Chán gì như chán thứ hai!

Có bao giờ bạn cảm thấy những ngày trong tuần, khi đi làm, đi học, mỗi ngày đều dài lê thê, nhưng ngày cuối tuần, cũng vẫn 24 tiếng một ngày lại trôi vèo vèo như tên bắn không? Thậm chí, có những lúc, khi ngày chủ nhật kết thúc, ta lại ngỡ ngàng như thể chưa có một ngày nghỉ nào vậy!

Thời gian không trôi nhanh hơn hay chậm dần đi vào cuối tuần, mọi lý do đều là từ bạn mà ra đấy!

Bạn dành nhiều thời gian hơn để… ngủ!

Với tâm lý xả hơi sau một tuần vất vả lao động, phải dậy sớm mỗi ngày, bạn muốn xả hơi, muốn được ngủ “bù” trong những ngày cuối tuần. Thế nên ngủ “nướng” cuối tuần là chuyện bình thường. Vậy nhưng ngủ nướng quá nhiều lại khiến ngày ngắn lại, vì thời gian tỉnh táo của bạn ít hơn. 

Đây chính là nguyên nhân đầu tiên khiến ngày nghỉ trôi qua trong vô thức đến mức khi nó kết thúc, ta có cảm giác hụt hẫng.

Nguồn: Sen xàm xí

Não của bạn có thể cảm nhận được thời gian đấy!

Thông qua cảm giác của cơ thể chúng ta theo thời gian, chúng ta cảm nhận được thời gian. 

Khi chúng ta rảnh rỗi hay vui vẻ, hoặc khi được làm những điều mình thích, chúng ta ít bị phân tâm và ít để ý đến thời gian. 

Tiến sĩ Tâm lý học Wittmann cho biết: "Nếu chúng ta làm việc đa nhiệm và cực kỳ bận rộn, chúng ta có thể khiến thời gian co lại và một ngày trôi qua cực kỳ nhanh chóng".

Đó chính là lý do vì sao ngày nghỉ - lúc chúng ta nghỉ ngơi, thư giãn hoặc tham gia những hoạt động giải trí cùng bạn bè, người thân - thường diễn ra nhanh hơn ta tưởng.

Nhưng ngược lại, trong cơn buồn chán, chúng ta thường cảm nhận quá mức cảm xúc của chính mình, và quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh nhiều hơn. Trạng thái ‘chán’ này diễn ra khi môi trường đơn điệu, thiếu tính kích thích, như công việc trùng lặp, nhiệm vụ thiếu tính thử thách, bài giảng không có thông tin nào mới, giọng đọc đều đều,...  Vì thế, thời gian sẽ kéo dài ra rất nhiều nếu chúng ta đang làm một việc không mấy hứng thú. 

Để những ngày làm việc trôi "nhanh hơn", hãy để chúng được bao trùm bởi sự "hứng khởi" và sự tập trung cao độ (Nguồn: Pinterest)

Tóm lại, khi đang tập trung vào công việc hoặc hoạt động gây hứng thú, ta thường không cảm nhận được thời gian trôi qua, nhưng khi chán, ta bắt đầu chú ý đến thời gian còn lại và mong muốn tình trạng này nhanh chóng kết thúc. Đó là lý do chúng ta liên tục tự hỏi “Bao giờ mới hết ngày?” “Bao giờ mới đến cuối tuần?”,... trong lúc làm việc.

Chính bởi vậy, để những ngày làm việc trôi "nhanh hơn", hãy để chúng được bao trùm bởi sự "hứng khởi" và sự tập trung cao độ. Còn nếu muốn cuối tuần dài hơn, ngủ ít thôi nhé! Nếu như ta thực sự bận rộn với những ý tưởng sáng tạo đang chảy trong từng tế bào của cơ thể, chắc chắn bộ não sẽ lãng quên rằng thời gian đang rời đi. Và khi ta thực sự hạnh phúc với công việc, một ngày làm việc sẽ trôi qua nhanh đến mức phải thốt lên: "Giá như ngày có thể dài ra". 

Chúc mọi người có một tuần làm việc mới đầy hứng khởi nhé!

#Khôngphảitựdưngmà (#KPTDM) là một series tìm kiếm lời giải đáp cho bất cứ thắc mắc nào của bạn trong cuộc sống.

Đừng ngại. Bạn cũng có thể gửi bài và nhận nhuận bút của Sun* News TẠI ĐÂY.