Gặp gỡ nữ dịch giả của Sun*: "6 năm - 9 cuốn sách, không đủ tình yêu thì có lẽ đã từ bỏ"
Ở Sun*, ngoài các lập trình viên còn có cả những con người đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn rất đặc thù, trong đó có dịch thuật ngôn ngữ tiếng Nhật. Chị Mai Khanh vốn là một Comtor (nay là IT Teacher của Global Education Unit), chị có niềm đam mê với dịch sách và luôn mong muốn lan tỏa các tác phẩm văn học của đất nước mặt trời mọc - Nhật Bản tới độc giả tại Việt Nam. Hiện chị Khanh đã dịch được 9 đầu sách, các cuốn sách đều đã và đang được phát hành bởi NXB sách Nhã Nam. Hãy cùng xem hành trình dịch giả của cô gái nhà Sun* đã diễn ra như thế nào nhé!
Đôi nét về nhân vật:
Họ và tên: Nguyễn Thị Mai Khanh
Năm sinh: 1990
Tốt nghiệp: Trường Đại học Hà Nội
Vị trí công việc: IT Teacher (trước tháng 4/2021 là Comtor)
Bắt đầu dịch sách: Từ năm 2015
Đã dịch được 9 cuốn sách: Bình minh cuộc đời, Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi, Tôi không thể viết tiểu thuyết, Phương trình hạ chí, Cảnh ngộ, Trả giá, Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng ở thị trấn không tên, Hy vọng (tạm gọi chưa ra mắt), Thiếu nữ (tạm gọi chưa ra mắt)
Cuốn sách tâm đắc nhất: "Bình minh của cuộc đời"
Câu nói yêu thích nhất: "Chỉ cần cậu tha thiết muốn thì cả vũ trụ sẽ giúp cậu đạt được điều đó!" (Nhà giả kim)
Dịch sách - một trải nghiệm thú vị
Khanh vốn 'ôm mộng' trở thành dịch giả từ những năm Trung học, một trong những lý do thôi thúc mình hồi ấy là được nhìn thấy cái tên Mai Khanh được in trên bìa sách, chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy sung sướng rồi. Năm 2014, mình được một cô giáo giới thiệu và kết nối với NXB sách Nhã Nam, mình viết mail xin ứng tuyển làm cộng tác viên dịch thuật. Hơn 1 năm sau đó mình bắt đầu dịch cuốn đầu tiên.
Gu của mình là những cuốn sách tình cảm, nhẹ nhàng, nhưng trên thực tế 9 cuốn sách mà mình đã dịch phần lớn là sách trinh thám. NXB thường đề xuất, hoặc để mình chọn lựa giữa một danh sách mà họ đưa ra. Mình đã dịch 2 cuốn của Higashino Keigo, 2 cuốn của Minato Kanae, còn lại thì mỗi cuốn là một tác giả khác nhau. Nếu không có cơ duyên trở thành dịch giả chắc mình không bao giờ đọc dòng sách trinh thám. Mình khá thích sách của Higashino Keigo, nhờ cơ hội dịch sách của bác nên mình đã tìm đọc những cuốn đình đám như "Phía sau nghi can X" hay "Bạch dạ hành", mặc dù cũng hơi sợ 1 chút nhưng đọc xong cảm thấy tâm đắc vô cùng.
Mình có một kỉ niệm đáng nhớ khi dịch cuốn sách đầu tay "Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi" của bác Ichikawa Takuji. Khi tình cờ phát hiện ra tài khoản instagram của tác giả và nhắn tin với bác là cháu dịch sách của bác đấy, không ngờ bác ấy trả lời liền, cảm giác vừa run, vừa vui sướng lắm!
Dịch sách giống như ghép một bức tranh
Điều khó nhất của một dịch giả là truyền tải đầy đủ những gì chứa đựng trong cuốn sách gốc, không chỉ về mặt ngữ nghĩa mà còn về mặt cảm xúc, những lớp lang ý nghĩa ẩn sau con chữ (gọi là "ý tại ngôn ngoại") mà tác giả gửi gắm trong đó. Người ta nói, dịch giả không chỉ đơn thuần là người dịch thuật mà đôi khi còn được xem là "đồng tác giả" vậy. Mỗi ngày bạn đều trăn trở với tác phẩm của mình. Dịch sách cũng giống như bạn chơi trò ghép tranh, khi ghép sai, bức tranh sẽ trở nên mất đi ý nghĩa.
Mình vốn là Comtor của Sun* - một người "chuyển ngữ" Nhật - Việt cho các tài liệu dự án IT. Dịch IT cần nhất sự chính xác, không yêu cầu quá cao về hành văn, trong khi dịch văn học đòi hỏi người dịch giả không những dịch đúng mà còn phải "dịch hay", "dịch mượt". Dịch văn học cần mình phải thoát ly khỏi lớp vỏ bọc ngôn ngữ để tìm đến cái lớp đằng sau của nó, mà có lẽ cho đến giờ mình vẫn chưa tự tin là mình làm tốt, nói chung là khó hơn dịch IT rất nhiều.
Các bạn biết đấy, tiếng Nhật có rất nhiều điểm khác biệt với tiếng Việt, trong đó khác biệt lớn nhất là người Nhật thường lược bỏ chủ ngữ, trong khi ở tiếng Việt, chủ ngữ là thành phần bắt buộc. Văn hóa Nhật được xếp vào "văn hóa giàu ngữ cảnh (high context culture)", nên bất cứ chỗ nào tác giả cho rằng người đọc có thể tự hiểu là họ sẽ lược, vì thế một trong những khó khăn của mình khi dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt là nắm được bối cảnh để có thể dịch sát nghĩa và tròn trịa nhất.
Dịch sách không phải để kiếm tiền, dịch sách là đam mê
Vì hầu hết dịch giả đều tham gia dịch sách với vai trò là "cộng tác viên", nghĩa là nghề tay trái nên các NXB cũng tạo điều kiện về mặt thời gian, họ thường cho từ 3 - 5 tháng tùy theo số trang. Thông thường mình dành khoảng 3-4 tiếng cuối ngày để dịch. Cuối tuần thì mình dành nhiều thời gian hơn một chút.
Nói thật là đôi khi mình cũng bị mất cân bằng, mải mê dịch quên cả chăm sóc con cái ấy chứ! (Cười). Cũng may mắn là mình có gia đình bên cạnh, hỗ trợ mình rất nhiều. Qua đây mình muốn gửi lời cảm ơn bố mẹ đã luôn giúp đỡ mình, cảm ơn chồng đã ở bên cạnh thấu hiểu và cảm ơn 3 bạn nhỏ đã có thể "tự chơi" với nhau mỗi khi mẹ bận rộn.
Nếu có ai đó hỏi điều gì đã thôi thúc và khiến mình gắn bó với công việc dịch giả suốt 6 năm qua thì đó là cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc khi nhìn thấy cuốn sách mình dịch thành hình, khoác lên một chiếc áo mới. Hạnh phúc và hãnh diện khi nhìn những cuốn sách mình dịch xếp ngay ngắn trên những giá sách trong hiệu sách. Rồi còn là cảm giác thỏa mãn sau khi hoàn thành bản thảo, giống như vừa ghép xong một bức tranh. Thi thoảng nhận được những bình luận tích cực về mặt "dịch thuật" của cuốn sách cũng là 1 động lực to lớn giúp mình gắn bó với công việc này.
Dịch sách vốn là một nghề "kén người", nó không phải là nghề có thể nuôi sống chúng ta xét về khía cạnh vật chất. Vì thế nếu không đủ tâm huyết thì khó mà duy trì được lâu dài.
Cuốn sách tâm đắc nhất của mình là "Bình minh của cuộc đời" vì nhờ nó mà mình được nhận giải Best Review của Sun*. Thực ra cuốn sách này không được nhiều người biết đến lắm, nhưng những ai đọc rồi đều rất yêu thích câu chuyện trong đó. Thi thoảng tình cờ đọc được review của 1 số độc giả về cuốn sách này mình lại cảm thấy vui vì đã góp chút công sức mang 1 câu chuyện đẹp và ý nghĩa từ Nhật Bản đến với độc giả Việt Nam.
Mình mong là những cuốn sách do mình dịch sẽ đến tay càng nhiều độc giả càng tốt, để độc giả yêu thích văn học Nhật ở Việt Nam không chỉ biết đến Ichikawa Takuji, Higashino Keigo, Minato Kanae mà còn biết đến những cái tên như Ioka Shun, Shizukui Shusuke, Tsujimura Mizuki... góp phần nhỏ bé lan tỏa văn học Nhật nói riêng và văn hóa đọc nói chung ở Việt Nam.
Mình cũng mong rằng, những cuốn sách sẽ giúp mọi người tìm ra ý nghĩa nào đó với riêng cá nhân họ, để họ cảm thấy thời gian và tiền bạc mình bỏ ra cho cuốn sách là xứng đáng.
Trong tương lai mình sẽ thử sức ở nhiều thể loại hơn, có thể là sách thiếu nhi chẳng hạn.
Những cuốn sách do chị Mai Khanh dịch, các bạn có thể tìm mua trên Tiki hoặc tại cửa hàng của nhà sách Nhã Nam nhé!