường xuyên gặp rắc rối trong lớp, bị kỷ luật, bị phạt đứng ngoài hành lang, và nặng nhất là bị buộc thôi học. May mắn thay mẹ Totto đã gửi em đến một ngôi trường khác. Và chính tại ngôi trường nhìn chiếc toa tàu cũ ấy, cô bé đã được phát triển cả về thể chất và tâm hồn hết sức tự nhiên và vui vẻ. Các câu chuyện hàng ngày diễn ra ở trường hay trên đường về nhà đã nuôi dưỡng tình cảm để cô bé yêu đời, yêu mến bạn bè, yêu cỏ cây, yêu động vật, những chú chó và chú gà…để sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn.
Thông điệp của tác phẩm
Ngôi trường mà Tottochan theo học không chỉ là ngôi trường trong tưởng tượng hay lý tưởng ở một thế giới khác, mà là ngôi trường có thật, và tác giả là người trực tiếp được trải nghiệm và lớn lên. Cách suy nghĩ của Tottochan và quan điểm về giáo dục của thầy hiệu trường trường Tomoe thông qua các câu chuyển nhỏ mà dung dị, nhưng lại truyền đạt nhiều thông điệp sâu sắc đến người đọc:
Thông điệp về giáo dục: ngôi trường Tomoe chú trọng phát triển thể chất và tinh thần cho học sinh. Dựa trên kim chỉ nam đó, điểm số không còn quan trọng. Suy nghĩ này quả là mới mẻ, và đến bây giờ, nó cũng chưa bao giờ cũ kỹ.
Trong khi các ngôi trường khác ép các em phải tuân theo luật lệ bằng những luật lệ và hình phạt khắc nghiệt thì tại Tomoe, các em được thầy cô lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ, chấp nhận điểm khác biệt của mỗi cá nhân.
Trong bối cảnh xã hội đang có những chuyện đau lòng như các em học sinh bị trầm cảm thậm chí tự tử do áp lực học tập, thành tích và áp lực từ thầy cô, gia đình dạo gần đây… thì thông điệp gửi gắm trong tác phẩm càng đáng trân quý hơn bao giờ hết. Giáo dục nên lấy sự phát triển thể chất và tâm hồn của trẻ nhỏ là kim chỉ nam, chứ không phải điểm số hay thành tích.
|
Thông điệp gia đình và thầy cô là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Hẳn là vậy, thầy hiệu trưởng thường nói với Tottochan rằng: “Em biết đấy, em thật là một cô bé ngoan.”, và câu nói đó luôn khắc sâu trong ngực cô bé, tạo động lực cho em nỗ lực trong cuộc sống. Thầy cô luôn khuyến khích các em được tự do khám phá, trải nghiệm. Và thứ quan trọng nhất thầy cô trao cho các em không phải là kiến thức, mà là sự tự tin vào bản thân, giúp các em hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Thông điệp về tình yêu thương con người: Trong Tottochan bên cửa sổ, tình cảm bạn bè luôn là thứ tỏa sáng xuyên suốt tác phẩm. Tottochan luôn bảo vệ và che chở cho cậu bé Takahashi vì thân hình nhỏ bé, cơ thể yếu ớt mà bị các bạn bắt nạt. Và cả tình yêu với chú chó Rocky, con gà hay con mèo em bắt gặp trên đường đi học về. Những mẩu chuyện về những con vật nhỏ lan tỏa đến độc giả tình yêu động vật, khi cô bé có thể tìm thấy niềm vui khi trò chuyện và chăm sóc chúng.
Thông điệp về cuộc sống: Tại ngôi trường Tottochan, các món ăn được đặt tên rất gần gũi như “Món của đất, món của biển”, các em và bố mẹ cũng không cần quá quan tâm đến việc chuẩn bị cơm hộp cho các em, vì mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa và một tình cảm riêng. Và ấn tượng nhất là trong giờ sinh học, các em được thầy cô dẫn ra ngoài trời, trực tiếp tiếp xúc với cỏ cây và côn trùng…
Cuốn sách này dành cho?
Nếu bỗng một ngày nào đó, bạn cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa, hoặc cảm thấy mình chẳng thể giống như mọi người xung quanh, hay trăn trở trong việc nuôi dạy con trẻ, hãy tìm đến với “Tottochan bên cửa sổ” để trải nghiệm và chiêm nghiệm ra rằng cuộc sống vốn không phức tạp như chúng ta hằng nghĩ. Và chúng ta có thể tìm thấy niềm vui từ những điều dung dị nhất như cây cỏ hay những món mà chúng ta đang ăn hàng ngày.
“Tottochan bên cửa sổ” giống như một bức tranh đa chiều và ngập tràn màu sắc. Trong bức tranh đó người đọc cảm nhận được cả tiếng đàn piano, tiếng cười trẻ nhỏ, sự hóm hỉnh và cả những giọt nước mắt,...
Mỗi khi bạn bè hay người thân của mình bế tắc, nhất định mình sẽ tặng họ cuốn “Tottochan bên cửa sổ” kèm theo những dòng chữ “Tặng bạn “Tottochan bên cửa sổ”. Với mình, bạn luôn là người bạn tuyệt vời nhất”