Bồn cầu trong thang máy, nhà tuyển dụng tặng quà ứng viên trượt... và giải thích không ai ngờ đến của người Nhật!

Không chỉ nổi tiếng bởi sự kỷ luật, trung thực... người Nhật còn được biết đến với những ý tưởng kỳ lạ, chẳng giống ai. Ví dụ như cách họ thiết kế những chiếc ghế ngồi kiêm bồn cầu trong nhà vệ sinh, ghế xoay 360 độ trên tàu, cống thoát nước sạch đến mức cá koi thoải mái bơi lội.... Điều gì đã khiến nước Nhật luôn 'bất thường' đến thế?

Trước khi nói đến những chuyện như bồn cầu trong thang máy thì hãy cùng nhau nhớ đến sự việc làm xôn xao cộng đồng mạng cách đây 1 tháng. Một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến cà chua như nước ép hoặc tương cà đã khiến nhiều người bất ngờ về cách hành xử 'đẹp như mơ' với ứng viên không trúng tuyển vào công ty này. Cụ thể, Kagome đã gửi tới ứng viên một bộ quà tặng bao gồm các sản phẩm của công ty đi kèm với bức thư cảm ơn đầy trân trọng. 

Một cách hành xử xuất sắc đến mức, Kagome đã nhận được vô số thiện cảm từ những người tuyển dụng và khách hàng, họ thậm chí trở thành một trong những thương hiệu được yêu thích nhất tại Nhật Bản. Dù luôn khiêm tốn đúng như tính cách của người Nhật khi tự nhận mình 'không có gì đặc biệt' nhưng hành động này của Kagome vô cùng ý nghĩa với những người bị loại. Nó cho thấy, ứng viên cần tiếp tục nỗ lực và còn quá nhiều điều phải học hỏi trong cuộc sống này. Còn về phía Kagome, họ không cần tiếp thị hoành tráng, mà chỉ cần cư xử theo một cách tử tế, chân thành nhất và đã gây được thiện cảm từ trái tim mọi người. 

Omoiyari - luôn nghĩ cho người khác

Thực tế, cách cư xử này đều có lý do của họ. Nó xuất phát từ những triết lý sống luôn được người Nhật theo đuổi hàng trăm năm nay. Đó là tinh thần Omoiyari - luôn nghĩ cho người khác. Tinh thần này dường như chi phối mọi hoạt động, suy nghĩ của người Nhật trong bất kỳ tình huống nào. Tư duy đó khiến người Nhật dù làm việc gì cũng Kaizen - cải tiến liên tục để mọi việc tốt đẹp hơn. 

Vì thế, đừng thấy bất ngờ khi bạn đi vào một thang máy ở Nhật Bản và nhìn thấy một chiếc ghế ngồi kiêm bồn cầu. Nguyên nhân khiến cho nước Nhật là đất nước duy nhất trên thế giới làm điều kỳ quặc này xuất phát từ việc, hàng năm có khoảng 17.000 người có thể bị kẹt trong thang máy khi động đất lớn xảy ra. Và những điều tiện lợi này sẽ là cứu tinh cho những người bị mắc kẹt trong những tình huống khẩn cấp. 

Chưa dừng lại ở đó, vì luôn nghĩ cho người khác nên người Nhật luôn tinh tế trong những điều nhỏ bé nhất. Vi như những chiếc ghế trên tàu có khả năng xoay 360 độ, để người ngồi có thể thoải mái di chuyển, xoay chiều ngang dọc để nói chuyện, giao lưu hoặc làm bất kỳ điều gì họ muốn, miễn là không ảnh hưởng đến người khác. Bên cạnh đó, ở những hàng ghế ba, chiếc ghế ở giữa sẽ rộng hơn hai bên một chút để người ngồi giữa cảm thấy thoải mái hơn khi bị kẹp hai bên. 

Chính những điều tinh tế như thế với suy nghĩ làm sao để cuộc sống tiện lợi hơn đã khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ Nhật Bản. 

Suy nghĩ khác biệt để mọi thứ tốt đẹp hơn

Là đất nước thường xuyên xảy ra động đất, lũ lụt, người Nhật luôn được giáo dục về tinh thần tiết kiệm tối đa. Vì thế, có cả tổ hợp các ý tưởng tuyệt vời được ứng dụng trong nhà vệ sinh. Ví dụ như những chiếc bồn cầu kiêm bồn rửa tay cực kỳ tiện dụng. Sau khi đi vệ sinh, mọi người sẽ rửa tay ngay phía trên nắp bồn cầu. Chính nước thải lại được sử dụng để xả nhà vệ sinh. Một công đôi việc, vừa tiết kiệm, tránh lãng phí nước sạch lại vừa gọn gàng.

Hay trong những khu nhà vệ sinh công cộng, để người sử dụng không phải tìm xem phòng nào còn trống, có cả một biển báo làm giúp họ điều này. Họ chỉ cần nhìn biển báo là biết phòng nào có thể sử dụng, không cần đi gõ cửa tất cả các phòng. 

Bên trong những nhà vệ sinh luôn gắn ghế trẻ em liền tường dành cho những ông bố, bà mẹ phải trông con. Họ có thể yên tâm kẹp con trên ghế và đi vệ sinh, mà không cần nhờ ai trông hộ hay để tạm con ở đâu đó. 

Điều kỳ quặc thú vị hơn nữa, những nhà sản xuất ở Nhật Bản còn nghĩ đến những tiểu tiết đôi khi chỉ xuất phát từ suy nghĩ có lẽ chưa bao giờ dám nói ra. Đó là việc họ thấy ngại khi đi vệ sinh mà phát ra tiếng. Vậy là một số bồn cầu ở Nhật được thiết kế chức năng phát tiếng ồn như tiếng nhạc, tiếng nước chảy để át đi những thứ tiếng nhạy cảm.

Quả đúng là nước Nhật, luôn nghĩ ra những điều mà nếu không đặt mình trong tâm thế của người dùng, khách hàng, luôn suy nghĩ cho người khác, thì không thể nào nghĩ ra. 

Xin lỗi vì tàu chạy sớm 25 giây và sự trung thực đến bất ngờ?

Chỉ vì khởi hành sớm hơn lịch trình 25 giây nhưng Công ty đường sắt tây Nhật đã phải gửi thư xin lỗi tới tất cả khách hàng và giải trình vì sự cố này. 25 giây ngắn đến mức nếu không nói ra, khó ai có thể biết. Nhưng người Nhật tôn thờ lòng trung thực, nó như thứ tính cách ăn sâu vào máu của mỗi người. Vì thế, việc xin lỗi xảy ra như điều dĩ nhiên.

Một du học sinh người Việt khi làm thêm ở cửa hàng Sushi Nhật Bản cho biết, dù là cửa hàng nhỏ nhưng yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm và thẩm mỹ rất cao. Trong một lần cắt tỉa lỗi các sản phẩm rau củ, vì lo lãng phí, anh đã tìm cách bày biện khéo léo che đi khuyết điểm. Thế nhưng, thay vì được khen thưởng do đã tiết kiệm cho nhà hàng, anh đã bị phê bình. Người quản lý cho rằng, trách nhiệm của họ là phải đưa đến khách hàng sản phẩm chất lượng nhất và yêu cầu anh này ngày mai phải nhận lỗi với ông chủ. 

Điều đó khiến cho người này bàng hoàng nhận ra rằng chữ tín, lòng trung thực không phải điều gì quá to tát, nó cần được nuôi dưỡng từ những việc nhỏ bé hàng ngày. 

Ví như ở Sun*, chúng ta có thể học hỏi điều đó ở  trong công việc, như lời hứa về deadline hay phát triển sản phẩm đúng chất lượng. 

Người Nhật luôn mang đến những điều bất ngờ với những sáng tạo không ai ngờ đến và suy nghĩ 'luôn nghĩ cho người khác'. Những điều đó đã góp phần tạo nên tính cách người Nhật và đưa Nhật Bản trở thành cường quốc như ngày hôm nay. 

#nhật bản

#tính cách

#suy nghĩ