Vấn đề chưa bao giờ là rượu hay chuyện uống rượu, mà là ở người uống rượu!
Người Việt mình, bên cạnh truyền thống yêu nước nồng nàn, còn có một truyền thống uống rượu lâu đời. Rượu cùng trà, là hai loại thức uống từ xa xưa, có thể coi là thuộc phạm trù văn hóa của đất nước. Qua bài viết này, tôi hi vọng có thể giúp các ông (và cả vợ các ông), hiểu đúng về rượu và trả lại 2 từ “văn hóa” cho rượu thay vì là “rượu – 1 tệ nạn xã hội”!
Rượu trước tiên được dùng trong lễ nghi, “vô tửu bất thành lễ”. Và tất nhiên rượu là thức uống không thể thiếu trong đời sống thường ngày, khi gặp gỡ anh em, bạn bè, và đặc biệt là với những người ta coi là “tri kỷ”.
Ví như Nguyễn Du từng viết lúc nói về cuộc sống của Kim-Kiều sau ngày đoàn viên:
"Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên"
Hoặc ông viết về chính ý muốn của mình:
"Trăm năm thay đổi cuộc đời
Chỉ mong chai rượu không vơi đầu giường"
Thậm chí, Nguyễn Du còn uống rượu để thay đổi dung nhan tiều tụy:
“Đăng tiền đấu tửu khởi suy nhan”
(Trước đèn uống chén rượu cho mặt mày tiều tuỵ tươi tỉnh lên)
Không thể phủ nhận, đời sống văn hóa người xưa gắn liền với rượu. Thế nhưng, cách uống rượu của người xưa vô cùng tao nhã. Trong các cuộc rượu, họ uống vừa đủ để còn đọc thơ, bình thơ, ngắm trăng, xem hoa nở (nên mới có chăng “bầu rượu, túi thơ”), nhưng đến ngày nay, khi mà các anh không còn là “thưởng rượu” nữa mà thành “nhậu rượu”, say đứ đừ, mồm còn bận nôn thì lấy đâu ra thơ mà ngâm? Có lẽ vì thế mà bây giờ mọi người uống rượu ít đọc thơ hơn chăng?
Các cụ xưa có câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, các bợm nhậu ngày nay thường lấy đó làm lời bào chữa, để mang rượu ra làm thước đo bản lĩnh đàn ông. Nhưng sự thực là tôi chẳng thấy có cụ nào bảo phải uống say đến nôn mửa, đến “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” bao giờ? Các cụ cũng đầy những lời răn dạy về việc uống rượu:
"Rượu nhạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày."
Tiếc là bây giờ, thì các bợm nhậu thì chỉ nhớ đến câu:
"Rượu cũng từ gạo mà ra
Ta đây uống rượu cũng là ăn cơm"
Tác hại của rượu thì khỏi phải nói, ai cũng biết cả. Đặc biệt các bà vợ, vì thế ghét cay ghét đắng chuyện uống rượu của các ông, ghét cả đám bạn nhậu và ghét lây sang rượu.
Nhưng trên quan điểm của người viết, ngoài việc uống rượu say, còn rất nhiều vấn đề mà người ngoài chỉ nhìn vào 1 cách phiến diện không thể hiểu rõ được.
Trước tiên là về vấn đề “bị ép uống say”!
Các bà vợ không cho chồng đi uống rượu thường hay nói mấy câu như này: “Chồng em uống kém lắm, đi uống rượu toàn bị anh em ép uống, nên lần nào cũng say, em bực lắm…” Thật sự thì uống rượu chẳng ai ép nhau bao giờ. Các nhà Nho ngày xưa mời rượu nhau gọi là “chén tạc, chén thù”: Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”, vì thế ngày nay khi đi uống rượu ta thường thấy những cảnh kiểu “lúc nãy anh mời chú rồi, bây giờ chú mời lại anh đi”. Đấy, mời rượu nhau là một nét đẹp văn hóa, ấy thế mà giờ lại biến tướng thành mời rượu là ép nhau uống, rồi ông đã ép tôi thì tôi cũng ép lại ông.
Với kinh nghiệm uống rượu gần 10 năm của người viết, thì rượu là toàn ta tự cầm chén đổ vào mồm mình cả, có ông nào vạch mồm mình ra đổ vào đâu mà bảo ép? Việc say xỉn là do ta tự làm ra cả thôi. Ngay từ đầu buổi nhậu, chỉ cần ông bảo không uống được, tức thì sẽ chẳng ai bắt ông uống cả. Chỉ có là ông thấy mọi người uống vui quá, cái đầu không điều khiển nổi cái tay, nhấc chén rượu lên lúc nào không biết. Nên các ông (và cả vợ các ông) à, uống say, là do các ông không tự làm chủ được bản thân thôi, đừng đổ tại rượu, hay tại bạn!
Còn về vấn đề chính “uống rượu”, người viết phải thừa nhận, là nếu đã ngồi vào bàn nhậu, bạn nhất định phải lâng lâng 1 chút. Bởi vì 1 thằng tỉnh 1 thằng say không thể nói chuyện với nhau được đâu. Thằng tỉnh thì sẽ thấy: “Thằng này lảm nhảm cái gì đếch hiểu” còn thằng say thì thấy: ”Thằng này ngu vãi, nói mãi mà mặt vẫn ngơ”…. Đàn ông bình thường nói chuyện với nhau thì chủ đề sẽ là: phụ nữ, tiền, công việc, gia đình,… nhưng khi có chút men vào chủ đề sẽ đa dạng và phức tạp hơn nhiều: triết học, mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, vân vân và vân vân. Nếu bạn không có chút men, bạn sẽ không thể theo kịp câu chuyện trong buổi nhậu. Bạn sẽ không thể hiểu nổi tại sao đang từ chủ nghĩa xã hội, khoa học vũ trụ, tư tưởng Mác Lê Nin, giá trị thặng dư bóc lột giai cấp các ông ấy lại quay sang tranh luận xem ngực ai to hơn: Thúy Vân hay là Thúy Kiều. Nếu bạn không có chút men, bạn sẽ chẳng hiểu nổi tại sao câu chuyện lại buồn cười, tại sao ông kia kể chuyện lắm thế và tại sao thằng này mắt nhắm nghiền mà đầu lại gật lia lịa?
Bạn sẽ cho rằng đó là “rượu vào lời ra”? Không hẳn vậy, tôi không nói đến những kẻ nát rượu như thế, số này tôi cho là có rất ít, nhưng lại rất thường được mang ra làm hình tượng so sánh.
Thực sự khi có chút men vào người, bạn sẽ thấy cơ thể thả lỏng hơn một chút, đầu óc tự do hơn một chút, ngôn từ cũng dễ dãi hơn một chút, và chúng ta sẽ cởi mở hơn với nhau rất nhiều. Điều này đám phụ nữ không bao giờ hiểu nổi, họ chỉ thấy các ông chồng ngồi bá vai bá cổ thầm thì to nhỏ mà lại 2 ông cùng nói thì ông nào nghe? Họ đâu biết rằng nhu cầu được tâm sự của đàn ông cũng rất quan trọng, ở nhà lúc nào họ cũng phải nghe rồi, lẽ nào đến lúc “kỳ hữu phong” họ không được nói một chút?
Giống như vấn đề nữ quyền, chuyện uống rượu của đàn ông dường như đang bị nghiêm trọng hóa lên.
Vấn đề chưa bao giờ là “rượu” hay “chuyện uống rượu”, mà là ở “Người uống rượu”.
Chúng ta hay đổ lỗi cho rượu nhưng thực sự vấn đề là ở ý thức uống rượu ở mỗi người. Hình ảnh sâu rượu theo người viết đã lùi xa lắm rồi. Chuyện tửu lượng cao hay thấp chưa bao giờ là một vấn đề. Điều quan trọng nhất trong bàn nhậu đó là tất cả chúng ta đều say, anh tửu lượng cao anh uống nhiều, tôi tửu lượng thấp tôi uống ít, chỉ cần 2 ta cùng lâng lâng là được rồi. Chứ tôi say mềm người nằm vật 1 chỗ rồi thì lấy ai ra nghe anh tâm sự đây? Vì thế hãy uống rượu có trách nhiệm, uống tới khi chạm ngưỡng thì dừng (dĩ nhiên để biết khi nào là ngưỡng của mình thì bạn cần phải luyện tập khá nhiều!).