Đối phó thế nào với chất lượng không khí ô nhiễm ở mức cảnh báo màu tím?

Những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội và TP HCM luôn ở mức báo động đỏ (chỉ số AQI từ 151-200), cá biệt có thời điểm ở mức màu tím (AQI từ 201-300). Với chất lượng không khí ở mức rất kém và nguy hại cho sức khỏe như vậy, Sunners cần lưu ý những gì để đối phó với tình trạng này?

Theo ghi nhận của PV Sun* News, vào 8h sáng nay (30/9), nhiều điểm ở Hà Nội cũng như khu vực đồng bằng Bắc Bộ, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất báo động, vượt ngưỡng hơn 200. Theo hệ thống quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ (khu vực Láng Hạ), AQI của Hà Nội là 235. Nhiều tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh... chỉ số AQI dao động từ 220-250.

Đến khoảng 11h trưa, riêng tại khu vực Keangnam (lấy theo điểm đo tại đường Tôn Thất Thuyết), AQI là 168, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 61.1 cao gấp 2.5 lần so với quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3). 

Tại văn phòng Sun* ở TP HCM, lấy chỉ số chất lượng không khí tại khu vực Bình Thạnh, AQI là 154, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 50.6, gấp 2 lần so với quy chuẩn quốc gia. 

Theo các chuyên gia, hiện tượng chỉ số chất lượng không khí thường rất kém vào đêm và sáng sớm và giảm dần vào trưa là do hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng này xảy ra "theo mùa", ở một số thời điểm trong năm. Hai giai đoạn thường xảy ra nghịch nhiệt nhất là trước mùa đông và mùa xuân.

Do hiện tượng ô nhiễm không khí có tính chu kì, "theo mùa" như vậy nên người dân cần chủ động theo dõi và nắm bắt chỉ số ô nhiễm để bảo vệ sức khoẻ.

Sunner nên làm gì để đối phó với ô nhiễm? 

Tiếp xúc với các hạt bụi mịn, không khí ô nhiễm ở mức cao có thể gây các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi. Tiếp xúc lâu dài gây gia tăng viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến hệ thần kinh...

- Cập nhật chỉ số chất lượng không khí hàng ngày tại PAM AIR để chủ động bảo vệ sức khỏe. Khi chất lượng không khí ở mức đỏ hoặc tím, cần hạn chế tối đa đi ra ngoài, hoạt động thể thao ngoài trời. Đặc biệt, những ngày chỉ AQI ở mức tím, không dậy sớm tập thể dục buổi sáng ở ngoài trời, vì hại nhiều hơn lợi. Vì việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn.

- Người già và trẻ nhỏ ở trong nhà đóng cửa lại và dùng máy lọc không khí. Nếu ra ngoài, khuyến cáo nên đeo loại khẩu trang có chức năng lọc khí. Buổi tối bố mẹ nên rửa mũi cho con thường xuyên, tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

- Giảm hoạt động ngoài trời, sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn được bụi mịn PM2.5 thay cho các khẩu trang thông thường. Sau khi ở ngoài trời về nên súc miệng, rửa mắt mũi và các bề mặt da tiếp xúc bằng xà phòng diệt khuẩn. Đóng các cửa lưu thông với bên ngoài.

- Trang bị máy lọc không khí cho gia đình và khu vực văn phòng. Tại các khu vực văn phòng, công ty đã sắm một số máy lọc không khí để bảo vệ sức khỏe của nhân viên. 

#ô nhiễm không khí

#AQI