Ý nghĩa thật sự của cái tên Viblo và chặng đường 5 năm phát triển ở Sun*

Là một Sunner, chắc ai cũng biết đến Viblo, dịch vụ chia sẻ và học tập kiến thức IT dành cho lập trình viên Việt Nam, được phát triển và vận hành bởi Sun*. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nhiều về lịch sử hình thành và phát triển của nó, khi mà chỉ còn vài ngày nữa thôi là Viblo sẽ đạt được một cột mốc mà không nhiều Sunner đã đạt được: "thâm niên 5 năm" ở Sun*.

Lịch sử ra đời

Viblo bắt đầu được tiến hành phát triển từ khoảng tháng 11/2014, từ một ý tưởng của anh Kobayashi Taihei, lúc đó còn đang là COO của Framgia, "xây dựng một cộng đồng nơi mọi người có thể tự do chia sẻ kiến thức về IT, bằng tiếng Việt, cho người Việt". Nó cũng được kỳ vọng sẽ thay thế cho hệ thống techblog được xây dựng trên nền tảng Wordpress khá cũ kỹ, và có nhiều bất cập của công ty.

Viblo được vay mượn những ý tưởng từ dịch vụ Qiita vốn khá phổ biến ở Nhật thời điểm đó (đương nhiên giờ còn phổ biến hơn). Ban đầu project được đặt tên là ngheroi (trên cả Redmine lẫn Github), bởi từ Qiita phát âm là Kiita (キータ), giống với từ 聞いた (đã nghe, nghe thấy rồi). Về sau trước khi release, dịch vụ được chọn một cái tên khác phù hợp hơn. Với tư cách là một thành viên của dự án lúc đó Đức Thắng đưa ra ý tưởng về cái tên iBlo, viết tắt của từ IT + Blog, vừa theo trend của Apple, vừa học hỏi từ một dịch vụ Blog lớn nhất ở Nhật lúc bấy giờ là Ameblo (Ameba Blog). Sau đó, CTO của công ty tại thời điểm đó là anh Homma Norifumi có ý kiến rằng dịch vụ hướng đến người Việt, nội dung chủ yếu bằng tiếng Việt, thì nên thêm yếu tố Vietnam vào tên gọi nữa. Từ đó, cái tên Viblo ra đời, với ý nghĩa sâu xa là Vietnam IT Blog.

Ban đầu, Viblo chỉ như là dự án nhằm "thử nghiệm công nghệ", với mong muốn tìm được một framework PHP phù hợp cho công ty, để sử dụng rộng rãi cho các project phát triển bằng PHP sau này. Các thành viên đội phát triển Viblo đã chọn Laravel, hồi đó mới đang ở phiên bản 4.2. Đối với tất cả đây là lần đầu tiên mọi người được tiếp cận với Laravel ở một project thực tế, và đối với công ty, đây là dự án sử dụng Laravel đầu tiên. Có thể coi chính Viblo đã góp một phần nhỏ đặt dấu mốc cho sự phổ biến của Laravel tại Sun*, để mà hiện tại, hầu như tất cả các project PHP của Sun* đều sử dụng Framework này. Laravel cũng là lựa chọn cho phần backend của Viblo cho đến ngày nay.

Rất nhiều thành viên tham gia phát triển Viblo những ngày đầu tiên vẫn còn gắn bó với công ty cho đến bây giờ, có điều là ở những vị trí mới. Những cái tên có thể kể tới là anh Thanh Tùng D - GL của EUV1, anh Thanh Tùng - GL của EUV2, anh Duy Khánh - SM của EUV2, anh Văn Vượng - GL của EUV3, anh Đức Thắng- GL của R&D Unit ...

Viblo chính thức release vào ngày 3/4/2015. Sau khi release, dự án dần dần được chuyển giao cho bộ phận BizDev phát triển và vận hành, các thành viên ban đầu lần lượt rời khỏi team để quay trở lại công việc phát triển các dự án khác với khách hàng. Hiện tại, bạn vẫn có thể xem lại "thông báo lịch sử" trên Facebook của Viblo về việc release sản phẩm tại ĐÂY.

Giao diện trong lần đầu release của Viblo

Quá trình phát triển

Sau khi release, Viblo cũng đã gặt hái được nhiều thành công bước đầu. Mọi người đã bắt đầu chăm chút hơn cho content mà mình viết ra. Lượng pageview cũng là tăng lên đáng kể, so với trang techblog ngày trước. Có nhiều campaign, giải thưởng được công ty đặt ra để khuyến khích mọi người tạo ra những nội dung chất lượng trên Viblo, đội phát triển cũng tích cực thêm vào nhiều tính năng mới để thu hút người dùng hơn. Tuy nhiên, cũng chính trong quang thời gian đó, Viblo bắt đầu bộc lộ những nhược điểm, như UX khó tiếp cận với người dùng mới, performance không tốt, tải trang ngày càng chậm, nhất là vào thời điểm cuối tháng, khi mà các Framgiaer truy cập rất đông vào viết report, từ đó kéo theo các tình trạng bị treo trình duyệt khi đang viết hay lưu bài, bị mất content... Rất nhiều ý kiến, feedback được đưa ra, và mọi người cũng dần có cái nhìn không mấy thiện cảm về Viblo.

Vào tháng 10/2016, Viblo được chuyển giao về cho Products Development Group của anh Hiroaki Ishida phát triển, với Đức Thắng làm Team Leader (và sau này là Project Manager), Technical Leader là Roman Kinyakin, cùng các thành viên như Hoàng Phương, Ngọc Vịnh, Aleksandr Melkikh ... Lần này, Viblo được viết lại hoàn toàn từ đầu, kể cả phần code backend lẫn frontend, và được release vào ngày 29/12/2016. Hiện tại, sau hàng loạt những sự thay đổi trên sơ đồ tổ chức của công ty, thì Viblo Team, đội ngũ vận hành và phát triển các sản phẩm của Viblo, đang trực thuộc R&D Unit. Team Leader hiện tại của dự án là anh Hữu Kim.

Kể từ cuối năm 2018, Viblo bắt đầu có định hướng mở rộng sản phẩm, không chí gói gọn trong chức năng viết bài và chia sẻ kiến thức nữa, mà mong muốn trở thành một Platform dành cho lập trình viên Việt Nam, nơi mọi người có thể chia sẻ, và cả học tập, rèn luyện các kiến thức về IT. Trong năm 2019, lần lượt các service khác xoay quanh Viblo ra đời, với Viblo Code, được release vào tháng 3/2019, Viblo CV được release vào tháng 5/2019 và Viblo CTF được release vào tháng 10/2019.

Mảnh ghép tiếp theo trong hệ sinh thái Viblo sẽ sớm được công bố trong thời gian tới

Chặng đường 5 năm và tương lai phía trước

Viblo lần đầu tiên đạt mốc 1 triệu pageviews trong 1 tháng vào tháng 5/2018. Hiện tại, số lượng pageviews 1 tháng của Viblo rơi vào khoảng 1,6 ~ 1,7 triệu. Cả team đang phấn đấu để đạt được đến cột mốc 2 triệu pageview 1 tháng trong năm 2020. Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ ngay rằng phần lớn con số pageviews kia là đến từ công ty, nhưng thực tế theo những thống kê từ những tháng 10, 11, 12 năm ngoái, thì lượng pageviews từ IP của các văn phòng của Sun* chỉ chiếm khoảng ... 2% tổng số lượng pageviews hàng tháng của Viblo. Thế mới thấy những bài viết chia sẻ kiến thức của Sunner trên Viblo đang được rất nhiều lập trình viên bên ngoài đón nhận đến thế nào.

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm cuối tháng 3 hiện tại, Viblo đã có khoảng 26,000 verified users, với gần 27,000 bài viết được chia sẻ, 1,300 câu hỏi được đặt ra. Số lượng users có tương tác trên hệ thống (viết bài, comment, đặt câu hỏi, vote up/down ...) hàng tuần là khoảng 1,000, số lượng users có tương tác hàng tháng là khoảng 2,300. Các hệ thống Viblo Code và Viblo CTF mới ra mắt hồi năm ngoái cũng đã đạt được lần lượt là 5,500 và 2,500 người dùng, trong đó mỗi hệ thống đã có khoảng gần 500 users giải được ít nhất 1 bài tập.

Hiện tại, Viblo Team vẫn đang tích cực trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng, cũng như cải thiện chất lượng của các dịch vụ trong hệ thống, bên cạnh việc phát triển thêm các service mới, để bổ sung thêm những điểm nhấn cho Viblo Platform, từ đó hướng đến mục tiêu chuyển mình từ một "Free service for technical knowledge sharing" (slogan cũ của Viblo) sang một "Ultimate Platform for Learning and Sharing IT Knowledge" (slogan mới của Viblo Platform). Dịch vụ tiếp theo trong Viblo Platform dự kiến sẽ được công bố vào cuối quý 2 năm nay.

Chuẩn bị kỷ niệm 5 năm thành lập, Viblo sẽ tổ chức một chuỗi sự kiện dành cho cộng đồng

Ngoài ra, một bất ngờ lớn cũng được Viblo Team đang gấp rút chuẩn bị để ra mắt cộng đồng trong thời gian tới. Đó là chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 5 năm ngày ra mắt.

 Thông tin chi tiết về chuỗi sự kiện này sẽ được thông báo chính thức vào ngày 3/4 tới đây, trên các kênh truyền thông của Viblo. 

Sun* News cũng sẽ đồng hành cùng chuỗi Viblo 5 Years Events này, để cập nhật và đưa những tin tức nóng hổi nhất đến với các Sunner, mọi người hãy cùng đón chờ nhé

Thang Tran Duc

Wataridori


9 Bài đăng

#Project

#Viblo

#RnD Unit

#Chuỗi sự kiện Viblo