Bản quyền phần mềm: Sai một ly, đi một dặm!
Cuộc phỏng vấn dưới đây sẽ giúp Sunners hiểu rõ về bản quyền phần mềm từ khía cạnh Pháp luật. Cùng giải đáp với chuyên gia nhé!
Là các thành viên làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm, chắc hẳn các Sunner đều nhận thấy được tính hữu ích và sự phát triển mạnh mẽ của các phần mềm máy tính trong giai đoạn bùng nổ công nghệ số hiện nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng đó, một vấn đề còn tồn đọng mà các quốc gia đều gặp phải và đang tìm cách giải quyết đó chính là việc vi phạm bản quyền phần mềm.
Dù đã ít nhiều biết được các nguy cơ mất an toàn thông tin, nhưng nhiều người vẫn dùng các phần mềm “lậu” (hay còn gọi là bẻ khóa) và sử dụng key trôi nổi trên internet thay vì phần mềm bản quyền. Tỉ lệ các Công ty tại Việt Nam vi phạm phần mềm bản quyền luôn chiếm tỉ lệ cao trên thế giới do đa phần muốn tiết kiệm chi phí mua giấy phép bản quyền. Tuy nhiên, chính vì hành động này lại khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những rủi ro rất lớn và một khi gặp phải thì chi phí để khắc phục hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với chi phí bỏ ra cho phần mềm đó, chưa kể việc vi phạm này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tránh gặp phải những thiệt hại không đáng có này tại Sun*, chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền tại Việt Nam thông qua cuộc trao đổi ngắn với anh Đức Khang - Group Leader của bộ phận Pháp chế, trực thuộc Business Administration Vietnam Unit.
PV: Chào anh, xin anh cho biết vi phạm bản quyền phần mềm là gì? Và đã được quy định ở luật nào?
Mr.Khang: Vi phạm bản quyền phần mềm hiểu một cách đơn giản là sử dụng phần mềm có bản quyền mà không được phép của chủ sở hữu phần mềm đó, hay tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm đó. Các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm phổ biến hiện nay có thể kể đến việc cài đặt, sao chép, sử dụng, mua bán, phân phối, phát tán mà không được cấp phép bởi chủ sở hữu hoặc người có quyền đối với phần mềm đó.
Tại Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm được quy định chung tại Luật sở hữu trí tuệ, Bộ luật dân sự và các nghị định, thông tư và văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành khác. Nhìn chung, khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm ở Việt Nam hiện nay đã khá hoàn thiện và có cơ sở để bảo hộ cũng như xử lý các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm.
PV: Như vậy, các hành vi như cài bản Trial, xóa đi cài lại phần mềm hoặc mua 1 bản để cài chung trên nhiều thiết bị thì được có coi là vi phạm hay không?
Mr Khang:
1. Nếu dùng bản trial trong phạm vi được phép thì sẽ không bị coi là vi phạm.
2. Nếu trước đó có cài phần mềm không có bản quyền, sau đó xóa đi và cài lại khi vẫn chưa được cấp quyền sử dụng thì vẫn bị coi là vi phạm bản quyền phần mềm đó.
3. Việc cấp quyền sử dụng phần mềm thông thường được áp dụng riêng biệt cho từng phần mềm hoặc từng gói phần mềm với số lượng và thời gian giới hạn đã được quy định cụ thể trong thỏa thuận mua bán. Nghĩa là mua phần mềm nào sẽ chỉ có quyền sử dụng phần mềm đó, cài trên số lượng máy tính nhất định và trong thời gian nhất định. Nếu vượt quá phạm vi được cấp quyền thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm bản quyền phần mềm đó.
PV: Các công ty sẽ có nguy cơ bị xử lý như thế nào khi vi phạm bản quyền?
Mr Khang: Vi phạm bản quyền phần mềm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Cụ thể, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15 đến 35 triệu, và nếu bị truy tố trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đến 3 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm, đồng thời, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu hoặc người có quyền đối với phần mềm đó.
PV: Theo anh, trách nhiệm thuộc về ai nếu nhân viên cài phần mềm vi phạm bản quyền trên máy laptop cá nhân và mang vào Công ty sử dụng?
Mr Khang: Nếu phần mềm vi phạm được sử dụng cho mục đích cá nhân thì cá nhân đó sẽ phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu phần mềm vi phạm được sử dụng cho mục đích thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty thì công ty cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Mức độ trách nhiệm sẽ phụ thuộc vào mức độ lỗi của các bên. Nếu nhân viên sử dụng phần mềm vi phạm theo chỉ đạo, hướng dẫn của công ty hoặc công ty biết nhưng không có ngăn cấm thì công ty sẽ phải chịu trách nhiệm chính, nhân viên là người có trách nhiệm liên quan. Ngược lại, nếu nhân viên sử dụng phần mềm vi phạm một cách lén lút, tìm mọi cách che dấu để công ty không biết hoặc không thể biết dù đã áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy trình của công ty một cách hợp lý thì nhân viên đó sẽ phải chịu trách nhiệm chính, công ty là người có trách nhiệm liên quan.
PV: Trong thời gian gần trở lại đây, chính phủ cũng như các hiệp hội như Liên minh phần mềm BSA đã có những hành động gì trong việc rà soát, kiểm tra việc tuân thủ phần mềm bản quyền tại Việt Nam, xin anh chia sẻ thêm?
Mr Khang: BSA đang thảo luận với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Việt Nam để tiến hành thanh tra trên diện rộng đối với các doanh nghiệp nhằm phát hiện thêm các vi phạm luật pháp quốc tế về IP và an ninh mạng quốc gia.
Đến thời điểm hiện tại, chưa nhận được thông tin chính thức về hoạt động thanh tra này (có thể do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19). Tuy nhiên, cần luôn cảnh giác và chuẩn bị trong trường hợp bị thanh tra đột xuất bởi vì vi phạm phần mềm vẫn luôn là vấn đề nóng ở Việt Nam và khi Việt Nam gia nhập sâu hơn vào các Điều ước, Hiệp ước, tổ chức quốc tế thì hoạt động này sẽ ngày càng được đẩy mạnh hơn, hình phạt cũng sẽ ngày càng nghiêm khắc hơn do áp lực từ quốc tế.
PV: Vậy để áp dụng tại Sun* thì Công ty nên có kế hoạch hành động như thế nào để ngăn chặn các trường hợp vi phạm xảy ra?
Mr Khang: Trước hết cần ban hành các nội quy, quy định của Công ty về việc cấm tất cả các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm. Công ty chỉ sử dụng các phần mềm có bản quyền trên tất cả các thiết bị và trong tất cả các hoạt động của Công ty.
Sau đó, sẽ cần phổ biến cho toàn bộ nhân viên trong công ty hiểu về những chính sách này của công ty cũng như những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm và hậu quả nguy hại từ hành vi vi phạm gây ra. Đồng thời, sẽ cần xây dựng các quy trình kiểm tra, kiểm soát, tiến hành các biện pháp kiểm tra, kiểm soát định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất để đảm bảo không có hành vi phạm.
PV: Vâng thật nhiều những thông tin hữu ích, rất cảm ơn anh về buổi chia sẻ này!
Lời kết
Như vậy, những rủi ro về việc phải đền bù & xử phạt theo khung pháp lý là rất cao nếu như chúng ta đã bị truy tố vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền tại Việt Nam, kéo theo là uy tín công ty với khách hàng và dối tác cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, nguy cơ gặp rắc rối khi bị lây nhiễm mã độc (malware) cũng có thể xảy ra. Rất nhiều vụ việc malware tấn công bắt nguồn từ các công cụ bẻ khóa phần mềm. Malware (Malicious Software) là một phần mềm độc hại, đây là loại phần mềm hệ thống do các tin tặc (Hacker) tạo ra nhằm mục đích phá hủy hệ thống liên kết của người dùng thông qua một trong các hình thức như: Virus, Spyware, Adware, Trojan, Worm và các loại phần tử độc hại khác.
Do đó, hy vọng rằng mỗi Sunner cùng nhận thức được mức độ quan trọng của việc tuân thủ theo các Quy định về cài đặt, sử dụng phần mềm trong Công ty và cùng chung tay với chiến dịch “SAY NO WITH CRACK” nhé!!!
Liên minh phần mềm BSA (Business Software Alliance) là tổ chức quốc tế chuyên thúc đẩy sử dụng phần mềm hợp pháp, ủng hộ các chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ và tăng trưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số. BSA có trụ sở tại Washington, DC (Mỹ), hoạt động tại hơn 60 quốc gia với thành viên là các hãng công nghệ trên toàn cầu có sản phẩm được sử dụng rộng rãi như: Microsoft, Apple, Cisco, Adobe, Amazon Web Services, Autodesk, Oracle, Symantec..., |