Sunner ơi, chạy đi chờ chi!

Ở Sun*, chạy bộ là một trong những bộ môn thể thao được Sunner vô cùng yêu thích. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về chạy bộ, đừng bỏ qua những "bí kíp vàng" từ các vận động viên nhà Sun* dưới đây nhé!

Theo Runner's World, chạy bộ thường xuyên có thể cải thiện hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, ngừa nguy cơ bệnh tật. Môn thể thao này còn tốt cho tim mạch và hô hấp, cải thiện các hệ cơ, xương khớp, củng cố tinh thần, gia tăng sự sảng khoái và tốt cho não bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chạy bộ đúng cách. Hôm nay hãy cùng lắng nghe những "bí kíp vàng" của các "vận động viên Sunner" - những người đã có nhiều trải nghiệm trong bộ môn thể thao này để tự xây dựng "giáo án chạy" phù hợp cho bản thân nhé!

Bí kíp chạy bộ hiệu quả của Sunner

Phú Hưng - Sun* Hồ Chí Minh 

Là một Sunner đam mê chạy bộ của văn phòng Sun* Hồ Chí Minh, Phú Hưng thường dành ra trung bình khoảng 2-3 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 45 phút đến 1 tiếng rưỡi để chạy bộ. Duy trì đều đặn hằng ngày, Hưng cảm thấy cuộc sống có nhiều điều thú vị hơn, sức khỏe được nâng cao, tinh thần thoải mái và yêu đời hơn rất nhiều. Anh cũng là người đã truyền cảm hứng thể dục thể thao cho nhiều anh chị em Sunner ở văn phòng Sun* Hồ Chí Minh. 

Với những kinh nghiệm vốn có của mình, anh đã chia sẻ cùng Sun* News về những điều cần tránh dành cho các Newbie khi tham gia bộ môn thể thao này, đó là:

  • Chạy quá nhanh khi mới bắt đầu tham gia chạy bộ: Khi mới bắt đầu tham gia chạy bộ chúng ta thường chạy quá nhanh. Điều này sẽ khiến chúng ta mất sức nhanh sau một khoảng cách ngắn và cảm thấy nản lòng khi so sánh với bạn bè hay với những người có kinh nghiệm tham gia lâu hơn mình. Việc chạy quá nhanh này cũng dễ gây đau chân cho người mới chạy. Vậy nên, khi mới bắt đầu tham gia chúng ta nên chạy chậm hoặc cực chậm để cơ thể làm quen và thích nghi dần dần với hình thức vận động này, hệ cơ xương khớp cần được thích nghi với những động tác của cơ thể, hệ tim và phổi cần được thích nghi với nhịp thở khi chúng ta chạy. Sau khoảng 1 tuần (cho người thường xuyên vận động) hoặc thậm chí là đến 3 tuần (cho người ít vận động hoặc lâu rồi không vận động) thì cơ thể chúng ta mới có thể quen được với môn chạy bộ.
  • Tăng khoảng cách lên quá nhiều sau khi cảm thấy thể lực mình tăng lên: Sau khoảng 1 tháng - 1,5 tháng tham gia chạy bộ, thể lực và sức khoẻ cải thiện kha khá so với lúc trước khi chạy, tinh thần trở nên hưng phấn và bắt đầu thấy "nghiện" chạy, lúc này các newbie hay có xu hướng tăng khoảng cách chạy lên nhiều quá (chẳng hạn như tăng từ 5km lên đến 7km) mà không biết là tăng lên như thế là quá nhiều với những gì mà cơ thể có thể chịu đựng được, việc này làm chúng ta bị quá sức, gây đau chân, phải nghỉ chạy nhiều ngày. Việc nghỉ lâu không chạy như vậy khiến chúng ta sinh ra tâm lý chán nản, chán chạy (hội chứng Runner's blue), rất khó để quay trở lại tập luyện như trước khi bị đau chân. Chính vì vậy, theo kinh nghiệm thì "dân chạy phong trào" chỉ nên tăng 10% sau mỗi tuần thôi, kiểm soát sự hưng phấn và lắng nghe cơ thể, không để tinh thần làm chúng ta mất đi lý trí.
  • Mang giày thể thao thông thường để chạy bộ: Khi mới thành lập Câu lạc bộ chạy ở chi nhánh HCM, anh luôn chia sẻ với mọi người về tầm quan trọng của giày chạy. Một đôi giày thể thao thông thường không phục vụ cho chạy bộ bởi vì nó không có các bộ phận phục vụ cho những công năng cần thiết của một đôi giày chạy, như là bộ phận chống xoắn, bộ phận chống lật chân, bộ đế mềm và nảy để giảm dư chấn lên chân khi tiếp đất, giúp giảm chấn thương khi chạy bộ, ngoài ra thì giày chạy thường có trọng lượng nhẹ để chạy bộ thanh thoát, upper giày mỏng và thoáng khí để chạy trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Vậy nên, hãy mua một đôi giày chuyên chạy để đảm bảo không bị đau chân. 
  • Ngại, không dám chạy chung với những bạn chạy lâu hơn mình: Người mới tham gia thường có cảm giác tự ti, nghĩ là mình sẽ bị bỏ lại phía sau nên không dám chạy chung với những bạn chạy lâu hơn mình, từ đó ta hay có xu hướng chơi theo kiểu tự kỷ, khiến cho niềm vui trong chạy bộ bị giảm đi khá nhiều. Sự thật là chạy bộ rất vui, mà chạy chung với bạn bè, đồng đội còn vui hơn gấp nhiều lần nữa. Chúng ta cứ thoải mái tươi cười, kết nối với những bạn chạy mà ta gặp trên đường, hãy đi chạy chung với mọi người để chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chạy bộ, "push" nhau lên để có nhiều động lực hơn. Trong chạy bộ có một cái hay nữa là khi chạy một mình thì trong đầu ta luôn có suy nghĩ rằng ta đã mệt lắm rồi, mặc dù sự thật cơ thể vẫn chưa mệt, đó là phản xạ của bộ não khi làm những việc có dùng sức bền, khi chạy với bạn thì ta có thể cười nói để phân tán não bộ không suy nghĩ đến sự mệt mỏi đó, nên mọi người hãy chạy chung với bạn khi có thể, chạy đỡ mệt hơn nhiều lắm đấy!

Thế Hà - CEV05

Thế Hà là một cái tên quen thuộc trong "làng chạy bộ" tại Hà Nội. Từ việc chạy bộ để giảm cân và bớt trì trệ hơn trong đợt remote, anh cảm thấy đây là bộ môn không cần đầu tư quá nhiều mà vẫn đem lại hiệu quả cao nên đã quyết định theo đuổi nó lâu dài. Anh thường lựa chọn chạy vào buổi sáng hoặc chiều sau khi tan làm, tùy theo tính chất công việc (Trung bình 2 - 3 lần/ tuần, mỗi lần chạy sẽ khoảng 40 - 60 phút). Gần đây, để tăng động lực cho bản thân, Thế Hà còn thành lập Câu lạc bộ Running cùng với các anh chị em trong công ty có cùng đam mê.

Thế Hà sử dụng strava để đo lường hiệu quả chạy bộ

Duy Lâm - IFU

"Sun* Awesome Running" là nơi khởi đầu cho đam mê chạy bộ của mình", Duy Lâm chia sẻ. 

Sau khi tham gia CLB chạy của Sun*, anh bắt đầu chạy nhiều và chạy nhiệt huyết hơn. Tuy nhiên, do chưa có sự đầu tư tìm hiểu kỹ lưỡng nên Lâm đã từng gặp chấn thương khá nặng mà dân chạy bộ rất sợ gặp phải là ITBand, và phải mất đến 2 tháng để bình phục hoàn toàn. Sau cú chấn thương "chí mạng" này, mình bắt đầu đầu tư tìm hiểu từ A đến Z để có một cách chạy "chuẩn". 

** ITBand (hay còn gọi là Hội chứng đau dải chậu chày) là tình trạng phần dây chằng này bị thắt chặt hoặc viêm khiến cho dây thần kinh bị cọ sát vào xương đùi, từ đó dẫn tới hiện tượng khó chịu và thậm chí là đau đớn.

Thái Bình - Sun* Hồ Chí Minh

Anh Thái Bình đã bắt đầu với môn chạy bộ cách đây khoảng 5 năm, nhưng từ khi vào Sun* mới bắt đầu chạy bộ nghiêm chỉnh thay vì thói quen "thích là chạy" trước đó. Mỗi tuần anh thường dành khoảng 2- 3 buổi, mỗi buổi khoảng 45-60 phút để chạy để nâng cao sức khoẻ bản thân, một tinh thần minh mẫn, giúp làm việc hết mình hơn.

"Bình và những người bạn" đam mê chạy bộ

Hữu Nam - CEV05

Còn với Hữu Nam, động lực để anh gắn bó với bộ môn thể thao lâu dài này là có những người có chung đam mê với mình trong cuộc sống. Nhờ đó, ngay cả khi đi chơi, Nam cũng không quên nhiệm vụ chạy bộ của mình.

Với Nam, việc khởi động trước khi chạy là vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp anh giãn gân cốt và ít gặp chấn thương, chuột rút khi chạy. Cùng với đó, sau mỗi buổi chạy bộ, anh đều có những bài tập kết hợp bổ trợ để buổi chạy đó hiệu quả hơn. Các bạn cũng có thể tham khảo những bài tập bổ trợ chạy bộ của Nam TẠI ĐÂY

Hi vọng rằng, những lời khuyên ý nghĩa này sẽ giúp cho các Sunner yêu thích chạy bộ có thêm kinh nghiệm và nhiều động lực hơn trong việc tự nâng cao sức khoẻ cho bản thân. Có sức khoẻ là có tất cả, các Sunners ơi, chạy đi chờ chi? 

#chạy bộ

#thể dục thể thao