Người nhà Sun* và nỗ lực "nâng cao kỹ năng - tạo sự khác biệt"
Với sự phát triển không ngừng của thời cuộc, cùng tinh thần “Say yes” trước mọi thử thách, người Sun* luôn chú trọng việc học tập, nâng cao năng lực bản thân, chủ động tạo ra những giá trị khác biệt bằng việc không ngừng học hỏi và chia sẻ kiến thức tới mọi người xung quanh.
Để phát triển bản thân, mỗi người Sun* có những cách thức triển khai khác nhau. Ví dụ như tự tìm hiểu, tiếp thu kiến thức mới, tham gia các khóa học liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, học và thi chứng chỉ, hay nhiệt tình tham gia các hoạt động chia sẻ kiến thức, tạo môi trường để trao đổi, học hỏi từ các đồng nghiệp trong nghề… Cho dù đó là những định hướng như thế nào, các hoạt động đó cũng là những nỗ lực tuyệt vời để nâng cao năng lực cá nhân và góp phần mang lại giá trị cho tổ chức.
Không ngừng nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa điều đó, các Sunner dưới đây đã lựa chọn cho mình những “lối đi” riêng, họ đã và đang từng bước gặt hái được kết quả tốt đẹp.
Chứng chỉ về tay, “tậu” ngay kinh nghiệm
Dù đang làm việc ở vị trí nào, việc sở hữu cho mình các chứng chỉ liên quan đến công việc không chỉ giúp chúng ta học thêm những điều mới mà còn hỗ trợ, củng cố kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn. Chính vì thế, nhiều Sunner đã lựa chọn việc học và luyện thi các chứng chỉ từ cơ bản đến nâng cao để phát triển công việc của bản thân.
Là một QA leader với khối lượng công việc dày đặc nhưng Quỳnh Phương (CEV09) vẫn quyết tâm học tập và rinh về các chứng chỉ liên quan đến Tester. Tính đến thời điểm này, Phương đang sở hữu 2 chứng chỉ chuyên môn QA là ISTQB foundation và ISTQB Advanced level Test Manager. Bên cạnh đó, Phương đang luyện thi chăm chỉ để rinh về chứng chỉ ISTQB Advanced level Test Analyst.
Về lý do quyết định thi các chứng chỉ này, Phương cho hay: “Việc học thi chứng chỉ là điều quan trọng để mình có thể cập nhật và định hình lại kiến thức của mình về lĩnh vực QA, từ đó áp dụng những kiến thức mới nhất và các phương pháp thử nghiệm tiên tiến trong công việc hàng ngày của mình. Việc sở hữu chứng chỉ còn tạo ra những cơ hội lẫn thử thách mới trong công việc. Bên cạnh đó, bằng việc tham gia thi các chứng chỉ và chia sẻ trải nghiệm của mình, mình hy vọng có thể thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp khác trong lĩnh vực QA để chúng ta cùng nhau cố gắng và phát triển bản thân. Điều này sẽ tạo ra một cộng đồng QA chuyên nghiệp, mạnh mẽ, cùng nhau phát triển.”
Có thể nói, khó khăn nhất trong quá trình thi chứng chỉ chính là việc làm sao để cân bằng giữa công việc hàng ngày và việc học - thi. Đối với Phương, khi quyết định thi chứng chỉ cũng là lúc bản thân “get risky” nhất, bởi đây là giai đoạn tái hòa nhập sau một thời gian bận rộn với hướng đi khác để “comeback” và trực tiếp lead dự án lớn nhất của CEV09.
Phương chia sẻ: “Khó khăn là đấy nhưng với sự thúc đẩy mạnh mẽ và quyết tâm không bỏ cuộc, mình đã nỗ lực để thực hiện bằng mọi giá. Mình đã đặt mục tiêu học tập cụ thể từng chương học theo từng tuần để thực hiện từng bước chắn chắn để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, thật may mắn vì PSM và anh em dự án cũng tạo điều kiện để mình remote 1-2 ngày để giảm việc đi lại, tiện hơn cho việc học tập.”
Bí quyết học và thi chứng chỉ của Phương: - Tập trung lắng nghe các bài giảng và lưu ý những kiến thức trọng tâm - Làm bài tập đầy đủ theo nội dung từng tuần - Tìm hiểu thêm các kiến thức trên mạng - Làm bài test mẫu, luyện đề liên tục |
Phương nói thêm: “Các bạn nên học theo keyword vì khi làm bài tập sai ở đâu thì mình tập luyện ngay ở đó để nắm chắc kiến thức từng phần. Chúc các bạn thành công!”
Giữ vai trò quan trọng trong dự án, Nguyễn Ngọc (CEV06) vẫn không ngừng nỗ lực để nâng cao kiến thức của mình. Đó chính là lý do Ngọc đã thi và rinh về chứng chỉ PMI-ACP lúc tháng 1/2024 và đang bắt đầu ôn thi tiếp chứng chỉ PMP.
Theo Ngọc: “PMP trong ngành phần mềm nói riêng vẫn là một chứng chỉ thể hiện được rõ nhất khả năng về tư duy vận hành và quản trị dự án. PMP cho phép người sở hữu nó một sự tự hào về bản thân vì nắm trong tay những best practices được xây dựng bởi cộng đồng PM toàn cầu. Còn PMI-ACP là một trong những chứng chỉ quốc tế nổi tiếng và uy tín nhất về lĩnh vực quản lý dự án theo hướng Agile. Chính vì thế, mình quyết tâm chinh phục nó.”
Đối với Ngọc, việc học các chứng chỉ giúp tăng năng lực chuyên môn, mở rộng các mối quan hệ chất lượng và đặc biệt giúp quản lý dự án một cách khoa học hơn. “Trong suốt quãng thời gian học và thi chứng chỉ, mình sắp xếp học các lớp online buổi tối và ôn đề vào sáng sớm hoặc tối khuya để đảm bảo việc học đạt kết quả tốt. Bởi lẽ việc học yêu cầu phải tập trung liền mạch nên khoảng thời gian đó là phù hợp nhất. Còn ban ngày, mình vẫn sẽ dành toàn bộ tâm sức cho công việc dự án.” - Ngọc chia sẻ.
Ngoài những tips học và thi chứng chỉ thường được biết đến, Ngọc cho rằng các bạn có thể bắt đầu với việc "rủ người học cùng". Ngọc nói thêm: “Điều này sẽ giúp bớt nhàm chán trong suốt quá trình học. Đồng thời bạn nên đăng ký đóng lệ phí thi trên hệ thống để có chút “áp lực”, từ đó thêm động lực học hành hơn.”
Học tập không bao giờ có điểm dừng, vậy nên cô nàng Nguyễn Thúy (TPIV) đã liên tục tạo ra thử thách cho bản thân khi rinh về chuỗi các chứng chỉ ISTQB foundation, PSM I - Professional Scrum Master, Agile Tester, ISTQB Advanced - Test Manager.
“Bản thân mình là một người thích học hỏi thứ mới, mình nhận thấy kiến thức ngoài kia thật bao la rộng lớn và mình luôn hào hứng mỗi khi tìm hiểu một lĩnh vực nào đó. Khi là một Trainer, để có thể đào tạo ra những bạn QA giỏi, mình cũng cần phải trau dồi kiến thức bản thân và việc đạt những chứng chỉ này giúp mình tự tin hơn khi chia sẻ kiến thức cho các bạn. Bên cạnh đó các chứng chỉ giống như một thành tích nào đó mà mình đã chinh phục.” - Thúy cho biết.
Dự án bận rộn, deadline liên tục, thế nhưng điều đó vẫn không khiến Thúy chùn bước. Để luyện thi, Thúy thường tranh thủ ở lại sau giờ làm để ôn tập và học thêm vào các buổi tối. Về việc luyện thi, Thúy cho rằng học cái gì cũng cũng cần mẹo và một số mẹo Thúy đã áp dụng bao gồm:
- Luôn dùng mindmap để tổng hợp kiến thức, nó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn trực quan hơn và rõ ràng hơn về các vấn đề cần chú ý. - Phân bổ 30% lý thuyết, 70% thực hành: Thúy dành 30% thời gian học lý thuyết, sau đó 70% thời gian dành để ôn luyện đề và mỗi ngày sẽ hoàn thành 2 đề. - Khi ''cày'' đề, cần phân tích thật kỹ câu hỏi và đáp án, luôn đọc đáp án trước rồi mới suy luận vì nếu suy luận để chọn đáp án trước thì đến lúc đi thi sẽ dễ chọn đáp án sai theo cách mình đã suy luận trước đó. - Quan trọng nhất là đặt ra deadline cho bản thân bằng cách đóng tiền thi vì có mục tiêu về thời gian cụ thể, đừng nên để lâu vì càng để lâu thì càng lười và khó khăn khi thi. |
“Khi phong trào học tập tại Sun* nói chung và tại FCOV nói riêng đang trở nên rất mạnh mẽ, mình chợt nghĩ, nếu cứ tiếp tục như hiện tại thì bản thân sẽ thụt lùi về phía sau. Đây chính là động lực giúp mình đi đến quyết định đăng ký một khóa học về kế toán thuế.” - Đây là lý do thúc đẩy Diệu Hồng (FCOV) vào “con đường” học thi chứng chỉ kế toán thuế.
Chia sẻ rõ hơn về điều này, Hồng cho hay: “Khóa học đã giúp mình đào sâu các kiến thức về thuế, giúp mình tự tin hơn trong công việc. Ban đầu mình đăng ký học chỉ để biết thêm các phần hành khác, nhưng thầy giáo đã động viên cả lớp tham gia kỳ thi về cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Lúc đó, kiến thức mới thật sự ngấm vào người nên mình đã đăng ký thi và được cấp chứng chỉ hành nghề (một chứng chỉ khá quý giá trong nghề kế toán).”
Khó khăn hơn những Sunner đang còn độc thân khác, Hồng phải đối mặt với thử thách làm sao để cân bằng giữa công việc, học tập và gia đình. Hồng đã lựa chọn cách cố gắng hoàn thành tất cả công việc ngay tại công ty, sau đó về nhà chăm sóc gia đình và thời gian buổi tối là dành cho việc học. Ngoài ra, để có thể tiết kiệm thời gian đi lại, Hồng đã đăng ký khóa học online.
“Đối với mình, việc học khi mà bạn đã có gia đình và đặc biệt có con cái yêu cầu một sự quyết tâm cao độ bởi vì bạn có thể bị xao nhãng và dễ dàng bỏ cuộc bất cứ lúc nào. Vậy nên, mình đã tìm một người bạn đồng hành trong quá trình học và học theo một thời khóa biểu nhất định, luôn dành khoảng 2h online để cùng nhau ôn lại kiến thức, làm bài tập và sửa bài cùng nhau.” - Hồng cho biết.
Không dừng lại ở đó, Hồng đang tiếp tục học và ôn thi để cuối năm nay tham gia kỳ thi Chứng chỉ hành nghề kế toán. Hơn hết, theo Hồng, sự nỗ lực và thành quả đạt được một thứ gì đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Gương mặt trẻ đến từ CEV13 - Sunner Nguyễn Phượng cũng bắt đầu dấn thân vào con đường thi chứng chỉ và rinh về cho mình chứng chỉ ISTQB Foundation và một số chứng chỉ ngôn ngữ khác như Toeic, JLPT.
“Với ISTQB, mình nghĩ chứng chỉ này như là kiến thức nền tảng về các phương pháp, kỹ thuật và quy trình kiểm thử phần mềm. Do đó, quá trình học tập và chuẩn bị cho chứng chỉ ISTQB sẽ giúp bản thân phần nào củng cố và nắm vững kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm” - Phượng chia sẻ.
Nói về tips học thi của mình, Phượng cho biết: “Thực ra thì cũng không có tips gì hay bằng việc bản thân quyết tâm. Mỗi ngày mình học một chút, học được cái gì hôm đó thì mình ứng dụng thực hành ngay. Tích tiểu thành đại, chẳng mấy chốc bạn có một lượng kiến thức khổng lồ.”
Học tập hăng say, rinh kiến thức hay!
Nhiều Sunner chọn cách lan tỏa tinh thần học tập, kiến thức đến mọi người xung quanh bằng cách chủ động tổ chức các khóa học bổ ích trong và ngoài Unit. Người ta vẫn thường nói: "Cho đi là còn mãi", việc mình chia sẻ kiến thức tới mọi người cũng là một cách để củng cố tri thức của chính mình, góp phần xây dựng môi trường học tập văn minh và sự phát triển chung của tổ chức.
Là một chàng trai liên tục học tập để phát triển theo hướng làm DevOps, rinh 3 chứng chỉ AWS từ năm 2021 và bổ sung kiến thức chuyên môn liên tục bằng các khóa học online (Udemy, Educative,..), Đình Huy (CEV11) ngoài việc sở hữu “gia tài" chứng chỉ, còn là một cái tên tiên phong trong phong trào học tập tại Unit.
Cho đến hiện tại, Huy đã tổ chức nhiều hoạt động học tập chia sẻ kiến thức trong đơn vị của mình. Trong đó, những khóa training, sharing về Cloud cho anh chị em CEV11 và buổi Tech Art năm 2023 đã để lại nhiều ấn tượng thú vị nhất bởi khi ấy, Huy hiểu được mình đã và đang làm được những gì để tạo nên giá trị khác biệt.
Chia sẻ về quyết định tham gia vào các hoạt động sharing kiến thức của Unit, Huy cho biết: “Châm ngôn của mình là "cho đi chính là nhận lại", chia sẻ kiến thức cho người khác cũng là cách để củng cố kiến thức cho mình. Mình thấy nếu mình là người đi đầu, khơi gợi được niềm cảm hứng, động lực cho anh em để cùng học tập thì sẽ giúp Unit phát triển tốt về mặt technical.”
Với Huy, dù có những thời điểm công việc rất bận rộn nhưng khi có kiến thức hay, Huy sẽ luôn cố gắng thu xếp tham gia vào hoạt động sharing. Bởi lẽ những gì thú vị thì dù có x2, x3 thời gian cho nó thì không phải là vấn đề. Huy chia sẻ, anh may mắn được Manager tạo điều kiện thuận lợi để cân bằng giữa công việc chuyên môn và việc học tập của cá nhân, cũng như hoạt động lan tỏa kiến thức cho mọi người. Cho nên, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa", còn chần chừ gì mà không cùng nhau học tập tiến bộ.
Nói về bí quyết để học và phát triển bản thân, lan tỏa tinh thần chủ động học hỏi đến anh chị em đồng nghiệp, Huy cho hay: “Lúc xưa mình khá nhác học, nhưng sau khi hoàn thành một số khoá về AWS thì mình tìm được ra "đam mê". Giống như bạn crush 1 ai đó vậy, bạn sẽ luôn trong trạng thái muốn được "chinh phục". Việc học cũng vậy, khi thích cái gì đó bạn sẽ điên cuồng với nó, còn không thích thì có ép bạn cũng "say no". Nên tips của mình ở đây chỉ đơn giản là hãy cố gắng tìm tòi cái mới, học nhiều thứ để đi tìm kiến thức thích hợp với mình, rồi sau đó bạn sẽ tự biết phải học gì, làm gì để phát triển bản thân. Ngoài ra khi học xong thì cũng cần áp dụng vào dự án, bạn chỉ học rồi để đấy thì các kiến thức sẽ chỉ là quá khứ mà thôi.”
Tổ chức và hỗ trợ tổ chức hơn 20 buổi sharing chia sẻ kiến thức tại Unit, Chí Nhật (CEV12) luôn tiene phong trong phong trào học tập, phát triển năng lực chuyên môn tại Uni. Đặc biệt, Nhật luôn đồng hành cùng team Ruby CEV12 trong việc học tập, chia sẻ kiến thức định kỳ, góp phần giúp các thành viên trong team cùng nhau phát triển.
Nói về lý do khiến bản thân nỗ lực trau dồi và lan tỏa kiến thức, Nhật cho hay: “Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng, kiến thức là thứ nên được chia sẻ thay vì giữ cho riêng mình. Việc chia sẻ không chỉ là đang giúp những người khác có thêm một góc nhìn, thông tin mới mà còn là cơ hội tuyệt vời để củng cố sự hiểu biết thật sự của bản thân về chủ đề mà mình chia sẻ. Thông qua những cuộc đối thoại, tranh luận, trao đổi với mọi người mình cũng học được thêm nhiều kiến thức mới từ góc nhìn, kinh nghiệm của họ.”
“Với mình thì sự học là việc cả đời, một trong những việc quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân. Về mặt tập thể thì cũng thế, tập thể có nhiều cá nhân ham học hỏi, liên tục phát triển, cầu tiến thì ắt hẳn sớm muộn gì tập thể đấy cũng sẽ phát triển tương ứng. Đóng góp vào các hoạt động học tập của Unit là một trong những cách tốt nhất mình có thể làm trong khả năng để chung một tay xây dựng Unit ngày càng phát triển và vững mạnh hơn.” - Nhật nói thêm.
Dù công việc dự án bận rộn nhưng theo Nhật, nếu xem xét việc học tập, chia sẻ cũng là một phần nào đó đóng góp vào công việc thì tự khắc sẽ cân bằng được mọi thứ. Nhật cho biết: “Nhưng tất nhiên cũng sẽ có những thời điểm mà các đầu việc dự án trở nên quá nhiều, lúc đấy việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động chia sẻ gần như sẽ rất khó khăn. May mắn là CEV nhà mình có rất nhiều anh chị em nhiệt huyết với các hoạt động học tập, và cả sự tham gia hỗ trợ của LnD nữa. Mỗi người đóng góp một tay và cùng nhau duy trì tinh thần học tập cho Unit.”
Không đặt nặng bí quyết học tập nào, với Nhật, việc học và lan tỏa tinh thần học tập chỉ gói gọn ở điểm: đời sống này thì hữu hạn, những thứ bản thân muốn biết, muốn tìm hiểu thì rất nhiều. “Chính vì thế, nếu cứ để thời gian trôi qua vô nghĩa vậy thì sau này thứ chúng ta có nhiều nhất chỉ là sự tiếc nuối thôi. Học hành thì ấm vào thân, giờ các bạn muốn ấm hay muốn lạnh?” - Nhật chia sẻ.
Từng tự đặt cho mình những câu hỏi “Sự học có vùng cấm không?”, “Có ai không cần phải học?”, “Có cái gì là không thể học?”... Mỹ Linh (CEV06) đã tìm được cho mình trước rất nhiều lý do để ta viện cớ để trì hoãn việc học.
Linh cho rằng: “Có nhiều sự học bắt nguồn từ “đó là sở thích của tôi” “đó là sở trường của tôi” nên tôi thích học nhưng cũng có những sự học nó lại không dễ dàng như thế. Ví dụ như có một đứa Comter trái ngành, tập tọe bước vào IT, một câu code bẻ đôi không biết thì việc học chưa bao giờ là dễ dàng. Thế nhưng, vì muốn mang lại nhiều giá trị trị hơn, chúng ta vẫn nỗ lực học và lan tỏa việc học. Mình cũng thế!”
Có lẽ vì hiểu thấu sự quan trọng của việc học, ngoài việc trau dồi bản thân, Linh còn rất tích cực trong các phong trào học tập của công ty và Unit. Ngoài ra, Linh còn là một cái tên nhiệt huyết đi đầu trong các dự án coaching cho các thành viên bởi mục đích rất giản đơn, Linh hy vọng thay đổi mindset làm "Làm chủ sản phẩm", làm chủ cuộc chơi sẽ khiến cách tiếp cận vấn đề của mình thay đổi rất nhiều. Để nói về những hoạt động Linh đã tham gia đóng góp, chắc không thể đếm xuể.
Đối với Linh, việc học không chỉ giúp chúng ta mang lại giá trị mà còn bao hàm những “cái hay, cái đẹp" như học để hiểu đồng nghiệp của mình, để dễ dàng hỗ trợ đồng nghiệp và cho mọi người thấy mình đang nỗ lực để hiểu, cùng họ mang lại những giá trị “Awesome”. Theo Linh: “1 cây làm chẳng nên non, cùng với đồng đội của mình cùng phát triển sẽ giúp mình đi xa và mạnh mẽ hơn. Làm việc với người cùng mindset và skillset thì công việc chắc chắn sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.”
Ngoài ra, việc đóng góp cho sự phát triển học tập của Unit với Linh chỉ có lợi bởi nó sẽ giúp nâng cao năng lực của cả trainer và trainee. Từ đó chuẩn bị bước chạy đà để khi cơ hội tới là chúng ta cứ thế "tỏa sáng" vì thực tế cơ hội đến khi chúng ta thực sự sẵn sàng.
Linh chia sẻ: “Sharing kiến thức không phải gì đó to tát, không phải cứ làm seminar mới là sharing kiến thức, sharing hằng ngày trong công việc, cùng đồng nghiệp tiến bộ, góp phần vào thành công của dự án. Coi việc tổng hợp lại kinh nghiệm kiến thức của mình và sharing lại cho người khác cũng là cách bản thân mình chắc chắn hơn kiến thức và nâng cao năng lực bản thân cũng là 1 động lực không nhỏ. Lên kế hoạch, quản lý thời gian thật tốt cũng là skill cần có để ta tạo thêm nhiều giá trị hơn.”
Không nắm giữ bí quyết học nào mang tính cao siêu mà với Linh: “Khi gặp ai ham học, nếu có thể hãy giúp họ và hãy tiếp cận nó một cách vui vẻ, thành tâm nhất. Bởi suy cho cùng, học là để hiểu. Học là không có vùng cấm. Thay đổi cách tiếp cận sẽ giúp việc thu nạp kiến thức sẽ hiệu quả hơn. Như mình hiện tại, dù đã học tiếng Nhật rồi nhưng vẫn đang cày thêm tiếng Anh, biết PHP rồi thì có thế học Go hoặc bất kì điều gì mình thích.”
“Nỗ lực, kiên trì, biết mình cần làm gì, có thể làm gì và bắt tay ngay vào hành động”. Tin chắc đây sẽ là chìa khóa giúp chúng ta hoàn thiện bản thân từng ngày và tạo dựng kinh nghiệm, chuyên môn và uy tín cho chính mình.