Đừng đánh mất cơ hội khai thác loại tài sản này vì thiếu hiểu biết!

Là Sunner, chúng ta đang hàng ngày làm việc trong môi trường tràn ngập các sản phẩm sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ biết sáng tạo thôi chưa đủ, chúng ta cần phải cẩn trọng để không biến mình thành những kẻ ngộ nhận vì thiếu kiến thức về sở hữu trí tuệ.

Sun* là một Digital Creative Studio và mỗi Sunner là một Creator. Chúng ta đang làm việc trong môi trường sáng tạo. Mỗi dự án, mỗi sản phẩm chúng ta triển khai hàng ngày là những tác phẩm sáng tạo chứa đựng chất xám của chúng ta. 

Giữa những phút giây miệt mài bên phím code, có khi nào bạn bần thần tự hỏi: “Hàng tỷ tế bào thần kinh hoạt động hết công suất cho sứ mệnh lập trình kiến tạo tương lai này, ngoài việc đảm bảo cho ta một khoản cơm ăn áo mặc đều đặn hàng tháng, có đem lại cho ta lợi lộc, danh giá gì chăng?”

Mà diễn đạt theo âm hưởng luật pháp một chút, nó tương đương với thắc mắc: "Trong số các quyền sở hữu trí tuệ, quyền nào bảo vệ mấy chú phần mềm mà các ông coder ngày đêm cày cuốc?"

Câu trả lời là Quyền tác giả

Quyền tác giả được sinh ra để bảo vệ một cơ số loại tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, chuỗi bài viết này sẽ chỉ đề cập tới ba loại trong số đó, là những tài sản trí tuệ quen thuộc và gần gũi nhất với phần đông Sunner, đó là: chương trình máy tính, tác phẩm âm nhạc và tác phẩm viết. (Sunner nếu quan tâm có thể tham khảo danh mục đầy đủ các loại hình tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả tại Điều 14 Luật Sở hữu Trí tuệ.)

Để dễ hình dung, chúng ta hãy đặt mình vào ba tình huống sau đây. Trong mỗi tình huống liên quan đến một loại tài sản được bảo hộ quyền tác giả, chúng ta có thể mắc phải những ngộ nhận nào và nên hiểu sao cho đúng để không còn ngộ nhận?

Ngộ nhận #1

Tình huống:

Thánh Code là một nhân viên gương mẫu điển hình, một lập trình viên cực kỳ tâm huyết với nghề. Trong thâm tâm, anh chỉ đau đáu làm sao để mỗi ngày code nhanh hơn, giỏi hơn, tìm ra những giải pháp thông minh hơn, đẩy nhanh tốc độ dự án mà vẫn nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Vào một đêm OT cho dự án bước vào giai đoạn nước rút, giữa văn phòng hiu quạnh xung quanh hầu như đã tối đèn, ruột gan cồn cào vì bát mỳ tôm húp vội không thấm vào đâu, lần đầu tiên Thánh Code cảm thấy trong lòng có chút gì đó xao động lung lay. Lần đầu tiên anh ngờ vực sự cống hiến của bản thân với suy nghĩ: “Mình là thằng brainstorming. Những dòng code kỳ diệu này chảy ra từ bàn phím dưới tay mình và từ chất xám trong đầu mình. Sản phẩm rõ ràng là đứa con tinh thần của mình, còn mình rõ ràng là tác giả. Vì sao công ty/khách hàng lại trở thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm (tạm gọi là VIP5) do mình làm ra?"

Giúp Thánh Code không còn ngộ nhận:

Đối với tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả, có hai chủ thể liên quan là tác giả chủ sở hữu quyền tác giả. Và mỗi chủ thể lại được hưởng các quyền (nhân thân và tài sản) tương ứng. 

Trong nhiều trường hợp, hai chủ thể này trùng nhau, tức là, tác giả chính là chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 37 Luật Sở hữu Trí tuệ). Trong một số trường hợp khác theo quy định pháp luật, tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả (hai chủ thể độc lập với nhau) và đây cũng là điều Thánh Code thắc mắc:

Chủ sở hữu quyền tác giả là người/đơn vị giao nhiệm vụ/ký kết hợp đồng với tác giả: Thánh Code là nhân viên của công ty và lập trình sản phẩm phần mềm VIP5 là nhiệm vụ công ty giao cho Thánh Code. Trong trường hợp này, theo quy định, công ty được xem là chủ sở hữu quyền tác giả đối với VIP5, còn Thánh Code vẫn được coi là tác giả của VIP5. Công ty được hưởng quyền tài sản còn Thánh Code được hưởng quyền nhân thân từ VIP5, nên về cơ bản, quyền và lợi ích của các bên không va chạm nhau. (Điều 39 Luật Sở hữu Trí tuệ)

Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền: Như vậy, trong mối quan hệ giữa công ty IT và nhân viên của công ty đó, đã xác định được ông nào là chủ sở hữu quyền tác giả và ông nào là tác giả. Nếu như công ty của Thánh Code muốn bán VIP5 cho khách hàng A, hoặc VIP5 được sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng A, thì lúc này, quyền tài sản sẽ được chuyển giao từ công ty sang khách hàng A. Theo đó, khách hàng A trở thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với VIP5 (không còn là công ty nữa) và Thánh Code vẫn là tác giả của VIP5. Quyền và lợi ích của hai bên được giải quyết tương tự như trên. (Điều 41 Luật Sở hữu Trí tuệ)

 

Ngộ nhận #2

Tình huống:

Záp Bơ là một ca sĩ-nhạc sĩ hiphop nghiệp dư tự xưng. Anh thường lang thang trên các diễn đàn underground để thưởng thức các sáng tác hay và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp. Hôm đó, Záp Bơ vô tình phát hiện một chiếc beat rất hay, bắt tai và bắt trend âm nhạc hiện đại nhưng không hiểu sao lượt nghe và tương tác khá thấp. Thấy người sáng tác là MagicD, một cái tên đối với Záp Bơ chẳng có gì nổi bật, Záp Bơ tặc lưỡi nhấn nút download “mượn tạm” chiếc beat làm cảm hứng. Sau khi nhạc phẩm đầu tay của Záp Bơ ra đời từ cái beat mượn đó, MagicD liên hệ với Záp Bơ để đòi quyền tác giả. Záp Bơ không hề tỏ ra áy náy mà còn lên giọng thách thức: “Ô kìa, cái beat đó đã đăng ký quyền tác giả đâu?! Ai biết của ai mà đòi!” Nhưng có đúng như Záp Bơ nghĩ hay không?

Giúp Záp Bơ không còn ngộ nhận:

Theo quy định, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đó đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (Điều 6.1 Luật Sở hữu Trí tuệ). Việc đăng ký không phải là điều kiện để tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả. Đây là một đặc điểm rất khác của quyền tác giả so với các quyền sở hữu trí tuệ khác, khi không dựa trên việc đăng ký làm căn cứ xác lập quyền.

Trong tình huống này, ngay cả khi MagicD chưa làm thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho beat nhạc mình sáng tác, anh ta vẫn có quyền tác giả đối với beat nhạc đó vì beat nhạc đã được định hình vật chất. Việc Záp Bơ lấy beat của MagicD để sáng tác khi không được sự cho phép của tác giả (ở đây cũng đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả) được xem là hành vi xâm phạm quyền, và Záp Bơ có thể phải chịu các hình thức xử phạt tương ứng theo quy định của pháp luật. (Các hình thức xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể tham khảo tại Điều 199 Luật Sở hữu Trí tuệ.)

 

Ngộ nhận #3

Tình huống:

Văn Sĩ, bên cạnh “cần câu cơm” thiết kế đồ họa, còn rất đam mê văn chương. Ấp ủ tham vọng cho ra đời một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp tình cảm lừng lẫy văn đàn, Văn Sĩ đem tâm sự thầm kín này chia sẻ với người bạn Đạo Sĩ. Bên chén rượu ốc nồng ấm, Văn Sĩ thực thà dốc hết lòng dạ kể cho Đạo Sĩ toàn bộ bối cảnh, nhân vật, cốt truyện của cuốn tiểu thuyết chưa thành hình mà Văn Sĩ mới mường tượng trong đầu. Đạo Sĩ gật gù ra vẻ tâm đắc. 

Mấy tháng sau, trong khi chưa viết được chữ nào, Văn Sĩ cay cú phát hiện những chương đầu cuốn tiểu thuyết trong trí tưởng tượng của mình đã được đăng tải công khai trên một trang web dành cho các tay viết nghiệp dư, dưới tên tác giả là Đạo Sĩ. Bối cảnh này, nhân vật này, văn phong này..., tất cả giống y những gì Văn Sĩ hình dung và kể cho Đạo Sĩ cái hôm rượu ốc ấy, không khác một ly. Văn Sĩ giận tím người, thề non nước sẽ kiện đến cùng tên Đạo Sĩ vì tội “ăn cắp ý tưởng, ăn cắp chất xám, ăn cắp sản phẩm trí tuệ”. Nhưng Văn Sĩ có kiện Đạo Sĩ được không nhỉ?

Giúp Văn Sĩ không còn ngộ nhận:

Mặc dù như Ngộ nhận #2 đã giải thích, quyền tác giả được mặc nhiên bảo hộ mà không phụ thuộc vào việc đăng ký. Tuy nhiên, cái “mặc nhiên” ở đây là “mặc nhiên kể từ khi tác phẩm được hình thành”. Theo quy định pháp luật, căn cứ phát sinh quyền tác giả là kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định (Điều 6.1 Luật Sở hữu Trí tuệ). Nói cách khác, để được bảo hộ quyền tác giả thì trước hết phải có tác phẩm dưới định dạng vật chất đã. Ví dụ: mã code phần mềm phải được viết ra, phần mềm phải được ghi vào đĩa; bài hát phải được thể hiện bằng nốt nhạc và chữ viết; tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản… phải được thể hiện bằng chữ viết/ký tự trên bản mềm hoặc bản cứng…

Trong tình huống này, những ý tưởng về cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp đúng là chất xám, là thành quả trí óc của Văn Sĩ. Tuy nhiên, đen cho Văn Sĩ là đã kể cho người bạn xấu Đạo Sĩ khi cuốn tiểu thuyết còn chưa thành hình (chưa viết được chữ nào), đồng nghĩa với quyền tác giả của Văn Sĩ đối với tác phẩm chưa phát sinh. Không cần biết ý tưởng xuất phát từ ai, việc Đạo Sĩ nhanh tay viết và đăng tiểu thuyết trên trang web đã trở thành căn cứ pháp lý khẳng định quyền tác giả thuộc về hắn. Tình ngay lý gian, Văn Sĩ đương nhiên không có cơ sở để kiện Đạo Sĩ “ăn cắp ý tưởng”. Vì ý tưởng nằm trong đầu chúng ta đâu có được bảo vệ quyền gì. Chỉ có thể tiếc cho tấm chiếu mới Văn Sĩ còn quá ngây thơ nhẹ dạ (vì thiếu hiểu biết). Con đường đến với giải Nobel Văn học chắc còn xa.  

Sau bài viết này, có Sunner nào vỡ ra mình đã từng ngộ nhận, hay rơi vào những tình huống khóc không nổi mà cười không xong (một lần nữa, vì thiếu hiểu biết) giống Thánh Code, Záp Bơ hay Văn Sĩ không? Thực tế, tài sản trí tuệ là loại tài sản bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể sở hữu hoàn toàn bằng “vốn tự có” (là chất xám của chúng ta đó). Tuy nhiên, nếu không có kiến thức, bạn có thể sẽ bỏ lỡ việc khai thác các tài sản này, bỏ qua các quyền mà mình đáng lẽ được hưởng, hay trong một diễn biến trớ trêu nào đó lại vô tình vướng vào “vòng lao lý”, trở thành “đạo sĩ” và đền oan một đống tiền mà không hề hay biết.

Vì thế, điều nên làm là trang bị cho bản thân những kiến thức pháp luật nền tảng. Không phải mảng luật nào cũng khô khan và khó hiểu. Luật sở hữu trí tuệ ngược lại rất gần gũi, thiết thực và tác động nhiều tới công việc hàng ngày của các Sunner đấy!

Nếu có ai nghi ngờ rằng mình đang hiểu nhầm hay còn thắc mắc về các khía cạnh khác của quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung, hãy cùng chia sẻ và thảo luận dưới bài viết này. Hẹn gặp các bạn trong các số tiếp theo về chuyên đề quyền sở hữu trí tuệ!

Có thể bạn đã biết?

Quyền sở hữu trí tuệ là thuật ngữ để gọi chung tất cả các quyền liên quan đến các tài sản trí tuệ. Các quyền này được chia làm ba nhóm, mỗi nhóm quyền sẽ bảo vệ một số tài sản trí tuệ có cùng thuộc tính (Điều 3 Luật Sở hữu Trí tuệ), bao gồm:

Nhóm 1: Quyền tác giả và quyền liên quan

Quyền này dành cho: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

Nhóm 2: Quyền sở hữu công nghiệp

Quyền này dành cho: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Nhóm 3: Quyền đối với giống cây trồng

Quyền này dành cho: giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Như vậy, nếu một ngày đẹp trời ngồi trà đá vỉa hè với gấu, tình cờ gặp ông anh nào chém gió rằng quyền sở hữu trí tuệ là bản quyền hay những điều xàm xí tương tự, thì yên tâm đã có kiến thức nền tảng để phản biện và lấy le với gấu “anh không những trên thông IT mà dưới còn tường cả luật pháp”!

#luật sở hữu trí tuệ

#quyền tác giả

#Sun* Legal Group