Bạn làm được? - Tôi làm khác!

Peer Pressure (Áp lực đồng trang lứa) là thuật ngữ không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt với giới trẻ ngày nay. Khi những câu chuyện về người trẻ thành công xuất hiện ngày một nhiều quanh ta, thì đâu đó, vô tình khiến Peer Pressure trở thành nỗi "ám ảnh tâm lý" với nhiều người. Hãy cùng lắng nghe quan điểm của người trẻ tại Sun* về Peer Pressure (Áp lực đồng trang lứa) và cách "sống khác" của họ nhé!

Peer Pressure - Áp lực đồng trang lứa là gì?

Cái tên nói lên tất cả, Peer Pressure là một thuật ngữ phổ thông thuộc chuyên ngành giáo dục, tâm lý học và được hiểu là áp lực đồng trang lứa. Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (tại đây), áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Nói đơn giản hơn, đó chính là cảm giác tự ti của bản thân khi không đạt được những điều giống hay tương tự với bạn bè xung quanh.

Nếu tìm hiểu sâu xa và kỹ lương hơn về Peer Pressure, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến áp lực đồng trang lứa, có người phân tích hội chứng tâm lý này theo tháp nhu cầu của Mashlow, có người chỉ ra rằng Peer Pressure cũng xuất phát từ những chuẩn mực của xã hội, càng hiện đại thì Peer Pressure càng khắc nghiệt. Mà cũng có người chỉ ra rằng, Peer Pressure sinh ra từ chủ nghĩa tập thể vốn có của người Á Đông và khao khát muốn được hòa nhập của loài người...Trong khuôn khổ của bài viết này, Ban biên tập sẽ chỉ đưa ra những góc nhìn tổng quan nhất về Peer Pressure để cùng Sunners chia sẻ một số quan điểm cá nhân về thứ áp lực vô hình này nhé!

Nói đơn giản: Peer Pressure chính là cảm giác tự ti của bản thân khi không đạt được những điều giống hay tương tự với bạn bè xung quanh (Ảnh: Internet)

Nhìn chung, thuật ngữ này chính ra lại rất dễ hiểu, nhất là Peer Pressure được đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại khi mà công nghệ hay mạng xã hội lên ngôi. Khi chúng ta tiếp xúc với quá nhiều tầng thông tin từ đủ mọi lĩnh vực và con người khác nhau, sự so sánh dựa trên những mối liên hệ tương đồng lại càng dễ nảy sinh. 

Ví dụ, chỉ cần vài lướt trên Facebook hay Tiktok, không khó để bắt gặp những bài viết có nội dung kiểu: "Mình đã kiếm 100 triệu/tháng ở tuổi 24 thế nào?", "Mình đã trở thành ông này/bà kia ra sao khi tuổi đời còn rất trẻ", "Tôi đã khởi nghiệp thành công với số vốn ít ỏi", "Tôi đã đạt 9.0 IELTS chỉ sau X tháng ôn luyện...", "Bạn bè xung quanh dùng 3 lỗ hết rồi...". Không thể phủ nhận, những câu chuyện kiểu như vậy, chỉ lướt qua thôi cũng đủ đọng lại trong suy nghĩ của nhiều người trẻ đang lập nghiệp như chúng ta những dấu chấm lửng và cảm giác bồn chồn đến lạ!

Ảnh: shironosov/iStockphoto

Nếu đã là áp lực đồng trang lứa, vậy thì chúng ta không thể khước từ sự thật rằng, Peer Pressure hiện diện ở đủ mọi lứa tuổi trong cuộc sống, khi mà ở đó luôn có sự so sánh hơn kém giữa những mối liên hệ tương đương nhau. Ngay từ khi chúng ta bắt đầu đi học, mở rộng mối quan hệ của mình cho tới khi ta già đi. Khi chúng ta còn là những đứa trẻ, áp lực có thể xảy ra với sự so sánh điểm số ở trường học, ở câu cửa miệng "Con nhà người ta..." của nhiều bậc làm cha làm mẹ. Hay khi chúng ta bắt đầu dấn thân vào môi trường công việc, mức lương nhận được hàng tháng hay sự thăng tiến cấp bậc lại trở thành một tiêu chí để đánh giá sự thành công của một người. Cứ thế, áp lực tự nhiên sinh ra và trở thành nỗi trăn trở của con người.

Mỗi lần đối mặt với áp lực ấy, chúng ta lại tự đặt câu hỏi vu vơ trong đầu: “Ủa rồi, tại sao mình lại không được như vậy?”, “Mình kém cỏi quá chăng?", "Phải chăng sự nỗ lực của mình là chưa đủ?". Cứ thế, những câu hỏi này gặm nhấm đi sự tự tin của chúng ta, cướp mất niềm tin vào bản thân và khiến chúng ta mệt mỏi cả tâm hồn lẫn thể xác.

Nghe chừng, Peer Pressure (Áp lực đồng trang lứa) có vẻ đáng sợ nhỉ? Nhưng, áp lực đồng trang lứa có thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với chúng ta không? Giống như 2 mặt của một đồng xu, nếu có mặt tiêu cực thì ắt Peer Pressure cũng có mặt tích cực nào đó. Vậy thì, áp lực đồng trang lứa sẽ không còn quá xấu xa nữa nếu chúng ta biết học cách nhìn nhận và khai thác những mặt tốt từ nó.

Sunner trẻ tự tin "sống khác"

Cái gì cũng có 2 mặt của nó cả, và Peer Pressure cũng vậy. Quan trọng là cái nhìn và mindset của mình về vấn đề như thế nào thôi.

Mình cũng đã từng là "nạn nhân" của Peer Pressure, lo lắng kết quả mình tạo ra không được như mong đợi, thua kém bạn bè của mình và đã thức cả đêm để chạy các project mà mình đã đảm nhận. Lần đầu tiên overnight để làm việc cảm giác nó lạ lắm, kiểu như mình đã khám phá ra được giới hạn bản thân không chỉ dừng ở việc học trên trường lớp hay là làm việc 8 tiếng/ngày. Theo mình, cái gì cũng có 2 mặt của nó cả, và Peer Pressure cũng vậy. Quan trọng là cái nhìn và mindset của mình về vấn đề như thế nào thôi.

Hữu Cường - HRV

Nếu chúng ta có một cái nhìn tích cực về cuộc sống, những lúc tuyệt vọng nhất chính là lúc những điều vĩ đại được tạo ra!

 

Chúng ta có thể bắt gặp Peer Pressure ở nhiều người, và mình cũng không ngoại lệ. Đặc biệt là vào giai đoạn vào năm cuối đại học như thế này, phải chứng kiến các bạn bè của mình đi thực tập chỗ này đi làm chỗ kia còn mình thì phỏng vấn tạch lên tạch xuống. Chán lắm! Cũng may nhờ các kinh nghiệm đúc kết được từ những thất bại đó và được Sun* trao cơ hội, mình đã vượt qua thời điểm khó khăn đó.

Là một người đã và sẽ tiếp tục trải qua áp lực của Peer Pressure trong những năm tới, mình nghĩ rằng, chúng ta phải học cách tự tin vào bản thân mình. Mỗi người đều có cho mình một thế mạnh riêng, chỉ đơn giản là xuất phát điểm của chúng ta khác nhau hoặc chỉ là cơ hội của chúng ta chưa đến. Vì vậy hãy cứ mặc kệ đời, kiên trì và hết mình rồi bạn sẽ vượt qua nó thôi.

Nếu chúng ta có một cái nhìn tích cực về cuộc sống, những lúc tuyệt vọng nhất chính là lúc những điều vĩ đại được tạo ra!!!

Văn Lai - CEV12

Những người ưu tú không đơn giản mà họ đạt được những thành tựu đó, họ cũng có cả một quá trình nỗ lực, thử sai, thất bại.

Để tránh việc dính vào Peer Pressure thì không chỉ bản thân chúng ta nỗ lực cải thiện từng ngày, mà nó còn cần sự hỗ trợ động viên, sự công nhận đến từ ngay cả những người thân thiết nhất, những người bạn bè đồng nghiệp. Bản thân mình từng dính lứu đến Peer Pressure nhưng mình đã được bạn bè động viên rất nhiều đế có hướng suy nghĩ tích cực hơn, ví dụ như "Làm từng bước nhỏ để đạt được mục tiêu lớn hơn", "Làm việc phù hợp với năng lực, và học tập nhiều hơn trong tương lai", hoặc được các bạn chỉ dẫn cho nên làm như thế nào. Chính bản thân mình cũng nhận ra những người ưu tú không đơn giản mà họ đạt được những thành tựu đó, họ cũng có cả một quá trình nỗ lực, thử sai, thất bại. Một khi mình đã nhận ra được điều này, mình đã có hướng suy nghĩ tích hơn rất nhiều, lấy lại được động lực cố gắng cho bản thân mình, bình tĩnh hơn trong mọi quyết định. Có lẽ đó cũng là một trong những điều tích cực mà Peer Pressure đem lại đó!

Anh Văn B - CEV03

Tập trung bước đi và tin tưởng con đường, kế hoạch mà bản thân đang theo đuổi, thành công sẽ sớm đến với chúng ta thôi

Không biết có ai như mình không, mỗi khi có một khó khăn xuất hiện trong cuộc sống, thì những khó khăn khác cũng lũ lượt kéo đến góp "vui". Mình rơi vào tình trạng Peer Pressure khi đang trong thời gian cuối tốt nghiệp. Cảm thấy tự ti lắm, chán bản thân mình lắm. Không rõ định hướng ra trường mình sẽ làm cụ thể công việc gì, hướng phát triển ra sao. Mình cũng tò mò tìm hiểu những lĩnh vực mà các bạn đó phát triển và thành công với suy nghĩ: họ làm được, mình cũng làm được. Nhưng khi đã "sở hữu" những luồng năng lực trầm cảm rồi, lại cộng thêm các tấm gương ưu tú cứ nổ liên tục thì...mảng nào cũng biết nhưng chốt lại chẳng biết mảng nào :(((

Chán nản lại không muốn chia sẻ với ai, sợ các bạn cũng rơi vào tình trạng như mình. Khoảng thời gian đó đúng là tồi tệ, kiệt quệ năng lượng. Cứ nghĩ đến việc khi nào mình có được chút thành tích như người ta là thấy mù mịt, không thiết làm gì cả. Mình đã phải tự động viên bản thân, cố gắng gác lại việc tìm hiểu những hướng đi khác để tập trung hoàn thiện đồ án và ra trường đúng hạn. Lúc đó, đấy là động lực duy nhất. Những thứ khác có hay không, không quan trọng. Trải qua cảm giác lo sợ khi đứng trước hội đồng, mình đã vui sướng vô cùng khi bảo vệ thành công. Chính những cố gắng của bản thân cũng đã giúp mình cầm được tấm bằng tốt nghiệp trên tay. Niềm vui sướng đó giúp mình có chút tự hào về bản thân. Ít ra, mình đã bước ra được cánh cổng đại học với tấm bằng. Có lẽ, cách tốt nhất để vượt qua áp lực đồng trang lứa là đặt mục tiêu chinh phục một thứ gì đó khó khăn, để cảm thấy bản thân mình không kém cỏi. 

Ngoài ra, nếu rơi vào tình trạng tiêu cực, "hãy xách ba-lô mà đi, đi thật xa...", biết đâu sẽ nạp lại đầy đủ năng lượng sống và làm việc hơn thì sao! Mặc dù đem lại quãng thời gian tồi tệ, nhưng nếu nhìn lại, dễ dàng thấy áp lực này cũng có mặt tố. Nó là động lực thúc đẩy chúng ta tìm hiểu, học hỏi để bắt kịp thời đại, không bị bỏ lại phía sau. Và để vượt qua nó, chúng ta cũng đã chinh phục được một khó khăn, biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Đây lại là lợi ích cao hơn so với "con người ta" đúng không nhỉ? Bé thì nghe xong để ngoài tai, chẳng mấy tiến bộ gì. Giờ thì suy nghĩ lại xuất phát từ bên trong, khó mà ngó lơ được. 

Hiện tại, mình đã có một công việc gọi là ổn định. Thi thoảng vẫn tự ti khi đọc được tin tức kiểu khởi nghiệp thành công, chủ quán cà phê khi 16-17 tuổi... Nhưng cũng vượt qua áp lực đấy nhanh thôi. Tập trung bước đi và tin tưởng con đường, kế hoạch mà bản thân đang theo đuổi, thành công sẽ sớm đến với chúng ta thôi nhỉ?

Đình Thái - CEV03

Mỗi con người là một cá thể, mỗi người có điểm mạnh và điểm yếu riêng và mỗi người đều có một giá riêng!

Mình cũng đã từng trải qua áp lực như này hồi còn đi học, khi mà bản thân mình học luôn yếu và chậm hơn các bạn rất nhiều. Thời gian đó khá mệt, bởi mình luôn suy nghĩ những điều khá tiêu cực, càng nghĩ càng khiến bản thân học khó vào hơn 

Thế nhưng với mình, Peer Pressure thật ra không xấu như mọi người nghĩ, mà theo hướng khác nếu có cái nhìn đúng hơn về Peer Pressure thì nó sẽ giúp mọi người có động lực phát triển bản thân hơn. Còn nếu các bạn liên tục suy nghĩ mình yếu kém hơn mọi người và chìm sâu vào suy nghĩ đó thay vì nỗ lực thì những suy nghĩ đó sẽ làm cho các bạn “chùn chân” không dám thể hiện bản thân, không dám nỗ lực vì luôn nghĩ là “mình chỉ có vậy” thì các bạn sẽ chỉ mãi dậm chân một chỗ thôi.

Để vượt qua được Peer Pressure và những cảm xúc tiêu cực từ áp lực này thì trước hết chúng ta phải hiểu hằng mỗi con người là một cá thể, mỗi người có điểm mạnh và điểm yếu riêng và mỗi người đều có một giá riêng. Ở 1 khía cạnh khác họ có thể hơn mình nhưng ở những khía cạnh mà bạn chưa nhìn ra thì bản thân bạn đang làm rất tốt. Khi hiểu rõ được bản thân mình thì hãy tập cho bản thân lối sống và suy nghĩ tích cực. Nếu mình yếu kém ở phần nào thì mình sẽ cố gắng, phải thật cố gắng nha để cải thiện bản thân đừng nản nhé. 

Và 1 điểm nữa cũng sẽ rất cần phải chú ý đó là tính khiêm tốn, như mình nói ở trên thì ai cũng có ưu điểm và nhược điểm, nhưng những ưu điểm này của mình chưa chắc mình đã giỏi nhất, bạn có chắc là bạn code giỏi hơn tất cả mọi người không? Bạn có chắc chắn là bạn đã test được ra hết bug của dự án không? Vậy nên chúng ta cần phải khiêm tốn để đánh giá đúng nhất bản thân của mình là tiếp tục học hỏi để mình có thể “làm mạnh hơn” ưu điểm của bản thân nhé!

An Khanh - TIV

Chẳng riêng gì áp lực đồng trang lứa, nhìn rộng ra một chút, trong cuộc sống lẫn công việc có đầy rẫy những áp lực vô hình khác nhau đang đè nặng lên đôi vai của chúng ta. Thế nhưng, hẳn bạn đã nghe câu nói này: "Áp lực tạo ra kim cương". Đúng, nếu nhìn vào mặt tích cực, mặt tốt của áp lực, nó sẽ tạo ra một động lực vô hình giúp chúng ta phát triển và chạy nhanh hơn trên chính đôi chân của mình. Chẳng thế mà áp lực đồng trang lứa hay bất kỳ loại áp lực nào khác cũng không còn đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ nữa rồi.

Thay vì cảm thấy bất an và mặc cảm vào khả năng của bản thân thì hãy trao cho nó một cơ hội - cơ hội được tin tưởng và phát triển, lấp đầy những khoảng trống trong năng lực bằng cách Go Fast những kiến thức, kĩ năng mới, Stay Focused vào những mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra và không ngừng Think Outside The Box, trải nghiệm những điều "vượt qua giới hạn" trong mindset của chính mình để tạo nên kim cương! Không phải tự nhiên 7 Core Values của Sun* sinh ra, hãy tận dụng kim chỉ nam này trong cả cuộc sống lẫn công việc, nó sẽ giúp chúng ta biến áp lực thành động lực, thành bạn đồng hành để mỗi ngày, bản thân chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, tự tin hơn và sẵn sàng tạo nên những điều awesome nhé!

#GenZ

#peer pressure

#áp lực đồng trang lứa