Sunner “chữa tâm bệnh" bằng sách
Cụm từ “bệnh tâm lý” chắc hẳn không còn xa lạ gì với những công dân trong xã hội hiện đại. Có thể so với thế hệ ông bà, chúng ta sung sướng hơn nhiều về vật chất, nhưng những mệt mỏi, áp lực từ công việc và cuộc sống đã để lại những hậu quả không thể xem nhẹ lên sức khỏe tinh thần. Có rất nhiều cách chăm sóc sức khỏe tinh thần, mà đọc sách chính là một trong những phương pháp được rất nhiều người lựa chọn. Không chỉ đơn giản, tiện lợi, dễ tiếp cận, sách còn giúp bồi dưỡng tâm hồn, cung cấp cho độc giả những liều thuốc tinh thần cực kỳ hiệu nghiệm.
Hôm nay, hãy cùng chúng mình hỏi xin vài “liều thuốc bổ cho tâm hồn” từ chính Sunner nhé!
Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
“Mình tình cờ được một người bạn giới thiệu về cuốn sách này khi còn là sinh viên. Cũng như mọi người trẻ khác, mình cũng từng ôm ấp nhiều thương tổn đến từ những áp lực vô hình tích tụ qua năm tháng. Mọi người thường tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ lên, vững vàng lên, nhưng ít ai chỉ cho chúng ta cách để thấu hiểu bản thân, chấp nhận những cảm xúc chân thật nhất, sâu thẳm nhất để từ đó tìm ra hướng đi trong những phút giây chông chênh, mỏi mệt.
“Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn” chính là một trong những cuốn sách “self-help” cho mình câu trả lời. Cuốn sách đã giúp mình thấu hiểu và lắng nghe “đứa trẻ nội tâm” bên trong, giúp mình nuôi dưỡng lại phần cảm xúc đáng quý đó, cũng như chấp nhận và tôn trọng sự hiện diện của những nỗi buồn và cảm xúc tiêu cực, coi đó là một phần của cuộc sống, giúp cho mọi thứ được nhìn nhận dưới cái nhìn thoải mái hơn. Cuốn sách cũng cho mình rất nhiều lời khuyên hữu ích cho hành trình chữa lành các tổn thương tâm lý, và hiểu ra rằng dù trong hoàn cảnh tưởng như bi đát thế nào, vẫn sẽ luôn có cách giải quyết, và những bàn tay giúp đỡ sẵn sàng chìa về phía ta. Đây chắc chắn sẽ là một cuốn sách mình muốn giới thiệu cho tất cả mọi người.”
Thu Hằng (CCV)
Tên sách: Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn Tác giả: Charles Whitfield Giới thiệu: Luôn nằm trong top những cuốn sách “chữa lành” đáng đọc, “Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn” là quá trình khám phá, phục hồi dành cho những người trưởng thành từng gặp tổn thương nội tâm. Xuyên suốt cuốn sách, độc giả được giải thích cặn kẽ về những khái niệm khoa học như “đứa trẻ nội tâm”, “chân ngã” từ Nhà tâm lý học trị liệu nổi tiếng Charles Whitfield để từ đó hiểu hơn về thế giới bên trong đầy phức tạp của chính bản thân mình, cũng như tìm ra cách chữa lành những tổn thương đó để đời sống nội tâm luôn an yên, hạnh phúc. Với hàng triệu bản đã từng bán ra trên toàn thế giới, “Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn” đã trở thành tác phẩm kinh điển lâu năm của lĩnh vực tâm lý học, được đánh giá là luôn hợp thời đại dù lần đầu xuất bản là năm 1987. |
Hạt giống tâm hồn: Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống
“Hạt giống tâm hồn” như một liều thuốc cho những con người đang gặp phải những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Mình biết đến cuốn sách một cách tình cờ, nhưng nó cũng là một phần sức mạnh to lớn giúp mình vượt qua những sóng gió trong cuộc đời. Có lẽ, chỉ khi trải qua những nỗi đau, những mất mát thì con người ta mới cảm nhận được giá trị của sức mạnh tinh thần. Nó giúp chúng ta vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể, làm được những điều không tưởng.
Là tuyển tập những mẩu truyện nhỏ về những con người với tinh thần dũng cảm vượt qua khó khăn với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, “Hạt giống tâm hồn” là một cuốn nhật ký kể về cuộc sống thường ngày của những con người có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Bên cạnh đó, những câu chuyện trong cuốn sách còn có đề cập tới những ví dụ về con người ở hiện tại, sống thiếu tinh thần, niềm tin vào chính họ như một bài học để chính chúng ta rút ra sau khi đọc và cảm nhận. Lời văn trong sách rất đỗi bình dị, chân thành nhưng nhiều cảm xúc. Có cảm giác như các tác giả đã dùng hết nhiệt huyết, niềm yêu nghề của mình để gửi gắm vào tác phẩm. Người đọc có thể cảm nhận lời nhắn nhủ chân thành sau từng câu chuyện.
Tuy không cho độc giả một lời khuyên cụ thể nào, cũng không dạy ta cách vượt qua khó khăn một cách cụ thể vì mỗi người có những vấn đề riêng, khó khăn riêng, nhưng đọc “Hạt giống tâm hồn”, tất cả chúng ta đều cảm nhận được sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm. Và từ đó mỗi người sẽ chọn cho mình một cách vượt qua khó khăn, một lối đi riêng. Đương nhiên phần thưởng xứng đáng cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống chính là một con người không thể bị quật ngã trước những khó khăn của cuộc đời!”
Văn Thiện (R&D)
Tên sách: Hạt giống tâm hồn (Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống) Tác giả: Nhiều tác giả Giới thiệu: “Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn thử thách và cả thất vọng, nỗi buồn. Dũng cảm vượt qua để luôn là chính mình và đừng để điều gì có thể che khuất ước mơ, niềm tin và hoài bão”. Đó chính là ý tưởng chính của hai tập sách Hạt giống tâm hồn: Cho Lòng Dũng Cảm và Tình Yêu Cuộc Sống. Hai cuốn sách gồm 100 bài viết, truyện ngắn hay, có ý nghĩa sâu sắc, gần gũi với cuộc sống, mang tính tự nhận thức và giáo dục cao. Cuộc sống luôn tiềm ẩn những trở ngại, khó khăn và thử thách bất ngờ, những đứng trước những khó khăn ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Và bất kể là ai, tự đáy lòng của mỗi chúng ta đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt - đó là khát vọng sống và được luôn là chính mình. |
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ
“Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”
Với tư cách là một người không còn trẻ nhưng vẫn luôn đau đáu với câu hỏi “Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc”, đồng thời với tư cách là một người mẹ có 3 đứa con luôn trăn trở về việc làm thế nào để trở thành “một người đồng hành”, “một người bạn” đúng nghĩa, làm thế nào để không gây cho con những tổn thương không đáng có giống như chính mình đã trải qua những ngày ấu thơ, mình cảm thấy “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” thực sự là một cuốn sách ý nghĩa & rất rất nên đọc.
Thông qua những dòng tự sự chân thật đến “trần trụi” của từng nhân vật, đan xen với những đoạn phân tích tâm lý của tác giả, phần đầu của cuốn sách vẽ nên một thế giới vắng bóng người lớn, nơi cuộc sống của đứa trẻ thiếu sự hiện diện vật lý hay tinh thần của cha mẹ, và phần hai là câu chuyện của những đứa trẻ nhầm vai, bị trở thành bạn đời thay thế hoặc phụ huynh của cha mẹ mình để phục vụ nhu cầu tinh thần hay vật chất của họ, phần ba kể về số phận của “những đứa trẻ sống trong một nhà tù do cha mẹ chúng dựng nên, trá hình là sự quan tâm và yêu thương” và phần cuối của cuốn sách là “hành trình chữa lành”, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “có cách nào để người trẻ hàn gắn những vết thương và chữa lành những sang chấn tâm lý, để nâng cấp phần mềm, để xây dựng được gắn kết vững vàng với bạn đời tương lai và con cái của mình?”
Khi đọc những dòng tâm sự của những người trẻ trong cuốn sách này, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đều có điểm chung là đã trải qua một tuổi thơ đầy “khiếm khuyết”, có những lúc mình cảm thấy rùng mình, vì nó quá trần trụi, quá đau buồn. Mình soi thấy bản thân mình trong đó. Mình thấy đồng cảm với họ, và một phần nào đó, mình hiểu nỗi đau của họ. Người ta nói vẫn nói hai tiếng “gia đình” là thiêng liêng nhất, “nhà là nơi để trở về”, “nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa”, nhưng đôi khi không phải vậy, đôi khi thật ra “nhà lại là nơi nổi bão giông”.
Xuyên suốt cuốn sách là một bầu không khí trĩu nặng, u buồn nhưng không phải là không có ánh sáng. Ở phần cuối của cuốn sách, tác giả đã đưa ra những ví dụ thực tế về cách mà người trẻ chữa lành vết thương. Có thể là thông qua một trải nghiệm mang tính bước ngoặt, đi ngược lại những trải nghiệm trong quá khứ của họ, hay lòng trắc ẩn với chính mình để hiểu rằng đau khổ là một phần trong cuộc sống, ai cũng có những ẩn ức của mình kể cả những người đã và đang hành hạ ta. Cha mẹ chúng ta thực ra cũng chỉ là những nạn nhân, họ cũng từng có một tuổi thơ không được yêu thương. Có một câu nói mà mình rất tâm đắc trong cuốn sách này “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”, họ cũng đã trải qua một tuổi thơ độc hại, cũng không có gắn kết vững vàng với cha mẹ. Khi con cái hiểu được những điều đó thì họ cũng sẽ buông bỏ được oán giận và cay đắng, cảm thấy nhẹ nhõm và khỏe khoắn tinh thần kể cả khi hành vi và thái độ của cha mẹ không hề thay đổi.
Bản thân mình cũng vậy, khi hiểu mẹ mình cũng từng trải qua một tuổi thơ “không được yêu thương” thì mình cũng thông cảm hơn với mẹ. Còn về phần mình, mình ý thức được là mình cũng chịu những “ảnh hưởng” từ mẹ, đôi khi mình cũng cũng dẫm lên vết xe đổ ấy và đã gây tổn thương cho con cái. Nhưng quan trọng là mình nhận ra điều đó và mình đã, đang cố gắng tự sửa chữa bản thân mỗi ngày. Mình tự nhủ phải lắng nghe con nhiều hơn, quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn là chăm lo vật chất cho chúng. Mình muốn trở thành một người mẹ vừa có thể “buông tay để con bay”, để con tự do làm những điều mình muốn, vừa có thể đem lại cho con cảm giác an toàn để mỗi khi vấp ngã trong cuộc sống, con sẽ muốn trở về với mình. Có lẽ trong hành trình làm mẹ chắc chắn còn rất dài của mình, mình sẽ còn nhiều lần nữa cầm cuốn sách này lên, để đọc, để chiêm nghiệm, để trở thành một người mẹ tốt hơn, để thế hệ sau của chúng ta sẽ không còn ai là “nạn nhân” nữa.
Mai Khanh (GEU)
Tên sách: Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ Tác giả: Đặng Hoàng Giang Giới thiệu: Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ dẫn người đọc vào thế giới của người trẻ trên dưới hai mươi tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Trong thế giới đó có những run rẩy của va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh. Nhưng bao trùm lên tất cả, như một tấm màn lớn, là nỗi đau. Nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn được xã hội khen là “trưởng thành” và “ngoan,” từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, từ sự tuyệt vọng của người trẻ bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu cha mẹ. Vang lên như những bài hát khi buồn đau khi dữ dội, những chân dung trong cuốn sách cùng các phân tích tâm lý học của tác giả sẽ khiến cha mẹ, thầy cô và tất cả những ai có người trẻ trong cuộc sống của mình phải thức tỉnh, phải ngồi xuống lắng nghe con em mình và suy ngẫm về bản thân, để học cách chữa lành và yêu thương đích thực. |
Dám bị ghét
“Câu chuyện kể về cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và một nhà triết gia . Chàng thanh niên là đại diện của tuổi trẻ rất nhiều hoài bão và nghi ngại trước thế giới khó khăn còn nhà triết gia thì ôn tồn , bình tĩnh trước những lời nói có phần thiết kiểm soát của cậu thanh niên để đưa ra những lời khuyên thấu đáo. Đọc “Dám bị ghét”, độc giả sẽ bị cuốn theo những câu hỏi của cậu thanh niên trong những chương đầu và đồng cảm với nó, tuy nhiên càng về sau khi hiểu hơn về tư tưởng của triết gia ta sẽ hiểu từng lời ông nói cực kì sâu sắc. Đọc xong cuốn sách mình học được:
Cách suy nghĩ để sống sao cho hạnh phúc.
Chúng ta luôn có thể thay đổi bản thân một cách tích cực.
Thế giới quanh ta rất đơn giản.
Ai cũng có thể trở nên hạnh phúc.
“Dám bị ghét” quả thật đã dạy cho mình rất nhiều bài học hữu ích để bản thân hướng đến những suy nghĩ tích cực, giản đơn hóa những vấn đề phức tạp, từ đó chữa lành cảm xúc, tránh đẩy bản thân vào những hoàn cảnh tiêu cực. Cuốn sách cũng khiến mình thấm thía rằng bản chất của công việc là được cống hiến cho người khác, là cảm giác được cảm thấy có ích với bạn bè và người xung quanh. Hãy đọc “Dám bị ghét” để tìm động lực sống cũng như làm việc bạn nhé!”
Thanh Nam (CEV09)
Tên sách: Dám bị ghét Tác giả: Alfred Adler Giới thiệu: Dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia, cuốn sách trình bày một cách sinh động và hấp dẫn những nét chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler, người được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”, sánh ngang với Freud và Jung. Khác với Freud cho rằng quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại, Adler chủ trương “cuộc đời ta là do ta lựa chọn”, và tâm lý học Adler được gọi là “tâm lý học của lòng can đảm”. Bạn bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Bạn chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Nói một cách khác, bạn không đủ “can đảm để dám hạnh phúc”. Bởi can đảm để dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm để dám bị ghét” nữa. Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc. |
Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi
“Trong nhịp sống hối hả ngày nay, phải đối mặt với nhiều kiểu áp lực chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều mong muốn có 1 cuộc sống tinh thần thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng. Mỗi người chọn cho mình cách để bồi bổ đời sống tinh thần riêng. Và “tiếng cười” thật sự là một loại “gia vị” giúp chúng ta có được sự thoải mái đó trong cuộc sống.
“Hài hước 1 chút thế giới sẽ khác đi” cho chúng ta thấy tầm quan trọng của tiếng cười, giúp chúng ta cân bằng cuộc sống và một vài cách giúp mình biết cách cư xử để các mối quan hệ trở nên thú vị hơn. Ví dụ như cuộc sống hôn nhân, nơi chúng ta thường xuyên phải đối mặt với bộn bề lo toan hay chốn công sở nơi mọi người hay va phải những tranh chấp đố kỵ, tuy nhiên 1 vài chút hài hước sẽ giúp chúng ta “chữa lành” mọi thứ.
Mặc dù sách có diễn giải tầm quan trọng của hài hước hơi nhiều nhưng cũng đưa ra những ví dụ rất thực tế có thể áp dụng được luôn, sự hài hước còn là nền tảng cho một tâm lý khỏe mạnh, lạc quan. Vậy nên, hãy thêm 1 chút “gia vị” hài hước và trong cuộc sống hàng ngày để có thêm những năng lượng tích cực nhé!”
Ý Nhi (CCV)
Tên sách: Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi Tác giả: Lưu Chấn Hồng Giới thiệu: “Hài hước một chút, thế giới sẽ khác đi” – cuốn sách với nội dung phong phú mà sâu sắc này sẽ giúp các bạn có được cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng của tính hài hước dưới các góc độ, phương diện đánh giá khác nhau để áp dụng trong công việc, cuộc sống cũng như giúp cuộc đời luôn vui tươi, hạnh phúc. |
Hy vọng rằng với những gợi ý trên, các Sunner tìm được cho mình một cuốn sách phù hợp để bồi đắp thêm cho sức khỏe tinh thần, cũng như được truyền cảm hứng, động lực sống, làm việc và mưu cầu hạnh phúc. Xin chúc cho các Sunner luôn mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần và luôn cảm thấy mình đang sống một cuộc đời thật “đáng”.