Công ty lại 'remote' thêm 1 tuần nữa! Chán lắm rồi!

Đó là chắc hẳn là cảm xúc chung của nhiều người tại Sun*, nhất là các bạn Sunner tại văn phòng Hà Nội, khi thời gian làm remote tiếp tục kéo dài thêm 1 tuần, nâng tổng số thời gian làm việc tại nhà lên hơn 2 tháng. Bạn đang đếm từng ngày để được quay trở lại làm việc 'bình thường'? Tôi cũng vậy, nhưng có một sự thật mà chúng ta không thể chối cãi, đó là 'chúng ta sẽ chẳng thể trở lại bình thường được đâu!'.

Những ngày này khi Hà Nội đang nới lỏng phong tỏa, tôi đã thấy đâu đó trên Facebook là những lời hẹn "Hôm nào gặp nhau làm cốc bia", "Lên Tây Bắc trốn nóng xả stress vài ngày thôi!" v.v.

Tôi hoàn toàn hiểu và đồng cảm với các bạn. Vì bản thân tôi cũng đang mong ngày phòng gym mở lại để đi bơi, hay dẫn vợ đi ăn mấy quán ngon thòm thèm đã lâu.

Nhưng rồi cũng trong những ngày "cuồng chân" này, lại có một câu hỏi khác hiện ra trong tôi là: 

"Xả stress xong thì sao?"

Câu hỏi đó cứ thỉnh thoảng lại hiện ra, cho đến một ngày tôi gặp được câu nói trong bức ảnh sau:

Nguồn ảnh: Internet

Tạm dịch: 

Chúng ta sẽ chẳng thể quay về với hai chữ "bình thường".

Vì cuộc sống này chưa bao giờ là bình thường. Sự tồn tại của chúng ta trước kỉ nguyên Corona làm sao mà bình thường được khi chúng ta chấp nhận lòng tham, sự bất bình đẳng, cảm giác kiệt quệ, trống rỗng, sự bòn rút... như những điều tất yếu của cuộc sống?

Các bạn của tôi ơi, chúng ta sẽ không quay lại, vì chúng ta đã được trao cho cơ hội để dệt nên tấm áo mới. Một tấm áo vừa vặn cho cả nhân loại và tự nhiên.

Câu nói trên của nhà nhân quyền Sonya Renee Taylor thoạt nghe có vẻ "đao to búa lớn" khi nó đề cập đến "nhân loại, tự nhiên" và những vấn nạn to lớn. Nhưng nó lại đúng với chúng ta đến lạ kì. 

Thực vậy, nếu bạn xem những đợt giãn cách COVID này là một thảm họa, một sự tra tấn, thì cơ chế phòng vệ của chúng ta sẽ nghĩ đến những từ khóa như "cách chịu đựng qua giãn cách", "làm gì sau giãn cách" v.v.

Nhưng thực tế đôi khi khác rất xa những gì bạn cảm nhận, đợt dịch COVID này dù có kết thúc, thì cũng có những thảm họa khác đang lăm le chờ đón chúng ta: Cúm gà chủng mới đang manh nha ở Trung Quốc; Hiện tượng nóng lên toàn cầu v.v.

Có thể hết tháng 7/2021 này, Hà Nội và một số tỉnh thành khác sẽ được gỡ bỏ phong tỏa, rồi dần dà đến Thành Phố Hồ Chí Minh cũng qua cơn bĩ cực mà trở về với nhịp sống sôi động của nó. Rồi bạn lại vui chơi xả stress, sau đó sống với 'mindset' thời kì trước dịch và mong rằng đợt dịch thứ 5 đến càng trễ càng tốt?

Bạn sẽ lại vui chơi xả stress, sau đó sống với 'mindset' thời kì trước dịch và mong rằng đợt dịch thứ 5 đến càng trễ càng tốt?

Tôi không bi quan, nhưng tôi thực tế. Lựa chọn là ở bạn. Bài viết chỉ mang tính chất chia sẻ cá nhân:

Retrospective (nhìn lại) tâm thái và cách thức thích nghi với đại dịch của bản thân

Lấy bản thân tôi là một ví dụ, năm 2021 này tôi gần như đã làm remote từ sau Tết đến khi toàn Sun* Hà Nội có quyết định cho anh em làm remote hết. Lý do chủ yếu là do các vấn đề gia đình như sức khỏe con cái, ông bà v.v.

Nhưng dù thời gian làm remote dài gấp đôi năm 2020, cảm giác stress lại không nặng nề bằng năm ngoái. Đó là do tôi đã thực hiện các biện pháp ứng phó để giảm stress tốt hơn như:

- Việc bị can thiệp khi làm việc tại nhà bởi các tác nhân xung quanh là sự thật hiển nhiên và bắt buộc tôi phải linh động sắp xếp.

- Luôn để đầu óc trong trạng thái tỉnh táo nhất. Mỗi người một cách. Tôi chọn cà phê. 

- Làm thỏa mãn bản thân trước những điều mình thích. Việc để bản thân bị stress không hề tốt chút nào. Bạn thích điều gì, hãy làm chúng. 

Có thể nói, thay vì cố gắng làm mọi thứ hoàn hảo, tôi đã thỏa hiệp được với phần tối trong mình để có thể thỏa mãn những gì mà xã hội, gia đình yêu cầu ở mình. Nhờ đó, mà nếu tương lai có những đợt phong tỏa gắt gao hơn, tôi cũng biết mình cần làm gì và không ngừng cải thiện những điều đó để thích nghi tốt hơn.

Còn bạn, bạn có nhận thấy mình có gì khác so với đợt giãn cách xã hội năm ngoái không? Đợt dịch này có giúp bạn trưởng thành hơn, điềm đạm hơn hay vẫn đang khiến bạn bực tức, stress và khao khát chờ ngày hết dịch? Nếu bạn cảm thấy ngày càng bế tắc vì đợt giãn cách này, hãy dành thời gian lắng nghe chính mình và trình bày nó với mọi người nhé. Vì chính WHO cũng đã lên tiếng về nguy cơ trầm cảm do COVID gây ra. 

https://www.who.int/vietnam/vi/emergencies/covid-19-in-vietnam/information/mental-health

Chúng ta còn bị đe dọa bởi chứng trầm cảm do COVID-19

Nói đến đây mới nhớ, Sun* nhà ta đã rất kịp thời khi cho ra mắt Bảo hiểm tinh thần EAP  để hỗ trợ mọi người nếu quá mệt mỏi và áp lực trong cuộc sống. 

Xốc lại Tâm - Thân, nhìn về phía trước

Sau khi có được một tâm thái để chống chọi với những khó khăn như dịch bệnh trong tương lai, thì cũng là lúc bạn có thể dành thời gian xem lại định hướng cuộc đời mình. Trước COVID, mọi thứ đều có vẻ khả thi: bạn có thể đi du lịch để tăng trải nghiệm, tham gia bất kì khóa học nào tại các trung tâm để tăng kiến thức, gặp gỡ vô số con người để tìm cho mình một tri kỉ v.v.

Nhưng những ngày sắp tới sẽ là những ngày mà xã hội Đóng/Mở không theo qui luật nào: Thành phố bạn sống có thể thoải mái, nhưng thành phố nơi tổ chức hội thảo bạn muốn tham gia sẽ có thể bị giãn cách bất kì lúc nào. Hay người bạn phương xa mà bạn quen lâu năm và muốn tiến thêm bước nữa có thể sẽ không thể bay đến gặp bạn vì đang bận tham gia tour cách ly 21 ngày tại một trại cách ly nào đó v.v.

Những dự định lớn nhỏ trong đời bạn sẽ bị xáo trộn bất kỳ lúc nào, và có trời mới biết khi nào bạn được phép thực hiện chúng. Vậy thì đây là lúc bạn nên tìm ra những phương án B,C,D thay vì chỉ chăm chăm chờ hết giãn cách để thực hiện phương án A.

Bạn cũng có thể tìm đọc cuốn sách này chẳng hạn!

Không thể tiếp tục bình thường, càng không thể tiếp tục tầm thường

Nếu nói về mặt tích cực của COVID, thì nó đã giúp nhân loại thay đổi tư duy một cách rõ rệt. Bạn hãy nhìn lại 1 số sự kiện sau:

1. Năm 2019 khi xảy ra vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris, cộng đồng mạng toàn thế giới khóc than và lên hashtag cầu nguyện, quyên góp các kiểu. Nhưng những đám cháy rừng ở Việt Nam, Úc khiến hàng triệu hecta rừng và các loài sinh vật biến mất thì có mấy ai quan tâm?

2. Khi có xung đột vũ trang, khủng bố v.v. thì người ta chỉ khóc thương cho những quốc gia, những địa danh nổi tiếng. Còn nếu những sự việc kinh khủng đó xảy ra ở một xó xỉnh nào đó tên lạ hoắc, thì có mấy ai quan tâm?

Những sự kiện trên cho thấy sự quan tâm đến những điều to lớn của chúng ta từ lâu đã bị định hướng nặng nề bởi truyền thông, và hình thành nên một sự phân biệt đối xử không hề nhỏ trong tư tưởng của chúng ta. Chúng ta chỉ quan tâm thứ mà truyền thông muốn ta quan tâm, lo lắng cho người được truyền thông ưu tiên. 

Nhưng COVID thì khác. Bởi vì nó là một hiểm họa có thật, và sự hiện hữu của nó to lớn vượt quá khả năng bao che, tô vẽ của truyền thông.

Truyền thông phương Tây dẫu có cố tô vẽ thành tích của chính phủ, cũng không thể phủ nhận rằng số người chết của họ nhiều gấp mấy lần những quốc gia đã nghiêm ngặt phòng dịch như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan. 

Tất cả các quốc gia nhiễm dịch đều khiến chúng ta lo sợ như nhau. 600 nghìn người tử vong ở Mỹ, hay những bãi hỏa thiêu tập thể tại Ấn Độ đều khiến người Việt Nam và cả các quốc gia khác phải lạnh người. 

Tất cả chúng ta đều cần tới vaccine để đối phó với COVID

Lần đầu tiên trong 30 năm sống trên đời, tôi thực sự cảm nhận được sự đồng lòng của nhân loại khi họ sợ hãi một thứ gì đó. 

Những người làm chính trị có thể chày cối ngụy biện về việc COVID "chỉ như cúm mùa" (trích Donald Trump) hay có thể áp dụng "miễn dịch tự do" (của các chính phủ đã toang vì thả lỏng phòng dịch). Nhưng số đông nhân loại đang cùng nhau chống dịch và cùng nhau thay đổi nhận thức của những người còn lại, để mau chóng kết thúc cơn ác mộng này.

Trong những cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương, những con người tham chiến đều được trao một cơ hội để làm nên sự khác biệt, để tỏa ra thứ ánh sáng chói lòa mà sự an nhàn thời bình che giấu đi. 

Đồng dạng, cuộc chiến chống COVID này đã và đang trao cho mỗi một người trong 7 tỉ con người trên hành tinh này một cơ hội để sống khác đi theo cách tốt đẹp hơn. Tôi nhận ra rằng trong cơn khủng hoảng COVID, tôi biết quan tâm hơn đến những người bạn cũ từ khắp Châu Á, những người họ hàng đã lâu không gặp bên kia Thái Bình Dương. Tôi cũng dễ dàng cho đi sự giúp đỡ của mình đến các quỹ cứu trợ, các bạn bè đang gặp khó khăn vì sinh kế thời đại dịch. 

Còn bạn, Sunner đã kiên trì đọc đến đây, bạn đã sẵn sàng để quên câu nói "ăn rau muống không bàn chuyện thế giới" và bắt tay vào vạch ra con đường mới cho chính mình và cho cả nhân loại hay chưa?

#Covid-19

#Sun* phòng Covid-19