Ngọc Tuấn: Đi bụi một mình khắp nước Nhật và hành trình chinh phục những cung đường
Tôi trân trọng tuổi trẻ của mình, mặc dù không phải ai cũng may mắn như tôi.
Còn trẻ là còn đi…
Tuổi trẻ đáng nhớ của tôi có lẽ chỉ thực sự bắt đầu khi bước chân vào cánh cổng đại học. Lúc ấy, tất cả những nguyên tắc trong cuộc sống với tôi đều trở nên vô cùng nhẹ nhõm. Khái niệm con ngoan – trò giỏi suốt những năm cấp 2, cấp 3 cũng dần biến mất. Nói là mất chất ngay thì không hẳn, vì kì I năm nhất đại học vẫn suýt nhận học bổng của trường, thậm chí còn khinh mấy thằng cha học lại, thi lại ra mặt. Thế mà, không biết là dòng đời vô tình hay bản thân hữu ý tự đẩy mà tôi lại khoác chung “màu cờ sắc áo” với hội anh em Bách Khoa học hành lều phều ngày đó. Thích thì đi học, không thích thì đi nhậu, thích thì đi thi, không thích thì bỏ đi cà phê chém gió với vài ba thằng bạn, với tôi, điểm số không quan trọng.
Vật vã với trường Bách Khoa 5 năm rồi cũng đến ngày tôi tốt nghiệp. Lúc này đang băn khoăn có nên xin vào Viettel làm không thì được một người bạn rủ đi Nhật học đại học. Lại là đại học chứ không phải cao học, ban đầu nghe cũng oải, do dự mãi cuối cùng tôi cũng quyết định đi thi và đỗ. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản: Ừ thì đi, chán lại về.
Nhưng đời không như là mơ, đi rồi tôi lại chẳng dám quay về vì sợ bố mẹ mang tiếng có con đi du học mà lại bỏ về! Tôi đành ở lại học đại học thêm 4 năm rưỡi nữa.
Những năm tháng du học bên Nhật trôi qua trong êm đềm, sáng đi học, tối về ôm máy tính, chẳng thể nhậu nhẹt nhiều như trước vì không có tiền. Trong những tháng ngày tẻ nhạt ấy, tôi cầm máy ảnh lê lết hết công viên này sang công viên nọ chụp choẹt giết thời gian.
Cho đến kì nghỉ mùa xuân năm 2008, tôi quyết định không về Việt Nam mà một mình xách balo lên đường khám phá Nhật Bản trong khoảng nửa tháng, đó là kỉ niệm đáng nhớ của tôi khi học tại đất nước mặt trời mọc, và cũng là kỉ niệm khó quên những năm tuổi 20.
Hành trình của tôi bắt đầu từ Tokyo, tôi quyết định đi dọc từ Bắc vào Nam và sẽ đi xa nhất có thể nên không chọn điểm dừng. Vì là sinh viên nên tôi không có tiền để di chuyển bằng tàu siêu tốc, tôi mua loại vé tàu “buffet” – vé dành cho tàu thường để đi. Mỗi ngày, tôi mất 5-6 tiếng ngồi trên tàu để đến lần lượt từng thành phố, mỗi một thành phố tôi dừng lại 1-2 ngày rồi mới di chuyển sang nơi khác.
Có thể nhiều người coi chuyến đi của tôi là một cuộc hành xác nhưng bản thân tôi không thấy vậy. Việc ngủ ngoài đường, ngoài công viên, ăn ở cửa hàng tiện lợi, tắm ở cửa hàng internet nghe có vẻ điên rồ, ừ thì tất nhiên là không sướng bằng ở nhà nhưng mình còn trẻ, cộng thêm cái nhu cầu khám phá của mình nó lớn hơn tất cả mọi khó khăn lúc bấy giờ, thế là mình cứ đi, mà không sợ gì.
Để nói về 15 ngày dài trôi dạt khắp nước Nhật thì có quá nhiều kỉ niệm, ngoài việc sinh hoạt “đường chợ” như tôi kể ở trên, tôi còn gặp phải những pha “dở khóc dở cười” trên suốt hành trình của mình.
Có một kỉ niệm tôi rất nhớ khi dừng chân ở thành Osaka. Lúc xuống tàu là 12h đêm, trong khi thành mở cửa đón khách lúc 9h sáng, tôi quyết định tìm công viên gần đó để ngủ. Tôi còn nhớ đêm đó trời rất lạnh, khi đang ngủ trên ghế đá, tôi chợt thấy có gì đó rờn rợn, gai gai, mở mắt ra là một chú chó đen thui đang lè lưỡi chỉ cách mặt mình chừng 30cm. Tôi giật bắn mình chồm dậy thì chú chó chạy mất. Tôi chợt nghĩ, ở nước Nhật này tại sao lại có chó thả rông, chuyện này đúng là rất hiếm gặp. Lúc này trong đầu tôi bắt đầu nghĩ đến một vài câu chuyện ma mãnh, tôi nhận ra nơi mình đang nằm từng là một chiến địa, biết đâu ngay dưới chân tôi lại là một nấm mồ. Nghĩ đến đây tôi chợt lạnh gáy, đầu óc đột nhiên tỉnh như sáo. Câu chuyện chưa dừng ở đó, trong cơn hoang mang tôi liền nghe thấy tiếng đàn hát ở đâu đó văng vẳng phía xa. Thêm một tình huống khó hiểu nữa xảy ra, tôi quyết định đánh liều đi về phía có tiếng hát ấy xem đó là gì, đằng nào thì một mình ngồi đây cũng không yên. Đến nơi, tôi thấy một chàng trai đang chơi guitar. Cậu ta đàn hát nguyên một đêm đó, đến 4h sáng thì đi mất. Tôi lại lang thang trong công viên đến 9h sáng đợi cửa thành Osaka mở để vào thăm quan. Cho đến tận bây giờ, khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn rất nhiều hoài nghi về những gì đã xảy ra đêm hôm đó.
Trong hành trình ấy cũng có nhiều lần đang ngủ ngoài ga thì tôi bị công an đá dậy. Họ kiểm tra giấy tờ của tôi, chụp ảnh gót giày để so sánh với gót giày của một số tội phạm lẩn trốn quanh đó. Cũng có vài lần tôi đi lạc đường, may mắn là được người dân địa phương giúp đỡ.
Việc du lịch một mình đối với các bạn trẻ thời nay không phải là chuyện hiếm gặp, rõ ràng, họ cũng đang cố gắng bứt phá ra khỏi giới hạn của bản thân và sẵn sàng trải nghiệm nhiều hơn. Thực ra dù ở thời của tôi hay của các bạn thì việc đi du lịch một mình cũng là một quyết định liều lĩnh, quan trọng là bạn liều có giới hạn, giữ cho mình an toàn và có được những cảm xúc tốt sau mỗi chuyến đi.
Nhiều người hỏi tại sao tôi không ở lại Nhật để làm việc? Tôi quan niệm, mình có nhà thì mình về, đi ở nhờ mãi sao được, với cả ở nhà nhậu rẻ hơn, nên tôi về.
Về Việt Nam, tôi làm ở Fsoft vài năm rồi mới qua Framgia làm việc, đến nay đã được hơn 5 năm. Mọi người nói bây giờ tôi đã thuộc lứa già của Công ty nhưng bản thân lại không cảm thấy như vậy!
Bạn quan niệm như thế nào về tuổi trẻ? Với tôi, tuổi trẻ của con người quyết định ở hai điều, một là thái độ sống cho tinh thần và hai là cách sống cho thể chất. Thái độ sống luôn tươi mới và còn thích trải nghiệm cái mới thì chưa thể gọi là già, thường xuyên rèn luyện thể chất thì sức khỏe vẫn trẻ lắm!
Tôi còn nhớ ngày 5/6 năm ngoái, anh Taihei – CEO Framgia rủ anh em Managers trong công ty tham dự một giải chạy lớn với cung đường 21km. Mấy thằng bạn tôi dọa: “Mày chết chắc! Chưa chạy bao giờ làm sao mà chạy được cung dài như thế!”. Ban đầu tôi cũng có đôi chút do dự, nhưng sau cũng cố gắng tập chạy trong khoảng 9 tuần. Cuối cùng tới ngày tham dự giải, tôi và đồng đội cũng hoàn thành được cung đường 21km. Từ một người không quan tâm tới chạy bộ, sau này khi kết thúc giải, tôi chợt nhận ra mình bị cuốn hút bởi bộ môn thể thao này.
Thể thao khiến mình chủ động, việc quyết tâm chinh phục với đích đến cũng dễ nhìn thấy trước mắt hơn. Trong khi công việc lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mình có muốn làm cũng không đơn giản. Thể thao nói chung hay bộ môn chạy bộ nói riêng đều thuần dựa vào sự quyết tâm, nó là một thứ giúp mình “lì” hơn.
…không bao giờ là già!
Nửa năm sau, tôi đăng ký đi chạy xuyên rừng Pù Luông – Thanh Hóa với cung đường 42 km. Tôi chạy liên tục trong 10 tiếng đồng hồ với các loại địa hình khác nhau. Trước khi tham gia, tôi nghĩ đường chạy này sẽ giúp mình có nhiều trải nghiệm lý thú hơn chạy đường trường, mệt thì đi bộ không ai bắt mình chạy, lại còn được ngắm cảnh núi rừng. Sau khi tham gia rồi mới thấy cung đường vượt rừng quả thực rất khắc nghiệt, nó bào mòn tinh thần nhiều hơn là thể chất. Khi bạn phải đối mặt với dốc núi và các loại địa hình hiểm trở khác nhau, có những quãng bạn không thể đi bộ được chứ đừng nói đến việc chạy, lúc ấy tinh thần của bạn mới là thứ giúp bạn vượt qua. Tôi từng chứng kiến, có những người bỏ cuộc giữa chừng, có những người hối hận vì tham gia, lúc ấy chỉ có tinh thần vững mới giúp bạn hoàn thành thử thách. Đích đến không quan trọng bằng việc mình nỗ lực để chiến thắng bản thân như thế nào.
Tôi còn nhớ có một người bạn hỏi tôi rằng: “Bạn làm những gì mình thích hay bạn thích những gì mình làm?”. Theo tôi, làm những cái mình thích thì dễ, nhưng thích những thứ mình làm thì không hề đơn giản.
Làm những gì mình thích dễ gặp phải trường hợp làm không đến nơi đến chốn, bởi vì khi làm việc gì đó chắc chắn sẽ gặp phải ít nhiều những khó khăn, mà khi khó khăn thì không còn vui, không vui thì không muốn làm nữa. Cho nên đa số những người làm điều mình thích thì thường thiếu kỉ luật, hay dẫn đến bỏ cuộc.
Ai giỏi cái gì thường sẽ thích cái đó. Có thể ban đầu không thích nhưng khi chinh phục được lại cảm thấy yêu thích nó lúc nào không hay. Khi mình cố gắng và đạt được điều gì đó, bạn sẽ cảm thấy tự hào với chính mình, chính niềm tự hào đó sẽ kích thích bạn tiếp tục làm, kích thích bạn chinh phục được nhiều hơn.
Bộ môn chạy bộ với tôi cũng giống như vậy. Trải qua mỗi giới hạn, tôi lại muốn đặt ra cho mình những ngưỡng cao hơn, từ 21km lên 42, 70, 100, 160km..vv…Khi có mục tiêu để chinh phục, chưa chắc bản thân đạt được nhưng ít nhất là có thứ để mình nỗ lực vượt qua. Sợ nhất trong đời là không có mục tiêu.
Tuổi trẻ của tôi luôn sống và làm những gì tôi tự “thiết kế” ra. Có nghĩa là, tôi luôn chủ động với mọi quyết định của bản thân và chấp nhận nếu xảy ra những rủi ro. Ở quan điểm của tôi, không có sai hay đúng. Thực ra sai hay đúng nó là một. Sai là khi bạn nhìn ở góc này, nhưng nhìn ngược lại thì nó lại thành đúng. Nếu muốn sửa sai thì sẽ thành từ bỏ cái đúng. Bản chất của vấn đề là vấn đề, còn sai hay đúng là góc nhìn của mỗi người. Cái không bao giờ thay đổi trong tôi là luôn làm những gì mình muốn. Mình uống rượu không phải do người ta thách mình uống, mình bỏ học đi chơi cũng không thể đổ cho bạn bè rủ rê, mình sang Nhật, đi du lịch bụi cũng là do bản thân tự quyết định. Bởi thế, tôi không có gì hối hận với những gì đã trải qua.
Tôi đã luôn tin tưởng vào bản thân, dù đôi lúc có phần liều lĩnh, nhưng cũng nhờ vậy mà giờ đây tôi vẫn giữ được một thái độ sống tích cực, thậm chí có chút điên rồ, mặc dù tuổi đời cũng không còn trẻ lắm…