Lần đầu tiên Sun* có đề tài nghiên cứu được trình bày tại hội thảo quốc tế

Nghiên cứu “Kỹ thuật giấu thông tin mật dạng âm thanh vào trong ảnh dựa vào kỹ thuật Deep Learning” của anh Hữu Quang (R&D Unit) đã được hội đồng khoa học của Hội nghị quốc tế IEEE GCCE 2019 chấp nhận trình bày. Bên cạnh đó, nghiên cứu“Kỹ thuật giấu hình ảnh trong hình ảnh dựa vào kỹ thuật Deep Learning” của anh Văn Toàn cũng được chấp nhận trình bày tại Hội nghị ISCIT 2019.

Bài nghiên cứu về “Kỹ thuật giấu thông tin mật dạng âm thanh vào trong ảnh dựa vào kỹ thuật Deep Learning” của Hữu Quang là đề tài đầu tiên mà AI team thuộc R&D Unit gửi đi hội nghị quốc tế IEEE GCCE 2019 và được hội đồng thẩm định xét duyệt. Sau hơn 1 tháng gửi đi, đề tài đã chinh phục được hội đồng khoa học khó tính và được chấp nhận trình bày tại OS-ICE session.

Anh Hữu Quang - Tác giả của đề tài “Kỹ thuật giấu thông tin mật dạng âm thanh vào trong ảnh dựa vào kỹ thuật Deep Learning”

Để triển khai nghiên cứu này, anh Hữu Quang đã thực hiện một cuộc khảo sát trên các tạp chí khoa học và thấy rằng, kỹ thuật giấu file âm thanh vào hình ảnh bằng công nghệ Deep Learning chưa được đơn vị, cá nhân nào nghiên cứu trước đó. Vì thế, ý tưởng của anh được các nhà khoa học quốc tế chú ý và đánh giá cao.

Anh Quang cho biết, đã có nhiều phương pháp steganography (dạng kỹ thuật giấu tin hay còn được gọi là kỹ thuật ẩn mã) giấu âm thanh vào ảnh theo công nghệ truyền thống cho chất lượng chưa tốt. Do đó, đề tài nghiên cứu của anh đề xuất sử dụng kỹ thuật Deep Learning và Deep Neural Network nhằm ẩn âm thanh bí mật trong các hình ảnh thông thường. Sau khi thử nghiệm trên 24.000 ảnh và 12.420 file âm thanh, mô hình nghiên cứu được anh Quang đưa ra có thể giấu được 1 đoạn âm thanh người nói với độ dài 14s, trong 1 ảnh kích thước 255x255 pixel mà mắt thường nhìn vào ảnh mã hóa không thể phát hiện ra sự khác biệt so với ảnh gốc. Sau khi khôi phục lại đoạn audio từ ảnh, mức độ toàn vẹn đạt được 99,9% vượt trội hoàn toàn so với phương pháp truyền thống Least Significant Bit Encoding (LSB).

Ngoài ứng dụng cho việc bảo mật, công nghệ này còn được sử dụng trong các ngành công nghiệp giải trí hay phần mềm như một kỹ thuật thủy ấn trên hình ảnh, âm nhạc hoặc phần mềm kỹ thuật số để bảo vệ bản quyền và ngăn chặn mạo danh, chống sao chép, xác thực nội dung, cho phép theo dõi hoặc truy tìm các bản sao bất hợp pháp cũng như giám sát quảng cáo.

Nghiên cứu khoa học sẽ được thuyết trình tại hội thảo IEEE GCCE 2019 từ ngày 15 - 18/10/2019 tại thành phố Osaka (Nhật Bản).

IEEE GCCE (Global Conference on Consumer Electronics) - Hội nghị toàn cầu về điện tử tiêu dùng, là một hội nghị quốc tế thường niên được tài trợ bởi Hiệp hội điện tử tiêu dùng IEEE. GCCE tập hợp các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu từ ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng để trao đổi thông tin và kết quả của công việc nghiên cứu trên các hệ thống mạch, công nghệ, quy trình và ứng dụng. Các chủ đề mà hội nghị này hướng tới là các công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất có thể áp dụng trong lĩnh vực điện tử như công nghệ nghe nhìn, trí tuệ nhân tạo và robotics, giám sát và chăm sóc sức khỏe thông minh, smart house, thiết bị di động và hệ thống nhúng, xử lý ảnh, xử lý âm thanh, xử lý tiếng nói, các công nghệ liên quan tới giải trí và giáo dục, hệ thống tính toán và bảo mật.

Trong đó, OS-ICE là một phiên làm việc của hội nghị liên quan đến các công nghệ thu thập và lưu trữ dữ liệu cho Deep learning trong IoT; học máy giám sát, không giám sát và bán giám sát; kỹ thuật xử lý ảnh và ứng dụng, nhận dạng hình ảnh; phát hiện và theo dõi đối tượng; tìm kiếm và phục chế ảnh; bảo mật và mã hóa; chống sao chép và bảo vệ quyền phân phối,...

Trong cùng ngày, một nghiên cứu khác của team AI do anh Văn Toàn thực hiện là “Kỹ thuật giấu hình ảnh trong hình ảnh dựa vào kỹ thuật Deep Learning” cũng được chấp nhận trình bày tại Hội nghị chuyên đề quốc tế về công nghệ thông tin và truyền thông ISCIT 2019, sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 25 - 27/09/2019

Anh Văn Toàn - Tác giả đề tài “Kỹ thuật giấu hình ảnh trong hình ảnh dựa vào kỹ thuật Deep Learning”

Đây là nghiên cứu đã được anh Toàn và đồng nghiệp triển khai từ đầu năm 2019, xuất phát từ việc một số hình ảnh, video thuộc bản quyền của công ty khi public ra ngoài có thể bị các bên khác sử dụng, chỉnh sửa mà không kiểm soát được bản quyền.

Đề tài nghiên cứu của anh Toàn cũng sẽ được in trong kỷ yếu hội thảo, bên cạnh các đề tài nghiên cứu khác được gửi về từ khắp các quốc gia trên toàn thế giới.

Những ưu điểm vượt trội của việc giấu hình ảnh trong hình ảnh dựa vào kỹ thuật Deep Learning có thể kể đến như: số lượng pixel được giấu nhiều hơn, rất khó để xác định rõ các quy luật giấu tin qua xác suất, vì vậy chất lượng giấu tốt hơn rất nhiều phương pháp truyền thống và không thể phát hiện bằng mắt thường…

Nghiên cứu này khi ứng dụng vào việc giấu tin cho sai khác 0.0002 MSE trên ảnh sau khi khôi phục và ảnh gốc và kết quả này tốt hơn hẳn phương pháp của Google Research trên cùng tập dữ liệu (MSE khoảng 0.001 – cao gấp khoảng 5 lần) và tốc độ training cũng như testing giảm khoảng 1,8 lần so với hai mô hình mà Đại học Thượng Hải phát triển trước đó.

Trước đó, đề tài nghiên cứu đã được anh Văn Toàn trình bày tại Hanoi AI Week 2019.

ISCIT 2019 (International Symposium on Communications and Information Technologies) là hội nghị chuyên đề quốc tế thường niên về công nghệ thông tin và truyền thông, nơi cung cấp một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư và chuyên gia trong ngành để trao đổi và thảo luận về các ý tưởng mới và những đột phá trong công nghệ thông tin, truyền thông. 2019 là năm đầu tiên Hội nghị quốc tế này đến với Việt Nam.