Chuyện kể đằng sau những ý tưởng bị bác bỏ và cách đặc biệt mà các Sunners này hiện thực hóa chúng

Để đóng góp vào sự phát triển của tổ chức, bất kì ai trong chúng ta cũng có thể đưa ra những ý tưởng mới, tích cực cho môi trường làm việc của công ty, không cứ là quản lý hay một người giỏi giang, xuất chúng nào. Những gương mặt dưới đây là một trong số những Sunners, dù nhiều ý tưởng bị bác bỏ nhưng họ vẫn cởi mở và không ngừng nghĩ cách tốt hơn.

Thế Tiệp - Awesome Academy

"Mình từng đảm nhận vị trí quản lý bán hàng cho một shop nhỏ chuyên bán laptop khi còn là sinh viên. Để nhiều người biết đến shop hơn, có lần mình đề bạt ý tưởng tới giám đốc về việc tài trợ cho các canteen, cửa hàng ăn nhanh những hộp giấy ăn có gắn thiết kế và thông điệp của shop. Mặc dù, ngay khi ý tưởng được đưa ra, giám đốc đã phản đối bởi nghĩ rằng nó quá điên rồ và tốn thời gian, tiền bạc.

Lúc đó, mình cũng khá "bướng" và quyết tâm nghĩ cách khác bằng việc thử triển khai ý tưởng đó một mình xem sao. Sau 2 tuần tiến hành mua hộp giấy, thiết kế và đi in để gửi tặng các cửa hàng ăn lân cận, không một dấu hiệu khả quan nào. Nhưng phải sau 1 tháng đầu tiên cặm cụi làm, shop của mình mới bắt đầu có được lượng khách hàng đầu tiên qua hình thức truyền thông này. Tất nhiên, giám đốc đã ghi nhận và đồng ý để mình triển khai ý tưởng đó trên phạm vi rộng hơn."

Chàng trai đa tài của Awesome Academy - Thế Tiệp

Mọi ý tưởng đưa ra đều dựa trên một mục tiêu chung, đó là sự phát triển của tổ chức. Là một nhân viên mảng truyền thông tại Awesome Academy, Tiệp cho rằng, sáng tạo và luôn đưa ra những ý tưởng mới mẻ là điều kiện cần cho công việc. 

"Mặc dù ý tưởng có thể chưa đủ tốt hoặc thậm chí bị người khác ném đá, hãy cứ cởi mở chia sẻ và tiếp tục nghĩ thêm nhiều cách tốt hơn để hoàn thiện ý tưởng của mình."

Phú Quới - EUV3

"Đã có lần, mình đề xuất ý tưởng xây dựng 1 app giải quyết vấn đề đi nhờ xe của người dân, ví dụ khi 1 người đi từ điểm A tới điểm B, người đó có thể đăng kí lên app và tìm người đi cùng mình. Ai có nhu cầu di chuyển sẽ đăng kí để cùng đi, mức phí sẽ tương đương với tiền xăng, do vậy sẽ rẻ hơn Grab hoặc Goviet khá nhiều. Mặc dù ý tưởng đó khá hay ho nhưng do vấp phải vấn đề an ninh cho người dùng (nguy cơ bị cướp) nên cuối cùng bị mọi người bác bỏ. 

Trước khi nêu ý tưởng, mình nghĩ nếu giải quyết được khúc mắc nêu trên thì tính khả thi sẽ rất cao nên nhỡ khi ai có ý tưởng đảm bảo an toàn cho người dùng thì lập tức app có thể triển khai được. Hoặc, nếu một thời gian sau khi an ninh xã hội cải thiện, biết đâu ý tưởng này có thể được hiện thực hóa thì sao. Đó là lý do mình vẫn quyết định chia sẻ ý tưởng dù biết nó có thể bị bác bỏ"

Anh Phú Quới - EUV3

Mặc dù ý tưởng có lúc hay có lúc dở và việc bị bác bỏ hoàn toàn có thể xảy ra, anh Quới luôn tâm niệm rằng, thay vì im lặng một cách thụ động thì hãy mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình. 

"Có khi ta chỉ có một nửa ý tưởng, người khác có một nửa ý tưởng còn lại thì sao? Khi ta nói ra, lỗ hổng ý tưởng của mình được lấp đầy và khi ấy, rất có thể chúng ta sẽ có một ý tưởng hoàn hảo ấy chứ!"

Hữu Sử - EUV1

"Trước đây mình từng có ý tưởng thành lập một Coding House, bao gồm một team trẻ tuổi và chưa vợ con sống chung trong 1 căn nhà với nhau để ngoài thời gian làm task ở công ty thì chúng mình sẽ có thể ở nhà và trao đổi, chia sẻ kiến thức giúp nâng cao khả năng lập trình hoặc tạo ra 1 số ứng dụng góp phần giải quyết bài toán của xã hội. 

Khi trình bày vấn đề này, thực tế, hầu như ai cũng bàn lùi và lấy lý do: sợ không hợp nhau, sợ mệt, sợ không có thời gian. Mình chưa bao giờ có ý định dập tắt ý tưởng đó, thậm chí vẫn đang nung nấu từng ngày để thực hiện từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thuê nhà, máy móc code....tất cả đều nằm trong kế hoạch tương lai của mình!

"Mình không sợ đưa ra ý tưởng bởi mặc dù nghe có vẻ điên rồ nhưng ít nhất nó không sai về mặt đạo đức, pháp luật hay thuần phong mỹ tục. Những lúc bị bác bỏ, mình phải đặt ra câu hỏi tại sao và thử nghĩ cách tốt hơn cũng như hướng triển khai mới cho ý tưởng của mình."

Anh Nguyễn Hữu Sử - EUV1

Thất vọng và chán nản là những cảm xúc mà Sử cảm nhận được mỗi khi ý tưởng mình đưa ra không được mọi người xung quanh đồng thuận. Tuy vậy, chàng trai sinh năm 1996 này vẫn luôn giữ một niềm tin vững chắc vào ý tưởng của bản thân để từ đó không ngừng trau dồi và cải tiến thành những điều mới mẻ hơn nữa!

Thanh Tú - EUV3

Làm việc trong lĩnh vực IT, Tú đã từng đóng góp cho Framework Laravel bằng việc optimize performance cho những đoạn code chưa tối ưu của họ và giúp nó chạy nhanh hơn. Bắt nguồn từ đó, Tú chia sẻ ý tưởng đóng góp này tới đồng nghiệp, hầu hết mọi người đều không đồng thuận bởi họ chưa bao giờ nghĩ tới việc đào sâu vào sourcecode của các framework lớn trên thế giới, tâm lý ngại nghĩ, ngại chỉnh sửa và tốn thời gian vì nếu đã là những thứ có sẵn như framework được người khác xây dựng trước đó rồi thì tại sao chúng ta còn động vào làm gì!

Mặc dù ý tưởng ấy không được mọi người hưởng ứng, Tú vẫn cố gắng biến nó thành hiện thực và trau dồi bằng việc đọc hiểu sourcecode, tìm những chỗ có thể chỉnh sửa, cải thiện và gửi pull request. Tú đã gửi tổng cộng 42 pull request và được merge 27 pull request. Cho đến thời điểm hiện, Tú đang đạt thứ 46 trên bảng xếp hạng số commits Laravel Framework. 

"Ý tưởng nghe chừng "quái dị" ấy đã giúp mình học hỏi và nâng tầm kỹ năng coding của bản thân lên rất nhiều!"- Tú chia sẻ.

Anh Thanh Tú - EUV3

Theo Tú, mặc dù biết trước ý tưởng của mình có thể không được mọi người hưởng ứng và đồng thuận nhưng vì khát vọng muốn chứng minh bản thân, thông qua những thành quả mình đạt được từ ý tưởng đó sẽ truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh, Tú không bao giờ ngại chia sẻ. 

"Việc đưa ra ý tưởng/chia sẻ ý tưởng giống như công chiếu một đoạn trailer cho bộ phim sắp chiếu. Hãy biến ý tưởng thành hiện thực chứ đừng đợi chờ người khác ủng hộ rồi mới có động lực làm. Bộ phim hay hay không đều nằm trong tay bạn."

Đặng Duyên - Vietnam Education Unit

Khoảng quý 3/2019, team chị Duyên (VEU) có thay đổi nhỏ về nhân sự và chào đón nhiều thành viên mới nên cơ cấu team khá rời rạc. Lúc đó, chị Duyên đã nảy ra ý tưởng gắn kết team bằng việc áp dụng phương pháp personal map giúp các thành viên hiểu thêm về thói quen, sở thích và cuộc sống của nhau hơn. Nhưng nếu chỉ dừng lại tại đó, rất có thể mọi người sẽ dần dần quên lãng đi phương pháp này và việc gắn kết team sẽ không mấy hiệu quả nữa. Do vậy, một ý tưởng khác đã nảy ra trong đầu chị, đó là biến ý tưởng "gắn kết team" ban đầu trở thành một Objectives quan trọng và bắt buộc trong hệ thống OKRs của team với 2 Key results chính: 100% member tham gia Happy Acitivities (team-building ngoài trời, ăn uống, thể chất,...) và 100% members tham gia Happy Sharing (các thành viên ngồi thành vòng tròn và từng người chia sẻ về câu chuyện bất kì của bản thân). 

Khi ý tưởng trở thành OKRs, mọi người đều đồng thuận, có động lực và trở nên có trách nhiệm hơn với mục tiêu của team. Do đó, cuối năm 2019, cả team tổng kết và nhận thấy bản thân gắn kết hơn với team. 

"Mình vẫn tiếp tục duy trì OKRs và hiện tại đã đưa ra thêm nhiều ý tưởng vào OKRs để kết nối team, như tổ chức giải chạy trong team hay thuộc lòng đồng đội ca..vv.." - Chị Duyên chia sẻ.

Chị Đặng Duyên - Vietnam Education Unit
Team QA của chị Duyên

Chị Duyên chia sẻ rằng, tuy chị quan tâm đến phản ứng của mọi người khi tiếp nhận ý tưởng của mình, nhưng sẽ không thất vọng nếu bị ném đá.

"Trước hết hãy xem xét ý tưởng và nghĩ những cách tốt hơn để ý tưởng đó trở nên phù hợp với bối cảnh hiện tại. Dù ý tưởng có thể bị chê bai và phản bác nhưng hãy nghĩ tới những mục tiêu tốt đẹp đằng sau ý tưởng đó để thôi thúc bản thân nói ra thay vì im lặng."

Ngoài những gương mặt tiêu biểu này, ở Sun* vẫn còn đâu đó rất nhiều Sunners luôn tích cực đưa ra những ý tưởng tuyệt vời đóng góp cho sự phát triển của công việc, của tổ chức. Tuy nhiều trong số đó bị đánh giá "ngông cuồng", "điên rồ", "quái dị" để rồi bị ném đá hay bác bỏ, họ vẫn không ngừng trau dồi và nghĩ cách tốt hơn từ chính những ý kiến đóng góp của mọi người cho ý tưởng ban đầu của mình. 

#Think Outside The Box