Những người có thời gian kêu bận chẳng qua không biết sắp xếp công việc thôi!

Có một sự thật là những người càng quan trọng như anh CEO hay các Manager, Group Leader luôn ung dung, thong thả và chẳng mấy khi kêu bận. Trong khi đó, những member bình thường lại luôn đầu bù tóc rối với cả núi công việc chồng chất. Phải chăng sếp rảnh thật còn chúng ta bận thật. Tôi đã từng nghĩ thế, cho đến khi sếp nói với tôi rằng: “Đã bao giờ em tự hỏi tại sao mình lại luôn bận rộn như vậy?”.

“Chị bận lắm”, 

“Anh đang rất nhiều việc”, 

“Tớ còn phải chạy deadline gấp”,... 

Đây là những câu trả lời quen thuộc mà chúng ta vẫn thường nghe khi ai đó được yêu cầu làm việc gì. Đồng ý là ai cũng phải tập trung làm nhiệm vụ của mình nhưng có phải lúc nào công việc của bạn cũng bận rộn như vậy không?

Hẳn sẽ có người cho rằng “Khi muốn, bạn sẽ tìm cách. Khi không muốn, bạn sẽ tìm lý do”. Tôi lại nghĩ câu nói này chưa hẳn đúng. Không biết bạn có gặp trường hợp nào dù muốn, đã cố nhưng vẫn không tìm được cách không? 

Tôi thì đã từng. Đó là khi có quá nhiều nhiệm vụ, dù đã giải quyết lần lượt theo thứ tự ưu tiên nhưng vẫn không xuể, đặc biệt là những thứ rất ám ảnh mang tên “task gấp”. 

Tôi nhiệt tình như thế, cống hiến như thế, tại sao sếp vẫn cho rằng với khả năng vốn có, tôi chưa làm được nhiều việc như kỳ vọng? Chẳng nhẽ tôi cần phải có “ba đầu sáu tay” nữa sao? 

Vấn đề là bạn đã làm đúng cách chưa?

Câu nói của sếp khiến tôi thực sự phải suy ngẫm lại rằng, phải chăng mình chỉ đang “cần cù bù thông minh” hay do chưa có kế hoạch hợp lý để giải quyết công việc? 

Sếp “hồi còn trẻ” cũng đã từng giống tôi hiện tại khi dốc hết tâm sức vì đam mê, thể hiện nhiệt huyết một cách “vừa thừa, vừa thiếu”. Thừa vì đã làm rất nhiệt tình, hết mình tất cả các công việc mà bản thân cho rằng hữu ích và tuyệt vời. Nhưng lại thiếu trong mắt cấp trên vì đó chưa phải điều tổ chức cần. Nói giảm nói tránh là “hành động nhiệt tình + tư duy chưa đúng = không hiệu quả”. 

Sau khi đã trao đổi với leader, tôi nhận thấy có 4 nguyên nhân chính khiến chúng ta “luôn bận”: Tư duy chưa ổn, chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công việc mình đang làm, chưa tập trung và chưa phân bổ thời gian hợp lý. 

Tư duy là yếu tố quan trọng nhất quyết định thời gian hoàn thành task của mỗi người. Nhưng nó lại không phải thứ có thể thay đổi một sớm một chiều và tôi chắc chắn cần rèn luyện nhiều hơn.

“Chơi” với task khó là một cái lợi để rèn luyện tư duy. Bởi đây là lúc bạn học được cách tìm ra phương pháp, xử lý vấn đề, thường xuyên brainstorm với team, khả năng “nảy số” của bản thân sẽ dần được cải thiện. 

Vấn đề thứ hai, khi bạn hiểu rõ được tầm quan trọng của task mình đang làm có vai trò như thế nào cho tổ chức thì việc phân bổ thời gian, công sức sẽ rõ ràng và hợp lý hơn. 

Đứng ở góc độ nhân viên, hoàn thành task đầy đủ là tốt. Nhưng ở góc độ của mấy ông quản lý, họ muốn bản thân nhân viên nắm được việc mình làm có thực sự có ích cho tổ chức và tối ưu hóa khả năng của bản thân chưa! Đừng chỉ lao đầu vào làm những thứ không thật sự cần thiết.

Về vấn đề chưa tập trung ở đây tôi nhận thấy ở cả 2 yếu tố khách quan và chủ quan: các task giao cho bạn chưa tập trung và chính bạn chưa tập trung. 

Nếu do task chưa tập trung, bạn cần trao đổi lại với leader về công việc chính của mình. Còn nếu do bản thân bạn không thể toàn tâm toàn ý vào công việc đang làm thì đó là lỗi ở bạn. Hãy lên google và gõ từ khóa “Làm thế nào để tập trung hiệu quả”.

Vấn đề cuối cùng, làm sao để phân bổ thời gian hợp lý, chắc mỗi người đều đã tự có cách làm riêng và điều chỉnh sao cho phù hợp với công việc của mình rồi chứ?

Viết đến đây, tôi thiết nghĩ, để giải quyết được 4 vấn đề nêu trên, chúng ta cần đảm bảo 3 yếu tố: Tôn trọng thời gian, Đặt trọn tâm huyết và Làm việc đến cùng. Đó chẳng phải Core Value “Be Professional” của Sun* sao? 

Tôi nghĩ nếu chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những việc mà chúng ta làm, chắc cũng không đến nỗi quá bận đâu!

#Be Professional

#Core Value

#bận rộn

#chuyên nghiệp

#tư duy