Bố đẻ vs. Bố nuôi: Ai là kẻ “cướp công Thạch Sanh”?
Nếu đã từng nghe qua vụ lùm xùm giữa hãng đĩa Big Machine Record và cô "gà cưng" cũ Taylor Swift, hay vụ kiện đình đám liên quan tới bộ truyện tranh "made in Vietnam" -Thần đồng Đất Việt, có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao Taylor Swift lại không hát lại các hit của mình ở American Music Awards khi được nhận giải Nghệ sĩ của thập kỷ? Tại sao chúng ta không còn thấy nhân vật Trạng Tí trong “Thần đồng Đất Việt” nữa? Không cần mất công Google để tìm kiếm, các bạn có thể tự trả lời những câu hỏi đó sau khi đọc bài viết này.
Xin chào các bạn, “Biệt đội bảo vệ công lý” của Sun* đã quay trở lại với câu chuyện về Sở hữu trí tuệ đây!
Trong các phần trước, chúng ta đã bước đầu làm quen với khái niệm Sở hữu trí tuệ và được thực hành core value “Think outside the box” - phá vỡ các ngộ nhận quen thuộc về quyền tác giả qua câu chuyện của Thánh Code, Záp Bơ và Văn Sĩ. Qua ba tình huống xoay quanh các nhân vật này, chúng ta đã phần nào nhận thức được mình là ai, mình ở đâu, mình có gì trong các tranh chấp về quyền tác giả.
Ở bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn vào quyền tác giả thông qua việc tìm hiểu hai nhóm quyền được xem như hai nhánh của quyền tác giả, đó là: quyền nhân thân và quyền tài sản.
Thánh Code và Công ty
Trở lại một chút với kỳ trước, hẳn các bạn còn nhớ, chàng Thánh Code của chúng ta đã viết ra sản phẩm phần mềm mang tên VIP5 nhưng lại chỉ ngậm ngùi mang danh “tác giả phần mềm” mà không phải “chủ sở hữu quyền tác giả của phần mềm”. Trong khi đó, Công ty của Thánh Code mới là bên có thể vỗ ngực xưng là chủ sở hữu phần mềm. Hiểu một cách dân dã, đứa con mình đẻ ra, mình là bố nó, nhưng nó lại chạy sang ở nhà ông khác, làm gì cũng hỏi ý kiến ông khác, tiền lương nó làm ra cũng đưa cho ông khác hưởng, cái danh bố nó còn để làm gì?
Liệu có phải Thánh Code đã bị “cướp công Thạch Sanh” một cách trắng trợn?
Vậy Thánh Code có quyền gì và Công ty của Thánh Code có quyền gì với VIP5?
Trước hết, để hiểu được quyền của Thánh Code và Công ty với VIP5, cần biết rằng quyền tác giả bao gồm hai nhóm quyền: quyền nhân thân (Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ) và quyền tài sản (Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ).
QUYỀN NHÂN THÂN | QUYỀN TÀI SẢN |
a) Đặt tên cho tác phẩm b) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng c) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm d) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả | a) Làm tác phẩm phái sinh; b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c) Sao chép tác phẩm; d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. |
Các quyền a, b, d thuộc nhóm quyền nhân thân sẽ luôn thuộc về tác giả/ nhóm tác giả và được bảo hộ vô thời hạn (Điều 27.1 Luật Sở hữu trí tuệ). Quyền c trong nhóm quyền nhân thân và toàn bộ nhóm Quyền tài sản có thể thuộc về tác giả/ nhóm tác giả hoặc thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả, tùy thuộc vào mối quan hệ và thỏa thuận giữa các chủ thể này.
Áp dụng vào tình huống của Thánh Code, nếu Thánh Code vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu quyền tác giả của VIP5 thì Thánh Code sẽ ôm trọn cả hai nhóm quyền trên, được tha hồ “tự tung tự tác” (trong khuôn khổ pháp luật) với cuộc đời của VIP5 và hiển nhiên Thánh Code cũng sẽ được hưởng tất cả các khoản tiền lời sinh ra từ VIP5 (Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ).
Tuy nhiên, như đã phân tích trong kỳ trước, Thánh Code chỉ là tác giả (bố đẻ) của VIP5 còn Công ty mới là chủ sở hữu quyền tác giả (bố nuôi). Khi đó, quyền lợi của bố đẻ và bố nuôi đối với VIP5 sẽ như sau:
Thánh Code (Bố đẻ) | Công ty (Bố nuôi) |
|
|
Như vậy, trừ khi giữa Thánh Code và Công ty có thỏa thuận khác, Công ty hoàn toàn có quyền hợp pháp được hưởng toàn bộ các khoản lợi ích vật chất từ VIP5. Trong khi đó, Thánh Code sẽ được hưởng các quyền có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần và một ngày nào đó, nếu VIP5 trở thành một sản phẩm nổi tiếng toàn cầu thì cái tên Thánh Code cũng sẽ vang vọng mãi với núi sông…
Thực tế, trên thế giới và cả ở Việt Nam hoàn toàn không thiếu những câu chuyện tương tự tình huống giữa Thánh Code và Công ty.
Taylor Swift và hãng thu âm Big Machine Record
Năm 2018 khi Taylor Swift rời hãng đĩa Big Machine Record (“BMR”), cô đã nghĩ mình có thể ra đi với gia sản là 6 album thành công vang dội và rất nhiều bản hit. Nhưng dựa trên những ràng buộc mà hãng đĩa đã ký kết với Taylor từ khi mới ra mắt, BMR tuyên bố dù cô không còn là ca sĩ thuộc quản lý của hãng nữa thì hãng vẫn có toàn quyền sở hữu các bài hát của cô. BMR thậm chí có động thái ngầm ngăn cản, không cho phép Taylor được biểu diễn chính những bài hát mình đã sáng tác, kể cả ở các lễ trao giải. Hãng thu âm này còn bán các bài hát của Taylor cho một bên thứ ba và Taylor không được hưởng bất kỳ khoản tiền nào từ những thương vụ này.
Mặc dù cộng đồng người hâm mộ của Taylor trên toàn cầu đều lên tiếng và gây sức ép đến BMR nhưng không thể thay đổi thực tế là BMR không sai về mặt pháp lý, dù theo luật pháp của Mỹ hay Việt Nam. Các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả - hãng thu âm BMR với tác phẩm (phần lớn là quyền tài sản) sẽ vẫn tiếp tục dù tác giả của tác phẩm đó - Taylor Swift không còn là nhân viên thuộc hãng nữa. Trong vụ việc này, hãng thu âm đã hiểu rất rõ quyền lợi của mình và dùng các công cụ pháp lý để thực hiện quyền của chủ sở hữu với các bản nhạc của Taylor Swift.
Họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị
Ở Việt Nam gần đây, cộng đồng mạng xôn xao với vụ tranh chấp kéo dài 12 năm giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị đối với các nhân vật chính trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”.
Trong thời gian làm việc ở Phan Thị, Lê Linh đã vẽ tổng cộng 78 tập truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”. Sau khi Lê Linh nghỉ việc, Phan Thị tiếp tục sử dụng 4 nhân vật mà Lê Linh đã sáng tác để cải biên và sử dụng trong các tập truyện tiếp theo cũng như trong các tạp chí/ấn phẩm mỹ thuật. Họa sĩ Lê Linh đã kiện tập đoàn Phan Thị để được công nhận là tác giả duy nhất của 4 nhân vật nói trên và yêu cầu Phan Thị không được phép sử dụng các nhân vật cải biên trong các tác phẩm của mình (Quyền d: Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trong nhóm quyền nhân thân nói trên). Với việc chứng minh được mình chính là bố đẻ chân chính của 4 nhân vật, Lê Linh đã giành chiến thắng trong phán quyết của Tòa án năm 2019. Công ty Phan Thị đã phải dừng việc cải biên hình ảnh nhân vật và xin lỗi công khai họa sĩ.
Có thể nói, quyền Sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật nói chung như một con dao hai lưỡi; hiểu về quyền - nghĩa vụ của mình sẽ giúp chúng ta bảo vệ bản thân và đôi khi kiếm được những lợi ích “nho nhỏ” từ “vốn tự có” - trí tuệ/óc sáng tạo của mình; ngược lại, không hiểu biết về quyền - nghĩa vụ của mình thì tự chúng ta đã biến mình thành “những chú cừu non” trên đồng cỏ, dễ dàng bị người ta cho lên thớt.
Hãy dành thời gian quan tâm và tìm hiểu pháp luật để ít nhất, dù không thể trở thành sói thì cũng sẽ là một chú cừu thông minh các Sunner nhé! ^^