Bố mẹ Sun* và cách gắn kết với con trong thời đại 4.0
Trong thời đại 4.0, việc trẻ em dễ bị cám dỗ bởi các thiết bị công nghệ thay vì giao lưu, kết nối với bố mẹ và những người xung quanh, đã và đang trở thành một vấn nạn. Rõ ràng, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trong thời đại này đang dần xuất hiện những "vết rạn". Các bố mẹ nhà Sun* dưới đây đã có những bí quyết hữu ích gì để duy trì mối quan hệ tốt đẹp bên con? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Ngô Gấm (CEV05)
"Để chính con sẽ là người khám phá ra sứ mệnh của đời mình"
Có 1 em bé tên Tôm (2 tuổi), chị Gấm luôn dành ra 6 tiếng ngày thường (lúc con thức dậy và sau khi đi học về) và trọn vẹn cuối tuần để chơi cùng với con. Các hoạt động đa dạng được chị và bé lựa chọn như: đọc sách, chơi trò chơi vận động ngoài trời, chơi các môn thể thao hay đơn giản là cùng nhau nấu ăn, dọn nhà, sắp xếp lại giá sách,... Mỗi phút giây ở bên cạnh con, chị Gấm đều dành trọn tâm trí để cùng con tận hưởng, hoàn toàn hòa mình vào thế giới của con và tận tâm mỗi khi làm điều đó.
Chị Gấm quan niệm rằng: "Cuộc đời của con là độc lập, song song với cuộc đời của cha, của mẹ. Mình không dạy con theo ý mình, mà tâm lý sẽ là luôn đồng hành cùng với con. Con trẻ học nhiều nhất từ bố mẹ, vì vậy bố mẹ hãy làm gương, sống hết mình với chính cuộc đời của mình. Luôn ở bên, hỗ trợ để chính con sẽ là người khám phá ra sứ mệnh của đời mình."
Bên cạnh việc đồng hành cùng con, chị Gấm cũng không ngừng trang bị cho mình những kiến thức phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của con, đến mỗi giai đoạn phát triển, chị hiểu hơn về tâm lý của con, để thấu hiểu và làm chỗ dựa khi con cần.
Khi đề cập đến câu chuyện công nghệ đang dần khiến các bạn nhỏ mất kết nối với môi trường xung quanh, chị Gấm cho rằng: "Nếu bố mẹ nhận thức rõ được việc để công nghệ làm chủ con hay con làm chủ công nghệ thì sẽ không còn lo sợ việc con mất kết nối với môi trường xung quanh nữa. Ở thời điểm hiện tại, mình luôn để em bé SAY NO với Tivi/Điện Thoại, thay vào đó sẽ ưu tiên sự kết nối giữa con và môi trường xung quanh, với gia đình, thiên nhiên, bạn bè,.... Mình tin rằng, khi bố mẹ thật sự hiểu mong muốn điều gì ở con mình, thì sẽ có những hoạt động để hiện thực hóa được điều đó. Nếu cứ phó mặc con cho ti vi, điện thoại thì việc các con chỉ kết nối với tivi, điện thoại là đương nhiên rồi!"
Để trở thành một đứa trẻ hạnh phúc, theo chị, mỗi bạn nhỏ đều rất cần sự cổ vũ, động viên của các bậc cha mẹ. Hãy dành cho con thời gian chất lượng thật sự. Khi con cảm nhận đủ tình yêu thương từ bố mẹ, nội lực của con sẽ mạnh mẽ lên rất nhiều và từ đó sẽ tự lớn lên mạnh khỏe cả về thể chất lẫn tâm hồn, như một cái cây có gốc rễ vững chãi.
"Con trai, hãy tự do làm những gì con muốn như con vẫn nói với mẹ nhé!
"Con hạnh phúc như ông mặt trời cười toe
Con mạnh mẽ như cây cổ thụ
Con bình tĩnh như một ngôi sao
Con sáng tạo như một đám mây
...
Mẹ cảm ơn Tôm vì đã đến và trở thành 1 người thầy vĩ đại nhất của mẹ!"- Lời nhắn của chị Ngô Gấm dành cho bé Tôm -
Bích Phương (GEU)
"Để con được phát triển tự do, phù hợp với tính cách của mỗi bé"
Chị Bích Phương (GEU), hiện tại đang là mẹ của hai bé gái ở hai độ tuổi khác nhau, bé lớn 14 tuổi, còn bé thứ hai 5 tuổi. Dù với tính chất công việc bận rộn khi là một giảng viên Đại học, chị Phương vẫn luôn dành thời gian của mình cho hai cô công chúa nhỏ.
Đối với cô bạn 14 tuổi, với những đặc trưng của độ tuổi thanh thiếu niên, chị luôn dành thời gian để có thể 'làm bạn' thực sự với con. Chị tận dụng mọi khoảng thời gian rảnh rỗi của mình để trò chuyện cùng bạn lớn, nhằm thấu hiểu hơn những sở thích, những suy tư đặc biệt ở độ tuổi này của con.
Chị Phương chia sẻ: "Đối với bạn lớn thì hai mẹ con thường trò chuyện về phim ảnh, về các hot news, hot trend thời gian này, hay cuốn sách nào mới ra lò, có phim gì hay. Cả hai mẹ con đều thích manga, anime, sách của Murakami… nên có rất nhiều chủ đề để nói chuyện cùng. Hai mẹ con còn thích đi mua quần áo, giày dép cùng nhau nữa."
Còn với cô bạn nhỏ thì chị Phương sẽ ưu tiên hai khoảng thời gian, đó là lúc con ngủ dậy và trước khi đi ngủ là luôn luôn phải ở cạnh con. "Bởi đó là thời điểm con cần sự quan tâm của bố mẹ nhiều nhất."
Thời gian cuối tuần cũng là khoảng thời gian chị Phương mặc định dành trọn vẹn cho các bạn nhỏ của mình. Chị thường đưa con đi thăm ông bà nội ngoại, sang thăm bạn bè, đi các khu vui chơi, mua sách…
Trong thời đại hiện nay, nhất là đối với bé lớn 14 tuổi, không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, gia đình chị Phương luôn giới hạn thời gian sử dụng những đồ công nghệ, đối với bạn nhỏ thì cần có bố mẹ bên cạnh xem nội dung hạn chế, còn bạn lớn thì sẽ chỉ phục vụ việc học tập và có giới hạn thời gian.
"Bản thân mình là người có nhiều thú vui, ngoài việc ôm máy móc, ví dụ móc thú bông, đan lát, vẽ, chụp ảnh, đọc sách..v..v...Chồng mình cũng hay làm đồ chơi cho con, chơi cùng con, hay làm đồ handmade. Vậy nên hai bé nhà mình thường không bị phụ thuộc vào công nghệ và không thiếu ý tưởng để "enjoy real life"."
Ở nhà, chị Phương cùng chồng và hai cô công chúa đã đặt ra một vài quy tắc nho nhỏ để mọi người giữ được mối quan hệ tốt đẹp, yêu thương nhau hơn. Đây cũng sẽ là một kinh nghiệm khá thú vị để các bố mẹ nhà Sun* tham khảo:
- Có 2 thời điểm là trước khi đi ngủ và lúc ngủ dậy, mọi người sẽ ở bên nhau, nói câu "Chúc ngủ ngon" và nói câu "Chào buổi sáng".
- Trước khi ra khỏi nhà cũng sẽ chào nhau, nói yêu thương. Khi về thì chia sẻ một vài điều vui/ không vui trong ngày của mình với các thành viên còn lại, không giữ trong lòng.
Mẹ yêu các con, vô điều kiện. Chúng mình ở bên nhau mãi nhé!
- Lời nhắn từ chị Bích Phương dành cho các con -
Phú Quới (CEV14)
"Mình tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con"
Là ông bố của 2 em bé, một em bé 2 tuổi và một bé chưa đầy tháng, anh Quới luôn dành mỗi ngày ít nhất từ 1h30p - 2h chơi với các con, dạy con nhận biết những sự vật xung quanh.
Với anh Quới, việc tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con luôn là điều mà anh tâm niệm trong quá trình đồng hành cùng con. Anh chia sẻ rằng: "Mình sẽ và luôn tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con, không ép buộc và nhồi nhét những kiến thức không phù hợp lứa tuổi của bé. Ngoài ra mình ưu tiên dạy cho bé cách yêu thương con người, yêu thương động vật, cây cỏ để bồi dưỡng tâm hồn cho bé trước khi dạy những kiến thức văn hoá."
Đối với anh Quới, trong thời đại 4.0, việc tiếp xúc với công nghệ là điều không thể tránh khỏi. Thay vì cấm cản, anh sẽ cho các con xem những điều bổ ích. Bên cạnh đó, anh cũng cân bằng giữa việc sử dụng các đồ công nghệ và tham gia các trò chơi vận động bên ngoài để xây dựng, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ.
Anh bày tỏ: "Mình không tuyệt đối cấm cản con tiếp cận các vật dụng công nghệ, nhưng mình chỉ cho phép bé xem những điều bổ ích, ví dụ như nhạc thiếu nhi, bài hát tiếng Anh vỡ lòng, ngoài ra mình chủ động ngồi xem cùng con và giải thích những hình ảnh xuất hiện trên màn hình là gì, để con học hỏi và nhận thức sự vật thông qua bài hát.
Ngoài ra mỗi cuối tuần, mình đều dành thêm thời gian cho con để đưa con ra ngoài chơi các trò chơi vận động như nghịch cát, cầu tuột, thả diều, cho con đi công viên ngắm chim, sóc, chó mèo... và dạy con gọi các con vật là bạn, để dần hình thành lòng yêu thương vạn vật cho con, vì độ tuổi vài năm đầu đời ảnh hưởng rất lớn tới tính cách của bé sau này. Kiến thức để đi học thì có thể từ từ dạy sau."
Diệu Trinh (CEV13)
"Tụi nhỏ lớn nhanh lắm, nên nếu có thể thì hãy dành thật nhiều thời gian bên con nha!"
Gia đình chị Trinh (CEV13) có một cậu bé 3 tuổi đáng yêu tên Gin. Mỗi ngày trong tuần, Gin đều đi học, từ tầm sau 5h đến 8h30h là bố mẹ mới có thời gian bên con. Chỉ có cuối tuần, nhà chị Trinh mới có "family time", dành trọn thời gian cho bé.
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, gia đình chị Trinh lựa chọn nguyên tắc NO PHONE khi mọi người ở cạnh nhau. Chị bày tỏ: "Tụi mình dành toàn bộ thời gian cho bạn ấy, với nguyên tắc NO PHONE (dĩ nhiên cũng có một vài lúc bọn mình phạm luật, lúc đó sẽ xin phép bạn ấy một chút). Sau đó, bố mẹ sẽ toàn tâm toàn ý chơi với bạn ấy. Cả 2 vợ chồng mình đều tâm niệm, trẻ con nhạy cảm lắm, mình quan tâm qua loa, không thật lòng là sẽ bị bắt bài ngay.
Thay vì sử dụng điện thoại, thi thoảng mình cùng chồng đón bạn ấy từ trường về sẽ cho ra khu nào rộng rãi chạy nhảy, đi xe đạp hoặc tập scooter. Về nhà thì mẹ hoặc bố sẽ chơi với bạn ấy, người còn lại nấu ăn. Xong xuôi thì cùng chơi, chơi những gì bạn ấy muốn, cuối cùng là đọc sách trước giờ đi ngủ. Tụi nhỏ lớn nhanh lắm, nên nếu có thể thì hãy dành thật nhiều thời gian bên con nha!".
Sẽ không có gì là tuyệt đối và cũng chẳng có phương pháp nào là hoàn hảo để giáo dục một đứa trẻ nếu chính bố mẹ không lắng nghe và hiểu con cần gì. Đó là một hành trình thú vị và đồng hành bằng tất cả trái tim, sẵn sàng hỗ trợ, che chở, trải nghiệm cùng con trên từng chặng đường của cuộc sống.
"Tụi mình luôn dành thời gian chơi cùng con, trò chuyện cùng con, cho con cảm giác an toàn để có thể nói hết ra những điều con nghĩ, những câu chuyện xung quanh con. Chấp nhận những cơn giận dỗi vô lý cũng như sẵn sàng tha thứ cho những lỗi sai của con trong giới hạn cho phép. Trước khi là người lớn, chúng ta đều là trẻ con, ai cũng phạm phải sai lầm, ai cũng một lần sợ bố mẹ giận mà lỡ nói dối. Do đó hãy nhớ về bản thân lúc trẻ thơ, để yêu thương, để cố gắng hiểu và đồng hành cùng em bé của mình.", chị Trinh chia sẻ.
"Làm bố mẹ" là một nghề vô cùng khó, chị Trinh cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn cùng con.
"Còn nhớ, Gin nhà mình rơi vào giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên 3", bạn ấy siêu siêu nhạy cảm và ẩm ương, với tất tần tật mọi thứ. Bạn ấy khóc từ sáng đến tối, đụng gì cũng khóc, đụng gì cũng chướng, lại còn combo biếng ăn, biếng uống với mọi thứ trên đời. Đó là cơn ác mộng thật sự đối với hai vợ chồng mình. Thêm nữa, vợ chồng mình đều là người nóng tính, nên giai đoạn đó thực sự là phải niệm thần chú suốt ngày đó! Đứa này mà có dấu hiệu muốn cáu thì đã có đứa còn lại ngăn ngay, cáu với bạn ấy thì tội nghiệp lắm!" - Chị Trinh chia sẻ.
Trong mọi hoàn cảnh, gia đình chị lựa chọn phương châm là để con được tự do thể hiện cảm xúc của mình. Khi con bình tĩnh lại thì "không một em bé nào từ chối cái ôm thật chặt của bố mẹ đâu, mình chắc chắn đó!"
Duy Văn (CEV03)
"Đừng để con bạn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình!"
Với điều kiện làm việc linh hoạt ở Sun*, ông bố Duy Văn (CEV03) luôn cố gắng dành 12 - 13 tiếng để vui chơi và giao lưu cùng hai em bé sinh đôi của mình. Là một ông bố công nghệ nhưng quan điểm của anh Văn luôn là hạn chế cho con tiếp xúc với công nghệ từ sớm, thay vào đó, đưa con khám phá nhiều thứ bên ngoài cuộc sống, đảm bảo cho cuộc sống của con trẻ vẫn vui vẻ ngay cả khi không có smartphone.
Về điều này, anh cho hay: "Chẳng hạn như khi xong việc ở công ty tôi sẽ tranh thủ dẫn con đi bờ hồ, hái trái trứng cá, cho con đi vẽ tranh, nặn đất sét, đưa đến công viên, nhà thiếu nhi, hay đọc sách truyện cổ tích cho hai em bé sinh đôi của mình chứ không cho xem điện thoại. Nghiên cứu khoa học chỉ ra việc nghiện một điều gì đó là biểu hiện của sự cô đơn, nghiện điện thoại cũng vậy. Đừng để con bạn phải cảm thấy cô đơn, nhất là trong chính ngôi nhà của mình!"
Trong quá trình đồng hành cùng hai cô công chúa nhỏ, anh Văn từ một người khó tính, nóng tính dần trở nên mềm mỏng hơn, biết cách quan tâm, chăm sóc đến các con. Đối với các con của mình, anh thưởng phạt phân minh với các hành động của con, luôn nghiêm khắc với con trong mọi tình huống, nhất là để cân bằng với sự chiều chuộng của người thân trong nhà. Đó chính là cách ông bố Duy Văn đồng hành cùng 2 bé con của mình học về mọi điều trong cuộc sống, một cách cởi mở và dũng cảm.
Kim Thanh (CEV06)
“Con cái chính là tấm gương phản chiếu cha mẹ”
Saboche, 18 tháng tuổi chính là em bé nhà chị Kim Thanh (CEV06). Mỗi khi xong việc, hai vợ chồng chị Thanh thường dành tất cả thời gian của mình cho con, cùng con khám phá thế giới.
Chị chia sẻ: "Cả nhà mình cùng đọc sách, vẽ tranh, kéo nhau ra vườn trồng cây, ra bãi cát gần nhà chơi xúc cát. Có khi, đơn giản chỉ là cùng nhau làm việc nhà như thu quần áo, quét nhà,… Thỉnh thoảng cuối tuần, gia đình mình sẽ rủ nhau đi uống nước. Bạn Saboche cũng ngồi nhấm hương dương với ba mẹ “như những người bạn”, 2 vợ chồng nhìn dáng ông “kễnh con” ngồi mà phì cười".
“Con cái chính là tấm gương phản chiếu cha mẹ”, đó là điều mà gia đình chị Thanh luôn tâm niệm trong quá trình dạy con, luôn cố gắng điều chỉnh hành vi và các thói quen của bản thân, để con có thể học được từ ba mẹ những điều tốt đẹp nhất.
"Giữ quan điểm này giúp bọn mình luôn tìm cách không ngừng hoàn thiện bản thân mình, và cũng giúp chúng mình bớt cảm thấy khó chịu, bực tức khi con có những thái độ, hành vi chưa phù hợp. Bởi trẻ nhỏ giống như miếng bọt biển, con sẽ “thấm hút” toàn bộ những thứ xung quanh con, tự con không trở thành như vậy được, chúng mình phải “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. - Chị Thanh bày tỏ.
Cậu bé Saboche đang trong giai đoạn khám phá, thích vận động, nên rất tò mò với mọi thứ xung quanh, nhiều lúc sự nghịch ngợm của bé cũng khiến cả nhà "tăng xông". Thay vì đổ lỗi cho con, gia đình chị Thanh lựa chọn học cách hiểu và chấp nhận con.
"Mình hiểu con là em bé ưa vận động, hiểu đây là giai đoạn khám phá, giúp con hiểu về thế giới xung quanh, mình chấp nhận con có thể làm một số điều không như ý ba mẹ, lúc ấy mình sẽ đồng hành để nói cho con hiểu về những điều nên và không nên. Khi con làm vỡ đồ, chúng mình có thể dạy con về khái niệm trạng thái đồ như thế nào là đồ bị vỡ, để con cảm nhận được cảm xúc buồn của cha mẹ khi món đồ quan trọng bị vỡ, để con hiểu lí do vì sao người lớn lại không muốn con chơi món đồ đó. Tất nhiên, để con hiểu không phải 1 sớm 1 chiều mà cần nhiều… bài học đau thương." - Chị Thanh hài hước kể lại.
2 vợ chồng mình cùng làm IT, nên cũng rất hiểu sự cám dỗ của công nghệ: "Thời gian bên con ít hay nhiều không quan trọng, quan trọng đó phải là “thời gian chất lượng”. “Chất lượng” ở đây nghĩa là, khi ở bên con, ba mẹ cần rời tay khỏi điện thoại, rời đầu óc khỏi công việc và các mối bận tâm khác, chỉ dành trọn tâm trí cho con. Khi đó, con mới cảm nhận được sự quan tâm thật sự của cha mẹ. Chúng mình cũng chỉ tương tác với con giống bao ba mẹ khác, như đọc sách cùng con, cùng con chơi máy xúc, tưới cây,… nhưng mỗi giây phút bên con, chúng mình đều dành trọn tâm trí cho bạn ấy. Mình tin rằng khi duy trì điều này, gia đình mình sẽ luôn giữ được sự gắn kết cùng con."
“Con cứ hãy phát triển, trải nghiệm thật nhiều như 1 chiếc cây mọc giữa thiên nhiên, tự giang tay đón nắng, đón gió. Ba mẹ sẽ luôn ở phía sau, như đất mẹ hiền hòa, nâng đỡ con.”
- Lời nhắn của chị Thanh dành cho bạn Saboche-
Thanh Tùng D (CEV03)
"Hãy để quãng thời gian tuổi thơ của con trải qua với thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ!"
Cũng giống như nhiều gia đình khác, ông bố Thanh Tùng (CEV03) cũng luôn cố gắng dành nhiều thời gian, đặc biệt là buổi tối mỗi ngày trong tuần và trọn vẹn cuối tuần để chơi với 2 cậu con trai của mình. Cả nhà cùng nhau đi lượn phố, đi siêu thị, cùng chơi đồ chơi, xem phim và học tập. Mọi khoảnh khắc của hai em bé đều có sự góp mặt của ông bố Thanh Tùng vui vẻ, với phương châm không cần phải là "con nhà người ta", không áp đặt kỳ vọng của mình vào con, để con được làm chính mình, đồng hành và trao cho con quyền quyết định trong mọi việc.
Trên hành trình đồng hành cùng hai cậu bé của mình, anh Tùng cũng đôi lúc phải loay hoay, nhưng cứ dần dần, bố mẹ và con cái cùng nhau thay đổi để phù hợp với nhau, xích lại gần nhau hơn.
"Hai bé nhà mình dễ mất tập trung, không kiên nhẫn, nghịch ngợm, bướng bỉnh, mình đau đầu lắm, không biết phải làm sao để con ngoan và nghe lời hơn. Sau quá trình "đau não", mình nhận ra bản chất của trẻ con là ham chơi và khó để tập trung vào những điều bố mẹ muốn, vậy nên, bố mẹ cần là người kiên nhẫn hơn để con thay đổi dần dần. Hay là kiên trì với chiến thuật "mưa dầm thấm lâu", không mưa thì chắc chắn không thấm, để con sửa lỗi dần dần. Và quan trọng, bố mẹ cần xác định lứa tuổi của con đang quan tâm hoặc cần gì để hỗ trợ kịp thời." - Anh Tùng chia sẻ.
Gia đình anh Tùng cũng lựa chọn hạn chế nhiều nhất cho con tiếp xúc với các đồ công nghệ thông minh, không muốn các bé bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, mà thay vào đó là chơi cùng con, giao lưu cùng con. "Xuất phát từ mục đích không muốn con bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, mình cùng vợ xây dựng nguyên tắc là khi về nhà chỉ đeo smart watch/band để nhận notification, chỉ trả lời những việc quan trọng, nếu không có thì auto không động vào điện thoại mà có thể mua sách giấy, truyện để đọc cùng con."
Cuối cùng, điều mong muốn nhất của anh Tùng đối với hai em bé nhà mình là:
Con hãy là chính mình, hãy làm những việc khiến con vui và đừng làm những việc khiến con buồn, vì mỗi chúng ta đều chỉ trải qua thời gian tuổi thơ một lần trong đời. Hãy để quãng thời gian tuổi thơ của con trải qua với thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ!
Minh Nhật (ISO)
"Ở cùng con, vui cùng con nhiều nhất có thể!"
Gia đình chị Minh Nhật với hai em bé (1 bé trai 8 tuổi và bé gái 1.5 tuổi), ngoài thời gian làm việc của bố mẹ, nhà đình chị thường cùng nhau làm tất cả mọi thứ. Chị kể lại: "Hai vợ chồng mình luôn cố gắng đưa các bạn tham gia vào các công việc sinh hoạt gia đình. Ông xã mình thường chạy bộ buổi chiều, lúc đấy cả bạn lớn và bạn nhỏ (bạn nhỏ thì được đẩy thôi) đều cùng được đi với bố. Khi cả nhà đã xong công việc cơm nước thì sẽ cùng nghe nhạc, cùng đi bộ".
Không chỉ làm mọi thứ cùng nhau, chị Nhật còn luôn cố gắng "lắng nghe, tôn trọng, tạo môi trường, cơ hội để các bạn nhỏ biết được mình yêu thích điều gì".
Cuộc sống của chị Nhật thực sự thay đổi kể từ khi các bạn nhỏ ra đời. Con đường đó luôn tràn ngập những cung bậc cảm xúc khác nhau, chỉ khi trải qua rồi, chị mới nhận ra chỉ cần không tự tạo áp lực lên nhau, mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn. Và chúng ta sẽ luôn tốt hơn phiên bản của ngày hôm qua.
Chị chia sẻ: "Chị luôn nghĩ cuộc sống của chị thực sự thay đổi kể từ khi các bạn nhỏ ra đời. Mình lo lắng học nhiều điều, từ lúc làm mẹ bỉm sữa, hiểu con mình, dạy con sao cho phù hợp với từng độ tuổi,... Nhưng rồi khi trải qua tất cả, mình suy nghĩ nó không phải là những khó khăn, nó chỉ là những bài học mà chúng ta - tất cả thành viên trong gia đình sẽ học cùng nhau. Và lời giải cho tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ tình yêu thương mà ba mẹ dành cho các bạn. Không ai ngay lần đầu đã tốt, mình tốt cùng nhau qua từng ngày. Mình học cách giải quyết các bài học này ngày một tốt hơn. Người lớn sẽ biết cách kiềm chế, biết cách lắng nghe, biết cách chia sẻ và tôn trọng. Mình cũng chưa tự tin để nói đã giải được bài toán của mình, chỉ dám nói là sẽ luôn cố gắng là phiên bản ba mẹ tốt hơn ngày hôm qua."
Bài toán sử dụng đồ công nghệ cũng là bài toán chung của gia đình chị Nhật. Cũng từng lạm dụng công nghệ để ba mẹ có thêm chút thời gian riêng cho bản thân, nhưng sau tất cả, chị đã rút được bài học sâu sắc mà có lẽ các bố mẹ thời đại 4.0 này đều nên cân nhắc.
"Thực sự mình cũng đã từng sai lầm, cũng đã có ích kỉ khi muốn có thời gian riêng cho mình mà hơi lạm dụng công nghệ lên con. Nhưng sau đó hai vợ chồng đã rút ra được bài học kinh nghiệm. Công nghệ có thể sẽ tốt cho con về sau này. Nhưng sẽ tùy vào thời điểm. Và với gia đình mình, thời điểm hiện tại khi các bạn vẫn còn nhỏ, chưa đủ nhận thức, mình vẫn sẽ chọn là bố mẹ truyền thống."
Thời gian trôi đi rất nhanh, sẽ đến lúc các con trưởng thành và có cuộc sống riêng. Chính vì thế, hãy ở cùng nhau, vui cùng nhau nhiều nhất có thể. Các con xứng đáng được yêu thương, được sự quan tâm của người lớn.
BA MẸ YÊU HAI ĐỨA RẤT NHIỀU!
- Lời nhắn của chị Nhật dành cho các con -
Có muôn vàn cách gắn kết cùng con mà mỗi ông bố, bà mẹ Sun* đều đang nỗ lực mỗi ngày. Khi môi trường hiện đại cùng những cám dỗ ngày một nhiều hơn, công việc làm cha mẹ sẽ ngày một khó khăn hơn, nhưng hiểu được con muốn gì và cần gì, tôn trọng và đồng hành cùng sự phát triển con, dành trọn vẹn tình yêu thương cho con, sẽ giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tốt hơn mỗi ngày.
Chúc cho các ông bố, bà mẹ ở Sun* sẽ luôn "vững tay chèo" trên hành trình cùng con trưởng thành nhé!