Biết những tips này ngay từ đầu, bạn sẽ chinh phục tiếng Nhật dễ dàng hơn!

Hi vọng bài viết này có thể tiếp thêm động lực cho những bạn đang vất vả học tiếng Nhật. Hãy nhớ rằng: Tiếng Nhật cũng như những người bạn Nhật, luôn trả công tương xứng với những gì mà bạn bỏ ra.

Như các bạn đã biết, với sự đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản cùng sự thịnh hành của văn hóa Nhật (anime, manga, cosplay, Kendo v.v.) tại Việt Nam, nhu cầu học tiếng Nhật đã tăng cao hơn bao giờ hết. Thế nhưng không ít bạn đã “ngã ngựa” ngay với bảng chữ cái Hiragana và Katakan, những ai có thể kiên trì vượt qua thì lại thấy chóng mặt hoa mắt trước hệ thống ngữ pháp phức tạp và những chữ Kanji nhiều nét dọc ngang vô cùng khó học.

Bản thân mình vì có định hướng du học Nhật Bản nên từ năm lớp 10 (16 tuổi) mình đã học tiếng Nhật 5 buổi/1 tuần, song song với học văn hóa. Thế nhưng, ngay cả khi xác định học để tiến thân trên con đường làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản, thì việc học tiếng Nhật cũng không hề dễ dàng. Trong bài viết này, mình xin được tổng kết những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình học tập tiếng Nhật, hi vọng nó có thể khiến môn tiếng Nhật bớt “khoai” hơn và giúp ích cho các bạn.

Vượt qua Hiragana và Katakana

Tiếng Việt hiện đại sử dụng bảng chữ cái Latin ( trong tiếng Nhật gọi là bảng “Romaji”). Ngôn ngữ phổ biến thứ hai tại Việt Nam là tiếng Anh. Thế nên khi bắt đầu vào con đường học tiếng Nhật, những kí tự tròn tròn xinh xinh của Hiragana hay những kí tự nhiều nét thẳng cứng cáp của Katakana là cơn “ác mộng” cho những ai có khả năng ghi nhớ hình họa kém (như mình).

Để khắc phục điểm này thì cách đơn giản nhất là siêng năng học tập, viết đi viết lại nhiều lần cho đến khi thuộc thì thôi. Nhưng cũng có một số cách khác dễ dàng hơn mà lại còn vui hơn, đó là sử dụng những trò chơi có tính trực quan.

Bạn có nhớ bộ phim "Conan: Bản tình ca đỏ thắm" không? Trong phim, nhân vật Kazuha, bạn gái của thám tử Hattori đã tham gia một trò chơi gọi là Karuta. Trò chơi này là một trò chơi dân gian của Nhật với luật khá đơn giản: Trọng tài sẽ đọc nội dung ghi trên tấm thẻ. Hai người chơi sẽ nhanh mắt tìm và giành lấy tấm thẻ có nội dung khớp với nội dung mà trọng tài đã đọc, vốn nằm lẫn trong vô số tấm thẻ trên mặt bàn.

Nếu trò Karuta trong phim Conan dùng thơ cổ để ra đề, thì trò Karuta phiên bản Hiragana/ Katakana lại đơn giản hơn nhiều. Ở cấp độ vỡ lòng của các bạn mới học tiếng Nhật, trên các tấm thẻ chỉ ghi những từ đơn giản, bắt đầu bằng các kí tự trong bảng Hiragana/ Katakana.

Trò chơi này vừa vui, vừa kích thích bạn nhớ lại các từ đã học để ghi điểm. Thế nên nếu cảm thấy mệt mỏi sau khi viết chữ, hãy kiếm một người bạn cùng chơi trò này với bạn nhé!

Một mẫu trò chơi Karuta dành cho Hiragana và Katakana

Làm quen với ngữ pháp cơ bản

Sau khi đã trầy trật qua được ải của bảng chữ cái, bạn sẽ được các giáo viên dạy cho các ngữ pháp trong tiếng Nhật. Bạn sẽ bắt đầu hoa mắt, chóng mặt khi nghe về khái niệm “động từ loại 1, loại 2, loại 3”, “động từ thể bị động/ thể cầu khiến/ thể bị cầu khiến” v.v. Các bài tập thực hành hội thoại ở các trung tâm luôn không đủ khi mà thời gian tập nói ngắn ngủi bị chiếm gần hết để các bạn suy nghĩ cách chọn thể chính xác cho động từ.

Để giải quyết tình trạng này, thì cách thức “đơn giản” nhất vẫn là tập đọc các câu mẫu, tự viết và đọc các câu sử dụng các ngữ pháp này đến khi trôi chảy. Thế nhưng việc học tập mà chỉ cắm mặt vào sách thường rất mệt mỏi, và không tạo cho bạn được sự tự nhiên trong giọng của mình.

Giải pháp cho vấn đề này là: Xem phim hoạt hình dành cho trẻ em của Nhật.

Với sự tăng cường về lượng và chất của các trung tâm tiếng Nhật, thì không quá khó để bạn tìm thấy những ấn phẩm như Doraemon, Nhóc Maruko, Naruto v.v. bằng tiếng Nhật. Việc của bạn là cứ xem và nghe, dù không hiểu cũng được. Đến khi bạn đã quen với những đoạn hội thoại này, thì tự khắc những ngữ pháp trong sách sẽ trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều. Khuyến khích xem những bộ có phân loại dành cho trẻ em, những bộ này thường có nội dung dễ hiểu, dùng nhiều Hiragana giúp các bạn dễ tiếp thu hơn.

Truyện tranh và phim hoạt hình về chú mèo máy Doraemon luôn là lựa chọn hàng đầu nếu bạn muốn làm quen với tiếng Nhật

Tôi có một cô bạn, cô ấy vừa học tiếng Nhật ở trường, vừa ở nhà “cày” anime và game tiếng Nhật. Chỉ sau hai năm trình độ của cô ấy đã qua mức N2 và tiệm cận N1, với một giọng tiếng Nhật khiến các giáo viên phải giật mình vì giống người Nhật quá. Có thể thấy, “trăm hay không bằng tay quen”, biến tiếng Nhật thành một phần cuộc sống sẽ giúp bạn sử dụng nó dễ dàng hơn rất nhiều.

Trường kì kháng chiến cùng Kanji

Khác với Hiragana và Katakana bị giới hạn trong một lượng kí tự nhất định, hay những cấu trúc ngữ pháp có qui tắc cố định, Kanji là một phạm trù rộng và trải dài suốt cuộc đời người học tiếng Nhật. Bạn chỉ cần hiểu một số ngữ pháp trọng yếu là đã có thể giao tiếp với người Nhật, nhưng nếu bạn không ngừng ôn tập, nghiên cứu Kanji thì bất cứ lúc nào cũng có thể nhảy ra một cái tên người Nhật hay một từ viết bằng chữ Kanji lạ mà bạn không thể đọc được (nhất là trong trường hợp đọc tài liệu chuyên ngành).

Phức tạp từ cách viết đến cách đọc, Kanji là “cơn ác mộng” cho cả người bản xứ.

Thế nên, Kanji có thể nói là phần “khoai” nhất trong tiếng Nhật. Nhưng một điều nghịch lý là nó cũng là phần thú vị nhất trong tiếng Nhật (theo ý kiến cá nhân của mình).

Lý do mình nhìn nhận như thế, là vì học Kanji trong tiếng Nhật lại là một cách để học tiếng Việt cổ, khi mà người Việt cổ sử dụng tiếng Hán. Chính quá trình học tập và đối chiếu phát âm, ý nghĩa của Kanji trong tiếng Nhật, lại củng cố thêm sự hiểu biết của mình về những từ Hán Việt. Mà cụ thể, xin được trình bày ở phần dưới đây:

Kanji (Hán tự) của tiếng Nhật lại có 2 cách đọc là On (dùng để diễn tả phiên âm) và Kun (diễn tả ý nghĩa). Đồng dạng, một kí tự tiếng Hán cũng có âm Hán Việt và từ thuần Việt để diễn tả ý nghĩa của nó.

Hán tự 

Phát âm 

Ý nghĩa

Âm On trong tiếng Nhật: すい (Sui)みず(đọc là “mizu”, nghĩa là  “nước”)
Phiên âm Hán Việt: ThủyNước (một loại chất lỏng, dùng để uống và sinh hoạt)

Âm On trong tiếng Nhật: てつ

(Tetsu)

くろがね ( đọc là “kurogane”, nghĩa là “sắt”)
Phiên âm Hán Việt: ThiếtSắt (một loại kim loại)

Bây giờ, nếu bạn nhìn vào những phần chữ in đậm trong bảng trên, bạn sẽ nhận ra chúng có phần giống nhau đúng không nào? Lý do là bởi cả hai cách đọc đều nhằm mục đích phiên âm cho một Hán tự gốc. Khi bạn tự nghiên cứu và phát hiện ra những điểm tương đồng này, thì quá trình tra cứu Kanji sau này sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Trong trường hợp bạn thấy một từ ngữ viết bằng Kanji nhưng lại không biết cách đọc trong tiếng Nhật của nó, bạn có thể từ phiên âm Hán Việt của từ đó, mà phỏng đoán ra phiên âm tiếng Nhật của nó rồi tra cứu trên từ điển. Cách thức này đặc biệt thích hợp với trường hợp đọc các văn bản có tính học thuật cao, nhiều Kanji trên báo, sách giấy (khi đó bạn không thể copy từ mà mình thấy vào smartphone/PC).

Ví dụ bạn không biết cách đọc tiếng Nhật của từ 小説 (tiểu thuyết).

Và bạn muốn suy đoán cách viết của nó.

Theo kinh nghiệm thì những từ “tiểu”, “thiếu” v.v. sẽ viết thành “しょう”( Shou) trong tiếng Nhật.

“Thuyết” sẽ có âm “Setsu”.

Cho nên “Tiểu thuyết” có thể là Shousetsu.

Và khi bạn gõ chữ “Shousetsu” vào các tool từ điển, chương trình sẽ hiện ra các gợi ý 小説 (tiểu thuyết)・詳説(tường thuyết)・章節 (chương tiết) v.v. Như vậy, bạn đã đoán đúng cách đọc tiếng Nhật của từ tiểu thuyết rồi!

Việc nghiên cứu âm tiết này không chỉ giúp tôi học tốt tiếng Nhật, mà còn giúp tôi thêm yêu văn hóa Việt, mà cụ thể là các văn bản cổ viết bằng tiếng Hán. Sau khi học Kanji trong tiếng Nhật, tôi vẫn hay tự thử sức mình bằng cách cố gắng đọc các văn bia ở các di tích lịch sử trên khắp đất nước Việt Nam. Mỗi khi đọc được một tấm hoành phi, một vài câu đối… trong lòng tôi lại thêm vui sướng vì đã gần hơn với những di sản của cha ông để lại.

Giờ đây mình có thêm sở thích nghiên cứu chữ Hán

Người ta nói mỗi khi biết thêm một ngôn ngữ, tâm hồn của bạn sẽ giàu đẹp hơn. Tiếng Nhật không chỉ mang đến cơ hội việc làm, mà nó còn xây dựng tính cẩn thận, dẫn lối tôi đến những kiến thức thú vị khác. Thế nên hi vọng bài viết ngắn này có thể tiếp thêm động lực cho những bạn đang vất vả học tiếng Nhật. Hãy nhớ rằng: Tiếng Nhật cũng như những người bạn Nhật vậy, luôn trả công tương xứng với những gì mà bạn bỏ ra.

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng