Sự thật phía sau việc ngành công nghệ thông tin trên thế giới đang chao đảo
Năm 2022, ngành công nghệ thông tin toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức cực kì lớn sau đại dịch. Song, đi kèm với đó, cơ hội cũng không hề ít. Trước nền kinh tế vĩ mô với những biến động bất thường như hiện nay, linh hoạt trong bối cảnh mới, tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đang theo đuổi, có lẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Khó khăn của toàn ngành công nghệ
Ngành công nghệ đang trải qua lần thứ ba điều chỉnh mạnh nhất trong 20 năm qua, sau đại suy thoái 2007-2009 và sự sụp đổ của bong bóng Dot-com năm 2000. Sự biến động của nền kinh tế vĩ mô trên toàn cầu có lẽ là nguyên nhân sâu xa nhất cho hàng loạt những câu chuyện sa thải, đóng băng tuyển dụng, cắt giảm chi phí… vốn chưa bao giờ là những từ đáng lưu tâm trong ‘từ điển’ của các hãng công nghệ lớn trên thế giới, thì nay, mọi chuyện đang diễn ra một cách khôn lường.
Ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ lên ngành công nghệ
Nền kinh tế đứng đầu thế giới - Mỹ, đang trải qua cuộc khủng hoảng lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Cục Dự trữ liên bang (FED) đã phải liên tục tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2022 nhằm đối phó và kiềm chế “con quỷ lạm phát”. Với việc tăng lãi suất, FED sẽ khiến chi phí vay vốn đối với tư nhân và doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn, khiến họ có thể vay và chi tiêu ít hơn, từ đó làm giảm lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách của FED cho rằng, lãi suất có thể sẽ tăng lên mức khoảng 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào cuối năm sau.
Không nằm ngoài sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ, các công ty công nghệ, đặc biệt là các Big Tech cũng đang phải hứng chịu những tác động không hề nhỏ tới “túi tiền” của mình, buộc họ phải đưa ra những quyết định nhằm tiết kiệm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Những “giấc mơ xa vời” của các “ông lớn” công nghệ không đem lại kết quả đáng như kì vọng, khiến cổ phiếu của họ đồng loạt sụt giảm, gây ra thất vọng lớn và gửi một tín hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế Mỹ.
Ác mộng tại “thung lũng Silicon”
Lạm phát tăng cao, chi phí nguyên vật liệu tăng, căng thẳng chính trị, chứng khoán đồng loạt sụt giảm là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon, đặc biệt là các “Big Tech” trong ngành.
Sự bùng nổ của thị trường việc làm diễn ra sau khi nền kinh tế năm 2021 mang lại nhiều dòng vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán “màu mỡ” và định giá tăng chóng mặt khiến các công ty lớn đồng loạt thu hút các nhân tài công nghệ về làm việc cho mình. Năm 2022, thị trường trở nên khó khăn hơn và một số công ty công nghệ thừa nhận họ đã “tuyển dụng thừa”. Các nhân viên công nghệ sẽ phải thích nghi với thực tế mới - một thực tế đi kèm với mức lương thấp hơn và ít phúc lợi hơn, thậm chí là cả việc bị sa thải.
Các công ty công nghệ, đặc biệt là các Big Tech đã lên kịch bản chuẩn bị cho tình hình kinh tế xấu đi. Meta (Công ty mẹ của Facebook) vốn phụ thuộc vào chi tiêu quảng cáo, đã bị cắt giảm đáng kể doanh thu và gần đây đã sa thải 10.000 nhân viên. Twitter cũng bị cắt giảm quảng cáo, không hoàn toàn do sự tiếp quản của Elon Musk và có kế hoạch cắt giảm khoảng một nửa số nhân viên khỏi biên chế. Aphalbet cho biết trong báo cáo thu nhập rằng, Google tạo ra ít doanh thu trong năm nay, và công ty cũng có thể sa thải tới 10.000 nhân viên “làm việc kém hiệu quả” vào năm tới. Microsoft ước tính có khoảng 1% nhân viên bị mất việc. Amazon cũng đang sa thải hàng nghìn nhân sự và tìm cách tối ưu hóa nguồn lực sau thời gian tăng trưởng nóng trong Covid-19.
Làn sóng cắt giảm nhân sự lây lan sang Châu Á
Tại Châu Á, làn sóng cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí và đánh đổi tăng trưởng cũng được đánh giá là mang lại sự ổn định mới cho các “gã khổng lồ công nghệ”, giúp họ đẩy mạnh lợi nhuận, thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng tài chính và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Sea Limited (Công ty mẹ của Shopee) đã cắt giảm khoảng 7.000 vị trí, tương đương 10% nhân sự, trong 6 tháng qua, điều này giúp họ tiết kiệm 77,4 triệu USD trong quý III. Tương tự, Alibaba cũng đã sa thải hơn 10.000 nhân sự, bên cạnh áp lực về kinh tế, hãng còn đối mặt với những áp lực pháp lý khác từ giới chức Trung Quốc. Tập đoàn GoTo (Indonesia), công ty mẹ của Gojek vừa thông báo sẽ cắt giảm 1.300 nhân sự nhằm tối giản chi phí và trấn an nhà đầu tư về các khoản lỗ chồng chất. Tập đoàn GoTo cho biết, số lượng nhân sự bị sa thải lần này tương ứng với 12% tổng số người lao động của tập đoàn.
Trong tháng 10, toàn ngành công nghệ trên thế giới đã cắt giảm 9.587 lao động, cao nhất tính từ tháng 11/2020. Con số này được xác nhận bởi các công ty trong ngành viễn thông, điện tử, sản xuất phần cứng và phát triển phần mềm.
FTX tuyên bố phá sản
Khủng hoảng không chỉ xuất hiện ở những công ty công nghệ truyền thống mà còn bùng phát cả ở lĩnh vực mới nổi là tiền mã hóa. Chỉ trong vòng bốn ngày, thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ chóng vánh của sàn giao dịch FTX.
Ngày 7/11, CEO Binance Changpeng Zhao xác nhận thanh lý toàn bộ token FTT của FTX. Ngày 11/11, Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FTX, thông báo đã nộp đơn xin phá sản, đồng thời từ chức CEO.
Từ sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ ba toàn cầu, với tổng khối lượng giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD, FTX bất ngờ suy tàn sau khi các lỗ hổng về tài chính được công bố. Cú sốc FTX kéo theo sự sụt dốc của hàng trăm dự án lớn nhỏ trong thị trường tiền số. Niềm tin của cộng đồng bị xói mòn. Nhiều người lo ngại về một kịch bản tồi tệ rằng FTX sẽ là mồi lửa, tạo nên hiệu ứng domino cho cả thị trường.
"Mùa đông tiền mã hóa" có thể còn khắc nghiệt hơn rất nhiều những gì được dự đoán. Một làn sóng hỗn loạn đang âm ỉ trong cộng đồng và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Elon Musk - “sóng gió mới” của Twitter
Dấu ấn của Elon Musk lên ngành công nghệ Mỹ quá rõ nét. Một trong những câu chuyện công nghệ được săn đón nhiều nhất thời gian qua chính là việc mua bán và điều hành lại Twitter của tỉ phú hàng đầu nước Mỹ - Elon Musk.
Ngày 27/10, Elon Musk chính thức tiếp quản Twitter và trở thành người điều hành cao nhất của tập đoàn. Musk đã gây ra một cơn khủng hoảng lớn tại Twitter khi có loạt động thái mạnh tay cải tổ nền tảng này. Đáng nói nhất trong loạt tin tức về Twitter những ngày qua là “cú búng tay” lịch sử của Musk với hàng nghìn nhân sự của mình.
Ngày 3/11, chỉ hơn một tuần sau khi chính thức mua lại mạng xã hội Twitter, Elon Musk gửi email thông báo kế hoạch cắt giảm 50% nhân sự toàn công ty. Twitter giải thích việc cắt giảm nhân sự lần này là một phần của việc “tái cơ cấu và tiết kiệm chi phí vận hành". Twitter có 7.500 nhân viên toàn thời gian vào cuối tháng 10, nhưng đã giảm còn khoảng 3.700 sau đợt sa thải hàng loạt từ 4/11 của Elon Musk. Elon Musk được cho là sẽ sa thải thêm hàng loạt nhân viên Twitter sau ngày 21/11, nhắm vào bộ phận kinh doanh và bán hàng.
Những điểm sáng đáng kì vọng
Bên cạnh những khó khăn vô cùng rõ nét của toàn ngành công nghệ, thì song song với đó, con người vẫn luôn tìm cách để tồn tại, phát triển và sáng tạo ra những giá trị mới. Thế giới có thể xoay vần, nhưng khát khao đem đến những giá trị tốt đẹp phục vụ cuộc sống con người chưa bao giờ dừng lại.
Ethereum hợp nhất thành công, cánh cửa mới cho các nhà đầu tư công nghệ
Chiều ngày 15/9, The Merge - sự kiện hợp nhất mạng blockchain Ethereum được cả thế giới tiền số chờ đón diễn ra thành công, đây là khoảnh khắc trọng đại với hệ sinh thái Ethereum.
Sau sự kiện hợp nhất mạng blockchain Ethereum, quy trình xác thực Ethereum chuyển từ bằng chứng công việc (PoW) sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS). Việc chuyển từ cơ chế PoW sang PoS được xem là mục tiêu của Ethereum trong việc hạn chế lượng carbon tiêu thụ, với mức giảm tới 99,95% so với trước. Đây cũng có thể coi là sự chấm hết cho các thợ đào Ethereum, bởi các hệ thống máy đào hiện nay chủ yếu sử dụng cơ chế PoW để hoạt động. Trong khi đó, PoS chỉ làm nhiệm vụ xác thực, từ đó không tiêu tốn năng lượng như trước.
Theo ghi nhận của CryptoQuant, ngay sau The Merge, toàn bộ chỉ số hashrate (sức mạnh tính toán và giải thuật toán của máy tính trên blockchain) lẫn độ khó đào trên mạng Ethereum giảm về bằng 0. Khoảnh khắc này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên PoW kéo dài 7 năm qua.
"Mạng Ethereum sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư và các công ty blockchain còn phân vân về tác động của nó đến môi trường", Asher Tan, CEO của sàn giao dịch tiền điện tử Coinjar nhận định.
The Merge đặc biệt quan trọng với công nghệ blockchain, người dùng NFT, Web3 và cả các nhà quản lý, bởi Ethereum đang là nền tảng Internet phi tập trung lớn nhất thế giới với hệ sinh thái Web3. Hợp nhất đồng nghĩa việc nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống phi tập trung khổng lồ với giá trị thị trường lên đến 200 tỷ USD. Theo dữ liệu của Ouke Cloud Chain, Ethereum đang thu hút hơn 3.000 nhà phát triển và hàng triệu người dùng. Hệ sinh thái có hơn 400 dự án DeFi, 130.000 hợp đồng NFT và hơn 7.500 nút đang hoạt động.
Chưa đầy một tiếng sau khi hợp nhất, giá Ethereum đã tăng từ 1.500 USD lên hơn 1.600 USD mỗi đồng.
“AI sáng tạo” trở thành tâm điểm công nghệ
Trí tuệ nhân tạo được thiết lập để chuyển đổi hoạt động kinh doanh hơn bao giờ hết, tạo ra cơ hội mới cho các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động trong mọi ngành.
Khác với trí tuệ nhân tạo (AI) thường chỉ dùng để phân tích dữ liệu, hướng đi mới mang tên AI sáng tạo có thể ứng dụng đem về hàng nghìn tỷ USD. Đó là lý do AI sáng tạo trở thành xu hướng công nghệ AI chiến lược cho năm 2022.
AI sáng tạo là một nhánh AI, tập trung vào việc tạo nội dung như viết văn bản, tạo hình ảnh, tạo văn bản thành hình ảnh và tạo nhạc. AI sáng tạo có thể được sử dụng cho nghệ thuật, các phương tiện truyền thông, sáng tạo cá nhân hoặc giáo dục. AI sáng tạo đi ngược hoàn toàn với trí tuệ nhân tạo thông thường. Chúng có thể tạo ra thứ gì đó hoàn toàn mới, chưa từng có trước đây. Hay nói cách khác, AI sáng tạo là kiến tạo, chứ không chỉ đơn thuần là một cỗ máy phân tích.
Từ khóa 'AI sáng tạo' trở thành một trong những đề tài nóng hổi nhất trong giai đoạn kể từ giữa năm 2022. AI sáng tạo truyền cảm hứng cho mọi người rời bỏ công việc hiện tại, thành lập công ty mới và mơ về một tương lai nơi trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp sức mạnh cho một thế hệ công nghệ khổng lồ mới.
Nhận diện được tiềm năng lớn của AI sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư đáng kể cho một số công ty trong ngành này. Hugging Face được định giá lên tới 2 tỷ USD sau khi huy động được tiền từ các nhà đầu tư bao gồm Lux Capital và Sequoia. OpenAI, startup nổi bật nhất trong lĩnh vực này, nhận được hơn 1 tỷ USD tài trợ từ Microsoft và Khosla Ventures.
Bất chấp nền kinh tế suy yếu, các Big Tech (Amazon, Apple, Meta và Microsoft) vẫn đẩy mạnh việc đầu tư, với mục tiêu được cho là chuẩn bị cho sự phát triển đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI). Không chịu khuất phục trước khó khăn, các Big Tech trên thế giới vẫn mơ về những giấc mơ mới, mà cụ thể là sẵn sàng bạo chi cho 'cuộc đua' mới trong lĩnh vực AI.
Xe điện - xu thế mới giúp tiết kiệm tối đa năng lượng
Khi giá xăng tăng cao trong mùa hè Mỹ, cũng là lúc tiềm năng của xe điện được nâng cao. Mặc dù giá xăng đang có xu hướng giảm trở lại, nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp và thành phố đang tìm năng lượng điện là tương lai của giao thông vận tải.
Điểm thu hút chính của một chiếc xe điện là tiềm năng cho một lối sống thân thiện với môi trường hơn. Với ít chuyến đi đến trạm xăng hơn, ít bảo trì hơn và khả năng lái xe không phát thải, thật dễ hiểu tại sao nhiều người chuyển sang sử dụng xe điện.
Các công ty sản xuất xe điện như Tesla đã chứng minh rằng xe điện có khả năng thay thế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch truyền thống trong những thập kỷ tới. Các yếu tố khác như giá nhiên liệu tăng, giảm giá pin, thắt chặt định mức khí thải, chi phí sở hữu xe không phát thải thấp so với các phương tiện đốt trong, hay do nhận thức chung về các vấn đề môi trường ngày càng tăng, các yếu tố này sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng doanh số bán xe điện.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh số bán xe điện đã đạt 6,6 triệu chiếc trong năm 2021. Và trong quý đầu tiên của năm 2022, doanh số bán xe điện đạt 2 triệu chiếc, tăng 75% so với 3 tháng đầu năm 2021.
Dữ liệu hóa và tương lai của doanh nghiệp
Dữ liệu hóa giúp các doanh nghiệp cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ bằng cách sử dụng dữ liệu thời gian thực. Thêm vào đó, nó là một thành phần quan trọng trong việc thu thập phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi bất kỳ công ty nào.
Dữ liệu cung cấp năng lượng cho thế giới của chúng ta ngày nay đã từng chỉ là tài liệu giấy hoặc bit trên đĩa mềm. Ngày nay, chúng ta có quyền truy cập vào lượng thông tin gần như không giới hạn về con người, địa điểm, sản phẩm, dịch vụ và sự kiện. Sự phong phú này đã tạo ra những lý do mới để đầu tư vào thị trường dữ liệu lớn và phân tích kinh doanh (BDA). Không có gì ngạc nhiên khi thấy BDA đạt 168,8 tỷ USD vào năm 2018 và hiện đưa ra dự báo sẽ tăng lên 274,3 tỷ USD vào năm 2022.
Dữ liệu hóa đã bắt đầu cuộc cách mạng hóa thế giới theo những cách mà chúng ta chưa từng tưởng tượng. Các tập dữ liệu lớn cần lưu trữ, phần mềm cơ sở dữ liệu để lưu trữ dữ liệu và các công cụ phân tích để biến dữ liệu thành thông tin có ý nghĩa cho tổ chức, doanh nghiệp. Công nghệ lưu trữ dữ liệu, quản lý dữ liệu và phân tích dữ liệu hiện cung cấp cho chúng ta các công cụ để xác định các mô hình, xu hướng và mối quan hệ trong các mối quan hệ kinh tế, xã hội và môi trường.
Mô hình “làm việc linh hoạt” được hưởng ứng mạnh mẽ
Công nghệ và đại dịch đã khiến một số công ty trên thế giới cho phép nhân viên lựa chọn giữa làm việc tại văn phòng hoặc làm việc từ xa. Một số công ty cho nhân viên lựa chọn nơi làm việc linh hoạt các ngày trong tuần.
Một cuộc khảo sát của Wakefield Research dành cho các nhân viên tại Mỹ trước khi quay trở lại công sở cho thấy 66% lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của mình khi quay lại nơi làm việc, nhân viên thế hệ Z (dưới 25 tuổi) thậm chí còn lo ngại hơn nữa (75%). Xuất phát từ tâm lý đó, gần một nửa số nhân viên (47%) có khả năng sẽ đi tìm việc mới nếu công ty không áp dụng mô hình làm việc linh hoạt.
Mô hình làm việc linh hoạt giúp nhân viên chủ động về thời gian, phương pháp làm việc, cân bằng cuộc sống tốt hơn. Mô hình này cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí văn phòng, giảm khả năng lây lan bệnh tật. Bên cạnh đó, mô hình làm việc linh hoạt giúp các công ty thuê những người có kỹ năng chuyên môn sâu và đa dạng từ mọi vùng miền, thậm chí là từ quốc gia khác. Điều này có thể mang lại lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tiến vào các thị trường mới và đảm bảo năng suất hoạt động liên tục. Các nhân viên ở văn phòng sở tại cũng có thể học hỏi nhiều hơn về khách hàng quốc tế từ các đồng nghiệp phương xa.
Không chỉ là cảm giác chủ quan từ phía nhân viên, mà kết quả cũng cho con số khả quan: Nhân sự được linh hoạt về địa điểm làm việc có điểm năng suất cao hơn 43% so với nhân sự làm tại văn phòng. Nhân sự được linh hoạt về thời gian làm việc có điểm năng suất cao hơn 53% so với nhân sự làm theo giờ hành chính.
Kết
Năm 2022, ngành công nghệ phải đối mặt với những thách thức dồn dập đến cùng một lúc, gây ra nhiều hệ lụy chẳng mấy tích cực. Thế nhưng, con người luôn biết cách để vượt qua trở ngại. Khó khăn là lúc quay trở về với chính năng lực của mình, học cách thiết lập những khả năng mới cho bản thân, linh hoạt trong chuyển đổi, trong sáng tạo, và tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp mà mình đang theo đuổi.
Ngành công nghệ thông tin với cốt lõi là trí tuệ và sự sáng tạo của con người, sẽ luôn là ngành nghề đi đầu, len lỏi và thay đổi mọi mặt trận của cuộc sống. Khó khăn có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng một “trật tự mới” trong tư duy và cách thức vận hành của ngành sẽ giúp mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Chúng ta - luôn sẵn sàng đón nhận, và tin tưởng vào tương lai của ngành công nghệ thông tin.