Nếu một ngày em để lộ "bí mật"...

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích mà chúng mang lại, thì kèm theo đó là vô vàn khả năng rủi ro về bảo mật thông tin, hậu quả về những rủi ro thì... khôn lường.

Chẳng hạn như trường hợp của cô nhân viên mẫn cán vô tình khiến thông tin khách hàng “được” xuất hiện ở góc nào đó trong chiếc ảnh xinh xinh bên bình cúc họa mi của mình để rồi tạo ra một cái kết buồn đã được nhắc tới trong Bài viết kỳ trước, hay đơn giản lúc trò chuyện với “hội bạn thân ai nấy lo”, bạn có lỡ “tập trung” buôn chuyện hơi “quá đà” mà khoe những dự án của công ty để thu hút những ánh nhìn ngưỡng mộ của tụi bạn v.v. Rất nhiều những tình huống dở khóc dở cười xảy ra thường xuyên mà bạn không hay biết rằng mà cũng chưa từng nghĩ đến đó lại là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của công ty.

Một hành động tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại có thể ẩn chứa hậu quả rất “phức tạp” xuất phát từ việc để lộ thông tin quan trọng của công ty. Và đương nhiên bạn phải chịu trách nhiệm cho hành động đó dù là vô tình hay hữu ý.

Bởi vậy, bảo mật thông tin và đặc biệt là thông tin bảo mật của công ty mà Bản tin pháp luật kỳ này muốn hướng tới, không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi nhân viên. 

Đến đây, chắc hẳn sẽ có Sunner trăn trở rằng, vậy nếu lỡ may mình "trót dại" làm lộ thông tin bảo mật của Công ty, thì phải chịu trách nhiệm như thế nào nhỉ?

Bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ bao gồm những thông tin gì?

Theo quy định Bộ luật lao động, nhân viên phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của Công ty. Bí mật kinh doanh được định nghĩa là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh (Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ), tuy nhiên, hiện tại, khái niệm bí mật công nghệ thì chưa được quy định cụ thể.

Theo đó, dựa trên quy định pháp luật, tại Sun*, Công ty đã chi tiết hóa nội dung thông tin bảo mật trong Cam kết bảo mật thông tin, sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh đã được gửi đến “tận tay” mỗi Sunner, giúp Sunner có cái nhìn tổng quan và cụ thể về thông tin mình có trách nhiệm bảo mật. Anh chị em Sunner hãy ghi nhớ những thông tin quan trọng này để tránh những trường hợp “chẳng may” nhé.

Nếu làm lộ thì sao?

Bởi những thông tin quan trọng, nên trách nhiệm cũng cực kỳ….. không đơn giản. Trường hợp để lộ thông tin bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty (không phân biệt cách thức thực hiện), tùy thuộc mức độ vi phạm, nhân viên đó có thể phải chịu trách nhiệm sau đây:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 21 Bộ luật lao động): pháp luật không quy định chi tiết hoặc ấn định một mức bồi thường cụ thể, mà “linh hoạt” để cho hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng thiệt hại có thể xảy ra từ việc để lộ những thông tin quan trọng của công ty sẽ không hề nhỏ, không lường trước và khó có thể giới hạn được. Quy định “linh hoạt” nhưng trách nhiệm sẽ rất nghiêm khắc.

Xử lý kỷ luật sa thải (Điều 125 Bộ luật lao động): Đây là mức xử lý kỷ luật cao nhất, và công ty được áp dụng nếu nhân viên có hành vi vi phạm để lộ các thông tin nêu trên. Tuy nhiên, anh chị em đừng có tư tưởng nhầm lẫn “nghỉ việc là xong” nhé, bởi đi kèm với xử lý kỷ luật vẫn có thể còn trách nhiệm khác mà chúng ta phải thực hiện.

Ngoài ra, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật kinh doanh của Công ty mà chưa được sự cho phép, vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Mức phạt áp dụng là 200M - 300M. (Điều 16 nghị định 75/2019/NĐ-CP)

Từ những rủi ro như trên, đủ để chúng ta nhận thấy và ghi nhớ “ba nghiêm”, đó là vấn đề rất nghiêm trọng, quy địnhtrách nhiệm cũng rất nghiêm khắc, vì thế cần tuân thủ nghiêm ngặt, tránh lỡ may ngày nào đó phải đối mặt với cảnh “tiền mất tật mang”, bởi rủi ro “không phải dạng vừa đâu”. 

Anh chị em Sunner hãy chú ý, cẩn trọng bảo vệ chính mình và cũng là bảo vệ Sun* nhé!