Dự án Route Planning System: Từ chưa có gì trong tay đến quyết tâm vượt qua nghịch cảnh
Là dự án của CEV12, Route Planning System hiện đã và đang trở thành một dự án tiềm năng, sở hữu những thành viên ưu tú được đánh giá tốt về cả tư duy và chuyên môn, có khả năng thích ứng với những tình huống đặc biệt của dự án. Có thể nói, điểm khác biệt nhất của dự án không nằm ở technical mà là về cách thức, môi trường làm việc của đội dự án. Tại sao dự án lại có điểm đặc biệt này? Và team dự án sở hữu sức hút như thế nào? Hãy cùng Sun* News tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Chính thức bắt đầu tham gia từ tháng 9/2022 chỉ với 2 thành viên, chỉ trong vài tháng triển khai, team dự án đã có sự thay đổi đáng kể, nguồn nhân lực tăng lên thành 12 thành viên. Dự án Route Planning System chịu trách nhiệm phát triển hệ thống web ứng dụng thực hiện điều phối xe, tạo lộ trình giao hàng tại kho đến điểm nhận hàng cho một công ty con về logistic của tập đoàn lớn chuyên về sản xuất, mua bán nội thất của Nhật.
Hệ thống mới này sẽ tự động hóa tạo lộ trình giao hàng, nâng cao hiệu suất vận chuyển bằng cách hợp lý hóa thời gian chạy và giao hàng của xe từ kho đến điểm nhận hàng, từ đó sẽ giảm chi phí phương tiện, chi phí nhân công cho công ty khách hàng.
Vì lý do bảo mật nên dự án Route Planning System không làm việc ở môi trường phát triển của Sun*. Các thành viên dự án đã làm việc hoàn toàn ở môi trường develop của khách hàng thông qua việc sử dụng phần mềm thứ 3, và đăng nhập bằng tài khoản khách hàng cung cấp để remote trực tiếp đến máy PC vật lý do khách hàng chuẩn bị.
Khách hàng có quy định khá nghiêm ngặt về việc cấp quyền tài khoản, việc install, download, cài đặt phần mềm, gói nhập khẩu, thư viện, trong khi đó phía team đảm nhiệm phần xây dựng dự án cơ sở cho khách hàng nên những khó khăn là điều không tránh khỏi.
Đại diện dự án - Sunner Nguyễn Hà (CEV12) cho hay: “Giai đoạn đầu team phải sử dụng phần mềm, thư viện có sẵn của khách hàng và phiên bản này khá cũ nên thường xuất hiện rất nhiều lỗi, mất nhiều effort để tìm hiểu, điều tra để xây dựng dự án. Để giải quyết vấn đề này, team đã chủ động thực hiện danh sách vấn đề, các điểm hạn chế của phiên bản cũ hiện tại, các điểm mạnh, điểm cải thiện của phiên bản mới để được chấp nhận nâng cấp phiên bản từ khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, khách hàng hoàn toàn tin tưởng và cho phép team chủ động cài đặt thư viện cho dự án.”
Bên cạnh đó, team dự án cũng chia sẻ thêm: “Máy tính remote, chạy liên tục nên sẽ có những lúc bị giật lỗi. Team back-end sử dụng Apollo Framework, mặc dù base trên Spring Framework, tuy nhiên khách hàng có tài liệu riêng nên việc theo dõi hơi khó, dễ bị thiếu thông tin. Bởi vậy, team đã tính toán thêm thời gian đọc tài liệu trong mỗi task code. ERD được thiết kế bởi khách nên team hơi bị động, phải đổi đi đổi lại nhiều lần gây ảnh hưởng tới task code. Để giải quyết điều này, team quyết định vẫn chạy code trước, không chờ ERD bản latest và sẽ cập nhật code dần dần để khớp với bản ERD mới nhất… Khó khăn bủa vây nhưng team vẫn không bỏ cuộc, luôn đưa ra cách xử lý kịp thời, hiệu quả.”
Dù cách thức và môi trường làm việc không thuận tiện nhưng team dự án đã luôn nỗ lực để đem đến những kết quả tốt nhất, nâng cao chất lượng dự án và nhận được sự tín nhiệm của khách hàng.
Sau giai đoạn khó khăn ấy, team dự án đã bước đầu gặt hái được những "trái ngọt" xứng đáng. “Thành công thứ 1 đó là team đã tạo được niềm tin với khách hàng và thành công tư vấn cho khách hàng đồng ý thay đổi framework phát triển hiện tai sang React. Thành công thứ 2 đó là team phát huy được tinh thần Be Optimistic khi phải làm việc ở môi trường khá tách biệt của khách hàng, các thành viên trong dự án vẫn luôn vui vẻ, thân thiện, tạo bầu không khí thoải mái trong công việc.” - Sunner Nguyễn Hà hào hứng cho hay.
Dự án đã mang đến cho các thành viên những trải nghiệm bổ ích. Từ “chưa có gì trong tay” thì hiện tại, quy trình code của team đã chuẩn chỉnh và luồng xử lý trong code rõ ràng chi tiết đến ấn tượng. Anh chị em team dự án cũng trau dồi thêm tính kiên nhẫn, sức mạnh của sự gắn kết trong một tập thể, cũng như được học hỏi cách viết tài liệu chuẩn chỉnh và Framework của Khách hàng, từ đó áp dụng vào các dự án Việt Nam. Ngoài ra, việc code trên máy remote tạo thuận tiện cho team có thể code ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào thiết bị phía Việt Nam.
Thấu hiểu những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, anh chị em team dự án luôn sẵn lòng đồng hành cùng nhau để dự án “chạy” mượt mà, trơn tru. Để “giữ lửa” cho team, ngoài các buổi Teambuilding thì các thành viên cũng luôn cố gắng nêu cao tinh thần gắn kết từ những hành động nhỏ nhất. Chẳng hạn như sắp xếp thành viên dự án có thể ngồi gần nhau, các thành viên làm việc tại nhà sẽ luôn dành 1-2 buổi trong tuần để lên văn phòng gặp gỡ team. Hay như việc tham gia các cuộc họp, mọi người cũng đều sẽ mở camera để có thể vừa bàn bạc, trò chuyện, lại vừa nhìn thấy mặt đối phương… Những hành động dù nhỏ nhưng như “sợi dây vô hình” kéo các thành viên gần lại nhau hơn.
Nói về dự định trong thời gian tới, team dự án chia sẻ: “Mặc dù thiết kế, thông số kỹ thuật phía khách hàng chốt trễ hơn 1 tháng so với kế hoạch nhưng team vẫn đưa ra mục tiêu cố gắng đảm bảo được giữ sản phẩm đầu ra phía team Team sẽ cố gắng để không phụ sự tin tưởng của Khách hàng dành cho team dự án.”
Chúc cho dự án Route Planning System sẽ hoàn thành mục tiêu của mình và đạt được những kết quả vượt mong đợi nhé!