Trần Vương (CEVC2): Cứ chờ đủ giỏi mới chia sẻ thì gần như không bao giờ là đủ

“Nếu một ngày mình không còn làm nghề này nữa, vậy 5 năm, 10 năm sau, mình còn lại gì để lo cho gia đình, để tự tin vào bản thân?” Đó là suy nghĩ từng làm anh Trần Vương – QA tại Sun* – thao thức nhiều đêm.

Khi biết về câu chuyện anh Trần Vương — QA tại CEVC2 — đang thực hiện hành trình 100 ngày chia sẻ kiến thức kiểm thử trên Facebook cá nhân, ban biên tập Sun* News không giấu nổi sự tò mò, háo hức chuẩn bị ngay một danh sách câu hỏi để khám phá hành trình đặc biệt này.

Không trả lời từng câu hỏi một, anh Vương điềm tĩnh phản hồi:

"Anh xin phép bắt đầu từ một câu chuyện cá nhân, có thể hơi dài nhưng đó là lý do cho hành trình này. Cũng có thể không khớp 100% với các câu hỏi, nhưng anh mong sẽ có những điểm kết nối với nhiều người."

Thế là, thay vì hăm hở “khai thác” theo kịch bản đã chuẩn bị, tôi khẽ gập sổ, dành một buổi trưa thật tĩnh để nghe anh kể về con đường của mình — được ghép lại từ những đoạn rẽ, va vấp và chiêm nghiệm, rất thật và đáng quý.

Động lực bắt đầu từ... những lần kinh doanh thất bại

Ít ai biết, trước khi quyết định theo đuổi con đường kiểm thử phần mềm một cách nghiêm túc, anh Vương đã từng đi qua hơn 10 lần khởi nghiệp thất bại, trải nghiệm đủ các mô hình kinh doanh từ spa, bán hàng cho đến những dự án nhỏ lẻ.

“Máu kinh doanh của mình có từ thời đại học. Có đêm 2-3 giờ sáng vẫn thao thức, vì được làm thứ mình thích. Nhưng rồi thất bại vẫn là thất bại.”

Năm 2019 là cú sốc lớn khi mô hình spa anh dồn công sức vào bị phá sản. Vẫn duy trì công việc tester song song, nhưng trong lòng anh bắt đầu xuất hiện những nỗi sợ rất… đàn ông:

  • Sợ lại thêm một lần thất bại, sau cả chục lần trước đó.
  • Sợ bản thân không đủ kiên trì theo đuổi đam mê đến cùng.

Những suy nghĩ ấy đeo bám rất lâu, khiến anh luôn tự đặt ra những giả định bi quan. Nhưng chính nhờ đó, anh dần hiểu ra hai bài học xương máu sau nhiều lần thất bại:

  1. Nếu không tìm được người hướng dẫn mà tự bước đi sẽ rất khó khăn, chặng đường sẽ rất dài và tỷ lệ thất bại sẽ rất rất lớn.
  2. Nếu không đi theo cái mà mình đam mê, không tìm được thứ mà bản thân khao khát thì mãi chỉ là dừng chân khi chặng đường còn chưa nhìn thấy đích.

Đến tháng 4/2022, sau hàng loạt va vấp, anh quyết định thử một điều mới: đứng lớp training kiểm thử manual.

“Lúc đó mình không nghĩ là ‘đi dạy’ gì đâu. Chỉ đơn giản muốn tìm mục tiêu mới, thử xem mình có chia sẻ lại được những gì đã học, đã làm không. 

Mình nhận ra nếu kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình mà không chia sẻ ra, chỉ ôm một mình thì sẽ đến lúc rơi vào tình trạng bị chững lại, nhất là thời điểm bản thân dừng ở cuối level này trước khi bước sang level mới. Nó giống như mình đứng ở ngã ba đường mà không biết lựa chọn đi hướng nào cho đúng, không ai chỉ dẫn, bước tiếp thì lại sợ không phù hợp”.

Anh bắt đầu tìm kiếm những bạn bè, người quen đang muốn chuyển ngành hoặc mới tìm hiểu testing để “thử nghiệm” vai trò người chia sẻ. Và rồi, từ những buổi đầu tiên còn ngượng ngùng, anh nhận ra: “Càng chia sẻ, càng thấy mình chưa từng hiểu sâu một số thứ tưởng như rất hiển nhiên.” - Anh Vương bồi hồi cho biết nguồn cơn khám phá ra đam mê “truyền lửa”.

Sau gần 2 năm “gọi tạm là đứng lớp cho oai”, anh bắt đầu nhận được nhiều phản hồi mà vừa vui lại vừa day dứt.
Nhiều bạn tìm đến sau khi từng học trung tâm, ôm về cả mớ lý thuyết mà không áp dụng nổi. Có bạn bỏ tiền học rồi chỉ vì một lần không làm bài hoặc lỡ mắc lỗi nhỏ mà bị loại khỏi lớp không lời giải thích. Rồi những chia sẻ ngổn ngang về thị trường ngày càng khắt khe, yêu cầu cao — thậm chí vị trí intern, fresher cũng đã cần tiệm cận junior — khiến không ít bạn mới ra trường, còn đang thực tập, hoang mang không biết ngành này còn tiềm năng không, khi job ảo nhiều, ứng viên ảo cũng nhiều, rồi lại lo AI lên ngôi.

Anh kể, nhiều lần lướt các bài đăng hỏi “Anh chị ơi, em sắp ra trường mà thấy bảo ngành này bão hoà, còn cơ hội không? Học sao để theo được?”, câu trả lời bên dưới thường chia làm ba nhóm:

  • “Đừng tìm nữa, ngành này giờ khó lắm, trái ngành còn chen chân được chứ giờ nộp CV rớt từ vòng gửi xe.”
  • “Em vào học khoá này, trung tâm kia đi...”
  • Và rất ít lời khuyên thực chất kiểu: “Bạn thử học cái này, cái kia xem, ngành nào cũng cần nền tảng cả.”

Thấy vậy, anh Vương quyết tâm phải làm điều gì đó lớn hơn — không phải chỉ cho vài bạn quen, mà cho nhiều người hơn nữa.

100 days sharing: Hành trình Aim High từ lời hứa với chính mình

Đến giữa năm 2025, anh quyết định làm một điều táo bạo hơn: một chuỗi 100 ngày viết bài chia sẻ về kinh nghiệm Kiểm thử trên Facebook cá nhân, với hy vọng không chỉ truyền đạt kiến thức kiểm thử, mà còn đúc kết cả hành trình, những thất bại, bài học, lẫn cách anh đã tự “test” lại chính bản thân.

“Mình chỉ nghĩ đơn giản nếu đã từng dạy miễn phí vậy tại sao không thử share miễn phí vì đâu có mất gì đâu. Ban đầu mình chỉ nghĩ làm cho cộng đồng nhỏ bạn bè và các “học viên” cũ cho dễ follow. Nhưng rồi càng viết, càng lan ra ngoài, nhận được nhiều inbox, nhiều lời cảm ơn bất ngờ”.

“Ban đầu mình cũng không dám đặt số 100. Nhưng nếu ít quá, 15-20 bài, thì lại không đủ sức ép để thực sự nghiêm túc. Còn nếu không đặt mục tiêu cụ thể, chắc đến ngày thứ 10-15 là mình đã tự cho phép dừng rồi, vì đâu có hứa gì đâu. Thà cứ Aim High — như công ty hay nói — rồi mình cố bám lấy.”

Chuỗi series đó không chỉ đúc kết kiến thức kiểm thử, mà còn kể cả hành trình, những thất bại, bài học, lẫn cách anh đã tự “test” lại chính mình.

Bạn đọc có thể tham khảo Chuỗi series 100 ngày kiểm thử với những bài học, va chạm và kinh nghiệm rút ra được trong quá trình từ khi bắt đầu đến hiện tại của anh Trần Vương tại ĐƯỜNG DẪN.

Khi được hỏi bí quyết gì để giữ được lửa lâu đến vậy, anh Vương cười hiền, chia sẻ một cách rất thật:

“Động lực thì anh không dám nói là mình đủ năng lực chia sẻ gì đâu. Anh chỉ có một cách vẫn đang áp dụng và thấy rất hiệu quả: cứ 1 tuần hoặc 10 ngày lại tìm một thứ gì đó — có thể là kiến thức, một việc làm, hay thậm chí một hành vi — mà trước giờ mình chưa từng biết, chưa từng nghĩ, chưa từng thử, rồi dành thời gian tìm hiểu nó.

Cứ lặp lại như thế. Hết giai đoạn đó mà không thấy thích thì bỏ qua. Nhưng chắc chắn sau một thời gian, sẽ tìm ra thứ khiến mình thực sự hào hứng. Khi đó mới thấy: hoá ra mình đâu vô dụng, chỉ là chưa tìm được thứ hợp.

Đến lúc đã thích rồi, việc học không còn là gánh nặng hay áp lực nữa, mà là tự giác. Nhờ vậy, mình luôn giữ bản thân trong trạng thái học hỏi không ngừng mà không thấy mệt.”

Khi chuỗi bài lan dần ra ngoài, anh nhận được rất nhiều phản hồi từ cả những người mới và những QA đã đi làm lâu năm.

“Có bạn đi làm 5-6 năm đọc xong nhắn, bảo hoá ra cũng có chỗ từng coi thường. Có bạn fresher bảo ‘đọc bài thấy đỡ sợ ngành này hơn hẳn’.”

Cũng có những câu hỏi đến từ các bạn junior hoặc thậm chí middle, làm anh nhận ra còn quá nhiều điều chưa từng thử.

“Ngay cả mấy mẹo nhỏ, thủ thuật, hay tip test UI bằng Figma, ban đầu mình cũng chỉ nghĩ ai cũng biết. Nhưng hoá ra có những bạn title senior mà vẫn chưa từng xài, chỉ vì công ty không yêu cầu.”

Đó là lúc anh nhận ra, chia sẻ không chỉ để người khác học, mà còn để chính mình không ngừng mổ xẻ lại kiến thức đã biết. “Nó giống như đứng trước gương, soi xem chỗ nào còn lờ mờ. Nhờ vậy mà chính mình cũng trưởng thành thêm.”

Những câu slogan "Ở đây không có gì để bán - chỉ có những thứ từng giúp tôi vượt qua" xuất hiện ở hàng trăm bài chia sẻ kiến thức kiểm thử

Chính lộ trình học tập của Sun* là chất xúc tác cho 100 ngày chia sẻ

Dù chuỗi 100 ngày chia sẻ kiến thức kiểm thử của anh Vương hoàn toàn là một dự án cá nhân, thế nhưng điều thú vị là: chính lộ trình học tập dành cho QA tại Sun* ở từng level — bộ competency framework mà công ty đang xây dựng, số hoá — lại trở thành chất liệu quý giá để anh sắp xếp chủ đề cho chuỗi 100 ngày chia sẻ, dẫn dắt người đọc đi từ “zero” đến fresher, rồi junior.

“Ban đầu mình cứ viết ngẫu hứng thôi. Sau mới lấy bộ competency QA ra làm khung, để dẫn dắt các bạn mới. Nhờ vậy người ta đỡ hoang mang, biết mình cần học gì trước.”

Khi được hỏi vì sao lại có động lực duy trì chuỗi chia sẻ dài hơi như vậy, anh cười hiền: 

“Mình nghĩ môi trường ở Sun* phần nào thúc đẩy tinh thần học hỏi đó. Không khí học tập luôn được đề cao và gắn liền với từng chặng đường mỗi một member đi qua. Điều này thôi thúc sự phát triển mang tính thi đua tích cực, tạo ra cộng đồng mình có thể soi chiếu, nhìn lại xem liệu bản thân đã đủ nỗ lực chưa. Đôi khi nhìn thấy người khác đạt được cái này cái kia mà khơi gợi tinh thần chiến đấu”. 

Hiện chuỗi chia sẻ đã đi đến ngày thứ 94. Anh Vương tin rằng "Ngoài kia có bao nhiêu người đang tập trung vào một mảng, một nhánh học rất sâu. Nếu mình chỉ học hời hợt thì luôn rơi vào tình trạng hỏi cái gì cũng biết nhưng thực ra chả biết rõ cái gì. Và chắc chắn sẽ bị thay thế”. Vậy nên anh chọn duy trì việc học hỏi, thử nghiệm, không phải để chứng tỏ giỏi hơn ai, mà để trở thành phiên bản không dễ bị thay thế nhất của chính mình.

Và môi trường Sun* với những con người luôn khao khát phát triển chính là nơi phù hợp để anh Vương – và nhiều đồng nghiệp khác – tiếp tục hành trình học hỏi ấy.

#văn hóa học tập Sun*