Sự giống nhau kỳ lạ giữa “bánh mỳ dân tổ” và “sản phẩm phần mềm”

Tại sao lại có sự so sánh giữa ‘bánh mỳ dân tổ” và “sản phẩn phần mềm”? Lý do gì khiến tôi muốn khuyên các bạn hãy làm ra một sản phẩm có tính chất tương tự như “bánh mỳ dân tổ” đang hot rần rần trên mạng xã hội?

Gần đây, trên mạng xã hội nổi lên một món bánh mì có cách chế biến cực kỳ độc đáo tên là “bánh mì dân tổ”. Vì sao nó được gọi là bánh mì dân tổ và nó có liên quan gì tới sản phẩm phần mềm - sản phẩm đầu ra của Sun*? 

Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu về những cái được gọi là ‘bánh mì dân tổ”. Trên vỉa hè ngã ba đường Cao Thắng - Trần Nhật Duật, Hà Nội có một xe bánh mì của hai cô chú U50 đã bán được hơn 20 năm. Quán chỉ mở bán vào 3h-7h sáng nhưng lúc nào cũng đông khách, thậm chí mọi người phải xếp hàng từ 3h sáng để được mua bánh mì.

Do được bán ở thời điểm này nên thực khách chủ yếu của quán là những người đi chơi đêm, dân "tổ lái"... Đó là lý do loại bánh này có tên là “bánh mì dân tổ”. 

Điểm đặc biệt của món bánh mì này còn nằm ở cách chế biến có một không hai. Mọi nguyên liệu như: trứng, chả, bò khô, pate... được cô chủ quán xào chung với nhau, tạo ra một hỗn hợp nhân bánh mì ở dạng sệt, nhìn có vẻ hơi hổ lốn một chút. Kết quả là tạo ra một món bánh mì cực độc lạ và thậm chí là rất ngon, nghe có vẻ hơi vô lý nhưng lại cực kì thuyết phục. 

Sau khi đã nắm được nguồn gốc của loại bánh mỳ này, chắc hẳn bạn sẽ tiếp tục thắc mắc, bánh mỳ dân tổ thì có liên quan gì đến sản phẩm phần mềm? 

Từ từ ngồi xuống và chúng ta đi tìm những điểm "tưởng không giống mà giống không tưởng" giữa “bánh mì dân tổ” và “sản phẩm phần mềm chất lượng” nhé!

 

Điểm tương đồng đầu tiên đó là về chất lượng, cách đáp ứng nhu cầu khách hàng của sản phẩm. Bánh mì dân tổ dù được chế biến kì lạ nhưng thành phẩm lại đáp ứng được nhu cầu của thực khách: ngon, lạ miệng, ăn no…, Vì thế, thực khách sẵn sàng bỏ tiền, công sức xếp hàng để mua được nó. 

Sản phẩm phần mềm cũng vậy, khách hàng có thể chưa quan tâm tới yếu tố kĩ thuật, công nghệ sử dụng, nhưng sản phẩm cuối phải đảm bảo đúng yêu cầu nghiệp vụ của khách hàng. Nó phải giúp họ trở thành một phần trong công việc của họ thì đó mới là sản phẩm có chất lượng.

Điểm thứ hai là về tính sáng tạo của sản phẩm. Rõ ràng cách chế biến kiểu “hổ lốn” đã mang lại cho bánh mì dân tổ tính độc đáo, lạ miệng, giúp làm giảm thời gian, công sức khi chế biến. Trong phát triển sản phẩm phần mềm, chúng ta cũng luôn tìm ra những cách mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng cũng như rút ngắn thời gian, công sức trong quy trình phát triển. 

Điểm tương đồng tiếp theo là tính triết lý của sản phẩm. Ta sẽ liên hệ với sản phẩm của Apple. Hai triết lý được Steve Jobs đặt lên hàng đầu khi cùng đội ngũ của Apple tạo ra chiếc Iphone đầu tiên đó là trọng tâm và đơn giản. Vì thế, chiếc Iphone đầu tiên ra đời có thiết kế cực tối giản so với những chiếc điện thoại tại thời điểm đó, chỉ duy nhất phím home được giữ lại, thậm chí nó đã bị bỏ đi trong chiếc Iphone thế hệ 10. 

Quay lại với bánh mì dân tổ, tính triết lý ẩn chứa trong nó là gì? Đó là việc giữ chất riêng! Với cách chế biến bánh mì như vậy, khách hàng sẽ không có sự lựa chọn về nhân bánh, không thể thêm bớt các nguyên liệu vì đó là chất riêng, chỉ bánh mì dân tổ mới có. Nếu có thể thay đổi theo sở thích thì nó đã không còn là bánh mì dân tổ nữa. Sản phẩm phần mềm cũng rất cần một tính triết lý, chất riêng chỉ nó mới có để khách hàng có thể phân biệt được nó với muôn vàn sản phẩm ngoài kia.

 

Điểm cuối cùng, đó là tính thời điểm của sản phẩm. Như trong tình yêu có "đúng người, đúng thời điểm" thì trong sản phẩm cũng vậy. Nếu như bánh mì dân tổ không được mở bán vào 3h sáng, khi mọi người đang đói, khi các hàng bánh mì khác đều đóng cửa thì liệu mọi người có mạnh dạn thử loại bánh mì hổ lốn như vậỵ không? Đó là câu hỏi đặt ra về tính thời điểm của sản phẩm. 

Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông nổi lên trong thời điểm smartphone đang bùng nổ, cùng với sự phát triển của mạng xã hội đã góp phần không nhỏ đưa hình ảnh chú chim Flappy đến toàn thế giới. Nếu như sản phẩm phần mềm ra đời vào thời điểm thị trường đã bão hòa, mọi người quá quen sản phẩm với chủ đề như vậy, và không có sự hỗ trợ từ truyền thông thì cũng rất khó để thành công.

Trong bài viết này, mình muốn mang tới sự so sánh để nhấn mạnh rằng: "Sản phẩm phần mềm không phải là một thứ cao siêu, xa vời nào đó, nó sinh ra để đáp ứng nhu cầu của con người cũng như những chiếc bánh mì chúng ta ăn hằng ngày". 

Vì thế, mỗi chúng ta cần có sự nhanh nhạy và tinh tế khi tạo ra các sản phẩm phần mềm, lựa chọn đúng phương pháp, cách thức, thời điểm, và cố gắng sáng tạo nhiều hơn để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng ngày một tốt hơn. 

#bánh mì dân tổ

#sản phẩm phần mềm