Sun* Đà Nẵng Charity Club: Mặt trời trên bản Ca Dong

Sau ba tiếng đi bộ đường rừng, mệt đến muốn “gục ngã”, chúng tôi mới chạm chân tới bản Ca Dong. Mọi khó khăn dường như tan biến hết khi nhìn thấy bà con đã chờ sẵn, đón chúng tôi bằng những nụ cười thật tươi.

Đây là chuyến đi đầu tiên của năm 2019, nằm trong chuỗi hoạt động thiện nguyện hướng tới người già và trẻ em của Sun* Đà Nẵng Charity Club. Sau chuyến “chu du” trường Tiểu học Nội trú Trà Leng vào tháng 1, CLB Charity lại tiếp tục chuyến đi tới một địa điểm còn khó khăn và trắc trở hơn – bản Ca Dong, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Bản Ca Dong đang có 128 hộ cư trú, đều thuộc diện nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu chỉ xoay xung quanh bản làng nhỏ này, mỗi ngày đều lên rẫy, trồng quế. Cuộc sống gói gọn trong một quả núi nhỏ, nghèo khổ và rời xa những tiện nghi của thành thị, thậm chí vẫn còn tồn tại những mối quan hệ cùng huyết thống. Điểm trường Trà Vinh được đặt tại đây và hiện đang giảng dạy cho 58 em nhỏ sinh sống trong bản. 

Để đến được Ca Dong, chúng tôi phải tập trung tại văn phòng từ 5:30 giờ sáng, sẵn sàng cho một chặng di chuyển dài 200km, chủ yếu là đường đèo núi quanh co, tới xã Trà Vinh, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, các hộ dân của bản Ca Dong đã chờ sẵn để cùng chúng tôi khuân vác 128 gói quà lên điểm trường. Được thông báo trước rằng sẽ phải đi bộ đường rừng rất lâu, chúng tôi đều đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng không ngờ lại khó khăn đến mức ấy.

Nhìn những con dốc thẳng đứng, núi rừng hoang vu “ẩn chứa đầy nguy hiểm”, dưới cái ánh nắng chói chang, những “chiến binh Sun*” thú thực, cũng có chút nản lòng. Suốt 3 tiếng đồng hồ vượt địa hình trắc trở, chúng tôi cứ suy nghĩ mãi, không hiểu bằng cách nào những người dân bản, đặc biệt là lũ trẻ nhỏ có thể vượt qua đoạn đường đầy khó khăn và lắt léo này để xuống đồng bằng cơ chứ.

“Các anh chị không đi quen thôi chứ đồng bào đi cũng quen rồi, thậm chí còn biết qua dốc phải đi thế nào cho dễ nên có khi chỉ đi mất 2 tiếng thôi,” người dân bản thấy chúng tôi mệt nhoài nên chủ động trò chuyện và động viên tinh thần.

Nhờ sự dẫn dắt của những người dân bản thân thiện, chúng tôi cuối cùng đã đặt chân tới Ca Dong. Bắt đầu chuyến đi từ sáng sớm tinh mơ mà cho tới lúc mặt trời chuẩn bị xuống núi, chuyến hành quân này mới kết thúc. Mệt mỏi đến rệu rã, nhưng quang cảnh núi rừng hùng vĩ dưới buổi chiều tà, những ngôi nhà lợp lá, những kho lương thực kế bên nhau san sát, màu tím của hoa sim và mùi thơm dịu dàng của rẫy quế làm chúng tôi thấy bình yên đến lạ lùng.

Sau khi chất đầy đủ đồ đạc vào điểm tập kết, chúng tôi được thầy Quý, người giảng dạy tại điểm trường Trà Vinh suốt 7 năm trời, dẫn đi thăm quan trường cùng gia đình những người dân trong bản. “Được cái là bọn trẻ đều sống quanh đây nên chúng đi học đầy đủ và không có trường hợp bỏ học nhưng mà điều kiện sống khó khăn quá…” – giọng thầy bỗng trầm xuống đầy suy tư. Trường học chỉ là một căn nhà lợp mái lá, bàn ghế xiêu vẹo. 58 đứa trẻ, nhưng chỉ có vỏn vẹn 2 giáo viên chăm lo. Mọi sinh hoạt tại đây đều rất “thiên nhiên”, đến nước uống được lấy từ suối về, nước máy vẫn là giấc mơ xa xỉ.

Mỗi khi chúng tôi vào nhà dân bản đều được tiếp đón rất nồng nhiệt, dù cho không phải ai cũng nói thành thạo tiếng Kinh, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự ấm áp của họ.

“Người dân ở đây nghèo lắm, họ chẳng có tiếp xúc gì với thế giới bên ngoài cả. Thuốc thang và y tế không nằm trong thế giới của họ. Đã từng có 2 thầy cô giáo giảng dạy ở đây qua đời vì trúng bệnh mà không thể đưa đi cấp cứu kịp thời. Cô chú lên đây rồi cũng thấy đó, 10km đường dốc mới tới nơi, đi hết 3 tiếng thì chẳng còn kịp nữa rồi” – thầy Quý chia sẻ, còn chúng tôi thì lặng đi. Chẳng có lời nào để diễn tả sự cảm phục mà chúng tôi dành cho những người thầy cô giáo này, khi họ có đủ dũng cảm để bỏ lại cuộc sống phố thị, về đây giảng dạy và gắn bó với những đứa trẻ, chẳng màng đến phúc lợi đặc biệt hay sự vinh danh.

Mải mê trong những câu chuyện kể, bất giác ngó qua cửa sổ, chúng tôi mới nhận ra màn đêm đã buông xuống tự lúc nào, không khí cực kì tĩnh mịch. Đó thực sự là một tối thứ 7 thật lạ, lẽ ra chúng tôi sẽ dành nó bên những người thương hay chỉ đơn giản là trên chiếc giường ấm áp, lướt mạng đến đêm khuya. Nhưng chúng tôi lại đang ở đây, dưới một mái lá đơn sơ giữa núi rừng, không điện, không sóng điện thoại di động, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống thường ngày của mình.

Chúng tôi cùng nhau quây quần lại, tận tay gói từng món quà để gửi tới người dân Ca Dong trong buổi giao lưu vào sáng hôm sau, vừa trò chuyện về một ngày dài không tưởng. Đó cũng là những giây phút lắng đọng mà chúng tôi thực sự cần, để suy nghĩ về hành trình mình đã trải qua, để cùng chiêm nghiệm về những câu chuyện, những chia sẻ mà mình đã mắt thấy tai nghe.

Buổi sáng ngày Chủ nhật bắt đầu bằng sự kiện giao lưu, phát quà mà chúng tôi đã ấp ủ chuẩn bị suốt 1 tháng trời. Tại đây, Sun* ĐN Charity Club đã trao tận tay 128 phần quà cho các hộ dân và tổ chức một buổi giao lưu với những trò chơi nhỏ dành cho các bé của trường tiểu học Trà Vinh.

Ca Dong dường như tách biệt với thế giới bên ngoài nên có vẻ như trẻ em ở đây rất sợ người lạ. Bọn trẻ nhìn chúng tôi với một vẻ ngại ngùng và sợ sệt, khiến chúng tôi vừa có chút chạnh lòng, vừa không khỏi bối rối. Vất vả lắm mọi người mới có thể tập trung bọn trẻ lại đông đủ. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bọn trẻ ở đây cười, rũ bỏ cái vẻ sợ sệt ban đầu, để hòa mình vào những trò chơi mà chúng tôi chuẩn bị. Cầm phần thưởng chiến thắng trên tay, ánh mắt bọn trẻ long lanh, đôi môi không giấu nổi nụ cười thích thú. Những món quà ấy, với chúng tôi là những thứ nhỏ nhặt mình nhìn thấy hằng ngày, nhưng với bọn trẻ, có khi lại là cả một thế giới mới, kì lạ và hoan hỉ. Bọn trẻ gửi đến chúng tôi lời cảm ơn lí nhí, không tròn vành rõ tiếng, nhưng đã đủ làm chúng tôi mãn nguyện vô cùng. Giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, hạnh phúc có khi đến từ những điều nhỏ nhặt như thế.

Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia tay. Dù thời gian ngắn ngủi, nhưng lúc vẫy chào tạm biệt, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào. Trên đường đi chúng tôi phải khuân vác biết bao nhiêu đồ đạc, nhưng có lẽ không trĩu nặng bằng những suy nghĩ và cảm xúc trên con đường trở về.

Dù đã rất nhiều lần CLB Charity của Sun* Đà Nẵng “ra quân”, nhưng mỗi chuyến đi, chúng tôi vẫn luôn bất ngờ vì những mảnh đời khó khăn xung quanh mình. Chúng tôi là những người làm trong ngành công nghệ thông tin, luôn tiếp xúc với những gì hiện đại và tiện nghi nhất, lại tận tay làm ra những sản phẩm tiên phong, thay đổi thế giới; nên đôi khi chúng tôi quên mất, rằng ở một nơi chỉ cách mình 200km, lại có một “thế giới” vô cùng khác biệt.

“Phải tận mắt chứng kiến những hình ảnh này, mới thấy trân trọng những gì mình đang sở hữu – cuộc sống này, gia đình của mình và những người mình yêu thương, chị ạ,” Ông Hoàng Nhật Phương, thành viên của Sun* Charity Đà Nẵng chia sẻ, “từ bây giờ trở đi, mỗi khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống, em sẽ không phàn nàn nữa mà sẽ tự dặn bản thân mình rằng, ở ngoài kia, còn có những người khổ hơn mình gấp trăm lần. Những khó khăn mà mình đang chịu đựng chưa là gì cả, nhất định phải cố gắng hết mình để vượt qua.”

Chào tạm biệt núi rừng Ca Dong, chúng tôi tiếp tục hành trình quay trở về cuộc sống hằng ngày. Chuyến đi vất vả đến không tưởng, nhưng để lại cho chúng tôi những kỉ niệm thật sâu sắc, và cả những bài học thật ý nghĩa về cuộc sống. Sau chuyến “hành quân” gian khó ấy, chúng tôi lại thấy tính cách người Sun* hiện lên trong mình thật rõ ràng.

Chúng tôi tự hứa với bản thân, sẽ cùng nhau làm việc chăm chỉ, cùng cố gắng hết mình, để có thể san sẻ những giá trị Awesome này đến với thật nhiều hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.

 

#Sun* Đà Nẵng

#Charity Club