Từ cuốn sách "Bình minh của cuộc đời" đến cuộc trò chuyện với Sunner Mai Khanh về hành trình nuôi dưỡng niềm yêu sách cho con

Đã bao giờ bạn trải qua những ngày tháng tưởng chừng như tăm tối nhất của cuộc đời, để rồi cảm thấy chẳng có gì là không thể vượt qua? Vậy cùng nghe Mai Khanh kể về "Bình minh của cuộc đời" bạn nghen!

Chú thích: Để đảm bảo tính chân thực, phóng viên Sun* News xin phép được xưng hô ở ngôi thứ nhất là "Tôi" và các bạn.

Nhân tháng của "Be optimistic" tại Sun*, tôi đã có một cuộc trò chuyện thật ý nghĩa về tinh thần "Sống tích cực, hướng tới tương lai" cùng chị Mai Khanh. Chị là một trong những người dự thi Hành trình tuổi trẻ - Cuộc thi review sách trên S*Book với bài review rất hay về một cuốn sách không thể thích hợp hơn cho tháng "Be optimistic" lần này - cuốn sách Bình minh của cuộc đời.

Cuộc trò chuyện về tinh thần lạc quan, hướng về phía trước

Chúng ta không thể thay đổi số phận, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách mình đón nhận nó...

Khi được tôi gợi ý kể về hành trình vượt qua một chuyện tiêu cực nào đó trong quá khứ, chị Khanh tâm sự:

"Thực ra, chị vốn là một người khá tiêu cực, có xu hướng bi kịch hóa mọi chuyện xảy đến với mình. Năm lớp 12, chị cũng từng gặp phải chuyện không như ý, khiến chị rơi vào tuyệt vọng, thậm chí đã nghĩ đến những điều tiêu cực nhất. Nhưng nhờ có những người bạn luôn đồng hành bên cạnh, gửi đến chị những thông điệp của sự yêu thương và chia sẻ mà cuối cùng chị cũng vượt qua được những ngày tháng đen tối đó. Sau chuyện ấy, chị nhận ra là chúng ta không thể thay đổi số phận, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách mình đón nhận nó. Cuộc sống này vẫn còn tươi đẹp lắm...".  

Nguồn ảnh: Maggie Chiang

Có một điều rất hay mà chị đã đề cập tới trong cuộc trò chuyện, đó chính là về "bản thể tiêu cực":

"...Đến giờ chị vẫn chưa hoàn toàn rũ bỏ được cái bản thể tiêu cực trong mình, nhưng chị vẫn đang cố gắng để sống tích cực hơn mỗi ngày..."

Bản thể con người nói chung hay bản thể tiêu cực nói riêng là một thực thể cảm tính, mang tính siêu hình. Vì thế, chúng ta không thể muốn từ bỏ là từ bỏ. Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ sống của mình bên cạnh việc trân trọng bản thể con người ấy.

Và cuối cùng, chị Khanh có một lời nhắn tới tất cả mọi người rằng: "Sau cùng, sống là để hạnh phúc, người khác nghĩ thế nào về mình không quan trọng, miễn bản thân mình thấy vui vẻ là được". Đúng vậy, trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những điều khiến mình phiền lòng, mà những điều ấy rất có thể đến từ những người xung quanh, từ xã hội,... hay cả những người mà chúng ta chẳng hề quen biết. 

Lúc này, tôi bỗng nhớ đến những nạn nhân của "cyber bullying" - những người ra đi mãi mãi bởi lưỡi dao vô hình của định kiến xã hội. Giá như, họ cũng có thể nghe những lời động viên này, hay đơn giản là được gia đình và bạn bè sát cánh, sẻ chia và thấu hiểu, giá như họ có thể lạc quan hơn ... thì có lẽ họ đã có những lựa chọn khác. Nhưng đó chỉ là một liên hệ xa xôi của tôi về giá trị của tinh thần "be optimistic" thôi, còn giờ, chúng ta hãy quay lại với chị Khanh và cuốn sách mà tôi đã nhắc đến ở đầu bài viết.

Cuốn sách "Bình minh của cuộc đời" và những bài học giá trị

Bình minh của cuộc đời thực sự là một cuốn sách hay, cho chúng ta nhiều bài học nhân văn nhưng không hề mang những lời văn rao giảng triết lý. Những câu văn giản dị và những chi tiết đời thường nhưng đặt vào hoàn cảnh quá phù hợp cũng đủ để gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Cùng đọc những dòng review đầy xúc động mà chị Mai Khanh đã dành cho cuốn sách thông qua cuộc thi review sách vừa qua trên S* Book nhé!

Gia đình là thứ mà người ta phải nỗ lực để vun đắp

“Bình minh của cuộc đời” (tên gốc 朝が来る) là cuốn tiểu thuyết kể về số phận của hai con người.

Nửa đầu cuốn sách, tác giả khắc họa cuộc đời của Satoko, vốn là một phụ nữ hết sức bình thường. Chị những tưởng cuộc đời mình rồi cũng êm đềm trôi qua: lấy chồng rồi sinh con như bao người phụ nữ khác, cho đến khi hai vợ chồng bước vào ngưỡng tuổi 35 – độ tuổi mà người ta vẫn nói là đã bắt đầu muộn màng để có thể “sinh con thuận tự nhiên”. Từ đó, hai vợ chồng chị bắt đầu bước vào một “đường hầm dài” tăm tối với những nỗi đau đớn mà ít ai có thể hiểu được, đường hầm này cứ hẹp dần, hẹp dần, và cứ chỉ như thế, nối dài mãi không ngừng. Trải qua rất nhiều chuyện, Satoko nhận ra rằng “gia đình là thứ mà người ta phải nỗ lực để vun đắp”. Và Asato đã đến với vợ chồng chị như một phép màu.

Nguồn ảnh: Maggie Chiang

Nửa sau cuốn sách, tác giả dùng ngòi bút của mình để viết về cuộc đời của Hikari, một cô bé mười bốn tuổi ngỗ ngược, nổi loạn, luôn muốn chứng tỏ mình không thuộc về thế giới nhàm chán, khô khan của bố mẹ và chị gái. Mới là học sinh lớp Bảy, Hikari đã bắt đầu hẹn hò với bạn trai. Bố mẹ cô bé đều là giáo viên, luôn có cái nhìn nghiêm khắc – mà trong mắt Hikari là cổ hủ và lạc hậu về việc nuôi dạy con cái. Đối với bố mẹ, Hikari chỉ là một cô bé học hành chẳng bằng ai và hoàn toàn không có hy vọng. Nhưng đối với Hikari, những áp đặt, kỳ vọng vô lý nơi bố mẹ cũng chỉ khiến cô thấy mệt mỏi và chán ghét. Cô bé ấy chỉ biết nổi loạn trong vô vọng, và đáp lại Hikari chỉ có bóng tối của một đường hầm với những cạm bẫy, vấp ngã và cô độc. 

Nguồn ảnh: Maggie Chiang

Satoko và Hikari, hai con người với hai cuộc đời khác hẳn nhau, tưởng chừng không có mối liên kết nào giữa họ, cuối cùng lại được kết nối với nhau bởi một sợi dây vô hình, hiện thân cho một mối quan hệ vô cùng kỳ lạ.

Xuyên suốt câu chuyện là một bầu không khí căng thẳng, đôi lúc còn mệt mỏi và u ám. Nhưng cuối cùng, bình minh vẫn ló dạng đúng như cái tên của cuốn sách. Có thể nói, đây là một cuốn sách nhẹ nhàng, lời văn dung dị, không có những cú twist bất ngờ, nhưng lại là một câu chuyện vô cùng nhân văn, giàu ý nghĩa và có tính giáo dục cao.

Bất cứ ai cũng có thể tìm thấy cho mình những bài học sâu sắc từ cuốn sách này. Những ai đang làm cha mẹ xin đừng áp đặt con cái, đừng cố biến con thành “hình mẫu mơ ước” của mình. Những ai còn trẻ hãy biết đâu là giới hạn. Những ai nghĩ gia đình phải là những người chung dòng máu, xin hãy tự hỏi bản thân rằng vợ chồng liệu có phải cũng từng là hai người xa lạ? 

(Trích review về cuốn sách Bình minh cuộc đời trên S*Book của chị Mai Khanh)

Nhìn chung, cuốn sách đã cho chúng ta thấy rằng:

"Dẫu biết là vô ích nhưng con người ta vẫn cứ nuôi hy vọng. Dẫu biết những ngày tháng này rồi sẽ đi đến hồi kết, và rằng sẽ chẳng nhìn thấy ánh sáng đâu nhưng con người ta vẫn cứ hướng về phía trước.” Bởi vì, “Ngày mai trời lại sáng”

- 朝が来る!-

Bản thân chị Khanh vinh dự được là người dịch cuốn sách này. Đó cũng là lý do chị muốn giới thiệu nó đến nhiều người hơn nữa. Được tham gia vào một trong những khâu quan trọng để làm nên một cuốn sách, chị Khanh thấu hiểu rằng để một cuốn sách ra đời thì nó phải trải qua rất nhiều công đoạn, có thể mất tới 1 đến 2 năm, với sự góp sức của rất nhiều người. Hơn tất cả, nó là đứa con tinh thần kết tinh từ trí tuệ, chất xám, suy nghĩ, tình cảm của người viết. Bởi vậy, thông qua bài review này, chị cũng muốn nhắn nhủ với mọi người một thông điệp: hãy đọc nhiều sách hơn, hãy trân trọng sách hơn, hay biến việc đọc sách thành một nét đẹp văn hóa cần giữ gìn và lan tỏa, bởi những giá trị mà sách đem đến cho chúng ta, có lẽ không thể thấy được trong ngày một ngày hai, nhưng là vô cùng to lớn và không thể đong đếm được!

Cách mẹ Khanh nuôi dưỡng niềm yêu sách cho ba em bé

Với chị, sách giống như liều thuốc tinh thần. 

Trò chuyện với Sun* News sau cuộc thi review sách trên S*Book, chị Mai Khanh có kể nhiều hơn về cơ duyên của mình với những trang sách. Chị tâm sự: "Thú thực chị không phải là người chăm đọc cho lắm, thường khi nào có hứng chị mới đọc được, nhưng lại cực kỳ chăm mua sách (gọi là "nghiện mua sách" mới đúng). Cứ ngắm những cuốn sách là chị lại thấy vơi bớt những mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống. Với chị, sách giống như một liều thuốc tinh thần". 

Giá sách "khủng" với vài trăm cuốn sách ở nhà chị Mai Khanh (Ảnh: Mai Khanh)

Thế nhưng, khi mang thai bạn nhỏ đầu tiên, với mong muốn kích thích sự phát triển trí não của em bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ, chị Khanh đã bắt đầu mua sách thiếu nhi về đọc cho em bé mỗi tối. Đến khi em bé chào đời, chị vẫn giữ thói quen đó, hầu như tối nào chị cũng đọc sách cho em bé nhà mình nghe. Có lẽ nhờ vậy mà cả ba bạn nhỏ nhà chị Khanh đều rất thích đọc sách. 

Chị Mai Khanh và ba em bé yêu đọc sách của mình (Nguồn ảnh: Mai Khanh)

Lời kết

Vậy là cuộc trò chuyện thú vị với chị Mai Khanh đã kết thúc. Chúng ta có thể nhận ra nhiều bài học cho chính bản thân mình, từ tinh thần lạc quan vượt qua những điều tiêu cực trong quá khứ, đến niềm yêu sách được chị truyền cho con ngay từ những ngày còn thai nghén, hay sự trân quý những cuốn sách mang nhiều ý nghĩa nhân văn như Bình minh của cuộc đời. 

Chúc cho toàn thể Sunners sẽ luôn giữ vững tinh thần lạc quan trong công việc và cuộc sống, để có thể tận hưởng thật trọn vẹn những khoảnh khắc của hôm nay và ngày mai.

Đừng quên truy cập S*Book để đọc những review sách "siêu có tâm" và mượn sách từ những Sunner đáng yêu của chúng mình nha! 

#Cuộc thi Review sách trên S*Book

#S*Book - Kho sách nhà Sun*

#toàn Sun* đọc sách