Để lời nói của bạn có trọng lượng, hãy áp dụng ngay cách này!

Điều gì sẽ xảy ra nếu như người khác thường xuyên không hiểu những gì bạn nói? Hoặc mất quá nhiều thời gian để hiểu ý của bạn? Bạn thường xuyên bị sếp khiển trách khi trao đổi chuyện công việc? Đồng nghiệp chê cười khả năng trình bày của bạn?...

Có một sự thật là “80% câu chuyện của bạn không được người khác lắng nghe”. Tức là, cho dù có thiện chí đến mấy thì không ai có thể đọng lại 100% thông tin mà bạn trao đổi với họ. 

Không phải người nghe chậm hiểu hay ghét bạn, cũng không phải năng lực của bạn kém, mà là bạn chưa biết cách khiến người khác vận động trí não và hành động vì lời nói của mình thôi! 

Dù cho câu chuyện có dài đến cỡ nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể tóm tắt nó chỉ trong vòng 1 phút. Nếu bạn luyện được điều này, bạn sẽ từng bước nâng cao được năng lực của bản thân. 

Điều quan trọng không phải là bạn truyền đạt trôi chảy mà là khiến đầu óc người nghe phải vận động. 
Đừng để đối phương làm ảnh hưởng đến tinh thần và nội dung lời nói của bạn. Hãy khiến họ phải tư duy và hành động vì bạn.

Điều cần xác định trước khi nói bất cứ thứ gì!

Áp dụng "cấu trúc kim tự tháp" để trình bày vấn đề

Thuyết trình/trình bày vấn đề không phải là hành vi cố liệt kê tất tần tật những điều mình muốn truyền đạt. Thuyết trình/trình bày là “Thao tác xây dựng bộ khung - dàn ý trong đầu người nghe và cấy những nội dung mình muốn truyền đạt vào đó".  

Hãy áp dụng mô hình Kim tự tháp khi trình bày bất cứ điều gì nhé! Tức là, đưa ra Kết luận cho vấn đề của mình trước, sau đó mới đưa ra các Luận cứ để lý giải cho Kết luận của mình.

Vậy tìm kết luận như thế nào?

Nhiều người thường bắt đầu câu chuyện khi vẫn chưa quyết định rõ kết luận của mình là gì? Câu chuyện nhằm hướng người nghe hành động như thế nào? Hoặc họ bị rối, bắt tay chuẩn bị dữ liệu nhưng đều là những dữ liệu không đưa tới được kết luận cuối cùng. 

Bạn cần phải có bước suy nghĩ, tức là gia công lại các dữ liệu đang có sẵn trong đầu và các dữ liệu tiếp nhận từ bên ngoài, từ đó dẫn tới kết luận.

Trước hết hãy sắp xếp các luận cứ ở đáy kim tự tháp, thử tự hỏi chính mình: 
“Sau đó sẽ ra sao?” 
“Vì….nên…”/“Bởi thế...nên là…” 
Khi câu trả lời xuất hiện, hãy tiếp tục hỏi mình:  
"Đó là câu trả lời cuối cùng chưa?"  
"Có câu trả lời nào tốt hơn thế nữa không?"  
Thuyết trình/trình bày được thực hiện nhằm khiến đối phương hành động theo ý mình. Vì thế, kết luận chính là đưa ra phương hướng hành động mà người nói muốn người nghe thực hiện.  

Ảnh: Freepik

Một bộ khung vững chắc cho 1 kết luận là 3 luận cứ. Chỉ nên là 3 luận cứ mà thôi! Ít hơn hay nhiều hơn đều dễ phản tác dụng.  
Cho dù vấn đề của bạn có dài đến đâu, bạn có 10 phút hay 1 tiếng để trình bày vấn đề đó, cũng hãy tóm tắt thành 3 luận cứ chính (những lý do mà bạn cho rằng nó đắt giá nhất trong hàng loạt lý do khác). Người nghe từ đó vừa dễ hiểu, vừa sẵn sàng tâm lý để đưa ra các phản hồi, rồi hành động vì bạn.  

Đơn giản vậy thôi, bạn sẽ khiến đối phương nhanh chóng hiểu ra vấn đề, từ đó buộc họ phải đưa ra hành động để giải quyết vấn đề với bạn. 

Kĩ năng giao tiếp đơn giản này cần thiết trong bất cứ mối quan hệ nào. Thậm chí với cách giao tiếp logic này, các mối quan hệ của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều, hạn chế được những xung đột, cãi vã không đáng có. 

Chúc bạn có một năm mới khởi sắc với các mối quan hệ tốt đẹp và thành công trong công việc nhé!

#cách giao tiếp hiệu quả