Bất ngờ với mẹo học tiếng Nhật cực hay của cô nàng Comtor tại Sun*
Bảng chữ cái với những ký tự tượng hình, khó hiểu, không thể tìm được chút liên quan gì đến nhau, hàng nghìn chữ Hán rối óc, với nhiều hơn một cách đọc, ngữ pháp với trật tự câu hoàn toàn đảo ngược so với tiếng Việt. Bởi vậy, ngay cả khi đã học chuyên ngành “Nhật thương mại” 4 năm ở trường Đại học, và gần 8 năm ra trường, dùng tiếng Nhật như “cần câu cơm” của mình, tôi vẫn chưa thể tự tin khi nói rằng mình có thể sử dụng hoàn toàn thông thạo. Tuy nhiên, với tiêu chí “biết gì nói nấy” tôi xin mạn phép chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân để học tiếng Nhật hiệu quả.
Không phải là nhớ được bao nhiêu mà là dùng được bao nhiêu
Học nhiều, quên nhiều là cơ chế đương nhiên của não bộ. Không việc gì phải lo lắng vì bộ não của mình không to hơn người bình thường. Nên nhớ mục tiêu của chúng ta không phải là nhớ được nhiều từ vựng mà là dùng được nhiều. Giả dụ, ta học 10, thì chí ít cũng phải phấn đấu dùng được 2 đến 3 từ.
- Không học từ đơn lẻ, mà luôn học thuộc cả cụm từ, hoặc cả câu chứa nó. Như vậy, khi cần dùng đến, bạn sẽ bật ra cả câu đó, chứ không mất thời gian loanh quanh nghĩ xem nên nói thế nào.
- Không dùng từ điển Việt – Nhật, chỉ dùng từ điển Nhật – Nhật để tra nghĩa. Chẳng hạn Goo Dictionary, Kotobank vvv… Điều này giúp bạn hiểu rõ cách sử dụng của từ, và thậm chí có thể học thêm một số từ mới trong đoạn giải nghĩa tiếng Nhật đó.
- Học theo cặp từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa để làm phong phú vốn từ.
Các bạn có thể tra trên google với key như : 同意語 (từ đồng nghĩa)、反対語(từ trái nghĩa)
- Tập thói quen giải thích một từ mới bằng những từ đã quen thuộc. Giả dụ, bạn của bạn hỏi: “Mày ơi, từ 調整 nghĩa là gì”, thì hãy mạnh dạn mà giải thích rằng: 調整 nghĩa là: 調子や過不足などを整えて、規準や正常状態に合わせること。
(Chỉnh sửa lại trạng thái, những chỗ thừa thiếu, cho khớp với tiêu chuẩn, hoặc khớp với trạng thái đúng của nó.)

Luyện phát âm phải vui!
- Đọc lại bảng chữ cái tiếng Nhật mỗi ngày một lần (nếu lười cấp độ 0), ba ngày một lần (nếu lười cấp độ 1) và một tuần một lần (nếu lười cấp độ 2).
- Tốt nhất là cố đọc to lên và ghi âm lại, sau đó nghe lại xem bạn phát âm tiếng Nhật như thế nào. Hơi "đáng sợ" một chút, nhưng không sao đâu!
- Nói chuyện với Google. Bạn ra lệnh cho Google tìm kiếm nhà hàng gần đây, hoặc hỏi nó nhiệt độ hôm nay thế nào, có tin gì “hot” không, vvv… Nếu Google hiểu được tiếng Nhật của bạn thì kiểu gì người Nhật chả hiểu.
- Xem Youtube thật nhiều, nhất là những video dạy tiếng Nhật cho trẻ con. Tôi ít khi luyện phát âm bằng cách xem phim Nhật, bởi vì phim thường phim sẽ dài hơn 45 phút, thường thì tôi sẽ ngủ giữa chừng nếu không có vietsub hoặc sẽ quá chán ngán mà bỏ đi làm việc khác, một mặt cũng vì phim Nhật ít tình tiết gay cấn, hành động. Chính vì vậy, tôi nghĩ tốt hơn hết bạn hãy tìm những video ngắn có giọng nói dễ thương một chút, để dễ học, và không bị buồn ngủ.
Lưu ý dành cho bạn! Các lỗi sai khi đọc Katakana. Nhiều bạn thường quen mồm đọc luôn tiếng Anh, chứ không chịu nói theo phiên âm Katakana đúng của người Nhật.
Lỗi thiếu trường âm, lỗi nuốt âm có thể khiến người nghe hiểu sai nghĩa thành từ khác. Ví dụ như: かずおおく (Nhiều) → かぞく(Gia đình).

Học chữ Hán theo âm Hán – Việt
Học âm Hán Việt sẽ giúp bạn có thể gọi tên ra chữ Hán đó là gì, và trong nhiều trường hợp có thể đoán nghĩa của từ, dựa vào âm Hán Việt của chữ Hán.
Chẳng hạn : 便宜 (Tiện nghi), 調整 (Điều chỉnh)
Tất nhiên, ta không thể dựa hoàn toàn vào nghĩa Hán Việt này để học cách sử dụng của từ, nhưng chí ít, có thể lờ mờ đoán được nó có nghĩa thế nào, câu chứa nó có nghĩa ra sao.
Một kinh nghiệm nữa khi học chữ Hán là học theo bộ, thủ. Mỗi bộ có ý nghĩa riêng của nó. Nếu chúng ta hiểu và nhớ được các bộ, thủ này thì sẽ rất tiện cho việc tra cứu từ điển, cũng như dễ có đầu mối để nhớ chữ Hán. Tôi biết có rất nhiều bạn cố tưởng tượng mỗi chữ Hán là một bức tranh để nhớ. Nhưng tin tôi đi, nhớ 1945 bức tranh khó hơn nhiều so với việc nhớ khoảng hai trăm bộ thủ của chữ Hán.
Học lối nói – viết thuần Nhật và không sáng tạo ra ngữ pháp
Lối nói của người Việt và người Nhật khác nhau rất nhiều, nên sẽ rất khủng khiếp nếu chúng ta cứ thế “word by word” từ tiếng Việt sang Tiếng Nhật. Kinh nghiệm của tôi để nói – viết thuần Nhật hơn như sau:
- Thường xuyên note lại những cú pháp tự nhiên mà người Nhật dùng.
Ví dụ: Trên chatwork, tôi hay note lại những câu mà khách hàng Nhật hay dùng như:
お手数をおかけしまして恐縮ですが、ご協力のほど何卒宜しくお願い致します。
(Tôi rất xin lỗi vì đã làm phiền bạn. Rất mong bạn hợp tác, giúp đỡ.)
急ぎの依頼となり恐縮ですがご対応の程どうぞよろしくお願い致します。
(Xin lỗi vì yêu cầu gấp như vậy. Rất mong bạn xử lý giúp.)
本件、期限が本日までですが、調査が難航しております。
(Ticket này/task này có deadline là đến ngày hôm nay, nhưng hiện tại việc điều tra vẫn đang gặp khó khăn)
Tốt nhất là nên tự tổng hợp vào một file excel riêng cho mình để có được từ điển cá nhân những cụm từ học được từ khách hàng. Cứ bắt chước khách hàng là sẽ nói được tự nhiên như họ. Tất nhiên, người Nhật không phải lúc nào cũng đúng. Trước khi note lại, nhớ tra trên Google để check xem cụm từ đó có phải một trong những cụm từ người Nhật hay dùng sai hay không bạn nhé!
- Nếu không biết nên nói thế nào, hay nên viết thế nào cho đúng, hãy sử dụng “Google” để check ngữ pháp.
Ví dụ: Bạn gặp cụm từ “apply lên live sever” . Bạn định dịch là “本番に反映” mà không biết người Nhật có nói như vậy không, thì bạn có thể lên google, tìm kiếm với keyword là “本番に反映”. Nếu kết quả trả về có rất nhiều bài viết dùng cụm từ này thì có nghĩa là bạn đúng. Còn nếu không có, thì phần lớn khả năng là bạn sai, hoặc cụm từ đó không thông dụng lắm.

Luyện phản xạ nghe - nói dễ dàng
Tôi đã “không thèm” luyện nghe bằng cách nghe tin tức, hay xem phim như trước nữa. Vì tin tức trên NHK hay mấy kênh tin tức khác nói toàn từ khó. Kanji khó, từ vựng khó, ngữ pháp thì khá cứng vì là ngữ pháp của báo chí. Xem phim Nhật càng khó hơn. Dẫu có tua lại cả trăm lần, tôi cũng chẳng biết cái anh đấy nói với chị kia câu gì, chỉ biết hai người đang tình cảm với nhau. Ôi thôi! Tôi từ bỏ chuyện học nghe bằng cách này. Thay vào đó tôi đã thực hiện những cách dưới đây:
- Tìm chủ đề tôi thích, search trên Google, sau đó chọn ra một bài báo, hoặc một bài viết tiếng Nhật có vẻ thú vị, copy paste vào Google translate, ra lệnh cho Google translate đọc. Được cái google đọc rất chậm và rõ ràng (Tuy có hơi thiếu ngữ điệu. Ngữ điệu thì học sau cũng được). Ban đầu, tôi cho Google đọc từng câu một. Dần dần, cho Google đọc 2, rồi 3 câu. Bây giờ thì tôi có thể nghe Google đọc một đoạn ngắn, rồi note lại nội dung nghe được, tóm tắt lại.
Nhiều lúc hứng chí lên, tôi còn copy nội dung tiếng Việt vào để nó đọc tiếng Việt cho mình. Sau đó tôi memo thật nhanh nội dung tiếng Việt đó, và tự nói lại bằng tiếng Nhật. Cách này còn giúp kỹ năng Memo (Note) của tôi tiến bộ rõ rệt.
- Tận dụng các phần mềm giao tiếp với người bản xứ
Với những bạn không có cơ hội tiếp xúc với người Nhật nhiều, các bạn có thể sử dụng các phần mềm như Hello talk, Lang8 để làm quen với người Nhật. Ở đó, bạn sẽ được dạy tiếng Việt cho người Nhật, và ngược lại, được người Nhật chỉ dạy tiếng Việt. Thậm chí, bạn có thể kết thân với họ nữa, có rất nhiều người bạn Nhật tôi quen qua Hello talk đã trở nên thân thiết với tôi. Mỗi khi có dịp sang Việt Nam thì đều liên lạc với tôi để đi chơi, đi ăn, hoặc giới thiệu cơ hội làm thêm vvv…

Trên đây là những kinh nghiệm học tiếng Nhật tôi đã áp dụng thành công với bản thân mình. Hy vọng sẽ có một vài gạch đầu dòng có ích cho các bạn. Chúc các bạn học tiếng Nhật ngày càng tiến bộ nhé!