Giải mã câu Wasshoi mà sáng nào Sunners cũng hô vang
Ắt hẳn mọi người đều đã quen thuộc với việc cả team chụm tay, hô vang: "Wasshoi!" vào cuối buổi daily meeting mỗi sáng rồi nhỉ? Nhưng dám chắc, không phải ai cũng biết ý nghĩa của câu nói đó. Nó không phải là : "What is the Xôi?" như chúng ta hay đùa vui đâu nhé!
Thông qua việc lược dịch một bài viết tiếng Nhật và tra cứu thêm, mình xin được giới thiệu một chút về ý nghĩa câu này, cũng như một số giả thuyết nhằm lý giải nguồn gốc xuất xứ của nó.
Ý nghĩa
Wasshoi là câu nói mà người Nhật dùng để hô to đồng thanh mỗi khi vận sức cùng nhau nâng, kéo, di chuyển một vật nặng nào đó. Câu này vừa để nâng cao tinh thần, vừa để căn thời gian dụng sức cho đạt hiệu quả cao, giống như: "Hai ba! Hai ba!" hoặc "Dô ta! Dô ta!" trong tiếng Việt mình vậy.
Mời mọi người cùng xem qua một hình ảnh thực tế mà câu wasshoi liên tục được sử dụng, qua video sau:
Một câu dù đơn giản như vậy, nhưng nếu tìm hiểu nguồn gốc sinh ra nó, cũng có kha khá các thuyết khác nhau. Mình thử cùng dạo qua một vài thuyết đó nha!
Thuyết "khiêng kiệu"
Gọi nôm na như vậy, bởi vì thuyết này cho rằng nguồn gốc của wasshoi vốn là "washoe' (和背負え) hoặc "washishoe" (和し背負え) tức là câu mệnh lệnh kêu gọi mọi người cùng hoà làm một, đặt chiếc kiệu to nặng lên vai!
![](https://news.sun-asterisk.com/images/750/b0bbd465-a59d-4836-9cd2-38d975876ad1.png)
Đọc đến đây, nếu ai đã từng có trải nghiệm được khiêng kiệu rước xôi ở các hội làng hàng năm thì chắc đều thấy đồng cảm đến mấy phần nhỉ!
Thuyết waissho (phát âm hơi khác chút đó) (từ gốc: 和一処 hoặc 和一緒)
Theo đó, waissho nghĩa là mọi người hợp nhất lại, cùng kết hợp sức mạnh của nhau. Dần dần thì câu nói bị biến âm đi, thành wasshoi như ngày nay.
Thuyết "Hoà Thượng Đồng Khánh (wajoudoukei)" 和上同慶(わじょうどうけい)
Một cái tên nghe có vẻ huyền bí liêu trai, và có vẻ đậm chất tôn giáo quá đúng không?
Chuyện là, trong nhiều cuộc diễu hành của các tín đồ , trước lúc kiệu được rước đi, có đôi khi sẽ có một nghi thức nữa là: di chuyển một "thần thể" sang chiếc kiệu. (Thần thể là những vật linh thiêng được tin rằng là nơi các thần linh trú ngụ. Thần thể có thể là chiếc gương, thanh kiếm katana, miếng ngọc v.v..)
Khi đó, với mục đích để thông cáo cho mọi người biết việc thần linh đã rời khỏi ngôi đền, họ thường hô rất lớn: "Hoà Thượng Đồng Khánh (wajoudoukei)". Sau này thì cụm từ này được rút ngắn là wajou, rồi dần dà biến thành wasshoi.
Dẫu vậy, vẫn chưa chứng minh được rằng vốn dĩ câu Hoà Thượng Đồng Khánh này có thực sự đã được hô lớn trong những dịp rước kiệu thánh hay không.
Wasshoi là từ ngoại lai từ tiếng Hebrew?
Ngoài những thuyết mang tính nội bộ, thì còn tồn tại cả giả thuyết vượt xa biên giới Nhật Bản, cho rằng Wasshoi có nguồn gốc từ tiếng Hebrew của Israel. Thuyết này cho rằng câu Wasshoi phát âm gần giống với cụm từ trong ngôn ngữ Hebrew, với ý nghĩa "Sự cứu rỗi của Chúa sẽ đến."
Kiệu thánh của Nhật Bản còn có mối liên quan khác với Israel nữa. Như trong bức hoạ dưới đây của Julius Schnoor von Carolsfeld về Trận chiến Jericho vào thế kỉ thứ 15, được mô tả trong Kinh thánh Hebrew.
![](https://news.sun-asterisk.com/images/750/ed8a2196-e1d4-41b0-b3f9-742a4ff1ba24.png)
Nhân dân Israel mang trên vai mình chiếc rương thánh, diễu hành vòng quanh thành Jericho trong 7 ngày, thổi kèn trumpet và đồng thanh hô theo hiệu lệnh, đã khiến cho bức thạch bích vững chắc phải đổ sập.
Bạn cũng thấy hình ảnh rước rương thánh gợi nhớ đến hình ảnh rước kiệu của Nhật Bản phải không? Điều này cũng không vượt quá một giả thuyết mang tính chất "anh đi xa quá, anh đi xa em quá", cơ mà nếu như chỉ 1 phần trăm nhỏ nào đó nó có liên quan thật, thì chẳng phải đây là một câu chuyện cực kì thú vị hay sao?
Wasshoi bắt nguồn từ tiếng Hàn?
Chưa hết, trí tưởng tượng của các nhà "thuyết âm mưu" còn chưa dừng ở đây. Có người còn cho rằng Wasshoi bắt nguồn từ từ Wasso trong tiếng Hàn (nghĩa là "Đến rồi") nữa cơ.
Thuyết này cũng được cho là không có cơ sở, với nội dung sau trên Wikipedia:
Tuy nhiên, hầu hết ngôn ngữ Triều Tiên cổ đại vốn dĩ chưa được giải nghĩa hết, hơn nữa thể của từ "wasso" này lần đầu tiên được sử dụng là từ sau thế kỉ 16. Do đó, giả thuyết về việc Wasshoi trong tiếng Nhật xuất phát từ Wasso trong tiếng Triều Tiên cổ đại là thiếu căn cứ về mặt ngôn ngữ học. Và thuyết này chỉ đơn thuần là một cách lý giải dân gian mà không có giá trị học thuật.
Kết luận:
Dẫu rằng các giả thuyết có thể khác nhau và còn nhiều tranh cãi, nhưng tựu chung, chúng ta đều có thể đồng ý với một nét nghĩa của từ này. Đó là nét nghĩa tập trung vào sự hoà hợp, đồng nhất của một tập thể về cả tinh thần và thể chất, nhằm mục đích cùng hoàn thành một nhiệm vụ nặng nhọc. Vì thế, mỗi khi kết thúc buổi họp team, chúng ta hãy hô vang: "Wasshoi!" một cách dõng dạc, tự tin và tràn đầy nhiệt huyết nhé mọi người!
Nào mọi người!
Một, hai, ba, WASSHOI!!